Hà Nội
23°C / 22-25°C

“Tết ngược” trong kí ức vị Giáo sư “bát tuần xuân”

Thứ ba, 08:00 13/02/2018 | Xã hội

GiadinhNet - Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng con người ấy, vị bác sỹ mà tôi luôn ngưỡng mộ vẫn không ngơi nghỉ công việc. Ông là GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch, người thầy thuốc nổi danh với hàng loạt danh hiệu và giải thưởng cao quý: Nhà giáo Nhân dân; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy chương Vì sức khỏe Nhân dân… Câu chuyện về những cái “Tết ngược” trong kí ức của vị Giáo sư “bát tuần xuân” mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả.

Kỵ mỗi chữ… “nhàn”

Đã bước qua tuổi bát thập cổ lai hy (tám mươi xưa nay hiếm), nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫm, hiệu suất làm việc không khác gì một thanh niên trai tráng. Vậy đâu là bí quyết thưa ông?

- Có thể bạn không tin, nhưng bí quyết duy nhất của tôi là làm việc, làm việc không ngừng. Nó giúp tôi không có thời gian để nghĩ mình già và cho phép mình trì trệ. Công việc là đam mê của tôi. Ở cái tuổi này, có đam mê là có hạnh phúc. Trong vô số thứ đam mê có hại thì tôi chỉ đam mê cái có lợi cho mình và cộng đồng là làm việc (cười). Thử hỏi như thế thì sao tôi không khỏe mạnh được cơ chứ?

Sau khi về hưu, ông làm việc dường như nhiều hơn, lại kiêm thêm đủ chức vụ như Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Trưởng ban kiểm tra Tổng hội, Ủy viên thường vụ Hội tiêu hóa… làm việc tại các bệnh viện lớn của Hà Nội. Liệu có lúc nào ông thấy mình quá “tham” việc không?

- Với nghề y chúng tôi thì chẳng ai nghĩ mình về hưu là nghỉ làm việc cả. Tôi lại chẳng bao giờ có khái niệm nghỉ hưu trong đầu. Khi được giao nhiệm vụ, tôi thấy mình được tin tưởng hơn nên càng phải cố gắng hơn. Cũng vì thêm “chức” không thêm quyền nên tôi luôn phải làm thêm giờ. Khi nhận làm việc tại khoa khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tôi phải khám cho 30 bệnh nhân, ai cũng e ngại cho tôi, tôi cũng thấy tần suất khám bệnh trong ngày khá nhiều, ngày nào cũng khám, ngày nào cũng về nhà khi phố đã gần lên đèn, nhưng sau mỗi ngày như thế tôi lại thấy vui mà không thấy mệt. Đó là lý do mà tôi thấy cơ thể mình chấp nhận làm việc với tần suất cao được. Tôi không hề từ chối nhiệm vụ nào, làm thêm giờ bất kể ngày nào. Hiện ngoài công việc khám bệnh hằng ngày ở các bệnh viện, còn có các công việc của Hội, Tổng hội thì tôi còn tham gia đào tạo tại các trường Đại học Y Hải Phòng và Học viện Quân y, Đại học Y Thái Nguyên.


GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch (ngoài cùng bên phải) tư vấn cho người nhà bệnh nhân.     Ảnh: TG

GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch (ngoài cùng bên phải) tư vấn cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: TG

Với khoảng thời gian làm việc là gần 60 năm, ông cũng đã đạt nhiều thành tích cao trong lĩnh vực y học nước nhà, chẳng lẽ ông không cho phép mình được nhàn hạ và được thảnh thơi an hưởng tuổi già bên gia đình sao?

