Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nữ bác sĩ được Forbes Việt Nam vinh danh: “Đóa blouse trắng” sẵn sàng “ra trận”

Thứ ba, 12:27 22/06/2021 | Y tế

GiadinhNet - Trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, BS Võ Ngọc Anh Thơ đã dấn thân, cống hiến hết mình nhưng theo chị, điều đó là hết sức bình thường. Hiện tại, chị vẫn tiếp tục tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch.

Cuối tháng 4/2021 vừa qua, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021. Chị được bầu chọn là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19.

Hỏi cảm xúc của chị khi nhận danh hiệu này như thế nào, chị cười, giọng trong veo: "Tôi nói bạn tin không? Tôi không biết mình có trong danh sách bình chọn và cũng không nghĩ công việc của mình truyền cảm hứng đến mọi người, cho đến khi nhận được quá nhiều tin nhắn chúc mừng. Thật lòng, tôi có vui đó nhưng rồi cũng chỉ trong ngày là hết, quay lại ngay cuộc sống bình thường thôi. Sự vinh danh ấy có sự hỗ trợ của rất nhiều đồng nghiệp. Và tôi là một người may mắn được để ý tới mà thôi".

Nữ bác sĩ được Forbes Việt Nam vinh danh: “Đóa blouse trắng” sẵn sàng “ra trận” - Ảnh 1.

Nữ bác sĩ có thân hình nhỏ bé nhưng có những đóng góp và hy sinh không hề bé nhỏ. Ảnh: Hữu Khoa

Ấn tượng đầu tiên về ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ là chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 39 cùng nụ cười "tỏa nắng" và giọng nói ngọt ngào. Người đối diện sẽ bị cuốn hút bởi cách nói chuyện nhẹ nhàng, thân thiện của nữ bác sĩ tài hoa, truyền nhiều cảm hứng này.

ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ làm việc ở Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2006. Đến năm 2015, ở tuổi 33, chị là Phó khoa trẻ nhất thời điểm đó tại Bệnh viện. Chị cũng là nữ bác sĩ duy nhất trong Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đi đến các tỉnh chi viện khi có dịch COVID-19 xảy ra. Kể từ khi dịch COVID-19 đến Việt Nam, bất kỳ cuộc tăng cường nào của Bệnh viện Chợ Rẫy cho phía Nam cũng có mặt chị.

Hai năm không đón Tết ở nhà

" Sự vinh danh của tạp chí Forbes Việt Nam có sự hỗ trợ của rất nhiều đồng nghiệp. Và tôi là một người may mắn được để ý tới mà thôi ".

Trong 2 năm liên tục (2020 và 2021), BS Anh Thơ không thể cùng đón Tết sum vầy bên gia đình. Ngày 28 Tết năm 2020, trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên là hai cha con người Trung Quốc đã khiến chị và các đồng nghiệp phải "lao tâm khổ tứ" điều trị cho bệnh nhân, quên đi Giao thừa và chúc Tết. 

Vượt qua những áp lực lớn từ thông tin dịch bệnh chưa đầy đủ, bệnh nhân bất đồng ngôn ngữ… BS Anh Thơ và ê-kíp y bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới đã giúp cha con bệnh nhân xuất viện lần lượt sau 2 và 3 tuần điều trị. Đây là thành công bước đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện tuyến dưới cần sự chi viện, BS Anh Thơ là thành viên nữ hiếm hoi cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia vào các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 có mặt tại các địa phương khi đó đang là "tâm dịch" như: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai. Tuy nhiên, nữ bác sĩ không thấy đó làm buồn và cho rằng điều đó hoàn toàn bình thường. Chị quan niệm, đây là trách nhiệm của người làm ngành Y. "Năm nay mình không ăn Tết được thì sang năm mình bù lại vậy", chị chia sẻ và cho rằng: "Những bài học từ 1 năm chống dịch bằng đến 5 năm làm nghề Y".

