
Sau cú "trời giáng" vào trái tim của Lebanon, mọi thứ gần như trở thành tro bụi, khung cảnh tan hoang, đổ nát, những đống "sắt vụn" nằm ngổn ngang, mảnh kính của các tòa nhà vương khắp nơi.
Gương mặt thất thần của người dân sống sót đang bao trùm cả thủ đô Beirut. Họ dường như chưa thể chấp nhận được những tổn thất và đau thương này.
Theo thông tin mới nhất, vụ nổ kho hoá chất amoni nitrat ở cảng Beirut xảy ra vào 4/8 đã cướp đi ít nhất 145 người đã thiệt mạng, 5.000 người bị thương và hơn 100 người mất tích, thiệt hại ban đầu ước tính lên tới 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, 300.000 người cũng bị mất nhà cửa khi thủ đô của Lebanon tan hoang như "bãi chiến trường" do sức công phá quá lớn của vụ nổ.
Hiện công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra vì vẫn còn nhiều người mất tích. Hội Chữ thập đỏ khuyến cáo bất kỳ thi thể nào được tìm thấy cần được chuyển tới các nhà xác, do bệnh viện ở Beirut đã quá tải.
Vụ nổ tạo ra quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời, san phẳng khu cảng và càn quét thành phố Beirut, khiến những mảnh vỡ cửa kính văng xa hàng km.
Theo trung tâm khoa học địa chất Đức GFZ, vụ nổ có sức mạnh tương đương một trận động đất 3,5 độ richter. Dư chấn của nó được cảm nhận bởi người dân dọc bờ biển Địa Trung Hải ở Beirut và vùng ngoại ô đất liền cách đó hàng km. Theo đó, tại Síp, hòn đảo trên Địa Trung Hải cách bờ biển Beirut 180 km, người dân cũng nghe thấy tiếng nổ.
Theo phân tích của ông Jeffrey Lewis, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, vụ nổ kho chứa 2.750 tấn phân bón tại thủ đô Beirut của Lebanon tạo ra sức công phá ngang 240 tấn thuốc nổ TNT.
Chính phủ Lebanon đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần ở Beirut, yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách lưu trữ hàng hóa và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.
Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Lebanon cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do: "Thiếu hành động và sơ xuất trong công tác lưu trữ vật liệu nổ".
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab và Tổng thống Michel Aoun trước đó đều lên tiếng khẳng định khối chất hoá học khổng lồ, vốn được sử dụng làm phân bón, nhưng cũng là thành phần chính của mìn khai khoáng và được ví như "bom phân bón", được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt 6 năm qua.
Nhiều nguồn tin khác khẳng định, một nhóm chuyên gia đã kiểm tra kho vật liệu tại cảng Beirut từ 6 tháng trước và cảnh báo chúng có thể khiến thủ đô của Lebanon bị nổ tung nếu không được di chuyển, song không có hành động nào được thực hiện.
Đúng như cảnh báo, khi khối "bom phân bón" phát nổ, chỉ trong tích tắc, toàn bộ thủ đô Beirut đã rung lên, phần lớn cảng bị thổi bay, nhà cửa bị xé toạc, mảnh vỡ của xe cộ và cửa kính vương khắp nơi.
Khối chất hoá học nguy hiểm nói trên cập cảng từ năm 2013 trên tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova. Sau quá trình kiểm tra, tàu Rhosus bị cấm ra khơi do không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật. Con tàu sau đó bị bỏ rơi còn lô hóa chất được chuyển vào kho từ năm 2014.
Người dân tại Beirut càng phẫn nộ hơn khi biết thảm họa đã được cảnh báo nhiều lần trước đó. Theo Badri Daher, Tổng cục trưởng Hải quan Lebanon, cơ quan của ông đã nhiều lần gửi cảnh báo về chất nguy hiểm đang được cất trữ ở cảng Beirut đến cơ quan tư pháp.
