Hà Nội
23°C / 22-25°C

Dân số trong độ tuổi thanh niên ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Thứ năm, 07:00 25/03/2021 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với đội ngũ lao động đông đảo, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới, tuy nhiên tốc độ già hóa dân số tăng và dân số trong độ tuổi thanh niên đang có xu hướng giảm dần qua từng năm mang đến những áp lực không nhỏ cho kinh tế – xã hội. Do đó cần có những biện pháp nhằm kéo dài và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng trong đó, trọng tâm là phát triển dân số độ tuổi thanh niên.

Thực trạng dân số thanh niên trong cơ cấu dân số

Dân số trong độ tuổi thanh niên (người từ đủ 16 đến 30 tuổi) đang có xu hướng giảm dần qua từng năm. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc tận dụng "kỷ nguyên dân số vàng" ở Việt Nam khi dân số thanh niên (chiếm đông đảo trong lực lượng lao động) giảm đi, dần đưa đến sự tăng lên của dân số phụ thuộc trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019, dân số thanh niên có xu hướng giảm liên tục qua từng năm, năm 2015 có 24.349.226, chiếm 26,5% đến năm 2019 ước tính còn 22.898.886 người, chiếm 23,8% dân số cả nước. Trong khi dân số ở độ tuổi thanh niên giảm thì tỷ lệ dân số nhóm tuổi từ 31 – 59 và đặc biệt là từ 60 trở lên có xu hướng tăng.

Về nhóm tuổi, nhóm thanh niên trong độ tuổi 25 – 30 tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất và tăng nhanh nhất (41,4% năm 2015 lên 45,0% năm 2018). Trong khi nhóm thanh niên trong độ tuổi 20 – 24 tuổi có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2015 – 2018 (35,6% năm 2015 xuống 32,7% năm 2018) thì nhóm thanh niên trong độ tuổi 16 – 19 có xu hướng giảm mạnh (23,0% năm 2015 xuống 22,3% năm 2018).

Dân số trong độ tuổi thanh niên ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1.

Cơ cấu “dân số vàng” không khai thác sẽ rất lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: T.L

Về phân bố dân cư, dân số thanh niên sống tại khu vực nông thôn luôn cao hơn khu vực thành thị, song khoảng cách chênh lệch đang ngày càng thu hẹp, trong giai đoạn 2015 – 2018 tỷ lệ thanh niên khu vực thành thị tăng 3,5% từ 33,9% năm 2015 lên 37,4% năm 2018.

Trong giai đoạn 2015 – 2017, theo giới tính, tuổi kết hôn trung bình của nam thanh niên luôn muộn hơn so với nữ thanh niên, năm 2017 của nam là 27,4 tuổi còn của nữ là 23,1 tuổi. Theo khu vực, tuổi kết hôn trung bình của thanh niên sống ở khu vực thành thị muộn hơn thanh niên sống ở khu vực nông thôn.

Theo các vùng miền thì tuổi kết hôn của thanh niên sống ở các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc là sớm nhất cả nước; ngược lại, vùng Đông Nam Bộ là vùng có tuổi kết hôn muộn nhất nước. Điều này giúp phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các địa phương, khi những địa phương có nền kinh tế phát triển và mức độ đô thị hóa cao hơn thì thanh niên sẽ tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp, kéo theo đó là độ tuổi kết hôn muộn hơn so với những địa phương có nền kinh tế kém phát triển và mức độ đô thị hoá thấp hơn.

Trong tương lai, tuổi kết hôn của thanh niên Việt Nam sẽ ngày càng muộn hơn. Thực tế giai đoạn hiện nay, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn đến từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, sự toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, những tác động của cơ chế thị trường… Quá trình này tạo nên sự độc lập về kinh tế cho cả nam và nữ, vai trò giới, vị thế người phụ nữ lớn hơn kéo theo vấn đề hôn nhân tự do, tự nguyện, sự độc lập, mức sinh thấp, quan hệ trong gia đình bình đẳng, dân chủ.

Tuy nhiên, độ tuổi kết hôn ngày càng lớn, độ tuổi sinh con lần đầu của người phụ nữ ngày càng cao, từ đó, nhiều vấn đề về sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em có thể xảy ra. Việc sinh con muộn sau tuổi 35 có thể khiến mẹ và thai nhi gặp những rủi ro. Cụ thể, trẻ có thể bị nhẹ cân, sinh sớm, thậm chí mắc hội chứng Down. Sinh con muộn ngay từ sau tuổi 30 cũng khiến phụ nữ và trẻ sinh ra gặp nhiều rủi ro sức khỏe hơn; mang thai ở tuổi này, phụ nữ có nguy cơ sinh con bị nhiễm sắc thể bất thường cao hơn.