Trước đây, BS Anh Thơ làm công tác hồi sức chống độc và truyền nhiễm đã rất vất vả, từ khi có dịch công việc của chị vất vả hơn nhiều. Chị phải lấy bệnh viện làm nhà, gửi con gái 10 tuổi cho bố mẹ đẻ. Thậm chí, chị bảo: "Con quên luôn chị rồi…".

Từ bỏ ước mơ nhà báo để làm bác sĩ

Không chỉ được biết đến là một trong 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, BS Anh Thơ còn được nhiều người yêu mến bởi sự tươi vui, tinh thần dấn thân và đặc biệt là khả năng xuất khẩu thành thơ của chị.

"Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch/ Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi/ Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo/ Ai đã thử rồi, đã biết khổ cùng nhau...". Những vần thơ đầy xúc cảm ấy được BS Anh Thơ viết lên ngay trong những ngày đầu chị cùng đồng nghiệp "chiến đấu" với dịch COVID-19 khi mới vào Việt Nam khiến nhiều người cảm động. Cho đến hôm nay, "cuộc chiến" khốc liệt ấy vẫn còn tiếp diễn, chưa ngưng nghỉ.

BS Anh Thơ cho biết, chị là người duy nhất trong gia đình theo nghề Y. Vốn là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Bến Tre, nhưng chị học Văn rất giỏi. Ngày đó, chị ước mơ trở thành nhà báo để được đi khắp mọi nơi. Đến năm học lớp 11 thì ba chị bị bệnh nặng, phải nằm liệt giường.

Ba mẹ chị đều là giáo viên, kinh tế gia đình không dư giả. Ngồi bên giường bệnh chăm sóc ba, chứng kiến những cơn đau đớn dồn dập của ba, chị quyết định từ bỏ ước mơ trở thành nhà báo để theo nghề Y. Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM năm 2006, chị gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ đó. Vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đến nay, chị đã học xong chương trình cao học, bác sĩ chuyên khoa II.

Tiếp xúc với BS Võ Ngọc Anh Thơ mới thấy, con người chị là sự hòa quyện của hai thế giới: Y khoa và nghệ thuật. Với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, những trải nghiệm về tình yêu và cuộc sống… đã giúp chị thăng hoa trong thơ.

Chính việc viết thơ khiến cuộc sống của chị sau những giờ trực vất vả, điều trị ca bệnh khó trở nên nhẹ nhàng và thi vị hơn. Trong cuộc sống đời thường, chị phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng luôn tươi vui và lạc quan, cố gắng tách bạch áp lực công việc ra khỏi cuộc sống gia đình. Những bài thơ của chị giản dị nhưng sâu lắng, lấy được nhiều xúc cảm của người đọc.

Khoảng thời gian nghỉ giải lao ngắn ngủi giữa hai ca trực liên tiếp, chị cũng có thể "xuất khẩu" thơ để giải tỏa và tự nạp năng lượng cho mình: "Lặng!/ Em cho phép mình nghỉ yêu một bữa/ Tim đau rồi cần một xíu thời gian/ Chẳng hờn trách nhau chi, đắng lòng em thêm nữa/ Anh cũng đủ mệt rồi.../ Những gánh nặng cuộc đời... thôi... cứ để em mang/ Những ngày không anh/ Em tự dạy cho tim mình ngoan lại/ Góc phố buồn lặng lẽ gọi tên ai/ Mong anh bình yên trên chặng đường dài nơi xa ấy/ Mong hạnh phúc đong đầy, mong thấy anh vui/ Những ngày không anh/ Nắng rực vàng ngoài kia không ấm lòng em đặng/ Khoảng lặng vô tình như mảnh vỡ pha lê/ Em sợ chạm vào - sợ tự cứa mình đau/ Giấu mình trong nụ cười xinh yêu ấy/ Tự dối mình rằng... anh sẽ trở về mau".