Trả lời trước báo chí, Daher nói tổng cộng 6 văn bản đã được gửi đi. Ông khẳng định hải quan đã đề nghị cho xuất số hóa chất tịch thu nhưng phía tư pháp không phản hồi.
Một nguồn tin khác cho biết, vài ủy ban và thẩm phán Lebanon đã được cảnh báo về sự tồn tại của kho hóa chất này nhưng không ai động tay để tiêu hủy chúng. Reuters dẫn nguồn tin khác tiết lộ, kho hàng mới được thanh tra thêm lần nữa vào 6 tháng trước. Đội thanh tra cảnh báo nếu lượng hóa chất dễ nổ không được di dời thì chúng sẽ "thổi tung cả Beirut". Lời cảnh báo đã trở thành sự thật và bắt đầu tạo thành chuỗi ngày đau thương của Lebanon vào 4/8.
Trước đó, những vụ nổ amoni nitrat từng gây ra các tai nạn công nghiệp chết chóc rất đáng sợ, trong đó có vụ nổ tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ năm 1947, khi một con tàu chở chất hóa học này gặp hỏa hoạn và nổ tung ở cảng của thành phố Texas, bang Texas, dẫn tới một chuỗi phản ứng nổ và cháy khiến 581 người chết.
Chất này cũng là thành phần chính trong các loại bom được dùng trong một số vụ tấn công khủng bố, gồm vụ phá hủy tòa nhà văn phòng liên bang ở Oklahoma (Mỹ) vào năm 1995, khiến 168 người chết.
Các video được đăng tải cho thấy vụ nổ ở Beirut tạo ra một đám mây hình nấm trên bầu trời. Tuy nhiên, các quan chức Lebanon khẳng định chắc chắn không phải do vũ khí hạt nhân.
Nhà nghiên cứu Martin Pfeiffer tại Đại học New Mexico cho rằng: "Rõ ràng không phải là vũ khí hạt nhân. Đó là một đám cháy gây ra do chất nổ hoặc hóa chất".
Ông Pfeiffer chỉ ra sự vắng mặt của hai dấu hiệu quan trọng của một vụ nổ hạt nhân là tia sáng trắng chói lóa và xung nhiệt tỏa ra, thứ sẽ bắt đầu lan ra khắp khu vực xung quanh và làm bỏng da người.
Trong vụ nổ ở Beirut, đám mây được thấy trong một thời gian ngắn như hình nấm hoặc hình vỏ sò. Ông Pfeiffer lưu ý những đám mây như thế được tạo ra khi không khí ẩm bị nén và khiến nước trong đó ngưng tụ. Nói cách khác, các đám mây hình nấm không phải là thứ chỉ được tạo ra bởi một quả bom nguyên tử.
Trong khi đó, nói về vụ nổ, thống đốc Beirut Marwan Abboud miêu tả: "Nó giống như những gì đã xảy ra ở thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự phá hủy ở quy mô như thế này".
Vụ nổ vô cùng nghiêm trọng xảy ra giữa lúc Lebanon đang kiệt quệ do đại dịch COVID-19, biểu tình cùng nền kinh tế đang tê liệt, đẩy gần một nửa dân số vào cảnh nghèo đói. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và các cuộc xung đột khu vực.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp. Trước đó vào tháng 3, quốc gia này tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.
Beirut hồi tháng 5 tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đảm bảo gói trợ cấp quan trọng theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế mà chính phủ thông qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.
Đồng tiền Lebanon mất giá gần 80% trên thị trường chợ đen. Giá thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên với tốc độ chóng mặt. Nền tài chính của đất nước suy yếu. Lạm phát cùng nghèo đói lan rộng đẩy xã hội đến ngưỡng chịu đựng.
Cơ sở y tế bị hư hại nghiêm trọng vào lúc cần nhất. St. George ở Beirut là một trong những bệnh viện lớn nhất của thành phố này cũng bị hư hại nghiêm trọng đến mức phải đóng cửa và chuyển bệnh nhân tới những nơi khác. Hàng chục bệnh nhân và những người thăm bệnh đã bị thương do mảnh vỡ và kính do vụ nổ thổi bay.
