Giao lưu trực tuyến: "Sự cần thiết ra đời Luật Dân số"
GiadinhNet - Trong 2 tiếng đồng hồ giao lưu, các khách mời đã trả lời rất nhiều các câu hỏi của bạn đọc về những lý do hết sức quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống người dân như quy định về mổ đẻ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh con khỏe mạnh, khám sức khỏe tiền hôn nhân... và những quy định trong Pháp lệnh dân số chưa bắt kịp tình hình thực tế cho thấy sự cần thiết ra đời Luật Dân số.
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình, Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho các khách mời: Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (thứ 2 từ trái qua); GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ngoài cùng bên trái) và Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội (thứ 2 từ phải qua). |
Ba khách mời tại chương trình giao lưu |
> Chuyên đề: Sự cần thiết ra đời Luật Dân số |
Kể từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, Pháp lệnh dân số (PLDS) đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm và dài hạn về dân số và KHHGĐ, nâng cao trách nhiệm của công dân, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong việc kiểm soát sinh sản.. nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về dân số bằng pháp luật.
Qua 10 năm thực hiện, trong bối cảnh kinh tế xã hội và các chỉ báo về nhân khẩu học có nhiều thay đổi, một số vấn đề dân số mới phát sinh nên Pháp lệnh dân số đã bộc lộ một số hạn chế và công tác quản lý dân số vẫn còn vướng phải một số bất cập, sớm cần khắc phục, cụ thể như:
(1) Khá nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc, chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn.
(2) Chưa bao quát được hết các nhóm đối tượng trong xã hội (đối tượng ưu tiên; vùng miền khó khăn; người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam; di cư quốc tế…).
(3) Chưa thật phù hợp với thực tiễn chuyển đổi nhân khẩu học trước mắt cũng như lâu dài đối với Việt Nam (đô thị hóa; di cư trong nước và quốc tế; đáp ứng nhu cầu dịch vụ SKSS/KHHGĐ người di cư đến…).
(4) Nhiều vấn đề dân số mới xuất hiện, nếu không được giải quyết kịp thời thì gây ra những hệ lụy khó lường cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội (tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhanh; đẻ thuê, đẻ hộ, mua bán tinh trùng, noãn đang diễn ra khá phổ biến nhưng vẫn chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh…).
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân đang trả lời câu hỏi giao lưu cùng bạn đọc. |
GS. TS Nguyễn Đình Cử cho biết, ngay quy định chưa đi vào cuộc sống một cách phổ biến là “kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn” cũng được 92% người dân ủng hộ. |
Hoàng Thị Thu Dung - hoangdung3tn@gmail.com - Nữ 34 tuổi:: Hiện nay, tình trạng phá thai đang diễn ra rất nhức nhối, đặc biệt là phá thai tuổi vị thành niên, thanh niên. Hiện pháp luật đang quy định những điều gì về nội dung này, thưa ông? Theo ông, Dự án Luật Dân số sẽ phải điều chỉnh, bổ sung ra sao để “xử lý” vấn nạn này?
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Theo tôi, Dự án Luật Dân số cần điều chỉnh, theo hướng Quy định chặt chẽ hơn về nạo phá thai. Trước hết là điều kiện được cung cấp dịch vụ phá thai. Ai, cơ sở y tế nào với điều kiện nào mới được phép cung cấp dịch vụ này. Hai là, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đối với người được phá thai. Chẳng hạn: Có ký cam kết tự nguyện phá thai với sự đồng ý của chồng (nếu đã có chồng) hoặc sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi); có chứng minh nhân dân để xác định họ tên và nơi ở; có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai mới được làm thủ thuật phá thai. Ba là, xóa bỏ “bao cấp” cho đối tượng được phá thai. Đặc biệt, phải bổ sung điều kiện về tuổi thai, lý do phá thai… Cần nâng cao trách nhiệm của nhà trường đoàn thể, gia đình trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên.
Trần Thị Khánh Hòa - ttkhoa1958@g.mail.com - Nữ 50 tuổi: Thưa ông, ý kiến của ông về đề xuất nội dung bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn đưa vào dự luật Dân số?
Ông Nguyễn Đình Lân đang trả lời câu hỏi giao lưu cùng bạn đọc. |
Bùi Quang - quanghatinh7x@gmail.com - Nam 34 tuổi: Nghiên cứu của ông và nhóm cộng sự đã chỉ ra các hạn chế trong việc thi hành Pháp lệnh Dân số như thế nào, thưa GS?.