- Khi bạn hỏi bí quyết để tôi minh mẫn và khỏe mạnh, tôi đã nói rõ bí quyết là làm việc. Nếu tôi ngừng làm việc thì khác nào tôi khước từ luôn sự minh mẫn khỏe mạnh mà mình đang có. Vì lẽ đó, tôi thấy rằng cả đời mình chỉ kỵ mỗi chữ “nhàn”. Tôi quan niệm, không nên để cái đầu nhàn rỗi, cái thân nhàn hạ. tôi chỉ lo sợ mỗi việc tôi nhàn hạ, vì lúc đó tôi sẽ không được làm việc. Hình phạt nặng nhất với tôi là cấm tôi làm việc. Tôi còn làm việc, tức là tôi còn được tin tưởng và vẫn có ích cho đời. Mặt khác, hằng ngày làm việc là tôi được tiếp xúc với các bệnh nhân của mình. Họ cần tôi như tôi cần họ. Tôi cho họ động lực để vượt qua bệnh tật. Họ cho tôi động lực để sống khỏe, sống có ích. Một ngày không được tiếp xúc với bệnh nhân, không được thảo luận với đồng nghiệp những vấn đề liên quan đến công việc, tôi thấy mình không còn bình thường nữa (cười).

Các con tôi và vợ tôi luôn khuyên tôi nên ở nhà nghỉ ngơi, đừng đi làm nữa, ở nhà với con cháu. Tôi bảo: Nếu thế thì bố chết đi còn hơn. Có lẽ vì thế mà từ đó vợ và con tôi mới không kì kèo việc tôi đi làm hay nghỉ nữa.

Bát tuần xuân và những dự định “dài hơi”

Một cái Tết đang đến gần, tức một mùa xuân cuộc đời nữa sắp đi qua. Một người yêu công việc như ông có cảm nghĩ gì trước sự nhanh chóng của thời gian?

- Với một người yêu công việc nói chung và một người đang ở cái tuổi cổ lai hy như tôi nói riêng thì thời gian lại là kẻ thù rồi. Tôi luôn chạy đua với thời gian vì có bao nhiêu bệnh nhân đang rất cần đến mình, bao nhiêu dự định đang thực hiện dang dở và cả bao thế hệ sinh viên y khoa đang cần sự hướng dẫn của mình. Tết càng đến gần thì tôi lại càng hối hả hơn với bao kế hoạch cho một năm mới, cho những dự định, dự án chưa hoàn thành được trong năm. Bạn thấy đấy, tôi vẫn làm việc như thường vì với tôi có thêm một ngày cống hiến là một ngày xuân.

Như vậy, ông còn nhiều dự định, nhiều dự án chưa hoàn thành. Nó là những dự định, dự án nào vậy, thưa ông?

- Hiện tôi đang quan tâm nhất đến Hội Nội khoa Việt Nam. Kiến thức của Nội khoa là kiến thức cơ bản của y học trong công tác thực tế hằng ngày. Trong khám bệnh và nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có kiến thức rộng về Nội khoa chung. Song thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường sinh viên thường có xu hướng đi vào các chuyên khoa ngay như: tiêu hóa, nội tiết, hô hấp… Do đó kiến thức Nội khoa chung rất yếu, một kiểu đẻ non thiếu cân.

Trong thực tế khám chữa bệnh hàng ngaỳ người thầy thuốc phải đối diện với nhiều bệnh tật khác nhau ở cùng một con người, nghĩa là đòi hỏi phải có một người thầy thuốc Nội khoa chung “Biết mười giỏi một” chứ không phải là người thầy thuốc chỉ biết có một.

Nếu các bệnh viện trong toàn quốc đều thành lập được khoa Nội tổng quát thì sẽ là một điều rất tốt. Tôi đang cố gắng đề xuất với Bộ Y tế vấn đề này. Dĩ nhiên, đây là một nhiệm vụ dài hơi và rất khó khăn. Ngoài ra tôi đang ấp ủ cùng Hội Nội khoa xây dựng tờ báo điên tử Thầy thuốc Việt Nam.


Dù đã 80 tuổi song ông vẫn miệt mài với công việc.     Ảnh: TG

Dù đã 80 tuổi song ông vẫn miệt mài với công việc. Ảnh: TG

Và ông đã làm gì trước đó để những dự định, dự án dài hơi của mình sớm được hoàn thành?

