Khi con gái “được quyền”chăm sóc cha mẹ
GiadinhNet - Nỗi lo không có người chăm sóc khi ở tuổi xế chiều, rồi khi “về” với tổ tiên không có người hương khói, thờ cúng…vốn là những nỗi trăn trở khiến không ít gia đình bất chấp để sinh bằng được một cậu con trai- Điều đó đã góp phần làm cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta gia tăng, chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ở một làng quê nghèo tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, có vẻ như lại khác…
Rồi cũng chỉ nhờ vào con gái thôi!
Về thôn 7, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, hỏi nhà cụ Phạm Thị Xứng, ai nấy đều hồ hởi chỉ đường, một bác nông dân luống tuổi còn tận tình bảo thêm: Nhà cụ Xứng là gia đình liệt sĩ, con gái cụ vẫn hàng ngày chăm sóc cụ đấy!
Nhà cụ Xứng cũng như bao gia đình thuần nông khác ở xã Thủy Sơn, nhỏ bé, yên bình. Trong căn nhà hai gian xây theo lối xưa, cụ Xứng và người con gái cả của cụ đang ngồi trò chuyện. Trời lạnh, cụ Xứng thấy khách đến liền choàng thêm khăn trùm đầu rồi thong thả ra bàn nước tiếp chúng tôi. Cụ Xứng năm nay 92 tuổi nhưng còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Cụ sinh 7 người con nhưng chỉ nuôi được 4 người (2 trai, 2 gái), cô Lê Thị Nhuần (62 tuổi) là trưởng nữ. Hai con trai cụ đều đi làm xa nhà, thi thoảng mới đáo qua chào mẹ rồi đi ngay. Thế nên mang tiếng là con gái, lấy chồng, nhưng nhiều năm nay, cô Nhuần vẫn chăm sóc mẹ. “Cụ trông vậy nhưng vẫn phải chăm lo sinh hoạt, cơm nước. Nhưng cần nhất là tiếng người, có người trong nhà cho đỡ hiu quạnh!” – cô Nhuần tâm sự.
Cụ Xứng có một người em trai, nhưng đã mất. Một mình cụ thờ cúng hương hỏa họ nội, họ ngoại cũng trong gian nhà này. “Cụ cũng là phụ nữ, cũng thờ cúng hết ông bà, bố mẹ trong nhà mình!” – cô Nhuần nói thêm.
Nói chuyện sinh con trai, con gái, cụ Xứng móm mém cười, nhớ lại chuyện gần 20 năm trước: Năm 1995, trước khi cụ tôi mất khoảng vài tháng, cụ tha thiết có một đứa cháu trai “nối dõi” để yên tâm “về” với tổ tiên. Rồi bảo cậu con trai cả (em kế cô Nhuần) – lúc đó đã có 2 cô con gái, đứa bé đã 12 tuổi, sinh cho cụ một đứa cháu đích tôn, nhất định ông sẽ khỏi bệnh! Cả nhà khuyên cụ ông chẳng được, anh cả đành ngậm ngùi “đúc” cho cụ một đứa để cụ toại nguyện. Ai dè lại thêm một bé gái nữa.
Tôi hỏi chuyện: “Thế cụ có buồn không khi con cả không có cháu trai?”. Cụ Xứng nghiêng tai nghe câu hỏi, rồi xua tay tỏ ý không đồng tình: “Cả nhà chẳng ai trách móc gì cậu ấy, chỉ thương đẻ nhiều con thì khổ cha mẹ, con cái, chứ con nào mà chẳng là con!”. Ngồi kế bên, cô Nhuần góp chuyện: “Em trai tôi là “ông ngoại toàn tập”, cỗ bàn ở quê lắm lúc cũng bị ghẹo là “ngồi mâm dưới”, không nói ra nhưng cậu ấy cũng có lúc tủi thân. Nhưng cụ và mấy anh chị em động viên, quen dần, cậu không để bụng”.
Đấy là chuyện năm xưa, cụ Xứng bảo, giờ nhà cụ đúng là chỉ trông vào con gái thật! Năm ngoái, cụ Xứng bị tai biến, nằm ở viện mấy tháng trời, nếu không có cô Nhuần thì không biết tựa vào đâu bởi các con ai cũng bận rộn. Từ mấy năm nay, cô Nhuần chuyển về sống cạnh cụ Xứng, vừa trông coi nhà cửa, vừa tiện chăm sóc tuổi già cho mẹ. “Cũng vì hoàn cảnh kinh tế nên các cậu em tôi mới phải sống xa nhà, không chăm được mẹ. Nhưng đấy, ai bảo sinh con trai là yên tâm dưỡng già!?” – cô Nhuần tâm sự.
Bản thân cô Nhuần cũng có hai người con. Con trai lớn của cô sinh được 2 cô con gái. Cô bảo các con không sinh thêm nữa, hai cháu gái cũng không sao. Bởi như cô là con gái vẫn chăm sóc mẹ bình thường. Quan trọng là có con, có cháu, trai gái không thành vấn đề! Cô cũng bảo, các con của cô thấy bà nội thoải mái tư tưởng nên cũng phấn khởi, chí thú làm ăn, không áp lực sinh con trai để bà có đứa cháu đích tôn!
Nhìn lên 2 bàn thờ trong gian nhà chính, người phụ nữ qua tuổi 90 rơm rớm nước mắt bảo, 13 đám giỗ một năm, không thiếu một ai, từ đời ông bà của cụ đều được cúng trong gian nhà này, đều là cụ và cô Nhuần nhớ lịch để báo cho các con, các cháu tề tựu.
Và nỗi cô đơn dù có cả con trai…