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Phải nói là còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thi hành Pháp lệnh Dân số. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2012 vẫn ở mức 14,2%; Tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi năm 2006 là 66,8% đã tăng lên 81,3% vào năm 2012. Mặc dù PLDS cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng “Tỷ số giới tính khi sinh” vẫn tăng đều đặn và năm 2012 đã đạt 112,3! Như vậy, việc vi phạm các quy định xung quanh vấn đề “giới tính khi sinh” là khá phổ biến. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ văn hóa Nho giáo và PLDS đã không đi vào cuộc sống vì không “đủ lực” để vượt qua rào cản văn hóa này. Kết quả thực hiện các quy định về “phân bố dân số” chưa được tốt. Quy định “hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn” của PLDS không được thực hiện. Dân cư vẫn đổ về các đô thị lớn với cường độ mạnh hơn giai đoạn trước 2003! Nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành PLDS chậm được ban hành, cá biệt có văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi.
Đặng Thị Hoài - hoai_dsquangbinh@yahoo.com - Nữ 28 tuổi: Cũng trên cơ sở nghiên cứu đánh giá thực tế, theo ông, Luật Dân số sẽ có ý nghĩa với người dân ra sao? (về điều chỉnh hành vi liên quan đến dân số, về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ..vv.)
GS. TS Nguyễn Đình Cử: - Hiện nay Luật Dân số chưa được ban hành nên câu hỏi này sẽ được thực tế trả lời. Nếu cứ xây “luật ống, luật khung” rồi hướng dẫn thi hành chậm thì Luật ít có ý nghĩa, thậm chí có cũng như không.
|
GS. TS Nguyễn Đình Cử |
Lưu Thị Ngọc Ánh - anhngoc2503@gmail.com - Nữ 28 tuổi:Thưa ông, tôi ở Sơn La, tôi có tham gia câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã. Tôi nghe thông tin: Sắp tới trước khi kết hôn, nam nữ sẽ phải đi khám sức khỏe mới được đăng ký kết hôn, điều này có đúng không? Hiện có địa phương nào đã yêu cầu người dân như thế chưa, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS - KHHGĐ Nguyễn Văn Tân |
Hoàng Chung Anh - hoangchunganh_yb2000@yahoo.com - Nam 36 tuổi:Thưa GS, về việc thi hành Pháp lệnh Dân số, theo Ông, đâu là kết quả mà Ông cho là ấn tượng nhất?
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Đánh giá chung về kết quả thực hiện PLDS, 45,2% cán bộ quản lý trả lời là “tốt” và “rất tốt”.
Đối với tôi, ấn tượng nhất là 10 năm qua (2003 –2012), trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, người dân vẫn được cung cấp thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ khá đầy đủ và thuận tiện. Chính vì vậy, thực hiện tốt quy định “Mỗi cặp vợ chồng sinh 1 hoặc 2 con” nên 10 năm qua Việt Nam đã đạt và giữ vững được mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Kết quả thực hiện các quy định về “Chất lượng dân số”, tuy chủ yếu mới dừng ở các dự án, các hoạt động, như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Phòng chống tảo hôn và quan hệ hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên; Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã triển khai ở hầu hết các tỉnh/thành phố… nhưng cho thấy chúng ta đã bắt đầu khởi động một hướng mới trong lĩnh vực dân số và được nhân dân ủng hộ.
Vũ Hoàng Anh - anhvu@gmail.com - Nữ 24 tuổi:Hà Nội là một trong những trung tâm KT- XH của cả nước, thời gian qua ngành Dân số/KHHGĐ của T.P có những hoạt động gì nổi bật nhất trong việc truyền thông để người dân hiểu hơn về chương trình DS-KHHGĐ, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lân: Chào bạn. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động về dân số-KHHGĐ, ngay từ đầu năm 2013, Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội đã tăng cường các hoạt động truyền thông ở cấp cơ sở, tuyên truyền với mật độ dày và qui mô lớn hơn, nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú hơn. Để đảm bảo các nội dung tuyên truyền được chuyển tải đến cộng đồng một cách đầy đủ, Chi cục Dân số Hà Nội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cấp cơ sở ngay từ đầu năm.
Để triển khai Chiến dịch Truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ có hiệu quả, 41 cuộc truyền thông trước chiến dịch về CSSKSS/KHHGĐ được tổ chức tại các xã trọng điểm thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, đây là các xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh và sinh con thứ ba cao.
