11 năm ngồi tù, 4 lần bị tuyên án tử, bản thân và gia đình ông Hàn Đức Long bị mọi người ghẻ lạnh, xa lánh. Chỉ từng đấy ngôn từ thôi cũng đủ nói lên một quãng đời đen tối, tủi nhục. Nhưng đến tận giờ, hành trình kiếm tìm công bằng vẫn chưa kết thúc.
Tựa cơn ác mộng
Chúng tôi vẫn nhớ như in, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất trong lần đầu tiếp xúc với ông Hàn Đức Long. Đó là vào tối 20/12/2016. Một thời khắc lịch sử, xúc động đối với bản thân ông Long khi được trở về, đoàn tụ cùng gia đình sau 11 năm xa cách. Khi cánh cổng vừa mở ra, vợ chồng ông Long chỉ biết ôm chầm lấy nhau khóc nghẹn. Khoảnh khắc ấy, cánh nhà báo có cố dùng dùng ngôn từ nào để mô tả cũng thất bại.
Ba năm sau, chúng tôi trở lại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang gặp ông lần nữa. Vẫn là ngôi nhà đó, vẫn khung cảnh đó, gần như không có bất cứ một thay đổi nào so với ngày ông Long được trả tự do.
Bên chiếc bàn uống nước cũ kĩ, với khuôn mặt sầu não, đôi mắt u buồn, ông Hàn Đức Long trò chuyện cùng phóng viên. Gợi nhắc lại quãng thời gian đen tối của cuộc đời mình ông Long chỉ biết thốt lên uất nghẹn: "Tất cả tựa như một cơn ác mộng vậy".
Lần giở lại vụ án oan chấn động, 14 năm trước, 26/6/2005 là ngày định mệnh của cuộc đời Hàn Đức Long. Khi đó, ở thôn Yên Lý, một bé gái 5 tuổi bỗng dưng mất tích bí ẩn. Sáng sớm hôm sau, người dân phát hiện thấy thi thể cháu bé tại mương nước ngoài cánh đồng nên trình báo cơ quan công an. Kết quả thật đau xót: Bé bị hiếp dâm, sát hại.
Gần 4 tháng trôi qua, công an bế tắc trong nỗ lực tìm kẻ thủ ác. Cho tới một ngày, bất ngờ có tố cáo của cụ bà sinh năm 1930 và cô con gái sinh năm 1960 ở thôn Yên Lý về việc từng bị ông Hàn Đức Long hiếp dâm. Và chuỗi ngày ác mộng kéo dài suốt 11 năm bắt đầu từ đây. Hàn Đức Long bị triệu tập, rồi phải nhận tội hiếp 2 mẹ con nhà kia, sau đó nhận luôn tội hiếp dâm, sát hại đứa bé mới 5 tuổi.
Nhưng ra tòa, Hàn Đức Long chưa bao giờ cúi đầu và còn tố công an đánh đập, nhục hình nên buộc phải nhận tội. Dẫu thế, qua 4 lần xử là 4 lần ông bị tuyên tội chết. Suốt từ 2007 đến 2011, vẫn là tội chết. Số phận ông tưởng chừng như đã được định đoạt.
"Đầu năm 2011, khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội giữ nguyên y án tử hình, tôi đã nghĩ tới cái chết", ông Hàn Đức Long nhớ lại giây phút tuyệt vọng bậc nhất của cuộc đời mình.
Người đàn bà thép
Chúng tôi đang muốn nhắc tới bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Hàn Đức Long, người đã ròng rã suốt 11 năm kêu oan cho chồng.
Bà Mai kể, ngày 17/8/2005, Đảng ủy xã mời ông Long tới giải quyết vụ đánh nhau với gia đình hàng xóm tên Khuyến. Sáng hôm sau, vì không có xe máy, ông Long nhờ người cháu chở tới xã bên cạnh lấy nốt tiền công làm thuê 600.000 đồng, rồi mới tới xã làm việc. Ông Long bị bắt ngay hôm đó. Hai ngày sau, bà Mai đang làm thuê ở Bắc Ninh thì được một người báo tin dữ. Hàng xóm đồn thổi, ông Long bị bắt vì lý do đánh nhau. Bà Mai tới cơ quan công an xin gặp chồng nhưng không được.
"Lúc đó tôi nghĩ đơn giản, chắc tại vì nhà tôi nóng tính đánh nhau với người nhà bà Khuyến và còn thiếu 300.000 đồng trong 1,6 triệu đồng bồi thường nên công an giữ người, chứ không có gì to tát", bà Mai nói.
Đến ngày 21/8/2005, gia đình bà Mai choáng váng khi Công an tỉnh Bắc Giang gửi thông báo tới nhà về việc bắt tạm giam ông Hàn Đức Long do nghi ngờ hiếp dâm và giết một bé gái trong vụ án chưa tìm ra hung thủ.