Những giải pháp nhằm duy trì và phát triển tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam

Thứ nhất, cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nhà nước cần xem xét và tính toán rõ ràng mối quan hệ nhân – quả giữa dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, mức sinh, mức chết, di cư và chất lượng dân số) và phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường…) trong toàn bộ các bước: Lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với việc duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Việc "chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển", về bản chất là sự mở rộng chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình nhưng được thực hiện theo phương thức mới và hoàn toàn không phải là "từ bỏ kế hoạch hóa gia đình".

Thứ hai, cần lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Quy mô, cơ cấu, phân bố dân số đã và đang có xu hướng biến đổi nhanh. Để bảo đảm nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển; để chính sách phát triển có tính thực tiễn, hiệu quả cao; phải tổ chức tốt công tác dự báo dân số và sử dụng kết quả dự báo trong việc hoạch định tất cả các chính sách phát triển.

Thứ ba, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý dân số, đồng thời triển khai các nghiên cứu đánh giá, dự báo và chuẩn bị cần thiết để ứng phó với những hệ quả của xu hướng biến động dân số, cụ thể:

Cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh từ việc mất cân bằng giới tính. Có thể kể đến một số hệ lụy từ thực trạng mất cân bằng giới tính, như: Khó khăn trong việc kết hôn và duy trì chế độ "một vợ, một chồng" do tỷ lệ nam nhiều hơn nữ; nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên từ thực trạng "khan hiếm" phụ nữ; một số tội phạm xã hội gia tăng như bắt cóc, buôn bán phụ nữ; mại dâm…; phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Để giải quyết những vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách phù hợp nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Cần có kịch bản thích ứng với xu hướng di cư ngày càng mạnh giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế, thậm chí là các dòng di cư mang tính quốc tế trong quá trình hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng.

Cần có biện pháp ứng phó với tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp, độ tuổi sinh con cao ở một số khu vực và các biến động dân số khác.

Thứ tư, cần chuyển hướng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông từ số lượng sang chất lượng. Trong thời kỳ "dân số vàng", quy mô dân số độ tuổi đi học (5 – 24 tuổi) có xu hướng giảm do mức sinh thấp. Ở phạm vi hộ gia đình, số con của mỗi cặp vợ chồng ít và trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông quốc gia giảm mạnh. Số lượng học sinh phổ thông giảm tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

Với sự biến chuyển quy mô và cơ cấu dân số trong độ tuổi đi học, Nhà nước phải có chính sách chuyển hướng kịp thời nền giáo dục, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đến từng học sinh thay vì đáp ứng nhu cầu của số đông.

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" là tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15 – 64 tuổi) rất cao, dao động từ 66% đến 70%. Trong đó, dân số trong độ tuổi dưới 34 tuổi sẽ thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Đây là dư lợi lớn của "cơ hội dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lao động đông và tăng nhanh cũng tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng lao động, việc làm và việc làm có thu nhập cao.

Cơ hội cơ cấu dân số "vàng" chỉ xuất hiện một lần, cơ cấu "dân số vàng" không khai thác thì sẽ rất lãng phí, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, yêu cầu về chất lượng đối với nguồn nhân lực thay đổi một cách toàn diện. Những công việc nặng nhọc, tốn sức được chuyển dần cho máy móc đảm nhận; người lao động do đó muốn tham gia thị trường phải chuyên nghiệp, có tay nghề cao, thậm chí có khả năng sử dụng, điều khiển máy móc. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách định hướng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học – kỹ thuật với chất lượng cao. Nhà nước cần có quy hoạch phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhằm tạo việc làm cho người lao động.u

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2015 dân số ở độ tuổi 31-59 chiếm 35,9%, đến năm 2018 chiếm 36,7%; dân số trên 60 tuổi tăng từ 13,3% năm 2015 lên 14,6% năm 2018. Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 – 2018, tỷ lệ nam thanh niên luôn cao hơn nữ thanh niên, sự chênh lệch về tỷ số giới tính dân số thanh niên có xu hướng tăng lên từ 1,6% năm 2015 lên 2,0% năm 2018.

TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Trẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Nguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.

Top