Cũng chăm sóc ông bà ngoại, rồi khi ông bà mất đi, cũng bàn tay đó hương hỏa, thờ tự, chúng tôi được giới thiệu đến nhà cô Hoàng Thị Viết (59 tuổi). Ở thôn 7 này, từ hàng chục năm nay, ai cũng biết cô là con gái, vẫn rước vong linh ông bà ngoại về nhà thờ. Thấy tôi tò mò suy nghĩ khi vợ thờ ông bà thân sinh, bác Lê Huy Dấm – chồng cô Viết - cười hiền kể lại: “Bản thân tôi khi mới lấy vợ cũng “ở rể”, bố mẹ vợ coi tôi như con trai ruột. Ông bà mất đi, khi xây nhà này, hai vợ chồng tôi bàn nhau xin phép các anh chị bên ngoại đưa các cụ về thờ tự. Các anh chị tôi cũng không hề phản đối chuyện vợ chồng tôi thờ ông bà ngoại. Đến giờ đã được gần 30 năm chúng tôi thờ cụ, ai nấy đều coi đó là chuyện rất bình thường! Quan trọng là tấm lòng tưởng nhớ các cụ, còn ai thờ tự chẳng được!”.
Ông Mai Xuân Thanh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thủy Nguyên chia sẻ, cũng như bao làng quê khác, tại Thủy Nguyên vẫn giữ quan niệm con trai là người chăm sóc bố mẹ, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Do đó, nhiều gia đình cố sinh bằng được con trai để có “địa chỉ dưỡng già”. Nhưng đâu đó vẫn có những gia đình, dù có cả con trai, con gái, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn phải tự nương tựa vào nhau.
Cách không xa nhà cụ Xứng là nhà ông Lê Huy Khá (69 tuổi). Khi chúng tôi đến, ông Khá đi nhận lương hưu trên xã. Căn nhà ngói rộng rãi, thoáng đãng nhưng vắng tiếng người. Khi chúng tôi đến, bà Đào Thị Phép (68 tuổi), vợ ông Khá đang mải mê làm vườn. “Nhà có mỗi hai ông bà già, các con đi làm ăn hết, chẳng ai ở cùng” – bà Phép nói.
Được một lúc thì ông Khá trở về. Thấy chúng tôi, ông cười bảo, 6 người con, 4 trai, 2 gái của ông bà lập gia đình ra riêng hết. “Cách đây 3 năm, con trai trưởng lấy vợ, tôi làm lại nhà những mong vợ chồng nó ở đây cùng cho vui, nhưng được một thời gian, các anh chị ấy cũng đưa nhau lên thị trấn làm ăn. Thành ra nhà rộng, càng vắng tiếng người” – ông Khá nói.
Tại Thủy Nguyên, 10 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 3.988 trẻ được sinh ra, có 1.870 trẻ là nữ, tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. 397 trường hợp là con thứ 3 trở lên. Biểu phân tích tỷ số giới tính khi sinh tại huyện miền biển này cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tăng dần qua các lần sinh. Cụ thể, lần sinh thứ 1 là 110/100, lần 2 là 111/100 và lần thứ 3 trở lên là 139/100. “Điều đó cho thấy tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng phải có bằng được con trai vẫn còn nặng nề trong quan niệm người dân” – ông Thanh nói.
Người đứng đầu ngành Dân số huyện Thủy Nguyên – một trong những huyện có dân số đông nhất thành phố Hải Phòng cho hay, con số 113/100 dù rất cao nhưng đã giảm so với các năm trước. Dự kiến cả năm sẽ lên khoảng 115/100. Cán bộ dân số nơi đây vẫn đang ngày ngày tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ của bà con về việc sinh con trai cũng như con gái nhưng xem ra công cuộc này vẫn còn rất gian nan.
Chúc mừng những ai sinh toàn con gái!
Chia sẻ quan điểm về vấn đề thờ tự chỉ giành riêng cho đàn ông, con trai, tại cuộc giao lưu với chủ đề Vì nòi giống Việt được tổ chức cuối năm 2013, bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Ở Việt Nam ta, thờ cúng ông bà đôi khi được nêu như là lý do, hoặc là cái cớ, dứt khoát phải có nam giới. Trong gia đình tôi, anh cả, em trai út đều ở nước ngoài, người anh kế tôi đã qua đời. Tôi là con gái, và là người thờ cúng ông bà thân sinh ra tôi. Do đó, trên bàn thờ trong gia đình tôi có cả bên nội, ngoại, rất hài hòa. Cuối cùng vẫn có thể gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng phải làm cho nó thích nghi với cuộc sống hiện đại, với hoàn cảnh từng gia đình. Truyền thống là vấn đề sống động, phải đưa vào cuộc sống một cách uyển chuyển, phù hợp với thực tế chứ không thể cứng nhắc trong khuôn khổ.
Còn đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông cho rằng: “Sinh con gái hay hơn con trai nhiều, tôi chúc mừng những ai sinh toàn con gái. Bản thân tôi có hai con gái, tôi càng thấm thía. Còn trong gia đình tôi, mẹ tôi năm nay 95 tuổi, cụ có 4 người con, 2 trai- 2 gái. Nhưng việc chăm sóc mẹ tôi từ bao lâu đến nay chỉ trông chờ vào chị gái tôi đang ở quê. Ngay trong các bà mẹ, có những việc con gái làm tiện hơn. Con trai dẫu cũng là mẹ đẻ ra những họ cũng chỉ là đàn ông. Đó là một điều tế nhị. Có những điều không thể thay thế con gái được. Đó là điều kỳ diệu”
Võ Thu (ghi)
Thu Nguyên

