Hoạch định chính sách dân số thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam
GiadinhNet - Già hóa dân số đang là vấn đề cần được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ đạt ngưỡng dân số già trước năm 2030. Trên cơ sở định hướng chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó hoạch định chính sách dân số thích ứng với già hoá dân cư cần tập trung vào các nội dung như bảo đảm tài chính, sức khoẻ và khuyết tật, chăm sóc xã hội, bố trí cuộc sống phù hợp, chú ý tới người cao tuổi cô đơn, bị lạm dụng, bạo hành cũng như trong tình huống khẩn cấp.
Già hóa dân số đang là vấn đề cần được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. ảnh: dương ngọc
Chính sách dân số và vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay
Theo Ủy ban dân số của Hội đồng kinh tế - xã hội Liên Hợp Quốc: Chính sách dân số là các giải pháp và các chương trình được thiết kế nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, dân số, chính trị và các mục tiêu khác thông qua việc tác động vào các biến số dân số chủ yếu như quy mô và sự gia tăng dân số, phân bố dân cư và các đặc trưng dân số học khác (1).
Có thể hiểu, chính sách dân số là định hướng do Nhà nước đề ra để điều tiết các quá trình dân số nhằm đạt những mục tiêu nhất định trong mỗi thời kỳ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Vấn đề dân số ở Việt Nam chính thức được đề cập trong các văn bản của Nhà nước cách đây gần 60 năm, thể hiện ở Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Trong những năm tiếp theo, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn cho công tác dân số phù hợp với tình hình thực tế, đó là Pháp lệnh Dân số năm 2003; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030... Qua gần 60 năm kể từ khi Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 216/CP, chính sách dân số Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trên cả phương diện quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân cư. Những thành tựu của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách dân số hợp lý, khả thi là một quá trình khó khăn, phức tạp bởi vì dân số là một lĩnh vực nhạy cảm, liên tục thay đổi, gắn với các yếu tố văn hóa, tâm lý, đạo đức, kinh tế, xã hội...
Biểu đồ 1. Tỉ trọng dân số Việt Nam trên 60 tuổi giai đoạn 2009-2019, dự báo đến năm 2049 (2)
Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước đầu vào giai đoạn già hóa và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, thể hiện ở việc tăng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) (người từ 60 tuổi trở lên) trong tổng số dân.
Có thể thấy, tỷ lệ NCT ở Việt Nam tăng trong giai đoạn 2009-2019, dự báo có thể chiếm 17,98% tổng số dân vào năm 2049. Việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm nhanh mức sinh cùng với những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ là những yếu tố chính dẫn đến quá trình già hóa dân số ở nước ta.
Già hóa dân số tạo ra cơ hội cho NCT phát huy kinh nghiệm, nhưng đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một xã hội phù hợp với NCT cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ, giao thông, y tế, chính sách lao động, việc làm và hưu trí, tổ chức các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Việc xây dựng các chính sách để thực hiện những nội dung trên phải được chuẩn bị từ rất sớm để có thể tận dụng tốt nhất các yếu tố cơ hội và hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Biểu đồ 2. Già hóa dân số cao tuổi(3)
Già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra theo các xu hướng sau:
Thứ nhất, tỷ lệ NCT ở nhóm già nhất (nhóm từ 80 tuổi trở lên) ngày càng tăng. Điều này có được là do sự cải thiện toàn diện trong việc chăm sóc sức khỏe giúp cho NCT có cuộc sống khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn.
Từ biểu đồ trên có thể thấy, tỷ lệ NCT già nhất trong dân số cao tuổi đã tăng từ 7,8% năm 1979 lên 14,2% năm 2019, tuy có xu hướng giảm vào những năm tiếp theo nhưng sẽ tăng trở lại vào năm 2039 (dự kiến chiếm 10,8%). Khi NCT càng già, các vấn đề họ gặp phải, đặc biệt là sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng tăng. Hệ quả là tăng chi phí y tế và các dịch vụ kèm theo, tạo áp lực tài chính đối với NCT.
Thứ hai, nữ hóa dân số cao tuổi. Đây là xu hướng chung ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuổi thọ của nữ giới cao dẫn tới tỷ lệ nữ sống đến tuổi già cao hơn nam giới.