Ngay cả trong thời gian cao điểm chống dịch, giữa những đêm phải thức trắng vì điều trị cho các bệnh nhân, chị vẫn kịp viết những dòng thơ viết vội tự tặng mình và đồng nghiệp, ba mẹ: "Ba mẹ có an lòng khi con làm bác sĩ/ Tuổi xuân mãi vùi đầu trong các giảng đường y/ Mỗi tuần một kỳ thi - ôi trường gì mà dị/ Đêm trực về - nhan sắc có còn chi/ Ba mẹ có an lòng khi con làm bác sĩ/ Vất vả trăm bề trên mỗi chặng đường đi/ Hai mươi tư giờ con chưa hề ngơi nghỉ/ Một phút lơ là, một mạng người xa/ Ba mẹ có an lòng khi con làm bác sĩ/ Mắt biếc thâm quầng mỗi sớm tinh khôi/ Lệnh gọi lên đường chạnh lòng chiến sĩ/ Ngõ vắng chong đèn ngóng hướng con đi/ Ba mẹ có an lòng khi con làm bác sĩ/ Đời có nhiễu nhương luân thường đạo lý/ Miệng người lúc thương lúc ghét lúc khinh khi/ Đã chọn ngành y phải cố kiên trì/ Tâm trong dạ sáng vì người dấn thân".

BS Anh Thơ vui vẻ cho hay, chị đã "training" (đào tạo) cho ba mẹ quen với công việc của bác sĩ của chị. Mới đầu ba mẹ chị rất xót ruột và thương con, nhưng dần dần họ cũng quen với công việc của chị bất cứ khi nào cũng có thể xách ba lô lên và đi. Hiện nay, sức khỏe ba chị đã khỏe hơn trước, thay vì nằm giường, ông có thể tự sinh hoạt đi lại. Ba mẹ Anh Thơ hỗ trợ chị rất nhiều trong việc chăm sóc và nuôi dạy con gái để chị yên tâm công tác.

"Mỗi lần có lịch công tác, tôi chỉ gọi điện báo ba mẹ một tiếng là con phải đi công tác, rồi nhờ ba mẹ và người thân đưa đón con gái đi học. Con gái tôi rất ngoan và tự lập, có thể phụ nấu cơm, chăm sóc tôi mỗi khi mệt. Chắc ông trời thương nên từ nhỏ đến giờ con gái tôi không bị ốm đau, tự giác học tập và cháu là cô bé rất hiểu chuyện, luôn lắng nghe mẹ".

Nói về con, giọng nữ bác sĩ đầy tự hào, nhưng thoáng chốc chị chùng xuống. Chị kể, vì là bác sĩ, công việc bận liên miên, chị không có nhiều thời gian dành cho cô con gái đang học lớp 4. Suốt những năm con học mẫu giáo, chị chưa một lần được dự và xem con biểu diễn văn nghệ. Ngay cả việc đón con đi học về cũng thật hiếm hoi. Chị kể: "Có bữa tôi đến đón con, cô giáo không biết tôi là mẹ. Khi tôi nói với cô, cô mới bảo: Ủa, chị là mẹ của Nhất Tâm ư? Bữa nay em mới biết mặt chị".

Suốt từ đợt 30/4 đến nay, chị vẫn chưa được gặp con gái. Sau khi cùng Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Kiên Giang, chị lại tiếp tục điều trị những bệnh nhân truyền nhiễm. "Thật sự là mình rất nhớ và thương con nhưng công việc của mình như vậy, phải tránh nguy cơ lây nhiễm cho con và cả ba mẹ mình nữa", nữ bác sĩ tâm sự.

Thấu cảm với đồng nghiệp và bệnh nhân

Là bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm hàng đầu về Bệnh nhiệt đới ở Việt Nam, hiện đang phụ trách khoa có đến 70 thành viên, nhưng BS Anh Thơ rất khiêm nhường. Chị được các đồng nghiệp nhận xét là người dễ mến, có sự thấu cảm về nghề và cuộc sống. Cách sống giản dị, chân thành, biết nghĩ cho người khác đã xóa nhòa khoảng cách giữa chị với đồng nghiệp và bệnh nhân.