7 cách đơn giản giúp đánh tan mỡ bụng ở phụ nữ tiền mãn kinh
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcMột trong những nỗi phiền muộn của phụ nữ tuổi 40 khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh là dễ tăng cân và nhiều mỡ bụng. Giảm cân, giảm béo bụng dù khó khăn nhưng vẫn có cách nếu chị em kiên trì.

Con gái chủ động tránh thai - một cách yêu thương bản thân
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcViệc chủ động tránh thai cũng được xem là một cách yêu thương bản thân, giúp bạn gái bảo vệ sức khỏe và cả tương lai của mình.

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcGiang mai bẩm sinh là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng xảy ra khi một người mẹ mắc bệnh giang mai truyền bệnh cho con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh.

Muốn "yêu" hết mình nhưng vẫn tránh thai an toàn, nàng đã biết đến biện pháp này chưa?
Dân số và phát triển - 3 ngày trước"Chuyện yêu" cũng giống như chất xúc tác - giúp các cặp đôi gắn kết sâu sắc hơn, tạo điều kiện cho tình yêu thêm bền chặt và thăng hoa. Tuy nhiên, giữa thời điểm tuổi trẻ vẫn còn mải mê chạy theo đam mê và chưa nghĩ đến trách nhiệm, câu hỏi lớn đặt ra cho các bạn nữ là: "Nàng đã biết cách "yêu" an toàn mà không phải lo lắng về những rủi ro ngoài ý muốn?".

Chế độ dinh dưỡng tốt cho nam giới bị liệt dương
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcChế độ dinh dưỡng lành mạnh rất quan trọng với người bị liệt dương, giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ sản xuất testosterone, tất cả đều cần thiết đối với chức năng cương dương.

Bộ Y tế trả lời kiến nghị tăng cường chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcTheo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17 - 20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác...

Người phụ nữ 29 tuổi bị que tránh thai lạc sâu vào cánh tay
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcGĐXH - Chị Vân, 29 tuổi, đi tháo que tránh thai, bất ngờ phát hiện que cấy 3 năm trước lạc sâu vào bắp tay, phải nhập viện phẫu thuật.

Cụ bà 100 tuổi đi lại sau một mũi tiêm khớp tại bệnh viện
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcGĐXH - Điều kỳ diệu đến chỉ sau 2–3 ngày kể từ mũi tiêm đầu tiên, cụ đã tự dậy, rửa mặt, ăn uống và đi lại nhẹ nhàng sau khi bị mất hoàn toàn khả năng vận động.

8 nguyên nhân tiềm ẩn gây đau núm vú và cách điều trị
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcCó nhiều nguyên nhân gây đau núm vú, trong đó một số nguyên nhân đơn giản nhưng cũng có những tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn cần lưu ý.

Độ tuổi lớn nhất mà phụ nữ có thể mang thai tự nhiên là bao nhiêu?
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcNhiều phụ nữ lớn tuổi có mong muốn sinh con bằng phương pháp mang thai tự nhiên, vậy cơ hội và rủi ro là gì?

7 cách đơn giản giúp đánh tan mỡ bụng ở phụ nữ tiền mãn kinh
Dân số và phát triểnMột trong những nỗi phiền muộn của phụ nữ tuổi 40 khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh là dễ tăng cân và nhiều mỡ bụng. Giảm cân, giảm béo bụng dù khó khăn nhưng vẫn có cách nếu chị em kiên trì.