- Chúng tôi tổ chức các Hội nghị khoa học Nội khoa toàn quốc và tổ chức liên tục các khóa đào tạo. Ngoài ra, Hội đã phổ biến các kiến thức y tế cho cộng đồng, vận động các chuyên khoa viết cẩm nang y tế phát miễn phí cho các phòng khám bệnh trên toàn quốc. Về cá nhân tôi thì đang tập hợp để tổng kết tình hình bệnh tật về tiêu hóa gan mật trong mấy năm qua. Tổng kết kết quả điều trị và theo dõi các bệnh nhân viêm gan virut để từ đó có cái nhìn khách quan, chính xác hơn về các căn bệnh, hướng điều trị cũng như kiến thức chuyên khoa trong điều trị nội khoa

Thế hệ tương lai sẽ là những người kế cận để tiếp tục những dự án, dự định “dài hơi” của ông. Ông có lời khuyên gì giành cho họ và có nhận xét gì về nền y tế nước nhà không?

- Tôi chỉ có một lời khuyên liên quan đến hai vấn đề: Chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Về chuyên môn, phải luôn tìm tòi, sáng tạo và học hỏi không ngừng để nâng cao năng lực trong khám chữa bệnh. Mặc dù y học của ta hiện nay có nhiều tiến bộ so với trước nhưng cùng với đó là nhu cầu của người dân cũng tăng cao, bệnh tình có những vấn đề ngày càng phức tạp. Một người bác sỹ phải giỏi chuyên môn mới là cứu tinh cho người bệnh được. Về đạo đức là việc gì dù to hay nhỏ cũng cần làm trọn vẹn đến nơi đến chốn, trung thực không chạy theo thành tích chủ nghĩa, chạy theo kinh tế, chức tước địa vị. Mình thấy cần thiết, thấy có ích cho người bệnh cho nhân dân thì mình làm không nên lồng những động cơ cá nhân của mình vào đấy vì sẽ sớm trả giá. Làm khoa học đòi hỏi con người phải thật sự khách quan, phải trung thực, nếu mà làm khoa học không khách quan, trung thực thì là phá hoại khoa học.

Điều cốt lõi và là lớn nhất hiện nay của ngành y tế mà tôi quan tâm là chất lượng chuyên môn. Ngành y tế của ta trong mười năm vừa qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể gấp trăm ngàn lần so với cách đây 30, 40 năm. Nhiều máy móc hiện đại được trang bị, nhiều xét nghiệm cao cấp được triển khai không thua kém so với các nước trong khu vực. Số lượng bác sĩ ra trường hàng năm có tới hàng ngàn người, họ được học nhiều kiến thức mới, kỹ thuật mới. Tuy nhiên vẫn còn có những trường hợp bệnh nhân đi khám nhiều nơi ra nhiều kết quả. Khám ở tuyến dưới ra kết quả khác với tuyến trên nên tâm lý bệnh nhân là cứ có bệnh thường chỉ tin ở tuyến trên nên bỏ qua tuyến tỉnh lên tuyến trung ương khám bệnh gây ra tình trạng quá tải. Nhiều tỉnh đã và đang xin xây dựng bệnh viện vệ tinh. Nếu giải quyết được sẽ sớm giảm được sự quá tải cho các bệnh viện của tuyến trên. Về chất lượng khám chữa bệnh, tôi chỉ có những nhận xét chủ quan đó thông qua nhiều năm khám chữa bệnh của chính mình chứ nếu có điều kiện tôi sẽ làm một công trình nghiên cứu nhỏ có con số cụ thể về vấn đề này.

Những cái Tết… “ngược” đáng nhớ

Đã đi qua nhiều cái Tết, hẳn ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông có thể chia sẻ cho bạn đọc những cái Tết ấn tượng trong đời của mình không?

- Nhiều lắm, Tết nào cũng có những kỷ niệm riêng. Tuy nhiên tôi chỉ nhớ những cái tết không bình thường của mình, hay nói cách khác là Tết… ngược. Ngược với cái tết thông thường truyền thống. Tết mà không phải là Tết.