"Mọi tầng của bệnh viên đều bị hư hại. Tôi thậm chí chưa từng chứng kiến điều này trong chiến tranh. Đây là một thảm họa", bác sĩ Peter Noun tại bệnh viện ở Lebanon nói.
Vụ nổ đã ảnh hưởng nặng tới khu cảng công nghiệp phía bắc của Beirut. Nằm gần đó có nhiều tòa nhà quan trọng như bệnh viện, đền thờ, trường đại học.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, một quan chức tại Hội đồng Quốc phòng tối cao Lebanon dẫn lời Thủ tướng Hassan Diab nói: "Tôi sẽ không nhẹ người cho đến khi chúng tôi tìm được bên chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Chúng tôi sẽ bắt họ chịu trách nhiệm và áp dụng hình phạt nghiêm trọng nhất vì vụ việc này không thể chấp nhận được".
Thủ tướng Diab cũng nói: "Các sự thật về nhà kho nguy hiểm này - đã tồn tại từ năm 2014 - sẽ được công bố. Những gì xảy ra hôm nay sẽ không trôi qua mà không tìm ra được bên có trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm sẽ trả một cái giá cho thảm họa này. Đây chính là lời hứa với những người đã mất và bị thương, đồng thời là một cam kết quốc gia".
Trên truyền hình, thống đốc Beirut Marwan Abboud nói rằng ông không thể kết luận nguyên nhân gì đã gây ra vụ nổ. Ông đã rơi nước mắt và gọi đây là một thảm họa quốc gia.
Ngày 6/8, Phát biểu với Đài phát thanh Europe 1 của Pháp, ông Charbel Wehbe - Ngoại trưởng Lebanon cho biết, sau khi vụ nổ xảy ra, một ủy ban điều tra đã được thành lập và đơn vị này có tối đa 4 ngày để đưa ra một báo cáo chi tiết. Những người chịu trách nhiệm cho "tội sơ suất" gây chết người này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trước đó, vào ngày 5/8, chính phủ nước này đã quyết định hình thức quản thúc tại nhà đối với tất cả các quan chức phụ trách công tác giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014. Trong khi đó, cùng ngày tại Pháp, các công tố viên nước này cũng đã mở một cuộc điều tra về vụ nổ làm 24 công dân Pháp bị thương.
Theo thông tin từ Hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA), cơ quan chức năng đã quyết định bắt giữ 16 cá nhân để điều tra vụ nổ nhà kho ở cảng Beirut.
Một đại diện chính phủ tại tòa án quân sự là thẩm phán Fadi Akiki nói rằng, giới chức Lebanon cho đến nay đã thẩm vấn hơn 18 quan chức hải quan và phụ trách cảng Beirut chịu trách nhiệm hoặc có liên quan tới công tác bảo trì nhà kho chứa vật liệu nguy cơ cháy nổ cao. Hiện 16 người đã bị bắt giữ như một phần của công tác điều tra và tiến trình này vẫn đang được tiếp tục.
Cùng đó, Ngân hàng Trung ương Lebanon đã quyết định đóng băng tài khoản của các quan chức hải quan và những người đứng đầu cảng Beirut.
Ủy ban điều tra đặc biệt của ngân hàng trung ương về rửa tiền cho biết, quyết định này sẽ được chuyển tới tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Lebanon; công tố viên tòa án và người đứng đầu cơ quan ngân hàng.
Việc đóng băng tài khoản ngân hàng sẽ được áp dụng đối với các tài khoản có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các quan chức và phụ trách cảng Beirut.
TTXVN dẫn nguồn tin EU cho biết, một hội nghị của các nhà tài trợ đã được lên kế hoạch để huy động thêm nguồn cứu trợ cho công tác tái thiết Lebanon sau khi đánh giá những gì cần thiết.
