Chưa kịp lớn đã lấy vợ, lấy chồng
GiadinhNet - Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%; những bé gái trở thành cô dâu đã bị mất đi các cơ hội học hành, cơ hội nghề nghiệp, có nguy cơ tử vong do biến chứng thai sản…
Các thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về tình trạng tảo hôn, do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.
Nao lòng chuyện trẻ con đẻ ra trẻ con
Thống kê cho thấy, ở khu vực Tây Bắc, trong độ tuổi 10 - 19, cứ 10 em trai thì có một em có vợ và cứ 5 em gái thì có một em có chồng. Nhiều xã, tỷ lệ tảo hôn lên tới hơn một nửa. Có những em nhỏ mới hơn 10 tuổi, chưa đủ suy nghĩ cho bản thân nhưng đã phải làm bố, làm mẹ.
Hồ Thị Thơm (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La) bước qua tuổi 15 đã phải lấy chồng, giờ em đã có con gần hai tuổi. Em cho biết, ở xã em nhiều bạn học lớp 6, lớp 7 đã lấy chồng; lấy chồng xong chồng không cho đi học nên phải ở nhà. “Nhiều bạn lấy chồng sớm như em cũng đã có con hết rồi”, Thơm nói.
Mới 20 tuổi nhưng đã một nách 3 con, cuộc sống của gia đình Vàng Thị Sò và Tráng A Lau (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) khốn khó từng ngày. Cưới nhau ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Lau không nghĩ rằng cuộc sống sau hôn nhân không giống như mình đã từng hình dung. Ba đứa con nheo nhóc, cái ăn của gia đình 5 miệng ăn phải phụ thuộc chính vào sào ngô trên nương. “Trước kia nhỏ nên không biết, thấy mấy đứa bạn nó lấy vợ thì mình cũng lấy vợ thôi. Giờ có con thấy rất khổ nhưng đã có thế rồi thì phải nuôi nó thôi”, Tráng A Lau gượng cười nói. Cách nhà Lau một nương ngô là cặp vợ chồng trẻ Tráng A Dềnh, năm nay mới tròn 18. Con trai của Dềnh đã hơn một tuổi nhưng vẫn chưa làm thủ tục khai sinh. Ngoài giờ lên nương, chơi với con, Dềnh vẫn tranh thủ, tiếp tục theo học lớp 11.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 cặp tảo hôn. Một số xã như Lóng Luông (huyện Mộc Châu), tình trạng tảo hôn lên đến 52%, Vân Hồ (huyện Vân Hồ) có tỷ lệ tảo hôn là 68%... Tất cả những con số này đều tăng lên so với các năm trước. Chỉ tính riêng trong năm 2015, huyện Vân Hồ có 100 cặp tảo hôn và 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã có 47 cặp tảo hôn.
Thực trạng tảo hôn có ở 63 tỉnh, thành phố nhưng nhiều nhất vẫn là ở các tỉnh miền núi. Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở các tỉnh có tình trạng này vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, kết quả ban đầu là tình trạng tảo hôn giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, tại một số vùng sâu vùng xa, tình trạng này lại có xu hướng gia tăng.
Kết quả từ cuộc điều tra đánh giá các Mục tiêu trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam (MICS) năm 2014 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3% vào năm 2014. Khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Mê Kông và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Theo số liệu từ hệ thống số liệu hành chính, ở một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn hơn 50%. Trong số các khu vực dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 33%, tiếp theo là người Thái 23%.
Cần sự vào cuộc của cả xã hội
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số, làm tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc): Để bà con các dân tộc biết hậu quả của tảo hôn, cần truyền thông bằng chính ngôn ngữ của họ. Bà Nguyễn Thị Tư nhấn mạnh: “Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những “mù chữ” mà còn “mù” cả tiếng. Riêng ở Hà Giang, có 28.000 phụ nữ (trong đó có trẻ em gái) bị “mù” chữ và trong đó có 18.000 phụ nữ “mù” cả tiếng. Nếu truyền thông bằng tiếng phổ thông thì sẽ không hiệu quả. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật”.
Tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương chỉ rõ hậu quả của tình trạng tảo hôn đã tác động nghiêm trọng đến cơ hội học tập, việc làm ổn định của trẻ em gái. Các chuyên gia, các đại biểu trong và ngoài nước cũng chỉ ra nguyên nhân của nạn tảo hôn là do phong tục tập quán, hạn chế về nhận thức và hiểu biết, thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, công tác tuyên truyền kém, khó khăn về điều kiện tự nhiên, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường. Chính vì vậy, theo bà Trương Thị Mai, việc giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết. Bà Trương Thị Mai nói: “Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”.
Thay mặt cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình. Theo bà Astrid Bant, để giải quyết tình trạng tảo hôn, ngoài mục tiêu ưu tiên thực hiện bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các Bộ, ban, ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thái độ của cha mẹ và cộng đồng, tìm ra những giải pháp dựa vào cộng đồng để ngăn chặn tình trạng này.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương: “Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các gia đình, nhằm phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, phải dành ưu tiên nhiều hơn cho đồng bào dân tộc, những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện chính sách, đặc biệt là những nơi có nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hơn; đồng thời lồng ghép với các chương trình chính sách đang triển khai”.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: “Tảo hôn là một vấn đề phức tạp - không có một can thiệp duy nhất nào có thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận đa ngành, đa bên. Quy mô của vấn đề đòi hỏi tất cả chúng ta - Chính phủ, các đối tác phát triển quốc tế, Liên Hợp Quốc, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng cùng nhau hành động.
Tất cả chúng ta cần phải chung tay để trả lại cho trẻ em sự lựa chọn, giấc mơ, tương lai và tuổi thơ”.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết tình trạng tảo hôn
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015 - 2025. Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Nam nữ kết hôn khi nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Nhưng ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cha mẹ và họ tộc vẫn cho phép trẻ em gái được kết hôn trước tuổi 18.
Năm 2009, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) bắt đầu triển khai mô hình can thiệp giảm tảo hôn và kết hôn cận huyết. Từ năm 2013, mô hình được triển khai tại 24 tỉnh với 111 huyện, 445 xã và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, với thực trạng trên, công tác này vẫn đang là một thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.
Hà Thư
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcUng thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcTrẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcĐa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.
Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.
Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcSau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.
5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcHội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcPhụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.
Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcTắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
Tuổi 50 nên chọn loại hình tập luyện nào là tốt nhất?
Dân số và phát triểnỞ độ tuổi 50 trở lên, tập luyện thể chất không chỉ tập trung vào nâng cao sức khỏe mà còn hướng đến lối sống năng động, dẻo dai, vui vẻ...