Nó là những ký ức đẹp luôn hiện hữu trong tâm trí tôi và là những kỷ niệm để tôi tự hào kể với bà xã mình, với con cháu mình. Đó là cái Tết đầu tiên tôi xa 2 người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất vào năm 1978. Thời điểm đó tôi vừa cưới vợ, sinh con thì nhận lệnh đột xuất lên đường làm công tác đặc biệt. Khi vào tới Sài Gòn, tôi mới biết mình sẽ sang làm nhiệm vụ tại Campuchia. Năm đó, tôi đón Tết tại chiến trường. Giao thừa không tiếng pháo, không bánh chưng như cái Tết thông thường ở quê. Món ăn ngày Tết được xem là đặc sản của chúng tôi lúc đó là hoa bí ngô. Tôi trải qua 3 cái Tết tại chiến trường vì khi ra đi không hẹn ngày về nên đó cũng là 3 cái Tết mẹ tôi ở quê nhà khóc mờ cả mắt vì nhớ thương con. Còn tôi, nó là những cái Tết đặc biệt nhất vì nó thiếu thốn không khí Tết, thiếu thốn vật chất và cả người thân bên mình nó không như những cái Tết thông thường tại quê nhà dù nghèo cũng có pháo, có bánh chưng.

Có thể giờ đây nó là kỷ niệm nhưng có lúc nào tại thời điểm đó ông thấy ám ảnh?


Tác phẩm tâm huyết cả đời của GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch.     Ảnh: TG

Tác phẩm tâm huyết cả đời của GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch. Ảnh: TG

- Có chứ, nhưng cái ám ảnh không phải là sự thiếu thốn, gian khổ hay phải hy sinh mà là sự ám ảnh về con người, về những số phận của những con người.

Tại chiến trường Campuchia, dù trước đó tôi đã phần nào mường tượng về sự khốc liệt nhưng chỉ đến khi có mặt tại đó thì thực tế khốc liệt còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần. Chúng tôi không có tết thì những người dân Campuchia cũng vậy. Chúng tôi thiếu thốn, thì họ còn khổ sở hơn. Dù trên đất khách quê người nhưng tôi thấy gần gũi với người dân Campuchia như người dân Việt Nam mình. Cuộc chiến quả cảm của người dân Campuchia, những người ngã xuống để bảo vệ quê hương, giải thoát dân tộc khỏi thảm họa diệt chủng đã cho tôi cái nhìn chân thực về ranh giới giữa sự sống và cái chết, về lý tưởng bảo vệ quê hương và giải phóng con người. Cứu họ, những con người quả cảm đó khiến tôi không ít lần phải gạt nước mắt đau đớn cho sự ra đi khi họ còn quá trẻ. Những cái tết thiếu thốn trên chiến trường cho tôi chiêm nghiệm nhiều thứ của cuộc đời. Nó cũng là động lực để thôi thúc tôi viết nên cuốn “Thiên thần và quỷ dữ”. Đây là cuốn sách nói về thời gian tôi chiến đấu ở Campuchia. Thiên thần chính là những cán bộ Việt Nam sang Campuchia và quỷ dữ là Khơ me đỏ.


GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch ân cần với người nhà bệnh nhân.     Ảnh: TG

GSTS.BS Nguyễn Khánh Trạch ân cần với người nhà bệnh nhân. Ảnh: TG

Đó là những cái Tết trên chiến trường ở xứ người, còn Tết trên quê hương mình, có Tết nào là Tết “ngược” như ông nói

- À, đó chỉ là cách nói vui của tôi vì nó không như một cái Tết mà chúng ta biết và đón đợi, không đến nỗi “ngược” như tôi nói ở trên đâu. Với tôi được đón Tết tại quê nhà luôn là niềm hạnh phúc rồi. Tuy nhiên, ký ức tôi lại luôn nhớ những ngày Tết không đón giao thừa. Làm bác sỹ như chúng tôi, Tết nào cũng phải trực. Vào dịp Tết bệnh nhân cấp cứu thường tăng cao nên hầu như Tết của tôi thường diễn ra tại bệnh viện. Những cái Tết đi trực, với bác sỹ chúng tôi là bình thường nhưng nó khác biệt là không có giao thừa. Không có phút giây hồi hộp linh thiêng đón chờ giây phút đếm ngược lúc 12g đêm giao thừa, lúc đó sự quan tâm duy nhất của chúng tôi là bệnh nhân của mình. Có những cái Tết, ngoài khuôn viên của bệnh viện là tiếng đùng đoàng của pháo giao thừa thì trong này là sự yên tĩnh đến kinh hãi, đến lạnh buốt trái tim hoặc là sự vật vã của bệnh nhân và sự khẩn trương, quên mình của bác sỹ trước mỗi ca mổ.

