|
Anh Bùi Văn Quang sau hơn 1 tháng được "thổi",
nay đã cử động được chân tay.
Ảnh: PB |
Điều đặc biệt ở tài chữa bệnh của vị "thần y" xứ Mường này là không hề dùng một bài thuốc phức tạp nào, mà chỉ nhai trầu và phun lên vết thương.
Lời niệm chú bí ẩn
Đến vùng đất huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), hỏi nhà cụ Thiểm hầu như ai cũng biết. Bởi hơn 20 năm qua, có quá nhiều người ở vùng đất này đã được vị "thần y" người Mường chữa lành bệnh và có quá nhiều người ở nơi khác hỏi thăm về nhà cụ để được chữa bệnh mà không mất đồng tiền nào.
Theo cụ Thiểm, trước khi được chữa trị, người bệnh phải được khám ở bệnh viện, có kết quả chẩn đoán về bệnh thì cụ mới nhận lời. Bởi vì ngoài lời niệm chú và lá trầu, cau, cụ không bao giờ chẩn đoán bệnh. Đối với người bệnh, trong quá trình "điều trị", chỉ cần kiêng tôm, thịt gà, cá quả, rau muống, cải bắp là được… |
Khi chúng tôi vừa bước vào đến nhà, người con gái của cụ đã hỏi ngay bị bệnh gì, lâu chưa. Khi biết là nhà báo, chị ngập ngừng rồi ra tiếp chuyện. Chị bảo từ sáng giờ có mấy bệnh nhân và người nhà đến đây xin thuốc, còn một trường hợp khá nặng là dập đốt sống cổ do tai nạn đang được cụ "thổi" cho hơn 1 tháng qua cũng đỡ rất nhiều rồi. Nói về bài thuốc, cả gia đình và chính cụ Thiểm cũng không thể lý giải được vì sao câu "thần chú" và hơi thở của cụ lại thần kỳ như vậy. Chỉ biết rằng, thực tế đã có rất nhiều người khỏi bệnh, kể cả bệnh rất nặng về xương, khớp.
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đều xác nhận, cách chữa bệnh của cụ Thiểm không mang màu sắc mê tín, cụ cũng không lấy tiền. Nhưng khi lấy biết chúng tôi định viết bài thì lúc đầu cụ không đồng ý. Cụ bảo, viết ra nhỡ người ta lại bảo là mình lừa bịp thì mang tiếng lắm, ở cái tuổi gần đất xa trời, rồi chữa cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân, nay vì một bài báo người khác lại nghĩ sai thì cụ không thích. Sau một hồi thuyết phục, cả sự động viên của người con gái đang là giáo viên, cụ mới bắt đầu kể chuyện về lời niệm chú bí ẩn mà người mẹ chồng đã truyền lại.
Cụ kể, cho đến tận bây giờ, cụ cũng không biết mẹ chồng là cụ Bùi Thị È học được nghề chữa bệnh thần kỳ này từ đâu, chỉ biết rằng khi về làm dâu đã thấy cụ È chữa bệnh cho rất nhiều người trong vùng. Trong gia đình, cụ Thiểm là con dâu thứ 5, khi cụ È đã có tuổi, sức khoẻ giảm dần, nhiều người trong gia đình rất lo lắng vì cụ È chưa truyền nghề cho ai. Tuy nhiều lần trước đó cụ È có ý định truyền bài thuốc cho các con nhưng đều thất bại, không phải mọi người không muốn học nhưng học xong lại quên, có người nhớ được những thủ thuật cụ dạy nhưng chữa bệnh không hiệu quả. Cách truyền "bí kíp" chữa bệnh của cụ È cũng rất lạ kỳ, do là cụ È chỉ nói một lượt, ai tiếp thu được bao nhiêu thì tùy. Chính vì cách truyền nghề đặc biệt này mà không phải ai cũng có thể học được phương thuốc bí truyền ấy.
