Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nước Mỹ tìm cách "giải" bài toán tỷ lệ sinh thấp và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ năm, 08:38 02/12/2021 | Dân số và phát triển

Với tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong gần 50 năm qua tại nước Mỹ cho thấy nguy cơ xảy ra khủng hoảng về nhân khẩu học.

Theo một báo cáo mới của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy số phụ nữ Mỹ sinh con trong năm 2020 đã giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nước Mỹ tìm cách "giải" bài toán tỷ lệ sinh thấp và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1.

Tỉ lệ sinh ở Mỹ giảm xuống thấp kỉ lục

Cụ thể, số ca sinh năm 2020 giảm 4% so với năm 2019 và là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ năm 1973. Đại dịch COVID-19 được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại Mỹ vốn đã có xu hướng giảm càng tiếp tục giảm sâu hơn.

Tình trạng giảm này xuất hiện trong tất cả các tháng của năm ngoái, kể cả vào tháng 1 khi đại dịch chưa xảy ra và cả những tháng đầu đại dịch sau đó. Các tháng có tỷ lệ sinh giảm mạnh nhất là 3 tháng cuối năm, tức khoảng 9 tháng sau khi đại dịch bắt đầu và nó cho thấy đại dịch có thể đã khiến nhiều cặp đôi trì hoãn quyết định sinh con.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong năm 2020, tại Mỹ chỉ có hơn 3,6 triệu ca sinh với mức sụt giảm được ghi nhận ở hầu hết các bang. Con số này thấp hơn gần 150.000 ca so với năm 2019 và khoảng 700.000 ca so với năm 2007, khi mức sinh ở Mỹ đạt kỷ lục.

2020 cũng là năm có mức giảm số ca sinh cao thứ 9 kể từ khi nước Mỹ bắt đầu ghi chép các số liệu thống kê. Điều đó đã đặt đại dịch COVID-19 ngang hàng với các thảm họa xã hội như Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai, và chỉ kém một chút so với thiệt hại do dịch cúm Tây Ban Nha gây ra cách đây một thế kỷ.

Báo cáo của CDC dựa trên việc xem xét hơn 99% giấy khai sinh được cấp trong năm 2020 tại Mỹ. Các chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 chắc chắn là một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng giảm số ca sinh nở vào năm 2020. Tâm lý lo lắng về COVID-19 và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế có thể khiến nhiều cặp vợ chồng cho rằng, việc sinh con vào thời điểm này là một "ý tưởng tồi".

Mỹ từng là một trong số ít các quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh đảm bảo mỗi thế hệ có đủ con để thay thế. Khoảng 10 năm trước, tỷ lệ sinh tại nước này là khoảng 2,1 trẻ em trên một phụ nữ. Tuy nhiên, con số này đã giảm dần và vào năm 2020 giảm xuống khoảng 1,6, tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận.

Theo phân tích của các nhà nhân khẩu học, trong vài thập kỷ trở lại đây, độ tuổi trung bình làm mẹ lần đầu ở Mỹ đã tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ đã từ bỏ việc có con vì lý do tài chính, giáo dục, nghề nghiệp hoặc cá nhân.

Không chỉ thế, tỷ lệ sinh thấp hơn cũng đang diễn ra ở các dòng tộc, sắc tộc và các lĩnh vực ngành nghề công tác. Tỷ lệ sinh ở phụ nữ da trắng và phụ nữ gốc Phi giảm 6% trong nửa cuối năm 2020, ở phụ nữ gốc Á giảm 12 điểm % và phụ nữ gốc Tây Ban Nha giảm 5 điểm %.

Tỷ lệ sinh ở phụ nữ trẻ tuổi đã giảm trong nhiều năm qua do nhiều người đã trì hoãn việc làm mẹ và/hoặc không lập gia đình. Trong nhiều thập kỷ, việc trì hoãn này thường tập trung ở tầng lớp thượng lưu, trung lưu Mỹ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, ven biển. Những phụ nữ có trình độ học vấn cao đã tạm dừng việc sinh con cho đến khi sự nghiệp của họ ổn định, thường là cho đến đầu những năm 30 tuổi.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, khi ngày càng nhiều phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội ưu tiên giáo dục và nghề nghiệp, việc trì hoãn sinh con đã trở thành một xu hướng phổ biến ở phụ nữ Mỹ ở hầu hết mọi nơi.

Kết quả là dân số Mỹ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1930, và sự thay đổi sâu sắc trong vai trò làm mẹ của người Mỹ. Phụ nữ dưới 30 tuổi ít khi lựa chọn sinh con sớm. Kể từ năm 2007, tỷ lệ sinh của phụ nữ ở độ tuổi 20 đã giảm 28% và mức giảm lớn nhất gần đây là ở phụ nữ chưa kết hôn. Nhóm tuổi duy nhất có tỷ lệ sinh tăng trong thời kỳ đó là phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40. Song, những nhóm tuổi này cũng bắt đầu giảm trong ba năm qua.