Ủy ban châu Âu nhận định việc hỗ trợ 33 triệu euro cho nước này có thể giúp đáp ứng các nhu cầu trước mắt cho các dịch vụ cấp cứu và bệnh viện ở thủ đô Beirut.
Trong một bức thư gửi 27 quốc gia thành viên EU được công bố tối 6/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi các quốc gia thành viên đóng góp vào kế hoạch tái thiết Lebanon trong tương lai.
Các nước châu Âu đã huy động các lực lượng cứu hộ, trong đó Hải quân Italy đã triển khai một tàu mang các thiết bị y tế và có khả năng sơ tán y tế bằng trực thăng đến Lebanon. Bên cạnh đó huy động 250 lính cứu hỏa hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn ở Beirut.
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã cam kết tham gia "ứng phó quốc tế" để hỗ trợ Lebanon sau vụ nổ khiến hàng nghàn người thương vong. Ông cũng hoan nghênh tinh thần của Pháp đi đầu trong công tác hỗ trợ Lebanon khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tổ chức một hội nghị cứu trợ toàn cầu trong vài ngày tới.
Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra tuyên bố trên khi kết thúc chuyến thăm chớp nhoáng đến Beirut trong ngày 6/8. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Beirut sau vụ nổ.
Cũng trong ngày 6/8, quân đội Mỹ đã vận chuyển đợt hàng cứu lương thực-thực phẩm, nước sạch và thiết bị y tế đầu tiên đến Lebanon nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân quốc gia Trung Đông này.
Hãng tin AP ngày 6/8 đưa tin Algeria cũng gửi hàng viện trợ và cử nhân viên cứu hộ đến Lebanon để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả vụ nổ ở Beirut. Chủ tịch Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Algeria Saida Benhabiles, đơn vị phụ trách hoạt động cứu trợ Lebanon cho biết, hàng cứu trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế, lều trại và chăn màn, được vận chuyển bằng 4 máy bay quân sự.
Ngoài ra, một tàu chở vật liệu xây dựng của Algeria cũng sẽ sớm tới Lebanon. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã gửi điện chia buồn đến người đồng cấp Lebanon Michel Aoun về vụ việc.
Trong khi đó, phó phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết, LHQ tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Lebanon bằng cách giải ngân quỹ khẩn cấp, đánh giá nhu cầu và lên kế hoạch vận chuyển hàng viện trợ.
Theo ông Haq, LHQ đã chi 9 triệu USD trong quỹ cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các bệnh viện tại Lebanon. Dự kiến, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ sẽ sớm công bố số tiền viện trợ bổ sung.
OCHA cũng sẽ cử các nhóm ứng phó khẩn cấp bao gồm các chuyên gia thuộc Nhóm Cố vấn Tìm kiếm và Cứu hộ quốc tế (ISRAG) cùng Nhóm Điều phối và Đánh giá thảm họa (DAC) của LHQ để hỗ trợ Lebanon.
Theo ông Haq, do cảng Beirut không thể hoạt động, LHQ và các đối tác đang tìm cách để đảm bảo các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ được duy trì. Hàng viện trợ nhân đạo có thể được vận chuyển đến cảng Tripoli, cách Beirut hơn 80km về phía Bắc. Ngoài ra, sân bay quốc tế Beirut vẫn mở cửa phục vụ hành khách và chuyến bay chở hàng.
Trong một diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các quan chức Lebanon vượt qua những bế tắc hiện nay và đẩy mạnh thực thi cải cách sau khi một vụ nổ khủng khiếp đã tàn phá thủ đô Beirut và gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Toàn cảnh vụ nổ như “bom nguyên tử” ở Lebanon