"Tôi không bao giờ tin chồng mình làm thế vì chứng kiến ông ấy có mặt ở nhà vào lúc xảy ra việc cháu bé bị hiếp và giết", bà Mai khẳng định. Điều này cũng chính là sợi dây buộc chặt niềm tin của bà Mai rằng chồng mình bị oan.
Hành trình kêu oan cho chồng của bà đã bắt đầu như thế. Bà bảo gửi đơn không sót cơ quan tố tụng hay cơ quan có thẩm quyền nào, từ Công an tỉnh Bắc Giang đến Bộ Công an, từ TAND tỉnh đến TAND Tối cao.
Có lần vì quá tủi cực trước thái độ của người nhận đơn, bà và một phụ nữ đi cùng đã ôm nhau khóc ngay giữa đường. Nhớ lại những lá đơn đầu tiên, bà bảo: "Chữ thì xấu, tôi cứ viết phác ra rồi bảo con gái chép lại cho đẹp, cũng chẳng biết mẫu đơn yêu cầu bố cục thế nào mà cứ viết bừa. Giờ xem lại những lá đơn đầu tiên, có lá chẳng có dấu chấm phẩy nào, sai chính tả liên miên. Sau này dần dà có kinh nghiệm, tôi viết tay rồi mang ra hàng nhờ người ta đánh máy cho chuẩn".
Tháng 6/2007, bà Mai lần đầu tiên được gặp chồng trong vỏn vẹn 15 phút. "Không thể tưởng tượng được, anh ấy suy sụp nên trông như "ma" ấy. Tôi cố gắng không khóc theo chồng, khuyên phải cố trụ thì tôi ở ngoài mới đi kêu oan được, chứ lỡ chết đi rồi thì oan ức biết kêu ai", bà kể.
Ông Hàn Đức Long nghẹn ngào kể lại phút được trao trả tự do.
Từ sau lần đó, bà Mai tháng nào cũng đến thăm hoặc gửi tiền qua đường lưu ký cho ông Long. Một mình làm 5 sào ruộng chỉ đủ ăn, bà phải xoay sang làm thuê đủ nghề để kiếm tiền đi lại. Thấy người ta trải bạt ra ngủ ở vỉa hè bà cũng ngủ theo cho bớt tốn kém. Ăn thì khi có cơm nắm, khi nhai mì tôm sống uống nước cũng no.
Bà Mai kể một lần ngồi đợi xe buýt ở đường Lý Thường Kiệt để ra bến xe Gia Lâm thì có một thanh niên tới mời đi xe ôm. Bà nói không đủ tiền trả, anh ta nói chỉ lấy hơn giá đi xe buýt một chút thôi, vì thế cả tin cũng đi theo. "Cậu ta chở tôi lên đoạn đường vắng ở đê Long Biên dọa giết nếu không đưa tiền. Tôi sợ quá lột nốt 500.000 đồng trong túi đưa cho, cậu ta chửi bới dọa nạt một hồi rồi bỏ tôi lại một mình. Cũng may, sau đó, có người tốt bụng đã cho tôi 3.000 đồng để đi xe buýt".
Nghĩ lại những nhọc nhằn ngày cũ, bờ vai bà Mai không ngừng run run, những giọt nước mắt tủi cực chực chờ nơi khóe mắt. Dù bao khó khăn, nhưng bà Mai vẫn không ngừng gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Có đợt mỗi tuần bà gửi một lá đơn, sau này thưa hơn mỗi tháng gửi một lá. Dù rằng chẳng bao giờ nhận được hồi âm nhưng bà vẫn cứ gửi với một niềm tin biết đâu đó may mắn họ sẽ đọc một trong những lá đơn mình đã gửi.
Hành trình của lương tâm
Quá trình điều tra truy tố và xét xử trước đó, bị can Hàn Đức Long được các cơ quan tư pháp tỉnh Bắc Giang chỉ định luật sư bào chữa gồm luật sư Dương Minh Nhâm và luật sư Nguyễn Am. Các luật sư đã nỗ lực kêu oan nhưng kết quả không thành. Phiên tòa sơ thẩm đầu năm 2007, bị can Hàn Đức Long đã bị tuyên án tử hình.
Nhờ sự tư vấn của nhiều người, gia đình ông Long đã tìm đến nhờ cậy luật sư danh tiếng lúc bấy giờ là PGS – TS luật sư Phạm Hồng Hải. Ông Hải đã đồng ý bào chữa cho Hàn Đức Long và cùng cộng sự là luật sư Nguyễn Hồng Bách tham dự phiên tòa phúc thẩm vào năm 2007. Mặc dù các luật sư đã phân tích chỉ ra nhiều yếu tố oan sai nhưng HĐXX phúc thẩm không chấp nhận lời bào chữa và tuyên y án tử hình bị cáo.
