Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nhật ký trên những cung đường sống đẹp

Chủ nhật, 19:00 05/02/2017 | Y tế

GiadinhNet - Cả xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai) ai cũng ái ngại cho em Giàng Thị Cố. 17 tuổi mà Cố nhỏ thó, yếu ớt như học sinh lớp 2. Mọi người chỉ biết Cố bị bệnh lạ, hễ đi lại nhiều hay làm gì quá sức là thở dốc, mệt, môi bầm đen. Trước Cố, những đứa trẻ triệu chứng giống em ở chốn thâm sơn này đều đã ra đi. Ai cũng nghĩ rồi kết cục như vậy cũng sẽ đến với em. Cho đến một ngày…

BS Ngô Tuấn Anh, Hội trưởng Hội Bác sỹ tình nguyện đang khám bệnh cho bệnh nhân ở Hà Tĩnh. Ảnh: Q.Thành
BS Ngô Tuấn Anh, Hội trưởng Hội Bác sỹ tình nguyện đang khám bệnh cho bệnh nhân ở Hà Tĩnh. Ảnh: Q.Thành

Điều kỳ diệu

Đó là một buổi sáng mùa thu tháng 8/2016, khi nhóm bác sỹ tình nguyện từ Hà Nội vượt bão, vượt đường núi cheo leo lên Lùng Cải khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em. Đêm trước buổi sáng ấy, trời Hà Nội vần vũ, mưa gió. Bão số 3 đang tiến vào Thủ đô. Theo kế hoạch, tối 19/8 đoàn lên đường về Lùng Cải. Cả buổi chiều hôm ấy, tin bão lớn tiến vào Hà Nội dồn dập trên các bản tin thời sự. Ai cũng ngóng “chỉ thị” từ Hội trưởng. 10h đêm, Facebook của nhóm bác sỹ tình nguyện xuất hiện dòng tin: “Hiện tại, trên huyện Bắc Hà chưa mưa. Trung tâm bão không di chuyển qua Lào Cai. Kế hoạch Lùng Cải không có gì thay đổi”. Có người gói giày, quần áo vào túi nilon, chân trần bắt xe ôm đến điểm tập kết.

Trong đêm tối, chuyến xe đoàn tình nguyện thoát ra từ tâm bão. Có người đăng dòng trạng thái trên Facebook của nhóm động viên nhau: “Đoàn vẫn đang trên đường tới Lào Cai. Mưa lớn chút, nhưng cũng không ảnh hưởng tới tinh thần mọi người trong đoàn công tác. Chân cứng, đá sẽ mềm!!!”. Nhờ quyết tâm đó, mà cửa sống gần như ngày một khép chặt đối với Giàng Thị Cố chợt hé mở khi đoàn tình nguyện khám sàng lọc cho hơn 700 em nhỏ ở Lùng Cải.

Cố tâm sự: “Em rất muốn đi học như các bạn, nhưng em khó thở và đau ngực nên không đi học được”. Anh Giàng A Choa (bố Giàng Thị Cố) nghĩ về những tháng ngày chưa xa mà lắc đầu ngao ngán: “Cố bị bệnh từ nhỏ, không làm được gì hết. Cố chỉ ở nhà thôi. Nhà nghèo, biết đưa đi đâu mà chữa bệnh”. Từ khi sinh ra, sức khỏe của Cố đã rất yếu. Bố mẹ cũng như cả bản nghèo không biết em bị bệnh gì. Họ chỉ biết, trước đây những đứa trẻ cùng triệu chứng như Cố đều lần lượt từ biệt cuộc sống. Hai năm trước, bệnh tình của Cố trở xấu, nặng hơn qua từng ngày, gia đình mới cho em xuống huyện khám thì phát hiện Cố bị bệnh tim bẩm sinh. Chi phí mổ tim rất nhiều tiền, nhà nghèo, sau Cố còn 3 em nhỏ nữa. Cố mòn mỏi sống trong tuyệt vọng…

Giàng Thị Cố gặp các bác sỹ khi bệnh của em đã rất nặng, tưởng chừng như vô phương cứu chữa. Chị Hạnh Nguyên, thành viên của đoàn bác sỹ tình nguyện không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy Cố: “Em ấy nhỏ thó, gầy, đen, môi thâm, các móng tay chân đen bầm, ai cũng tưởng chưa đủ tuổi đến trường. Không ngờ, Cố đã 17 tuổi, căn bệnh tim bẩm sinh đã dày vò con người em như chiếc lá héo”. Sàng lọc kỹ bệnh, các bác sỹ đã thống nhất đưa Cố xuống Hà Nội để tiến hành phẫu thuật nếu có thể.

