Tai nạn xảy đến lúc ông Châu có hai con gái nhỏ, đứa 9 tuổi đứa 4 tuổi, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông duy nhất trong gia đình.
Sau khi xuất viện, không thể tiếp tục theo công việc cũ, Châu về quê. Điều khiến ông bố này lo lắng nhất chính là tương lai của các con. Trong 3 năm đầu, gia đình 4 người chỉ sống nhờ khoản lương 450 tệ mỗi tháng (khoảng 1,5 triệu đồng) mà vợ ông – Tô Xuân Hương – kiếm được từ những việc vặt. Chồng mất sức lao động, bà Tô còn xin cấy thuê để có gạo ăn cho gia đình.
Thấy vợ vất vả, ông Châu cũng ra đồng phụ việc. Khi thu hoạch lúa, ông bảo vợ đặt một bao lúa trên lưng và vác về nhà với một tay. Mọi người mất 15 phút để vác về nhà, thời gian của ông nhiều gấp bốn. Sau lần này, người đàn ông 37 tuổi khi đó cay đắng nhận ra "không thể làm bằng một phần tư người khác trong ngày nếu cơ thể không lành lặn". Bởi vậy, ông Châu bàn với vợ lên thành phố kiếm việc phụ giúp gia đình.
Gọi điện khắp nơi tìm việc nhưng Châu đều bị từ chối. "Chẳng ai nhận người khuyết tật lại lớn tuổi như anh", người ta phúc đáp. Không tự kiếm được việc, ông đánh tiếng cho người quen và bạn bè để ý giúp. Tháng 7/2008, ông nhận được cuộc gọi từ một người họ hàng tại Bắc Kinh thông báo một khách sạn đồng ý nhận làm quản lý kho với mức lương 1.200 tệ/tháng (gần 4 triệu đồng).
Lên Bắc Kinh, ông Châu ở trong ký túc xá cho nhân viên nằm dưới một tầng hầm ẩm thấp, mỗi phòng có 8 người. Điều kiện sống không tốt khiến vết thương cũ đau nhức, nhiều lúc cảm giác không chịu đựng nổi. Bà Tô biết chuyện, khuyên chồng về quê nhưng ông gay gắt: "Anh chỉ trở về nếu như không chịu đựng nổi nữa".
Mỗi lần bốc dỡ hay cân hàng trong kho, ông Châu không thể tự làm vì chỉ có một tay, phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác. Ông dần cảm thấy xấu hổ vì nghĩ bản thân vô dụng nên tìm đến ông chủ xin nghỉ việc. "Tôi phải đi vì chẳng làm nổi việc gì".
Biết được hoàn cảnh, ông chủ nói rằng chỉ cần Châu chăm chỉ, họ sẽ giúp đỡ. Nghĩ về hai con gái ở quê cần tiền trang trải việc học, ông quyết định ở lại, tiếp tục làm việc.
Thương Châu mất tay nhưng chăm chỉ, ông chủ khách sạn dần nâng lương từ 1.200 lên 1.500 tệ rồi cao nhất là 3.000 tệ, nuôi đủ 3 bữa. Không tiêu pha gì cho bản thân, tiền làm được bao nhiêu, Châu gửi về quê bấy nhiêu.
Năm 2012, con gái đầu Châu Thuyền đỗ Đại học sư phạm Hồ Nam, ông rất vui sướng. "Cuối cùng trong nhà cũng có một sinh viên đại học", ông nói với vợ và mong được chạy ngay về nhà để ăn mừng, nhưng do bận việc nên phải hoãn.
Năm 2018, con gái thứ hai Châu Ái thông báo đỗ Học viện công nghệ Hồ Nam. Nhận được tin vui, ông chủ khách sạn nơi Châu đang làm việc cũng không giấu nổi xúc động. "Cha một tay nuôi hai con vào đại học điều đó chẳng dễ dàng gì", ông vỗ vai vị nhân viên đặc biệt của mình rồi gửi phong bao 1.000 tệ chúc mừng.
Nói về bố, con gái cả Châu Thuyền luôn tỏ rõ niềm tự hào. Cô cho hay, bố không bao giờ cho cô biết ông không có tiền. "So với các bạn cùng trang lứa, chị em tôi không hề thiếu thứ gì. Nếu muốn là bố sẽ mua cho".
Cũng theo cô gái này, bố rất tình cảm, ngọt ngào và hết lòng yêu thương các con. "Ngày xưa khi còn làm lái xe chở hàng, có vị khách cho 2 viên kẹo bé xíu ông cũng không ăn mà mang về nhà cho con". Lần đầu về thăm nhà từ Bắc Kinh, người đàn ông này cũng không quên mang theo vịt quay làm quà cho hai công chúa nhỏ.
Còn với con gái út Châu Ái, bố luôn là người tuyệt vời nhất. "Lúc chưa bị tai nạn, bố thường mượn xe chở tôi lên thị trấn học. Mỗi khi mẹ mắng hai chị em để nhà cửa bừa bộn, ông lại âm thầm đi dọn dẹp mọi thứ", cô kể.
Năm ngoái, Châu cũng dành tiền tiết kiệm để mua một chiếc vòng cổ tặng vợ. Dù luôn miệng nói chồng hoang phí nhưng bà Tô vẫn đeo nó hàng ngày. Ai hỏi cũng tự hào nói "Chồng tặng".
Hiện tại, Châu Thuyền đã ra trường và đi làm, cô dành một phần tiền lương của mình để nuôi em gái ăn học. Còn cô em dù mới là sinh viên năm 2 đã đi làm thêm, kiếm 1.500 tệ mỗi tháng để lo chi phí ăn ở tại thành phố đắt đỏ.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Châu dự định ở Bắc Kinh thêm 2 năm để làm việc cho tới khi con gái út tốt nghiệp đại học. Thế nhưng giờ đây kế hoạch của ông đã thay đổi.
Năm học mới của con gái bắt đầu vào tháng 9, khoản học phí chưa đóng cũng khiến ông lo lắng, trong khi đó khách sạn ông đang làm việc phải đóng cửa vô thời hạn.
Để có tiền, Châu về quê bàn với vợ mở một sạp bánh mỳ ở một nhà cũ ven đường lớn. Hàng ngày quán mở cửa lúc 6h. Vì chỉ có một tay không làm được nhanh nên hai vợ chồng thường thức dậy lúc 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu. Châu còn làm thêm bánh hấp, cho lên chiếc xe ba bánh, chở quanh làng rao bán.
Dù vất vả nhưng người đàn ông 49 tuổi vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan. Châu cho biết sẽ luôn nỗ lực kiếm tiền để con tiếp tục được đi học "Phải cho con học hành đến nơi đến chốn, đó là mục đích sống của tôi", ông bố hai con nói.
Theo Vnexpress