Ngày thường một buồng rộng chừng 30 bệnh nhân, ngày Tết họ về gần hết chỉ còn lại vài, ba người nên bệnh viện thường để lại cho bác sỹ chúng tôi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi nhớ có những cái Tết đi các phòng bệnh, bệnh nhân trùm kín chăn nằm co ro với nét mặt buồn bã, khiến chúng tôi rất chạnh lòng. Trước bối cảnh đó, bác sỹ chúng tôi thường ân cần đến tâm sự với họ cho họ vui hơn hoặc họ thấy được quan tâm. Có những bệnh nhân giờ tôi vẫn không quên vì họ để lại những ám ảnh riêng khi tôi hỏi han họ tâm sự rất thật lòng: “Nhà tôi nghèo lắm, bệnh tình thế này tôi rất lấy làm áy náy khi không lo được cho vợ con cái Tết bình thường. Dù thương tôi, nhưng tôi phải thuyết phục vợ mình về quê để lo cho mấy đứa trẻ cái bánh chưng Tết kẻo chúng tủi thân. Tôi bảo vợ tôi ở đây tôi còn được ăn Tết do bác sỹ bệnh viện lo cho”. Tôi đã từng nuốt nước mắt vào trong và không thốt nên lời trước những tâm sự đó. Thật ra, cái nghèo khó, cái thiếu thốn thì không phải chỉ có trong thời chiến mà khi hòa bình rồi vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ, nghèo đến mức không thể nghèo hơn được. Đã nghèo còn bệnhh tật thì đúng là khổ trăm bề. Vậy mà tôi chưa làm được gì nhiều để giúp họ bớt được bất hạnh ngoài sự động viên thôi. Lòng tôi luôn đau đớn và day dứt về điều đó.

Xin cám ơn ông!

“Thật ra, những bác sỹ như chúng tôi không có giao thừa thì những bệnh nhân và người nhà của họ cũng không có giao thừa mà cũng chẳng có Tết nữa. Một người ốm đau, cả gia đình mất Tết. Có những ca trực vào đêm giao thừa như thế khiến chúng tôi vô cùng chạnh lòng, và ám ảnh suốt cả cuộc đời tôi. Những kỷ niệm đó là những thước phim quay chậm để tôi gìn giữ và làm tư liệu cho cuộc sống của chính mình vậy” – GSTS. BS Nguyễn Khánh Trạch chia sẻ.

Bảo Trâm

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Đời sống - 58 phút trước

GĐXH - Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu đến công chúng.

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Đời sống - 59 phút trước

GĐXH - Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ùn tắc, sự cố... trên cao tốc sẽ chính thức hoạt động từ 26/4.

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 2 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Bị tai nạn lao động, người lao động được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

Pháp luật - 2 giờ trước

Theo HĐXX, bị cáo Trần Quí Thanh chiếm đoạt số tiền lớn, nhưng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội, khắc phục một phần thiệt hại...nên tuyên phạt 8 năm tù.

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Chìm sà lan ở biển Quảng Ngãi: Vớt được 4 thi thể, đang dùng flycam, thợ lặn tìm người mất tích

Thời sự - 4 giờ trước

Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trong vụ chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị huy động tối đa mọi nguồn lực, mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân đang mất tích.

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Luật Đất đai 2024: Hàng triệu phụ nữ sẽ được hưởng lợi nếu nắm được quy định này

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia, việc nghiêm cấm hành vi “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai” của Luật Đất đai 2024 là điều hết sức cần thiết, được người dân đồng tình, ủng hộ (trong đó có lực lượng yếu thế là phụ nữ).

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Không cần xin visa (thị thực), người Việt Nam có thể nhập cảnh vào những quốc gia nào trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5?

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nếu người dân có ý định di lịch nước ngoài thì dưới đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ miễn visa (thị thực) cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh.

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội

Giáo dục - 5 giờ trước

GĐXH - Để phục vụ cho phụ huynh và thí sinh tham khảo, dưới đây là bảng điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của một trường đại học ở Hà Nội có tỷ lệ cạnh tranh được đánh giá là không kém các trường công an, quân đội.

Top