Nhiều nhà nhân khẩu học cho biết, ngoài vấn đề kinh tế bất ổn và dịch bệnh thì tình trạng mất an toàn tài chính kéo dài ở những người trưởng thành trẻ tuổi và trình độ học vấn ngày càng cao của phụ nữ cũng là các yếu tố dẫn tới tỷ lệ sinh giảm đi.

Phụ nữ có trình độ học vấn cao ngày càng tăng so với những thế hệ trước. Tỷ lệ tốt nghiệp của phụ nữ hiện đang tăng nhanh hơn nam giới. Một phần ba phụ nữ ở độ tuổi 20 có bằng đại học vào năm 2019, tăng so với một phần tư năm 2007.

photo-1638015802466

Những phụ nữ có trình độ học vấn cao đã tạm dừng việc sinh con cho đến khi sự nghiệp của họ ổn định, thường là cho đến đầu những năm 30 tuổi.

Việc nuôi dạy con cái cũng trở nên căng thẳng hơn. Các bậc cha mẹ Mỹ dành nhiều tiền và thời gian cho con cái hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Nhiều người cảm thấy áp lực lớn khi phải liên tục theo sát con cái, ghi danh cho chúng vào các lớp học bồi dưỡng và dành cho chúng sự quan tâm quá mức.

Nếu trước đây nó chỉ từng là một hiện tượng của tầng lớp thượng lưu, thì hiện nay nó đang gia tăng nhanh chóng trong tất cả các tầng lớp xã hội.

Richard Jackson, Chủ tịch của Viện Lão hóa Toàn cầu (Global Aging Institute), một nhóm nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận cho biết: "Nền kinh tế thế giới phát triển trong hai thế kỷ qua được xây dựng dựa trên sự mở rộng nhân khẩu học. Chúng tôi không còn có lợi thế kinh tế và địa chính trị lâu dài này nữa".

Mức độ ảnh hưởng của vấn đề này phụ thuộc vào một số biến số có thể thay đổi chiều hướng trong những năm tới. Người nhập cư, chiếm từ 1/3 đến 1/2 mức tăng dân số của Mỹ trong thập kỷ qua, đang gia tăng trở lại vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nới lỏng một số hạn chế vốn được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nền kinh tế đang phục hồi cũng thu hút những người tìm việc. Số người nhập cư tăng mạnh có thể giúp bù đắp số ca sinh đẻ ít hơn.

Neil Howe, nhà kinh tế và giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Hedgeye Risk Management, cho biết trong lịch sử, gần một nửa tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm cả người nhập cư.

Các dự báo ngân sách liên bang gần đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động tiềm năng sẽ tiệm cận mức 0 trong nhiều năm tới, giảm từ mức 2,5% bắt đầu từ giữa những năm 1970 xuống 0,5% từ năm 2008 đến năm ngoái.

Các nhà kinh tế nói rằng sự thay đổi này sẽ khiến nước Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào người nhập cư để tăng lực lượng lao động, mặc dù điều đó phải đối mặt với những áp lực riêng. Tỷ lệ sinh của Mexico đã giảm đều đặn, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước cung cấp người nhập cư hàng đầu khác cho Mỹ - cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài, cùng với sự gia tăng dân số đang giảm dần của Trung Quốc.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán lẻ và khách sạn vì các ngành này phụ thuộc nhiều vào lao động trẻ. Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật và công nghệ thông tin cũng sẽ phải vật lộn để thay thế quản lý cấp cao khi hàng triệu người sinh ra ở thời kỳ bùng nổ dân số sẽ nghỉ hưu. Theo thời gian, tỷ lệ sinh thấp hơn sẽ dẫn đến tỷ lệ những người được hưởng lợi về hưu cao hơn so với người lao động đóng thuế. Điều này sẽ làm tăng chi phí an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe (Medicare).

Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng sẽ hỗ trợ sự phát triển của các gia đình thông qua Kế hoạch "Gia đình Mỹ" trị giá 1.800 tỷ USD được đề xuất, bao gồm nghỉ phép có lương, trợ cấp chăm sóc trẻ em và trường mầm non miễn phí. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, những cách tiếp cận chính sách như vậy có những kết quả khác nhau trong việc nâng tỷ lệ sinh ở các nước khác.

Việt Nam cũng là một trong những nước đang đứng trước thực trạng mức sinh xuống thấp. Tình trạng này diễn ra vài năm trở lại đây và nhiều cặp vợ chồng trẻ không có nhu cầu sinh con thứ hai.