Có thể thấy tỷ lệ nữ giới trên 80 tuổi chiếm tỷ lệ cao, đặt ra yêu cầu cần có sự quan tâm tới phụ nữ cao tuổi, đặc biệt là với nữ cao tuổi góa chồng và sống độc thân khi về già.
Thứ ba, già hóa dân số khác nhau giữa thành thị, nông thôn và theo vùng. Tỷ lệ NCT ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn ở thành thị, đồng thời tập trung đông ở vùng đồng bằng (đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long). Sự khác biệt này đòi hỏi phải lưu ý để tập trung ưu tiên cho các vùng có tỷ lệ NCT lớn.
Giải pháp nhằm thích ứng với vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam
Bảng 1. Nữ hóa dân số cao tuổi(4)
Để tận dụng những điểm tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của già hóa dân số, trong quá trình hoạch định chính sách dân số ở Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, bảo đảm tài chính cho người cao tuổi.
Theo kết quả điều tra NCT Việt Nam 2011 (ISMS, 2011), các nguồn thu nhập của NCT gồm hỗ trợ từ con cháu (32%), thu nhập qua làm việc (29%), lương hưu (16%) và các khoản trợ cấp hàng tháng từ Nhà nước (9%); chỉ có 10,4% NCT có tiền tiết kiệm tích lũy từ thời gian làm việc trước đó(5). Vì vậy, được đảm bảo về tài chính là một trong những nhu cầu đầu tiên của NCT. Tuổi càng cao, nhu cầu được bảo đảm an toàn về tài chính càng lớn do họ phải chi trả ngày càng nhiều hơn cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam hiện nay có 2 cơ chế hỗ trợ tài chính cho NCT là bảo hiểm xã hội (lương hưu đóng góp) và trợ giúp xã hội (lương hưu không đóng góp). Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trung bình một người hưu trí nhận lương hưu 24,1 năm. Thời gian hưởng lương hưu của người nghỉ hưu đã kéo dài gần gấp đôi so với năm 1995(6). Như vậy, việc nghỉ hưu sớm khi tuổi thọ ngày càng tăng là một thách thức lớn với quỹ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, cần phải có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho NCT tiếp tục cống hiến cho xã hội thông qua các công việc phù hợp với năng lực và điều kiện sức khỏe, giúp họ có thêm thu nhập, đồng thời giảm bớt sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi tham gia vào thị trường lao động, NCT có một vị trí đặc biệt bởi họ là những người có kinh nghiệm và kỹ năng để làm việc đã được tích lũy qua thời gian; có ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt; đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn... Vì vậy, khi bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT là rất cần thiết.
Hai là, giải quyết tốt vấn đề khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
Khi hoạch định chính sách dân số cần quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp; thực hiện song song chăm sóc sức khỏe NCT tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng. Trong đó, việc thành lập các phòng, khoa chức năng, chuyên môn dành riêng cho người già trong các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ giúp NCT được chăm sóc một cách chuyên nghiệp, toàn diện và liên tục.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước mới có hơn 60 khoa Lão khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và hơn 450 phòng khám lão khoa tại bệnh viện tuyến Trung ương. Hệ thống bệnh viện và khoa Lão khoa luôn trong tình trạng quá tải, NCT thường mất nhiều thời gian chờ đợi để được khám, chữa bệnh(7).
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. ảnh: D.N
Ba là, đáp ứng nhu cầu chăm sóc xã hội cho người cao tuổi.
Bên cạnh nhu cầu đảm bảo tài chính, được chăm sóc sức khỏe, NCT còn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc xã hội như hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày. Đây đang là một khoảng trống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT ở Việt Nam. Hiện nay hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội chủ yếu là các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội, chăm sóc tình nguyện tại cộng đồng; hầu hết NCT có nhu cầu hỗ trợ chưa được đáp ứng kịp thời. Vì vậy, xây dựng chính sách dân số cần kết hợp với việc hình thành các trung tâm thực hiện chăm sóc xã hội cho NCT.