Nhằm tăng hiệu quả truyền thông, cung cấp kiến thức cho nhiều nhóm đối tượng hơn nữa trong cộng đồng, ngoài các cán bộ truyền thông cấp cơ sở, Chi cục Dân số Hà Nội còn mở rộng phạm vi truyền thông tới các đối tượng khác nhau; tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Đoàn thanh niên cơ sở thuộc 10 quận/huyện khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội; Truyền thông cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại 8 quận/huyện về mất cân bằng giới tính khi sinh, truyền thông cho đối tượng là các gia đình có con ở độ tuổi vị thành niên/thanh niên tại 19 quận/huyện, truyền thông cho công nhân khu công nghiệp, cho quân lực lượng vũ trang… Chi cục Dân số tiến hành biên soạn tài liệu, giáo án phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào các vấn đề dân số “nóng” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội |
Bùi Hoàng Quang Minh - quangminhgt@yahoo.com - Nam 29 tuổi:Ông có ý kiến đóng góp gì cho Dự thảo Luật Dân số sắp tới, với tư cách là một người trong ngành?
Ông Nguyễn Đình Lân: Việc ban hành Luật dân số là cần thiết trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên pháp luật về dân số có liên quan đến con người do đó có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển và thi hành, nên cần được quy định bằng luật và xử lý bằng luật nhằm hướng tới việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền tạo lối sống và làm việc theo pháp luật của toàn xã hội.
Cần bổ sung quy định về tư vấn trước, trong, sau khi phá thai; điều kiện, trình tự, thủ tục phá thai và điều kiện, trách nhiệm của cơ sở y tế thực hiện phá thai an toàn. Các vấn đề về xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi...
Tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện Luật, Pháp lệnh ở cơ sở để kịp thời nắm bắt các bất cập khi triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước từ đó điều chỉnh kịp thời phù hợp với từng giai đoạn.
Bùi Viết Hoàng - buihoang211@gmail.com - Nam 36 tuổi:Đã từng xảy ra tình trạng người dân TP HCM hiểu sai, cho rằng: Tại các TP lớn, người dân “được sinh thoải mái”. Ngành dân số TP Hà Nội có những biện pháp “đón đầu” gì để không xảy ra tình trạng tương tự, thưa ông?
Mai Thu Hoa - maihoa@gmail.com - Nữ 36 tuổi:Hiện nay, tại một số TP lớn, tình trạng các cơ sở in ấn lậu vẫn lén lút cho in sách mang tính chất tư vấn sinh con trai theo ý muốn. Ngành dân số TP Hà Nội đã có những biện pháp gì để kết hợp với các ban ngành liên quan để đối phó với tình trạng này, thưa ông?
Toàn cảnh chương trình giao lưu |
Đinh Thị Hoài My - hoaimy@gmail.com - Nữ 25 tuổi:Trong PLDS, tôi thấy có nhiều từ “hợp lý”, “phù hợp”… Nhưng nghĩa của nó thì khá trừu tượng, hiểu thế nào cũng được. Trong Luật Dân số, những từ này có được điều chỉnh không, thưa ông?
GS. TS Nguyễn Đình Cử:Theo tôi, trong Luật sẽ có những từ rõ ràng để những người thi hành hiểu rõ.
Chung Văn Cư - cusiandanh@yahoo.com - Nam 36 tuổi:Nếu kết quả khám tiền hôn nhân cho thấy nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh thì phải làm gì, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Nếu nghi ngờ thì phải đến nơi có trình độ kỹ thuật cao hơn để kiểm tra lại. Nếu phát hiện bệnh có khả năng chữa được, ví dụ bệnh lây truyền qua tình dục (lậu, giang mai...) thì đối tượng được khuyên cần phải chữa khỏi trước khi kết hôn. Nếu phát hiện các bệnh di truyền mà việc kết hôn có khả năng sinh ra những đứa trẻ không bình thường, dị tật thì đối tượng được khuyên cân nhắc lại việc kết hôn (còn việc có kết hôn hay không là việc của cá nhân đối tượng đó).
Lại Thị Thu - thu1983@gmail.com - Nữ 30 tuổi:Một vấn đề đang bị “bỏ trống” trong các Luật, dự Luật là vấn đề cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhóm dân số là người di cư. Theo ông, Luật Dân số có nên đưa vấn đề này vào, và sẽ đưa như thế nào?
Thiều Thị Mai Ly - maily43@yahoo.com - Nữ 26 tuổi:Khám tiền hôn nhân theo tôi là rất tốt, để hai người biết về tình trạng sức khỏe của mình và có những quyết định đúng đắn cho tương lai. Nhưng thực tế, khám rất tốn kém. Nếu Luật Dân số quy định điều này, chắc không phải ai cũng có điều kiện đi khám. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của bạn. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến rằng đối với một số đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những người thuộc diện chính sách...sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Nguyễn Thanh Sơn - nguyenson23@yahoo.com - Nam 34 tuổi:Tôi ở Thái Nguyên. Tôi muốn hỏi về quy trình đi khám sàng lọc sơ sinh. Đối tượng nào được làm Sàng lọc sơ sinh? Quy trình như thế nào, thưa ông?
