Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hành trình ly kỳ của người con tìm được mộ cha khi đã gần 70 tuổi

Thứ bảy, 04:49 15/08/2015 | Xã hội

GiadinhNet - Cho đến tận bây giờ, ông Nguyễn Công Kình (SN 1948, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) không thể nào quên được cái ngày cách đây hơn 60 năm, một người đồng đội của cha mình gõ cửa nhà mình, mang theo tư trang, những vật dụng còn sót lại cuối cùng của người lính - cha ông, kèm theo giấy báo tử: “Buổi chiều hôm đó, mọi người đang tập trung chuẩn bị bữa cơm thì địch phục kích bất ngờ đánh bom. Anh Côn đã hi sinh” - Người đồng đội cho biết.

 

Ông Kình kể lại hành trình đi tìm mộ cha và đồng đội.	 Ảnh: H.H
Ông Kình kể lại hành trình đi tìm mộ cha và đồng đội. Ảnh: H.H

 

Chưa nguôi nỗi đau mất cha đã phải chịu tang mẹ

Năm 1949, ông Nguyễn Công Côn (SN 1926 - cha của ông Nguyễn Công Kình) quê ở xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An lên đường nhập ngũ. Sau đó, ông được bổ sung vào đội quân tình nguyện, sang giúp nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thuộc Đại đội 21, đoàn 81 thượng Lào. Chiến tranh ác liệt, ở trong rừng thiêng nước độc, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam kiên cường chiến đấu, dưới sự đùm bọc, yêu thương và che chở của bà con nước bạn.

“Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi việc, nhưng sau này đồng đội cũ của cha kể lại, tháng 9 năm 1953 chiến sự rất căng thẳng, ác liệt. Ngày 5/9/1953, đơn vị cha tôi tập kết tại Keo Ba Tu, Nọng Hét, đang chuẩn bị bữa cơm tối thì địch nổ súng. Cha tôi lúc đó là trung đội trưởng, chỉ huy một nhóm phản công thì bị trúng đạn, hi sinh…”. Năm ấy, gia đình ông Kình nhận được giấy báo tử, kèm theo một cái bản đồ sơ lược, vẽ bằng tay, nơi đồng đội chôn cất người lính Nguyễn Công Côn đã hi sinh anh dũng… Cậu bé Kình đứng sau cánh cửa, nghe chú bộ đội đến nhà báo tin cha và thấy mẹ ôm em gái nhỏ 1 tuổi lặng người òa khóc. Chiến tranh ở nơi xa, mà nỗi đau lại quặn thắt phía quê nhà.

Hai năm sau đó, vào đúng ngày 29 tháng 12 âm lịch (năm 1955), mẹ của Kình cố gắng đi cắt gánh cỏ cuối năm về cho trâu, để yên tâm nghỉ 3 ngày Tết, thì bị lật bè và chết đuối dưới dòng sông Lam. Cái Tết năm ấy, lạnh đến tê tái người! Mất cha, rồi đột ngột mất mẹ, Kình và em gái lúc đó mới 3 tuổi sống dựa vào lòng yêu thương, chăm sóc và bù đắp của ông bà nội ngoại, chú thím. Cũng chính từ tuổi thơ nhọc nhằn thiếu vắng bóng hình cha mẹ, mà 2 anh em cố gắng học hành, để có thể tự lập đứng trên đôi chân mình giữa cuộc đời sóng gió. Nguyện vọng đau đáu và lớn lao nhất cuộc đời của ông Kình, là tìm được mộ cha, đưa cha về với quê hương đất mẹ.