Cụ bà 79 tuổi qua đời để lại tủ tiền mặt, cả nhà đếm xong thì sốc nặng
Chuyện đó đây - 2 giờ trướcSau khi lo tang lễ cho cụ bà 79 tuổi, gia đình thu dọn đồ đạc của bà thì tìm thấy 1 tủ chứa đầy tiền lẻ. Phát hiện tủ tiền, gia đình phải huy động họ hàng, làng xóm đến đếm giúp.

Nơi chứa hàng trăm tấn vàng nhưng không ai dám đến lấy, nhắc đến là rùng mình
Tiêu điểm - 15 giờ trướcNằm ở nơi "tận cùng thế giới", mỏ vàng này ẩn chứa những bí mật gì?

Hình ảnh cá voi sát thủ trắng ở biển Nhật Bản gây nhiều tranh cãi
Tiêu điểm - 20 giờ trướcHình ảnh con cá voi sát thủ trắng mà Hayakawa đăng tải trên tài khoản Instagram cá nhân nhanh chóng thu hút sự chú ý và lan truyền mạnh mẽ.

Bão kèm lốc xoáy khiến ít nhất 25 người chết ở khu vực miền Trung nước Mỹ
Tiêu điểm - 1 ngày trướcÍt nhất 25 người đã thiệt mạng do các trận bão kèm lốc xoáy quét qua khu vực Trung Tây nước Mỹ từ cuối ngày 16/5 (theo giờ địa phương).

Phán quyết gây sốc của tòa trong vụ việc chồng đòi chia tiền khi phát hiện người vợ vừa ly hôn trúng số 100 tỷ đồng
Tiêu điểm - 1 ngày trướcGĐXH - Người chồng đòi chia tiền khi phát hiện vợ cũ vừa ly hôn được 3 ngày trúng số 100 tỷ liệu có được phân chia tiền trúng xổ số?

Hiện ra như xác ướp sau 444 triệu năm, sinh vật lạ gây sửng sốt
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcMột sinh vật không chân, không đầu, chưa từng được biết đến đã được tìm thấy ở Nam Phi với cơ thể nguyên vẹn hơn cả xác ướp Ai Cập.

Cặp đôi làm tiệc cưới ở quán lẩu, hóa đơn dài 2 mét nhưng chỉ tốn 80 triệu đồng
Bốn phương - 1 ngày trướcDo địa điểm cưới ban đầu bị hủy vào phút chót, cặp đôi Trung Quốc tổ chức tiệc tại quán lẩu, chi phí cho 140 khách chưa đến 80 triệu đồng.

Nhờ bạn trông hộ cửa hàng xổ số, ông chủ "tái mặt" khi trở về
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcÔng chủ rời khỏi cửa hàng xổ số để mua cơm trưa và nhờ một người bạn đến trông hộ. Không ngờ khi trở về thì tá hoả phát hiện một số lượng lớn vé số đã "không cánh mà bay".

Phấn khích nhìn thấy hồ bơi khách sạn, cậu bé lao qua cửa kính, bị thương nặng
Bốn phương - 1 ngày trướcBước vào phòng khách sạn, cậu bé 8 tuổi nhìn thấy hồ bơi liền phấn khích lao tới và tông vào cửa kính trong suốt, mảnh kính vỡ gây vết thương khủng khiếp ở bụng.

Cụ bà 103 tuổi khiến TikTok 'bùng nổ' sau khi chia sẻ clip trang điểm
Bốn phương - 1 ngày trướcCụ bà 103 tuổi Joan Partridg lập tức thành "TikToker quyền lực" sau khi chia sẻ clip đánh phấn má hồng; dân mạng mê mẩn vẻ đáng yêu bất chấp tuổi tác của cụ.

Cụ bà 79 tuổi qua đời để lại tủ tiền mặt, cả nhà đếm xong thì sốc nặng
Chuyện đó đâySau khi lo tang lễ cho cụ bà 79 tuổi, gia đình thu dọn đồ đạc của bà thì tìm thấy 1 tủ chứa đầy tiền lẻ. Phát hiện tủ tiền, gia đình phải huy động họ hàng, làng xóm đến đếm giúp.