Giải quyết tốt vấn đề khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. ảnh: PV
Bốn là, bố trí cuộc sống phù hợp.
Ở Việt Nam, NCT chủ yếu sống cùng gia đình và con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Đây là một thuận lợi khi giúp NCT có thể bố trí cuộc sống hợp lý hơn khi về già.
Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, số lượng NCT sống tách khỏi gia đình, sống một mình ngày càng tăng, dễ gây tâm lý cô đơn, thậm chí cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, để hỗ trợ tâm lý cho NCT, cần hình thành mạng lưới các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng tập trung. Nhưng hiện nay, việc mở rộng các cơ sở dưỡng lão, đặc biệt là cơ sở dưỡng lão tư nhân chưa được cải thiện do không nhận được những ưu đãi cần thiết như vay vốn ưu đãi, giảm thuế… Vì vậy, cần có các hướng dẫn và quy định cụ thể về việc thành lập và quy định chức năng của các cơ sở dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe cho NCT.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ cao tuổi cao hơn nam giới và số lượng góa phụ cao tuổi ngày càng tăng khiến họ cảm thấy cô đơn, không có người chia sẻ. Một giải pháp Việt Nam đang thực hiện khá hiệu quả để giảm thiểu tình trạng trên là đề cao vai trò của gia đình, bởi chính gia đình mới giúp được NCT bớt cô đơn. Việc thành lập Hội Người cao tuổi là một trong những biện pháp được Chính phủ ưu tiên để giảm sự cô đơn cho NCT. Nhưng với xu thế gia đình hạt nhân trở nên phổ biến thì cần phải có giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng trên.
Việc thành lập các phòng, khoa chức năng, chuyên môn dành riêng cho người già trong các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ giúp NCT được chăm sóc một cách chuyên nghiệp, toàn diện và liên tục. ảnh: PV
Năm là, khắc phục tình trạng lạm dụng và bạo lực với người cao tuổi.
Tình trạng NCT bị đối xử tàn tệ bằng nhiều hình thức như bằng lời nói, lạm dụng về thể xác (đánh đập) hoặc lạm dụng tình cảm (bắt nạt, đe dọa, không được quan tâm đến sức khỏe)… còn diễn ra khá phổ biến. Đây là nhóm người yếu thế trong xã hội cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.
Sáu là, thực hiện đồng bộ các chính sách đối với người cao tuổi.
Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cần lồng ghép các nội dung về y tế, tài chính, chăm sóc xã hội khi hoạch định chính sách dân số thời gian tới, có sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị chức năng trong xây dựng chính sách dân số, đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Khi xây dựng chính sách dân số thích ứng với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản gồm: đảm bảo duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đó là kính trọng và đánh giá cao vai trò của NCT; đề cao vai trò của gia đình trong chăm sóc NCT cả về thể chất, tinh thần và tài chính; đảm bảo sự bình đẳng của NCT với các công dân khác; chú ý tới tính đa dạng của NCT về sở thích, thói quen, nhu cầu…; chú ý tới tỷ lệ nữ cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng cao hơn nam giới.
ThS Lê Hồng Hạnh
(Học viện Hành chính Quốc gia)
(1) Nguyễn Đình Cử (chủ biên), Giáo trình Dân số và phát triển, Nxb Nông nghiệp, H.1997, tr.115.
(2), (7) Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, H.2019.
(3) Tổng cục Thống kê, Số liệu Tổng điều tra dân số và Dự báo dân số 2014-2039, Nxb Thống kê, H.2015.
(4) Tổng cục Thống kê, Dự báo dân số Việt Nam 2009-2049, Nxb Thống kê, H.2011.
(5) Báo cáo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNAS), 2011.
(6) http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet. aspx?tintucid=207450
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Dân số và phát triển - 21 giờ trướcUng thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcTrẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcĐa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.
Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.
Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcSau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.
5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcHội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcPhụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.
Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcTắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
Tuổi 50 nên chọn loại hình tập luyện nào là tốt nhất?
Dân số và phát triểnỞ độ tuổi 50 trở lên, tập luyện thể chất không chỉ tập trung vào nâng cao sức khỏe mà còn hướng đến lối sống năng động, dẻo dai, vui vẻ...