Theo một số cán bộ dân số đi vận động người dân sinh đủ 2 con, nhiều cặp vợ chồng đã thẳng thắn chia sẻ, họ ngại sinh con thứ hai vì áp lực kinh tế, việc làm và nhà ở. Có cặp vợ chồng lấy nhau đã 10 năm, nhưng do vẫn phải thuê nhà, công việc làm không ổn định nên chỉ "dừng lại một con là đủ".

Thậm chí, có những cặp vợ chồng kết hôn đã 3-4 năm vẫn chưa sinh con đầu lòng vì chưa có nhà ở, đi làm ở khu công nghiệp bấp bênh, đặc biệt là dịch COVID-19 năm nay đã khiến họ phải nghỉ việc dài ngày.

Hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài là già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nguyên nhân khiến mức sinh thấp ở nước ta hiện nay chủ yếu do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con…

Bởi vậy, để góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam vào năm 2030, ngành dân số cần tiếp tục mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số; có chiến lược truyền thông để đưa mức sinh thấp về mức sinh thay thế; tuyên truyền để thay đổi nhận thức "trọng nam khinh nữ", không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như đẩy mạnh chương trình tầm soát trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng...

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết, không ít quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh thấp về mức thay thế, đây chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ đối với nước ta nếu muốn duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

K.N
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nguy cơ suy tim ở phụ nữ cắt bỏ buồng trứng khi còn trẻ

Nguy cơ suy tim ở phụ nữ cắt bỏ buồng trứng khi còn trẻ

Dân số và phát triển - 14 giờ trước

Việc cắt bỏ buồng trứng có thể khiến phụ nữ phải đối mặt với tình trạng suy tim khi về già. Đặc biệt có nguy cơ tăng lên đối với phụ nữ cắt bỏ buồng trứng khi còn trẻ.

Thuốc dùng trong điều trị xuất tinh ngược dòng

Thuốc dùng trong điều trị xuất tinh ngược dòng

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Xuất tinh ngược dòng là một nguyên nhân quan trọng gây vô sinh ở nam giới. Việc điều trị sớm, đúng cách sẽ mang lại cơ hội có con cho bệnh nhân.

Người cao tuổi không ăn cơm, hại nhiều hơn lợi

Người cao tuổi không ăn cơm, hại nhiều hơn lợi

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Việc loại bỏ cơm khỏi khẩu phần ăn có thể gây hại cho sức khỏe người cao tuổi, dẫn đến thiếu năng lượng, suy dinh dưỡng, rối loạn đường huyết và nhiều hệ lụy khác.

Có nên ngừng cho con bú khi trẻ bắt đầu mọc răng không?

Có nên ngừng cho con bú khi trẻ bắt đầu mọc răng không?

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Nhiều bà mẹ lo lắng rằng khi con mọc răng, việc bú mẹ sẽ trở nên đau đớn và nghĩ đến việc cai sữa, không cho con bú nữa. Điều đó có nên không?

Al hỗ trợ bác sĩ siêu âm phát hiện dị tật thai nhi nhanh hơn

Al hỗ trợ bác sĩ siêu âm phát hiện dị tật thai nhi nhanh hơn

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Theo kết quả một nghiên cứu mới, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp các bác sĩ siêu âm xác định bất thường nào khi siêu âm sàng lọc thai kỳ ở tuần thứ 20 nhanh gấp đôi mà không làm giảm độ chính xác của chẩn đoán.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới dễ nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới dễ nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Mặc dù nam giới ít bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hơn phụ nữ nhưng đây cũng có thể là mối quan tâm đáng kể về sức khỏe, đặc biệt là khi không được điều trị.

4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả

4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Sữa giả không chỉ đơn giản là không có giá trị dinh dưỡng mà nó còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Các triệu chứng chính của bệnh Chlamydia ở phụ nữ

Các triệu chứng chính của bệnh Chlamydia ở phụ nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Phụ nữ chủ yếu nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với chồng/ đối tác bị nhiễm trùng.

5 câu hỏi thường gặp về hội chứng tiền kinh nguyệt

5 câu hỏi thường gặp về hội chứng tiền kinh nguyệt

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một tập hợp các triệu chứng về thể chất, tâm lý và cảm xúc mà nhiều phụ nữ gặp phải trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt.

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

GĐXH – Theo các chuyên gia, với những trường hợp lạm dụng sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong một thời gian quá dài, không có thời gian "nghỉ" là không đúng với hướng dẫn chuyên môn của viên uống tránh thai đường uống, có nguy cơ gây hệ lụy.

Top