Lê Văn Trực - letruc@gmail.com - Nam 38 tuổi:Thưa ông, được biết ông là thành viên chủ chốt của Tổ chuyên trách xây dựng dự án Luật Dân số; hiện tiến trình xây dựng dự thảo đã đến đâu? Đến khoảng thời gian nào thì Dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Tôi chỉ là một thành viên chứ không phải là "chủ chốt" như bạn nói. Hiện nay, Tổ xây dựng Luật DS đã xây dựng xong đề cương chi tiết và bắt đầu khởi thảo các nội dung theo đề cương. Về kế hoạch xây dựng Luật DS đã được Quốc hội thông qua đến kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014) của Quốc hội khóa 13, Bộ Y tế sẽ phải trình Quốc hội cho ý kiến và đến kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015)sẽ trình Quốc hội thông qua.
Lê Quỳnh Chi - quynhchi@yahoo.com - Nữ 29 tuổi: Tôi là công nhân dệt may tại Bình Dương. Chúng tôi ít khi được tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc SKSS, một phần vì bản thân chúng tôi làm suốt ngày và không có thời gian để chăm sóc, nhưng một phần tôi cũng thấy không nhiều dịch vụ hướng đến chúng tôi. Sắp tới, khi Luật Dân số ra đời, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của chúng tôi có được đảm bảo hơn không?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Tôi tin rằng việc cung cấp dịch vụ SKSS cho công nhân các khu công nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn dù có Luật Dân số hay không. Hiện nay đối với các tỉnh, thành phố có nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (thường là người từ tỉnh khác đến) chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương phải cung cấp đầy đủ thông tin và các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ như người dân sở tại. Tuy nhiên đúng như bạn nói việc cung cấp các dịch vụ trên thường thực hiện trong giờ hành chính, chưa phù hợp với điều kiện làm việc của các bạn, do đó một số địa phương đã tổ chức cung cấp các dịch vụ này vào các ngày thứ 7, chủ nhật nhưng hiện nay chưa phải tất cả các địa phương đã làm tốt việc này.
Huỳnh Trang - trinhhoangthuy@yahoo.com - Nữ 35 tuổi: Xin Quý chuyên gia cho em hỏi: Phụ nữ đã có (hoặc chưa có) gia đình muốn được lưu trữ trứng để đảm bảo cho việc sinh đẻ đã có ở Việt Nam chưa? Nếu đã có thì các quy định, điều kiện và mức giá thực hiện như thế nào và có thể thực hiện việc này ở đâu? Nếu chưa có thì trong dự thảo Luật Dân số có dự kiến đưa vấn đề này vào để thực hiện không ạ? Em xin cảm ơn.
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Theo tôi biết trên thế giới đã thực hiện việc lưu trữ trứng để sinh đẻ trong thời gian thích hợp. Tuy nhiên ở Việt Nam thì chưa. Nhưng Luật Dân số tới nên đề cập vấn đề này.
Nguyễn phước Gọn - Nam 31 tuổi:Luật Dân số ra đời có thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác Dân số từ trung ương đến địa phương không? Hay là mỗi nơi mỗi mô hình khác nhau như hiện tại.
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Theo tôi nên thống nhất mô hình nhưng nội dung công tác DS- KHHGĐ thì có thể khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của từng địa phương. Chẳng hạn nơi có mức sinh cao phải khác nơi có mức sinh thấp. Nơi có tỉ số giới tính khi sinh cao cũng phải khác nơi có tỉ số giới tính khi sinh bình thường.
Hoàng Văn Giáp - hoangvangiap@gmail.com - Nam 40 tuổi: Thưa ông Luật Dân số phải được thực thi sớm để ngành dân số có tiếng nói và uy tín với Đảng, nhân dân. Vì vậy ta cần phải nhất quán trong mọi chỉ tiêu đưa vào luật. Tôi thấy hiện giờ ngành dân số các cấp không cấp nào coi trọng cả. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách (CBCT) cấp xã hiện nay chưa rõ ràng cứ đùn đẩy nhau, UBND xã, rồi trạm y tế, đề nghị trung ương có văn bản hướng dẫn rõ ràng. Là CBCT nên là một công chức,viên chức xã quản lý để cho công tác tham mưu được dễ dàng và tạo được uy tín và tiếng nói cho ngành dân số chúng ta ? Nếu không thì họ coi thường lắm./.