Tờ giấy úa vàng và hy vọng tắt nửa chừng

 

Hơn 60 năm tờ giấy báo tử và tấm bản đồ ghi chú mộ phần, vẽ bằng tay ngả màu vàng úa vẫn đang được  gia đình ông Kình giữ gìn vô cùng cẩn thận
Hơn 60 năm tờ giấy báo tử và tấm bản đồ ghi chú mộ phần, vẽ bằng tay ngả màu vàng úa vẫn đang được gia đình ông Kình giữ gìn vô cùng cẩn thận

 

Ông Kình lặn lội đi tìm những người đồng đội cũ từng là bộ đội tình nguyện ở Nọng Hét, Lào, hỏi thăm về nơi cha đã từng chiến đấu và được biết, trong trận đánh chiều ngày 5/9/1953 ông Côn đã hi sinh cùng với 1 đồng đội nữa cùng quê Thanh Chương. “Một đồng đội của cha tôi quê ở xã Hưng Tây, Hưng Nguyên còn nhớ rất rõ và tường thuật lại trận đánh ngày 5/9 đó, chỉ có cha tôi và ông Mai Văn Cương hi sinh, cả 2 ông đều được chôn cạnh nhau. Ông còn bảo khi nào đi cất bốc, ông đi cùng với, nếu cần ông sẽ đi cùng chỉ chỗ cho”.

Vậy là ông Kình ngược về quê, tìm đến xã Phong Thịnh, Thanh Chương, gặp gia đình liệt sĩ Mai Văn Cương. Nhưng hoàn cảnh của người liệt sĩ ấy cũng hết sức đặc biệt. Là con trai cả trong nhà, ông Cương lên đường chiến đấu khi mới lập gia đình rồi hi sinh khi chưa có con. Ở nhà, gia đình nhất quyết động viên con dâu còn quá trẻ đi tìm hạnh phúc khác, kẻo lỡ dở đời người. Năm tháng qua đi, cha mẹ già đã mất, các anh em mỗi người mỗi nơi, vất vả lo toan cuộc sống gia đình, chưa ai có điều kiện để đi tìm mộ của liệt sĩ Cương hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ ấy.

Chỉ có điều, tờ giấy báo tử và tấm bản đồ vẽ bằng tay ngả màu vàng úa của gia đình liệt sĩ Cương vẫn đang được giữ gìn vô cùng cẩn thận. Tấm bản đồ ấy, chỉ đường đi, vị trí, các dấu hiệu, giống hệt như bản đồ phần mộ cha mình mà ông Kình đang giữ. Nét chữ trong đó cũng là của một người viết. Vậy là 2 người lính đang nằm cạnh nhau, đâu đó bên nước bạn Lào.

Ông Kình nhận luôn nhiệm vụ tìm mộ của đồng đội cha. Nộp các giấy tờ liên quan cho Đội Quy tập tỉnh Nghệ An và chờ đợi. Năm 1994, ông biết tin có 3 hài cốt liệt sĩ mới được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn, Nghệ An, được tìm thấy tại bản Keo Ba Tu Nhỡ, Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng. Trùng địa danh, ông khấp khởi mừng thầm, xin phép Ban quản lý nghĩa trang Anh Sơn, lấy 3 nắm đất về thờ cúng. “Tôi lập 3 bát hương và nghĩ rằng, nếu có nhầm thì cũng là mình hương khói, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, các đồng đội của cha”, ông Kình tâm sự.

Ông cứ đinh ninh rằng, một trong 3 ngôi mộ đó là của cha mình, liệt sĩ Nguyễn Công Côn. “Nhưng gần đây, khi được nhà nước cho phép, chúng tôi xin đi xét nghiệm ADN thì kết quả không trùng khớp”. Thông tin trên khiến ông Kình và gia đình vô cùng suy sụp. “Nhiều lúc tôi cảm giác mình đã tắt hi vọng và bất lực, bất hiếu với cha. Nhưng khi tìm lại các giấy tờ, tôi phát hiện ra ở Noọng Hét có hai bản gồm Ba keo Tu Nọi và Ba Keo Tu Nhỡ và 3 ngôi mộ được tập kết về thuộc bản Ba Keo Tu Nhỡ. Lần này, tôi quyết định lên gặp Ban quy tập tỉnh Nghệ An, xin đi cùng sang Xiêng Khoảng, Lào để tìm mộ cha”, ông Kình kể lại.