Sau đó luật sư Nguyễn Hồng Bách tách ra mở công ty luật riêng và tiếp tục giải quyết vụ án Hàn Đức Long từ Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải. Chính sự kiên định của luật sư đã giúp cho vụ án đạt được những thành công bước đầu khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm hủy bỏ 2 bản án ban trước đó để yêu cầu điều tra truy tố xét xử lại từ đầu. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm lần hai năm 2011, luật sư Ngô Ngọc Trai (thời điểm đang làm việc tại Công ty luật Hồng Bách) là một trong những người tham gia bào chữa.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, một trong những người đóng góp công sức trong quá trình minh oan cho ông Hàn Đức Long. Ảnh: Tư liệu
Quá trình bới hồ sơ tìm vết của các luật sư được diễn ra vô cùng tỉ mỉ và công phu. Hàng loạt điểm mâu thuẫn được chỉ ra tại phiên tòa. Tuy vậy, rốt cuộc những lời bào chữa cũng không làm thay đổi được phán quyết. HĐXX vẫn tuyên Hàn Đức Long có tội với mức án tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Mặc dù không được mời tham gia phiên tòa phúc thẩm sau đó, nhưng luật sư Ngô Ngọc Trai vẫn luôn đau đáu nghĩ về vụ án có dấu hiệu oan sai mang tên Hàn Đức Long. Chính lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm của một công dân đã thôi thúc luật sư Trai chủ động viết đơn kêu oan cho ông Long gửi đi các nơi. Cuối năm 2012, đầu 2013, luật sư Trai thành lập Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, đồng thời đẩy mạnh việc kêu oan.
Luật sư Trai chủ động liên hệ lại với gia đình ông Hàn Đức Long và gặp ông Hàn Đức Minh (anh trai ông Long). Khi trao đổi với luật sư, ông Minh nhiều lần nói: "Cắn rơm cắn cỏ nhờ anh cứu giúp". Bên cạnh gia đình, luật sư thì các cơ quan báo đài cũng đóng góp một phần quan trọng trong hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Ngàn cân treo sợi tóc
Phải nói như vậy vì tính tới đầu năm 2012, bản án phúc thẩm lần 2 tuyên tử hình (4 lần) đối với ông Hàn Đức Long đã có hiệu lực pháp luật. Việc thi hành án có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Do tình thế quá nguy cấp, luật sư Ngô Ngọc Trai đã gửi hàng loạt lá thư kêu cứu khẩn cấp tới Chủ tịch nước, Ban Nội Chính Trung ương và các cơ quan tư pháp gồm: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Bên cạnh đơn kêu cứu, luật sư Trai cũng có văn bản đề nghị thay đổi nơi giam giữ cho ông Long.
Văn bản của luật sư đã được VKSND tối cao chuyển ý kiến tới Tổng cục Quản lý trại giam của Bộ Công an để xem xét và giải quyết. Đến giữa năm 2016, ông Long chuyển về trại tạm giam T16 Bộ Công an ở huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.
Cũng chính trong khoảng thời gian này, cụ thể vào năm 2015, Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự mới, trong đó có quy định cụ thể chi tiết hơn nguyên tắc pháp lý suy đoán vô tội. Điều 13 quy định rằng: "Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội". Đây là một quy định mới có tính chất nguyên tắc giúp tháo gỡ tạo lối thoát cho những tranh cãi bất tận giữa những quan điểm buộc tội và gỡ tội trước đó. Chính điều này cũng đã mở ra một hướng đi sáng sủa cho các luật sư trong quá trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Tự do
Tối 20/12/2016, ông Hàn Đức Long được trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 11 năm xa cách. 11 năm với biết bao nước mắt và đắng cay. Trong kí ức của bà Nguyễn Thị Mai vẫn không sao quên được phút giây xúc động đó. Khi bà được tận mắt nhìn thấy người chồng bằng da bằng thịt bỗng dưng từ "cõi chết" trở về.
Ngay trong buổi tối lịch sử đó, rất nhiều luật sư đã gọi điện chia sẻ niềm vui cùng gia đình ông Hàn Đức Long. Hàng trăm cơ quan báo đài cũng không quản ngại đường xá xa xôi tìm về thôn Yên Lý.
Thời điểm ông Long được trả tự do, hai người con của vợ chồng ông đều đã xây dựng tổ ấm. Trở về từ "cõi chết" người đàn ông khốn khổ này không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn khổ đau, ôm chầm lấy những đứa cháu nội, cháu ngoại.