Phạm Thái Hà - thaiha.21687@gmail.com - Nữ 28 tuổi:Hiện nay, tại địa phương áp dụng các chính sách như không xét hộ nghèo, không cho vay vốn đối với các cá nhân sinh con thứ 3 trở lên, nhưng một thực trạng rút ra từ địa phương đó là các hộ gia đình khá giàu về kinh tế lại muốn sinh thêm con và đặc biệt là một bộ phận đảng viên vi phạm chỉ bị xử lý mà được xem là rất nhẹ là kỷ luật với hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo. Xin hỏi đối với trường hợp người dân vi phạm luật dân số có nên đưa các mức phạt nặng vào luật; trường hợp đảng viên có đưa vào phạt thật nặng hay không?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Chính sách DS-KHHGĐ ở Việt Nam hiện nay là vận động người dân tự nguyện thực hiện chứ không phải là cưỡng ép và xử phạt bằng biện pháp hành chính.Thực tế cho thấy chính sách này đã thành công, do đó không có lý do gì để chúng ta thayđổi chính sách đó bằng một chính sách không dựa trên sự tự nguyện. Riêng đối với Đảng viên, Đảng ta đã có quy định về việc xử lý Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Sở dĩ như vậy là vì truyền thống của Cách mạng Việt Nam đề cao sự gương mẫu tiên phong của Đảng viên "Đảng viên đi trước làng nước theo sau".
Lưu Ngọc Anh - anhngoc2304@gmail.com - Nữ 35 tuổi:Giảm sinh, nguyên nhân cơ bản đẩy nhanh quá trình già hóa’. Vậy, theo Ông, Việt Nam phải làm gì để đảm bảo nâng cao dần an sinh xã hội và phát huy khả năng của người cao tuổi?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh. Hiện nay số người trên 65 tuổi ở nước ta đã vượt qua con số 7%. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta trong việc đảm bảo an sinh xã hội và phát huy khả năng của người cao tuổi. Để thực hiện việc này, có rất nhiều việc phải làm như: cần có chính sách để mọi người có trách nhiệm tích lũy khi còn trẻ để đảm bảo cho tuổi già (chính sách bảo hiểm XH, đặc biệt chính sách bảo hiểm XH tự nguyện đối với nông dân); Xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; Hoàn thiện mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; Có chính sách khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (VD: miễn thuế sử dụng đất, miễn giảm thuế doanh nghiệp...); Tăng cường sự tham gia của Hội người cao tuổi trong xây dựng và thực hiện các chính sách...
Nguyễn Thanh Hoài - thanhhoaidstxhn@gmail.com - Nam 29 tuổi:hiện nay các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám có trang bị máy siêu âm chẩn đoán sản phụ khoa, sử dụng các kỹ thuật y học để canh sinh con trai, cũng như phá thai lựa chọn giới tính. Đa phần người dân đi siêu âm để biết giới tính thai nhi. Giả sử bác sĩ siêu âm chỉ nói giới tính bằng từ nghĩa bóng giống cha hoặc giống mẹ là người dân biết con trai hay con gái luật ra đời có giải quyết được vấn đề này không? có ghi rõ, nhắc lại từng mục gồm: Đảng viên, cán bộ công chức, người dân cụ thể; sẽ xử lý bằng hình thức nào khi siêu âm biết hoặc lựa chọn giới tính thai nhi không?… giúp cho việc khen thưởng và xử lý vi phạm được nghiêm minh.
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Theo tôi, Luật tạo cơ sở Pháp lý cho việc giải quyết vấn đề này. Còn để giải quyết triệt để cần tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm khắc vi phạm.
Nguyễn Thanh Hoài - thanhhoaitxhn@yahoo.com - Nam 29 tuổi: Hiện nay còn nhiều gia đình thích sinh con thứ 3. Đa phần đối tượng là người dân (gia đình khó khăn) luật có đưa vấn đề này vào không?
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Pháp lệnh Dân số sửa đổi (năm 2008) có quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Sắp tới, Luật có khẳng định lại vấn đề này hay không là dựa trên cơ sở: sự phù hợp với Luật trong nước và các công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia kí kết; kết quả giảm sinh hiện nay. Cần lưu ý rằng, trong 10 năm qua Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế; hơn nữa thế hệ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay tuyệt đại bộ phận sinh ra sau chiến tranh; trưởng thành khi Việt Nam đẩy mạnh chương trình DS-KHHGĐ; xã hội Việt Nam ngày càng phát triển (đô thị hóa, phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến, địa vị phụ nữ ngày càng được nâng cao...). Vì vậy, có cơ sở pháp lý, dân số, sự phát triển để thay đổi quy định nói trên.