Theo cụ Thiểm thì để tiếp thu được phương thức chữa bệnh này phải có căn duyên mới học được. Có lẽ vì thế mà trong nhà có tận 12 người con trai gái, dâu rể nhưng duy chỉ có một mình cụ theo được nghề. Đến đời cụ, có đến 8 người con ruột, nhưng cũng chỉ có cô con gái thứ 3 mới tiếp thu được phần nào bí quyết gia truyền kia, còn những người khác không tài nào theo được.
Vì cách chữa bệnh đơn giản và chữa quá nhiều người bệnh nên bây giờ cụ chẳng nhớ đã chữa cho bao nhiều người, ở huyện, tỉnh nào. Cụ chỉ biết, có nhiều người đến đây, người thì nói giọng Bắc, người giọng miền Trung, người thì tận trong Nam, thậm chí cả ở nước ngoài cũng tìm đến.
Theo cụ Thiểm, phương pháp chữa bệnh của cụ rất đơn giản, chỉ cần miếng cau, lá trầu và vôi (như ăn trầu) sau đó niệm câu thần chú vào đó là được. Mỗi loại bệnh có một cách niệm chú riêng, sau khi niệm chú, cụ nhai trầu cho đến đỏ môi, rồi phun nước trầu này vào chỗ đau của bệnh nhân là được.
Đối với những trường hợp bệnh nhân ở xa, không có điều kiện đến tận nơi để điều trị thì chỉ cần người nhà mang trầu, cau và vôi đến, cụ sẽ niệm thần chú vào miếng trầu cau và hướng dẫn cách "thổi" là được. Tuy nhiên, cụ Thiểm cho biết, cách này không hiệu quả bằng việc trực tiếp thổi, nhưng cũng cho kết quả rất tốt.
Mặc dù trong hơn 20 năm cứu giúp người bệnh, có nhiều gia đình bệnh nhân rất giàu có nhưng chưa hề bao giờ cụ lấy một đồng tiền công, thậm chí cả tiền trầu cau. Cụ bảo, trước khi truyền lại lời niệm chú, mẹ chồng đã căn dặn, việc chữa bệnh là làm phúc giúp người chứ không phải là nghề để kiếm sống. Ghi nhớ lời dặn đó, từ khi biết cách chữa bệnh kỳ lạ này, cụ chưa hề đòi hỏi ở người đến điều trị bất kỳ điều gì. Ai có lòng thì đặt lên bàn thờ vài chục nghìn đồng hay ít hoa quả làm lễ trước hoặc sau khi chữa bệnh, như thế là cụ cũng vui rồi.
|
Cách chữa bệnh của cụ Thiểm là nhai trầu cau, sau đó phun nước trầu lên chỗ đau của bệnh nhân. Ảnh: PB |
Và những ca bệnh hồi sinh khó tin
Về lời niệm chú chữa bệnh thần kỳ nhưng nếu không một lần chứng kiến hoặc nghe người bệnh kể lại thì chắc hẳn ít người tin.
Anh Bùi Văn Quang (SN 1981) trú tại xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tai nạn vào dịp trước Tết. Hôm đó là chiều muộn ngày 26/12 (âm lịch), khi đang chở củi về nhà, do đoạn dốc quá trơn, anh Quang đã bị ngã xe và nằm ngất ở dưới sườn núi. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện tỉnh. Mở mắt nhìn mọi người, nhưng toàn thân anh bất động, vợ anh nước mắt ngắn dài thông báo anh bị dập nát 3 đốt sống cổ.
Cuộc sống hàng ngày cùng vợ và hai con nhỏ đã không đủ ăn, nay bị tai nạn, nằm một chỗ mà cần đến cả trăm triệu chữa bệnh thì lấy đâu ra? Anh em, họ hàng thương hai vợ chồng cũng đã dốc hết tiền bạc, nhưng với chi phí tốn kém do điều trị, được ít ngày, gia đình đành ngậm ngùi mang anh về nhà... chờ chết. Mà không chết thì cũng cả đời sống thực vật, bởi với việc dập nát 3 đốt sống, anh chỉ có thể cử động được... cái đầu.