Ngày 4/10, Cố đến khám và điều trị tại Viện Tim Hà Nội. Em được chẩn đoán: Đảo gốc động mạch, thông liên nhĩ. Từ nhận định ban đầu là Cố không thể phẫu thuật do để muộn, đến khi tìm thấy cơ hội phẫu thuật dù rất nhỏ rồi các bác sỹ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho em là cả một quyết định đầy khó khăn. Ca phẫu thuật tim thành công, em Giàng Thị Cố đã xuất viện, cùng bố về với mẹ và các em đang đợi ở quê nhà. Cô bé xanh xao, gầy guộc từ Lào Cai về Hà Nội hôm nào nay đã có sắc hồng trên đôi môi.

Nhờ nhóm bác sỹ tình nguyện, nhiều hoàn cảnh éo le như cô bé Giàng Thị Cố đã được cứu sống. Chị Hạnh Nguyên tâm sự điều vui nhất: “Giúp đỡ một trường hợp cụ thể như Cố đã là vui. Nhưng thay đổi được nếp nghĩ của cả một địa phương, nhóm người mới là động lực chính”. Chị Hạnh Nguyên cho biết, khi đến với đồng bào Lùng Cải, em nào cũng có một chuỗi hạt đeo ở cổ. Ban đầu, ai cũng tưởng trang sức, nhưng hỏi ra mới biết đó là “vòng ngừa bệnh” của thầy cúng. Người Lùng Cải tin rằng đeo chuỗi hạt của thầy cúng vào cổ sẽ đẩy lùi được bệnh tật. Sau những chuyến khám, chữa bệnh, đồng bào đã không còn tin vào sự “thần kỳ” của chuỗi hạt thầy cúng nữa.

Trên những cung đường sống đẹp

Mẹ già rốn lũ Hà Tĩnh chờ đến lượt khám bệnh.
Mẹ già rốn lũ Hà Tĩnh chờ đến lượt khám bệnh.

Nhóm tình nguyện viên có tên “Hội Bác sỹ tình nguyện” được thành lập năm 2015 do BS Ngô Tuấn Anh (Khoa Ngoại tim mạch, Bệnh viện 108) làm Hội trưởng, đã tập hợp được một lực lượng y bác sỹ tình nguyện viên đông đảo. Hầu hết họ đang công tác tại Hà Nội. BS Tuấn Anh còn rất trẻ. Anh bảo, ngoài công việc chính của mình ở bệnh viện, anh còn sức và nhiều nhiệt huyết để giúp đỡ người gặp khó khăn. Thành lập chưa đầy 2 năm, nhưng Hội đã vượt qua không biết bao nhiêu cung đường để đến với những bản làng nghèo, xa xôi hẻo lánh của đất nước: Rốn lũ miền Trung, Tương Dương biên ải phía Tây, Cốc Rế (Xí Mần, Hà Giang)…

Lưu Lan Hương (Hà Nội), tình nguyện viên của Hội lần đầu tiên đến với rốn lũ Hà Tĩnh đã khiến cô không khỏi ngỡ ngàng. Lan Hương tâm sự: “Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ trẻ tay giữ đứa con 3 tuổi, tay bồng đứa bé gần 1 tuổi. Đứa bé day bầu vú khô của mẹ, rấm rứt khóc chắc vì không còn được bao nhiêu sữa. Thương cảm khi thấy một phụ nữ ngoài 50 có một ống chân lở loét như thể bị hoại tử, không được chăm sóc gì ngoài rắc kháng sinh bột... Thế rồi, chẳng có thời gian mà quan sát, chúng tôi cũng bị vây bởi hàng nghìn người đông nghịt, ai cũng mong được gọi tên, ai cũng muốn được khám bệnh, phát thuốc...”.

Xuân Lộc là một xã thuộc huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), có diện tích 10,9km² với dân số hơn 8.400 người sinh sống trong 12 thôn xóm. Hai trận lũ kép tháng 10 vừa rồi dồn về nhanh và nhiều nên người dân trong xã đã không kịp trở tay. Sau lũ, môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt, thời tiết nắng, mưa thất thường, nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát. Hội Bác sỹ tình nguyện phối hợp với chính quyền, địa phương, Trạm Y tế xã Xuân Lộc tổ chức chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng số 10” nhằm giúp bà con chăm sóc sức khỏe, phòng, chống và kịp thời nắm bắt dịch, bệnh để có biện pháp kịp thời xử lý.

Tại đây, gần 300 triệu đồng giá trị quà từ thiện được Hội trao đi. Hội trưởng Tuấn Anh bảo, chưa ở đâu trong hành trình Hội từng tổ chức khám, chữa bệnh lại có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao như thế, hầu hết đều mắc huyết áp cao, tiểu đường, viêm và suy thận... Có rất nhiều người dân chưa từng được đi khám, chữa bệnh. Việc chăm sóc y tế với họ là cả sự lạ lẫm. Chị Hạnh Nguyên kể: “Nhiều người không hề biết mình bị cao huyết áp. Họ cũng không hình dung ra được cao huyết áp là bệnh gì. Sao mà dân vùng lũ lại bị cao huyết áp nhiều thế? Có người dân nhận túi thuốc cấp rồi, phải hỏi ngay đâu là thuốc huyết áp, để cất giữ riêng, ấy là bởi họ đã được bác sỹ giải thích về sự nguy hiểm của căn bệnh này”.