Trần Hương Thảo - thaotran@gmail.com - Nữ 31 tuổi:Thưa Ông, qua số liệu kết quả các cuộc điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm do Tổng cục Thống kê thực hiện từ năm 2003 đến nay cho thấy, mức sinh ở Việt Nam đã xuống thấp và tiếp tục giảm trong bối cảnh tâm lý ưa thích con trai còn phổ biến. Vậy, theo Ông, làm thế nào để giữ được sự cân bằng giới tính khi sinh khi mỗi cặp vợ chồng chỉ muốn có 1 hoặc 2 con trong một đất nước nông nghiệp và còn ảnh hưởng nặng tư tưởng Nho giáo?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Chỉ có thể đưa tỷ số giới tính khi sinh quay lại mức cân bằng khi mà xã hội có được sự bình đẳng giới thực sự trong cả suy nghĩ và hành động khi mà các gia đình coi con gái như con trai. Để đạt được điều đó phải tiến hành đồng bộ 3 biện pháp: biện pháp lâu dài, cơ bản là truyền thông thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới, không chẩn đoán, lựa chọn giới tính khi sinh; thứ hai là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở và nhân viên y tế cung cấp các dịch vụ chẩn đoán giới tính khi sinh trái phép; thứ ba là cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái, hỗ trợ khuyến khích các gia đình sinh con một bề là bé gái nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa bình đẳng giới.
Võ Kim Thư - kimthu@yahoo.com - Nữ 42 tuổi: Hà Nội là một trong những địa phương triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh rất hiệu quả. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật nhất, Hà Nội đã làm gì để đạt được kết quả đó? Theo ông, trong thời gian tới,cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như thế nào để chất lượng sống cư dân Thủ đô được nâng lên?
Ông Nguyễn Đình Lân: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Năm 2013, Hà Nội đang triển khai và tổ chức thực hiện đề án tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 ở thành phố và 29 quận, huyện.
Trần Văn Minh - minhtran@gmail.com - Nam 28 tuổi:Hà Nội mới được mở rộng địa giới hành chính, diện tích lớn hơn rất nhiều. Ngành Dân số thành phố có những kế hoạch gì để việc tuyên truyền KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản tới người dân vùng xa được hiệu quả nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lân: Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Hà Nội có diện tích 3.324,33 km², gồm 29 quận, huyện, thị xã với 577 xã, phường, thị trấn (trong đó có 13 xã thuộc diện miền núi theo quy định của Chính phủ). Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 98,7%; các dân tộ khác: Dao, Mường, Tày… chiếm 1,3%. Dân số đô thị chiếm tỷ lệ 42,5% và dân số nông thôn chiếm 57,5%; tỷ lệ nữ chiếm 51,00% và nam là 49,00%, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, có sự chênh lệch cao giữa quận và huyện (mật độ người/km² của quận Hoàn Kiếm là 28.752, quận Ba Đình là 25.796, quận Đống Đa là 39.307, huyện Sóc Sơn là 991, huyện Ba Vì 613, Mỹ Đức 789). Chính vì vậy công tác tuyên truyền về chính sách DS/KHHGĐ Hà Nội phải có kế hoạch, phương thức truyên truyền cách thức tổ chức phải năng động và phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương;
Trần Thị Ái Hồng - ttdsqueson@gmail - Nữ 29 tuổi:Xin cho tôi có ý kiến thắc mắc như sau: Hiện nay đối với ngành dân số mặc dù có Pháp lệnh, có nghị định hướng dẫn thi hành, thậm chí trong vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh có nghị định 114 năm 2006 của Chính phủ nhưng thực tế vẫn chưa áp dụng chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, vậy Luật Dân số ra đời liệu có khả thi trong việc xử phạt những hành vi vi phạm hay không?
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Luật cao hơn Pháp lệnh. Do vậy, hi vọng hiệu lực của Luật sẽ cao hơn. Mặt khác, chúng ta đã nhận thấy điểm yếu trong thực hiện Pháp luật Dân số là giám sát và xử lý các sai phạm. Nhược điểm này cần được khắc phục trong việc thi hành Luật Dân số sắp tới.
Nguyễn Quang Minh - minh123456m@gmail.com - Nam 40 tuổi:Pháp lệnh dân số ban hành được 10 năm. Cơ cấu tổ chức bộ máy thay đổi tới 3 lần: Sáp nhập UBĐSGTE, Giải thể về phòng y tế, thành lập lại trực thuộc sở y tế. Và nay lại có xu hướng chuyển về huyện (16 tỉnh đã làm). Phụ cấp đặc thù cho cán bộ dân số theo NĐ 56CP ban hành được hơn 2 năm nhưng cấp tỉnh chưa thực hiện được. Vậy cấp trung ương nghĩ sao và sẽ giải quyết như thế nào?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Những trăn trở của bạn cũng là trăn trở của chúng tôi. Chúng tôi đã và sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tốt nhất những trăn trở đó - nhằm củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ trung ương đến cơ sở theo hướng hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.