Sang đất bạn Lào tìm mộ cha

Vậy rồi một ngày, đứa con tóc đã bạc, gần 70 tuổi ấy  khăn gói hành lý theo các chiến sĩ đội quy tập hài cốt liệt sĩ lên đường. Quả đúng là trước kia có bản Keo Ba Tu Nọi, nhưng ở đó chỉ có khoảng gần 2 chục hộ dân sinh sống, sau chiến tranh tất cả đã dời sang Keo Ba Tu Nhỡ.

Dân trong bản cũng cho biết, cách đây khoảng gần 2 chục năm đã cất bốc được 3 hài cốt liệt sĩ, nhưng ở đây vẫn còn 2 ngôi mộ liệt sĩ chống Pháp nữa. Bộ đội Việt Nam sang quy tập hài cốt liệt sĩ đi tìm nhiều lần rồi, mà chưa thấy.

Ông Kình đến người già nhất bản để hỏi thăm, cụ đã 85 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cụ khẳng định: “Trận đánh đó tao nhớ rất rõ mà. Hồi đó, tao 14, 15 tuổi rồi. Có 2 bộ đội Việt Nam hi sinh”. Theo như lời cụ già đó kể, vị trí mà cha ông Kình cùng người bạn của mình được đồng đội chôn cất, giống như những gì đã vẽ trong sơ đồ.

Nói rồi, cụ đòi dẫn đường cho ông Kình và các cán bộ quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam. Mọi người đỡ cụ ngồi lên xe máy, người chở, người giữ đằng sau. Cụ già vừa nhớ lại, vừa chỉ con đường ngày xưa ở đâu, trận đánh thế nào, bộ đội chiến đấu ra sao, và chỉ khu vực quanh hòn đá lớn nay đã thành ngã ba đường “đó đó, 2 anh bộ đội Việt Nam nằm vị trí đó”!

Mọi người bắt tay vào đào, thận trọng từng chút một. Các chiến sĩ vừa đào, vừa liên lạc hỏi thăm đoàn quy tập hài cốt đã từng đến đây tìm kiếm trước đó, loại trừ các khả năng để xác định vị trí chính xác của các liệt sĩ. Đất rắn như đá. Thủa xưa, phương tiện không thể có như bây giờ, chắc chắn các liệt sĩ chỉ có thể được chôn theo các rãnh hào. Cứ thế các anh đào, xúc theo từng vệt đất, mở rộng ra theo hình xương cá… cả nửa ngay trời mới đào được xuống 1m đất, hết rãnh này đến rãnh khác.

Ròng rã từng ngày, các chiến sĩ ăn mì tôm, uống nước suối vẫn kiên nhẫn và thận trọng đào bới, không bỏ cuộc. Đến ngày thứ 4, thì đào đến một cái hố nhỏ, tất cả mọi người dừng tay, ai nấy lặng im. Rồi cẩn trọng từng chút một gạt đất đá ra… Tìm thấy rồi! “Không thể nói được cảm xúc của tôi lúc đó, chỉ thấy tim đập liên hồi và chân đứng không vững. Nước mắt cứ thế trào ra…” – ông Kình kể. Dưới lớp đất rắn như đá sỏi, vẫn nhận ra được vị trí nằm của 2 bộ hài cốt cạnh nhau, đầu hướng về Đông, như theo phong tục của người Việt Nam mình khi chôn cất…

Các chiến sĩ quy tập cẩn thận làm công tác nghiệp vụ của mình, vẫn không quên bốc theo nắm đất dưới mộ gói vào cùng với hài cốt bộ đội. Nắm đất có một phần máu thịt, đã ôm ấp, che chở và bảo vệ các liệt sĩ ngã xuống suốt hơn 60 năm qua… Ngày trở về, ông Nguyễn Công Kình đã kịp báo tin cho gia đình người đồng đội của cha Mai Văn Cương. Hai gia đình xin được lấy mẫu đi xét nghiệm ADN và kết quả đã xác định được chính xác hài các cốt liệt sĩ là của cha ông và người đồng đội.