Duy chỉ có một điều đáng tiếc là ông Hàn Đức Minh – anh trai ông Long, người đã đeo đuổi kêu oan cho em trai suốt 10 năm trời đã mất vào đầu năm 2016.
Cái kết chưa trọn
Mặc dù được minh oan, trả tự do về nhà và được tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương, nhưng vẫn còn đó những dấu hỏi bị bỏ lửng… Vẫn có những người đặt ra câu hỏi có thật là ông Hàn Đức Long bị oan hay chỉ vì không tìm ra được chứng cứ chứng minh ông ấy là thủ phạm nên mới phải trả tự do.
Những mối nghi ngờ đó chẳng khác nào những lưỡi dao cứa vào tâm can vốn đã có quá nhiều vết sẹo của ông Hàn Đức Long. Ngay tại thời điểm ngồi với chúng tôi, ông Long vẫn không thôi day dứt về điều đó. Không day dứt sao được khi bản thân ông đã phải chịu đựng 11 năm ngồi tù oan sai, còn kẻ thủ ác thực sự vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Quá trình yêu cầu các cơ quan gây oan sai bồi thường cho ông Hàn Đức Long cũng được các luật sư nỗ lực đấu tranh. Trong lá đơn yêu cầu bồi thường oan sai lần đầu gửi lên Tòa án cấp cao tại Hà Nội, ông Hàn Đức Long yêu cầu 6 khoản bồi thường, trong đó có thiệt hại về thu nhập thực tế của bản thân và người thân, yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần của chính ông và thành viên gia đình trong hơn 11 năm ông bị kết án oan... Tổng số tiền mà ông Long đòi bồi thường là 20 tỷ đồng.
Yêu cầu là vậy, nhưng đã gần 3 năm kể từ ngày được trao trả tự do, ông Hàn Đức Long và người thân vẫn chưa nhận được bất cứ một đồng đền bù nào từ các cơ quan gây oan sai.
"Tôi chỉ nhớ khoảng trên dưới chục lần gia đình lặn lội từ quê nhà lên hỏi về khoản tiền đền bù oan sai, nhưng các cơ quan ban ngành khi thì hứa hẹn, khi thì vòng vo. Giờ đây sức khỏe tôi mỗi ngày một yếu đi, không biết còn có thể sống bao lâu nữa, mà công tác đền bù vẫn rất mịt mờ", ông Hàn Đức Long chia sẻ trong phẫn uất.
Ông Long cũng cho biết, chờ gặt hái xong vụ hè này, ông cùng người thân sẽ lại lên Hà Nội gõ cửa các cơ quan gây oan sai để yêu cầu giải quyết về vấn đề bồi thường.
Cuối giờ chiều khi ánh nắng đã dần tắt sau lũy tre làng Yên Lý, ông Long tiễn chúng tôi ra xe. Với ánh mắt u buồn khắc khoải, ông Long hướng mắt về phía xa xăm trầm ngâm như đang suy tư một điều gì đó…
Chúng tôi hiểu rằng hành trình kiếm tìm sự công bằng đối với người đàn ông khốn khổ này vẫn chưa có hồi kết!
Vờ hỏi đường rồi rút dao đe doạ để cướp
Pháp luật - 44 phút trướcGĐXH - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Mai Văn Quang (SN 1996, trú tại xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.
Phá đường dây mua bán pháo 'khủng'
Pháp luật - 47 phút trướcGĐXH - Các đối tượng mua pháo từ nước ngoài đưa về Việt Nam, sau đó tham gia hội nhóm mua bán pháo trên không gian mạng để rao bán kiếm lời.
Khởi tố đối tượng nổ súng để giải quyết mâu thuẫn
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với Bùi Trung Kiên (SN 1998, trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Bắt tạm giam 2 đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Trong quá trình tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện 2 đối tượng đang có hành vi tổ chức và tàng trữ trái phép chất ma túy nên đã tiến hành bắt giữ.
Khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng có hành vi xé Quốc kỳ
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Khi đi qua đoạn đường vắng, thấy người dân treo Quốc kỳ để chuẩn bị cho "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", do bốc đồng 2 đối tượng đã xé Quốc kỳ.
Sau 2 ngày lẩn trốn, hung thủ giết người đã sa lưới
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH – Sau khi sát hại nạn nhân, Bạch bỏ trốn khỏi hiện trường gây án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ hơn 2 ngày sau, đối tượng đã bị bắt giữ.
Đổ thuốc trừ sâu vào nước sinh hoạt nhà hàng xóm
Pháp luật - 3 giờ trướcGĐXH - Ngày 22/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Triệu Thị Ton (SN 1976) về hành vi “giết người”.
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 7 giờ trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 8 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 10 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luậtGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.