Trần Thị Kim Hồng - ttkhoa1958@gmail.com - Nữ 50 tuổi:Thưa ông, xin ông cho biết nội dung Nâng cao chất lượng dân số trong dự Luật Dân số?
GS. TS Nguyễn Đình Cử: Đây chỉ là ý kiến riêng của tôi. Luật Dân số sắp tới góp phần nâng cao chất lượng dân số. Điều này có thể thể hiện ở những nội dung sau: Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân (có nhóm dân cư khuyến khích nhưng cũng có nhóm dân cư bắt buộc, có thể với sự trợ giúp của Nhà nước); vấn đề sinh sản của những người có nguy cơ cao về gien di truyền xấu; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; kế hoạch hóa gia đình; các biện pháp hỗ trợ sinh sản;...
Mai Thị Hằng - hangmai1502@yahoo.com - Nữ 28 tuổi:Chính sách, luật pháp trong lĩnh vực Dân số của nước ta phải thay đổi như thế nào, trong điều kiện mức sinh thấp, khác biệt khá lớn giữa các địa phương? Liệu có nên tiếp tục duy trì mỗi cặp vợ chồng “sinh một hoặc hai con”?
Bùi Thị Hương - huongbui@yahoo.com - Nữ 34 tuổi:Thực tế hiện nay, tình trạng đẻ mổ hiện diễn ra lan tràn, nhiều trường hợp tự đề nghị bác sĩ mổ để đẻ đúng ngày, đúng giờ đẹp mà gia đình đã lựa chọn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội và ngay chính bản thân người bác sĩ được yêu cầu mổ đẻ. Quan điểm của Ông, Tổ biên tập và Ban soạn thảo về vấn đề này như thế nào?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Chúng tôi mong muốn việc sinh đẻ diễn ra theo quy luật tự nhiên, trừ trường hợp theo chỉ định của bác sỹ. Tôi đồng ý với bạn về tình trạng mổ đẻ, những hệ lụy của nó và rất mong muốn trong Luật Dân số có quy định nhằm hạn chế tình trạng trên.
Hoàng Việt Anh - hoanganh@gmail.com - Nam 32 tuổi:Thưa Ông, từ khi Pháp lệnh dân số được ban hành đến nay thì đã có rất nhiều Luật và dự Luật có những nội dung gần gũi với dân số được ban hành; Vậy, theo Ông để tránh có những nội dung trùng lắp với các Luật đã ban hành thì việc xây dựng dự án Luật Dân số cần phải đảm bảo những nguyên tắc gì?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Theo thống kê chưa đầy đủ trong 10 năm qua đã có khoảng hơn 20 Luật, Pháp lệnh được ban hành có nội dung liên quan đến dân số (Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Cư trú, Luật Người cao tuổi...), do vậy trong quá trình xây dựng Luật Dân số, một trong những nguyên tắc phải tuân thủ là không được trùng lắp lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác. Xin cám ơn bạn đã lưu ý.
Nguyễn Quang Minh - minh123456m@gmail.com - Nam 40 tuổi: Cá nhân tôi thấy, chính sách dân số hiện nay có xsu hướng "nới lỏng". Mà việc nới lỏng này lại "Nới" cho cấp lãnh đạo. Có nghĩa là giảm hình thức kỹ luật đối với lãnh đạo - đảng viên. Trong dân có câu "Đảng viên đi trước - làng nước theo sau". Vậy Luật Dân số điều chỉnh vấn đề này như thế nào?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Tôi cho rằng đưa Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nằm dưới sự quản lý và chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện sẽ tốt hơn (đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng chính quyền địa phương, tăng cường sự phối hợp với các ban ngành đoàn thể trên địa bàn, huy động được nguồn lực bổ sung tại chỗ, đảm bảo sự kịp thời trong lãnh đạo chỉ đạo...). Đây cũng là quan điểm của Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Việc thể chế hóa chủ trương trên đang tiến hành sẽ nhanh hay chậm không thuộc thẩm quyền của Tổng cục DS-KHHGĐ. Chúng tôi hy vọng rằng việc đó sẽ sớm được hoàn thành.