Hồ Hà/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị khởi tố, bắt tạm giam: Các bị can có thể đối diện mức án nào?

Vụ Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị khởi tố, bắt tạm giam: Các bị can có thể đối diện mức án nào?

Pháp luật - 24 phút trước

GĐXH - Nếu bị kết án, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục có thể phải đối diện khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life có thể đối diện mức án chung thân.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời TPHCM về quê nghỉ lễ giỗ Tổ

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời TPHCM về quê nghỉ lễ giỗ Tổ

Đời sống - 1 giờ trước

Sáng 5/4, nhiều người dân rời TPHCM để về quê nghỉ lễ giỗ Tổ, bến xe miền Tây tấp nập người và phương tiện.

Tuyển sinh đại học 2025: Các trường lúng túng việc quy đổi điểm

Tuyển sinh đại học 2025: Các trường lúng túng việc quy đổi điểm

Giáo dục - 1 giờ trước

Quy chế tuyển sinh năm ĐH năm 2025 yêu cầu cơ sở đào tạo quy đổi điểm sàn/điểm chuẩn các phương thức xét tuyển về thang điểm tương đương. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu cơ sở đào tạo nếu không quy đổi được thang điểm tương đương thì không sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh.

Hà Nội: Rào chắn, hạn chế phương tiện qua khu vực trước tòa nhà 'Hàm cá mập', người dân di chuyển ra sao?

Hà Nội: Rào chắn, hạn chế phương tiện qua khu vực trước tòa nhà 'Hàm cá mập', người dân di chuyển ra sao?

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Từ ngày 7/4, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông trước tòa nhà “Hàm cá mập”, đoạn đường Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sẽ được rào chắn, hạn chế phương tiện lưu thông.

Nghi án mẹ sát hại 2 con để trục lợi bảo hiểm: Người cô ruột hé lộ thông tin bất ngờ

Nghi án mẹ sát hại 2 con để trục lợi bảo hiểm: Người cô ruột hé lộ thông tin bất ngờ

Đời sống - 5 giờ trước

Cô ruột của 2 trẻ trong nghi án mẹ sát hại 2 con để trục lợi bảo hiểm khẳng định, chị không đi trình báo vụ việc với cơ quan công an như trên mạng thông tin.

Trẻ sinh tháng Âm lịch này đặc biệt may mắn trong chuyện tiền bạc

Trẻ sinh tháng Âm lịch này đặc biệt may mắn trong chuyện tiền bạc

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Những đứa trẻ sinh vào 4 tháng Âm lịch này thường may mắn hơn người, tương lai có nhiều triển vọng.

Quang Linh Vlogs không còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tạm hoãn xuất cảnh Hoa hậu Thùy Tiên

Quang Linh Vlogs không còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tạm hoãn xuất cảnh Hoa hậu Thùy Tiên

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành quyết định về việc thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đối với ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs).

Muốn vào ngành Công an nhân dân 2025, hàng triệu thí sinh phải biết những thông tin quan trọng này

Muốn vào ngành Công an nhân dân 2025, hàng triệu thí sinh phải biết những thông tin quan trọng này

Giáo dục - 6 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh Công an nhân dân năm 2025, có một số điều chỉnh nhằm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018; quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT và tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã hiện hành sau khi sáp nhập

Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã hiện hành sau khi sáp nhập

Thời sự - 7 giờ trước

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mới nhất, giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã hiện hành cho đến khi hoàn thành tinh giản, cơ cấu theo vị trí việc làm.

Tin mới nhất không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc và xu thế thời tiết trong những ngày tới

Tin mới nhất không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc và xu thế thời tiết trong những ngày tới

Thời sự - 7 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, thời tiết miền Bắc trời nhiều mây, có mưa và mưa rào rải rác, có nơi xuất hiện dông, nhiệt độ giảm do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Top