BS Anh Thơ chia sẻ, bên cạnh những người thầy đã dạy và truyền đạt kiến thức cho mình, chị đặc biệt biết ơn những đồng nghiệp điều dưỡng. Họ chính là những người đã truyền những kinh nghiệm đầu tiên về nghề, "đỡ đầu" cho chị trong những đêm trực đầu tiên. Theo BS Anh Thơ, điều dưỡng là người dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân, là người nhận biết và phản ánh cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường đầu tiên, đảm nhận công việc như một người mẹ quần quật chăm con cả ngày. Thế nhưng, điều dưỡng cũng là người đầu tiên bị phản ánh, là người đầu tiên bị hành hung y tế về lời nói và cả vũ lực, là người không được trọng vọng như bác sĩ.

"Các con của điều dưỡng cũng phải trưởng thành sớm. Có bé còn rất nhỏ đã phải tự nấu ăn, ngủ ở nhà một mình khi mẹ trực đêm. Lưng, vai, các khớp của điều dưỡng đều đau sau vài năm tuổi nghề và sức khỏe xuống rất nhanh sau những ngày vất vả. Đó là một trong các góc khuất của ngành Y không phải ai cũng thấy", BS Anh Thơ đồng cảm.

Đối với bệnh nhân, BS Thơ luôn quan tâm hết mình. Việc gì tốt, có lợi cho bệnh nhân là chị làm, mặc dù có thể chị phải thức suốt đêm. Khối lượng công việc lớn, áp lực nhiều, có những buổi đi làm về ôm gối ngủ một mạch đến sáng hôm sau nhưng nữ bác sĩ vẫn dành thời gian dừng lại rung động ở những khoảnh khắc rất đời thường.

"Lúc đó khoảng 2-3h đêm, tôi xuống hội chẩn ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện. Trên đường vào khoa, tôi gặp một cặp vợ chồng già, vợ chăm chồng cấp cứu phù phổi cấp. Khi nhìn hình ảnh hai người đầu bạc chăm sóc nhau, không có con cái đi theo chăm sóc, tôi thấy thương cảm và ái ngại. Tôi hỏi thì được biết, con của bệnh nhân là bác sĩ ở tỉnh và đang đi tham gia phòng chống dịch bệnh. Cũng vì đang chống dịch nên bố ốm nặng đi cấp cứu mà bác sĩ đó cũng không thể về chăm sóc. Lúc đó, tôi nhớ bố mẹ mình kinh khủng và nghĩ nhiều về gia đình hơn. Rất may mắn, sau đó bệnh nhân đã điều trị thành công. Bác trai đã khỏe rất nhiều", BS Anh Thơ kể lại.

15 năm theo nghề Y, là "đóa hồng" tiên phong trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành Y tế phía Nam, BS Võ Ngọc Anh Thơ đã góp phần đem lại hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân, tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch cho hàng triệu khán giả truyền hình. Nữ bác sĩ ấy đã sống đẹp, đam mê hết mình, nhiệt huyết và dấn thân với nghề. Hạnh phúc của chị là người thân luôn bình an. Hàng ngày đến bệnh viện, chị khám cho bệnh nhân và nhìn thấy họ khỏe hơn. Cùng đó, chị mong với sự góp sức của mình cũng như đồng nghiệp trên cả nước, nỗ lực của chính quyền và toàn thể người dân, dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người vui cuộc sống bình thường trở lại.

Anh 1

"20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021” là danh sách lần đầu tiên do Forbes Việt Nam bầu chọn. Mục tiêu là tôn vinh những phụ nữ dù khác biệt về lĩnh vực, tuổi tác, cương vị, mức độ ảnh hưởng, nhưng có điểm chung là “sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.

Kim Vân

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 20 giờ trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 21 giờ trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 1 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 1 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 1 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Y tế - 4 ngày trước

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Top