Đặng Thị Thông - Nữ 50 tuổi: Luật ra đời có đưa vấn đề quy đinh cha mẹ đã quyết định sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục nếu không nuôi dưỡng, giáo dục sẽ có hình phạt gì? Vì nơi tôi sinh sống có nhiều trường hợp cha mẹ sinh con ra mà không nuôi dưỡng, giáo dục bỏ đi nơi khác sinh sống hoặc ly hôn thì thường đưa về sống với ông bà, rồi người cha hoặc người mẹ nhận nuôi dưỡng bỏ đi làm ăn xa ông bà thì già yếu đau bệnh thiếu sự giáo dục nên trẻ vi phạm pháp luật rơi vào tệ nạn xã hội dễ bị xâm hại ? Mà thường nếu trẻ đã vi phạm pháp luật thì gia đình không nhận trẻ đó là con cháu của mình nửa (ở quê gọi là: từ) trẻ rất khó trở lại thành người tốt có ích cho xã hội. Cho tôi hỏi có chế tài gì không?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Những điều bạn nêu đã nằm trong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và một số Luật khác. Do đó Luật Dân số sẽ không có những quy định này để tránh trùng lặp. Trong quá trình thực hiện những luật trên, từ thực tiễn những quy định nào cần thiết phải bổ sung, sửa đổi để luật phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân thì sẽ được tiến hành trong bản thân những Luật đó.
Trần Thị Khánh Hòa - ttkhoa1958@gmail.com - Nữ 50 tuổi:Thưa ông, tôi được biết nội dung nâng cao chất lượng dân số được Tổng cục Dân số triển khai từ 2007, sau 5 năm ban hành PLDS và chỉ chăm lo chất lượng DS giai đoạn đầu đời.Xin ông cho biết vì sao TCDS triển khai việc này chậm và nội dung này trong Dự luật DS có gì khác không ?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Tôi tán thành ý kiến của bạn về việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số đầu đời chưa đạt được tiến độ mong muốn. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật thiếu, nguồn lực còn hạn hẹp... Đây cũng là một nội dung sẽ được đề cập đầy đủ và cụ thể hơn trong Luật DS.
Trần Thị Khánh Hòa - ttkhoa1958@gmail.com - Nữ 50 tuổi:Thưa ông, 5 nội dung cơ bản của DS ( qui mô, cơ cấu, chất lượng, phân bổ, quản lý ) đều liên quan với nhau, khi điều chỉnh nên giao cho một bộ. Ý kiến của ông về đề xuất giao cho TCDS-BYT chịu trách nhiệm đầu mối triển khai cả 5 nội dung DS này?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân:Dân số là một vấn đề rộng lớn,phức tạp và có tính liên ngành thuộc chức năng của nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, rất khó để giao toàn bộ việc thực hiện cả 5 lĩnh vực về dân số cho một bộ cụ thể nào đó, dù bộ đó có lớn bao nhiêu. Từ thực tế đó, việc tổ chức thực hiện Luật DS phải là trách nhiệm quản lý chỉ đạo của một số ngành.
Nguyễn Đình Chung - chungnguyen@gmail.com - Nam 30 tuổi:Vậy theo Ông, quan điểm chủ đạo của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế, Ban soạn thảo về việc xây dựng dự án Luật Dân số?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Trong quá trình xây dựng Luật Dân số, chúng tôi tuân thủ các quan điểm chỉ đạo sau:
Nguyễn Ánh Tuyết - anhtuyet@yahoo.com - Nữ 42 tuổi:Xin Ông cho biết, khi Luật Dân số được xây dựng và ban hành; Với trách nhiệm là thành viên Ban soạn thảo, Tổ phó Tổ biên tập, Ông và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập kỳ vọng điều gì?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân: Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi - Tổ xây dựng Luật là xây dựng được Luật Dân số để trình Quốc hội thông qua một cách thành công tạo cơ sở pháp lý tốt nhất cho việc giải quyết thành công các vấn đề, thách thức về dân số (duy trì mức sinh thay thế, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số hợp lý hơn...) góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến tham gia chương trình. Do thời lượng chương trình có hạn nên các chuyên gia đã cố gắng trả lời rất nhiều các câu hỏi được gửi đến sớm. Những câu hỏi còn lại chúng tôi xin hẹn trả lời tiếp trong lần giao lưu sau. Xin chân thành cảm ơn Quý bạn đọc. |
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Dân số và phát triển - 19 giờ trướcUng thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?
Dân số và phát triển - 21 giờ trướcTrẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcĐa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.
Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.
Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcSau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.
5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcHội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcPhụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.
Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcTắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
Tuổi 50 nên chọn loại hình tập luyện nào là tốt nhất?
Dân số và phát triểnỞ độ tuổi 50 trở lên, tập luyện thể chất không chỉ tập trung vào nâng cao sức khỏe mà còn hướng đến lối sống năng động, dẻo dai, vui vẻ...