Trong 2 ngày 26 - 27/11 tại xã Xuân Lộc, các bác sỹ, dược sỹ, tình nguyện viên đã làm việc quên mình suốt từ 7h sáng đến 17h chiều, tiếp đón tận tình những người dân cuối cùng. Cán bộ, nhân viên trạm y tế xã và các bác sỹ quân hàm xanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã nhiệt tình giúp sức với đoàn Bác sỹ tình nguyện. Con số ngoài sức tưởng tượng khi có tổng số hơn 1.700 lượt người đã tới khám bệnh tại các khoa: Răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, điện tim, siêu âm, xét nghiệm, phụ khoa và khám tổng quát. 786 toa thuốc đã được phát cho người bệnh với các bệnh chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm đường hô hấp trên, suy thận, viêm nhiễm phụ khoa…

Hàng chục chuyến đi, đến mọi miền khó khăn của đất nước. Không biết bao nhiêu lần quá 12 giờ đêm, họ mới ngồi vào mâm, ăn bữa tối trong ánh sáng phát ra từ vài ba chiếc điện thoại của anh em trong đoàn, rồi tranh thủ chợp mắt để sáng sớm còn có sức làm việc. Rời địa phương sau vài ngày làm việc, đằng sau là những cái vẫy tay, những câu chào, câu cảm ơn của bà con dân bản suốt dọc đường về, khiến quãng đường trở ra dường như ngắn lại, anh chị em trong đoàn lại có thêm bao động lực cùng lời hẹn sẽ quay lại với vùng cao.

Nhật ký tình nguyện

Ngày 19/8/2016, Lùng Cải - lại thêm một nét đẹp của chiếc áo vàng tình nguyện - chiếc áo vàng trong mưa bão, chiếc áo vàng trong chiếc áo mưa... Chuyến đi đầy yêu thương và tiếng cười.

Ngày 8/6/2016, lần thứ hai, Hội về chăm sóc y tế cho những người khiếm thị tại Bắc Ninh. "Cho em sờ thuốc để em nhớ, còn tự lấy uống, em không có ai lấy thuốc hộ", cái cách những người còn lờ mờ thấy chút ánh sáng dắt những người kém may mắn hơn đi lại; cách họ tìm vị trí của nhau qua những âm thanh rất riêng...

Ngày 28/4/2016: Xã Lượng Minh, xã nghèo của huyện Tương Dương nằm ở vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy trèo đèo, lội suối, đường đi chính ngay dọc lòng suối… để vào xã. Hội đã khám và cấp thuốc không phí cho 951 người dân trong diện hộ nghèo, cận nghèo thuộc 10 thôn bản của xã.

Quang Thành

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau

Y tế - 18 giờ trước

GĐXH - Lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, Bệnh viện E phẫu thuật thành công cho người bệnh mắc u phì đại tiền liệt tuyến (khoảng 40g) bằng liệu pháp vi nhiệt tạo hơi nước (Rezum).

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis

Sống khỏe - 1 ngày trước

Ngày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Sống khỏe - 1 ngày trước

Mô hình ra đời nhằm xây dựng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Vừa qua, Viện Đông y Việt Nam phối hợp với các chuyên gia vừa tổ chức Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam.

Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?

Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?

Y tế - 1 ngày trước

Cơ quan BHXH thực hiện thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của người tham gia trên cơ sở dữ liệu thẻ BHYT. Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử khác nhau thì thực hiện theo thông tin trên thẻ BHYT điện tử.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm

Y tế - 2 ngày trước

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, cảnh báo cộng đồng

Liên tiếp 6 du khách nhập viện cấp cứu khi đi du lịch, 1 người hôn mê sâu do ngộ độc rượu methanol

Liên tiếp 6 du khách nhập viện cấp cứu khi đi du lịch, 1 người hôn mê sâu do ngộ độc rượu methanol

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Cả 6 người sau khi uống cùng 1 loại rượu trái cây đều có biểu hiện đau bụng, nôn ói thậm chí lơ mơ…

Cứu sống du khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đi bộ

Cứu sống du khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đi bộ

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, suy hô hấp nặng phải đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập.

Chủ quan với đau răng, người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Chủ quan với đau răng, người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Sau khi tự uống thuốc giảm đau và kháng sinh tại nhà để điều trị đau răng, bệnh nhân thấy tổn thương ngày càng lan rộng. Đến khi khối áp xe chèn ép đường thở, bệnh nhân mới đến viện điều trị.

Trường Đại học Y Dược ký thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương

Trường Đại học Y Dược ký thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Trường ĐH Y Dược vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện mắt Trung ương. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị.

Top