Từ một thanh niên trai tráng, bỗng chốc nằm bất động trên giường, vợ con nheo nhóc, một cảm giác sợ hãi, bất lực bao trùm, thậm chí anh đã nghĩ đến cái chết. Nhiều lúc anh cảm thấy bất lực, chỉ biết khóc và khóc... Một màn đen chắn ngang trước ngưỡng cửa tương lai anh.
Đúng vào ngày mồng 6 Tết, khi anh đang chìm sâu vào cơn mộng mị, thì người vợ báo tin vui, đã tìm được thầy thuốc có thể điều trị cho anh khỏi bệnh. Do bệnh quá nặng, đường đi lại khó khăn, gia đình đành phải gom góp tiền thuê xe chở anh lên tận trên xã Hợp Thành, rồi ở nhà một người quen để cụ Thiểm tiện chữa trị.
Hôm được gia đình đưa lên gặp vị "thần y" già có biệt tài chữa bệnh xương khớp giỏi ấy, Quang cũng hơi ngờ vực về khả năng được đồn đại kia. Bởi, ngoài việc nhai nhỏ trầu cau rồi... phun nước trầu vào người thì anh thấy cụ Thiểm không có bất cứ thao tác nào khác về nắn xương khớp cũng như uống thuốc gì cả. Nhưng nghĩ, đằng nào mình cũng vậy, có bệnh thì vái tứ phương, còn nước còn tát, anh lại hy vọng. Và điều kỳ diệu đã đến sau ngày thứ 3, anh Quang đã có thể nói được lưu loát, tay bắt đầu cử động, chân dần có cảm giác và cổ có thể cựa quậy nhẹ. Anh vui sướng đến chảy nước mắt.
Ngày chúng tôi đến thăm, anh đã có thể nói chuyện một cách bình thường, tay, chân đã có thể cử động tốt. Ngồi bên giường bệnh, chị Bùi Thị Tính (vợ của anh Quang) gạt nước mắt mừng tủi: “Ơn trời khi gia đình em gặp được cụ Thiểm. Giờ anh nhà em dần bình phục, chẳng mấy mà đi lại bình thường, gia đình em mừng lắm. Đặc biệt, cụ Thiểm chẳng đòi hỏi công cán gì cả...".
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Tú, người cùng xã với cụ Thiểm. Cách đây hơn 3 năm, anh bị tai nạn ở Hà Nội, khi đưa vào bệnh viện thì chân trái bị dập nát, sau đó phải mổ và bó bột. Nhưng do không kiêng khem tốt, xương chân của anh không liền được. Nghe tiếng về tài chữa bệnh của cụ Thiểm, anh mang trầu, cau lên nhờ cụ "thổi" cho hơn một tháng thì khỏi.
Còn ông Nguyễn Bá Bờm ở xóm Mon (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn), trong một lần đi đốn gỗ bị cây đè lên người, vỡ xương chậu. Nhờ bài thuốc đơn giản và lời niệm chú thần kỳ của cụ Thiểm, gần tháng sau ông Bờm đã có thể đi lại được. "Sau này tôi đi khám ở viện, bác sĩ chẩn đoán xương đã được nối liền", ông Bờm kể lại.
Và cũng như người mẹ chồng, cụ Thiểm đã truyền nghề lại cho con dâu, con gái trong gia đình, nhưng đến nay chỉ có người con gái thứ 3 là "có duyên". Cụ hi vọng, trong tương lai, khi đã về với tiên tổ, người con gái sẽ thay cụ làm phúc, làm đức để mang hạnh phúc, niềm vui đến cho mọi người. |
Tiếng lành đồn xa, có trường hợp của một Việt kiều 72 tuổi ở Đức bị ngã gãy xương chậu, dù chạy chữa nhiều bệnh viện lớn nhỏ, nhưng cơn đau vẫn không dứt. Do tuổi cao, xương khớp không còn tốt nên việc bó bột cũng không mang lại hiệu quả cao. May mắn là con cháu ở quê biết về cách chữa bệnh của cụ Thiểm nên đã nhờ niệm chú một ít cau trầu rồi gửi sang Đức. Sau hai tháng, người nhà lên cảm ơn cụ vì đã khỏi bệnh, đi các bệnh viện chụp chiếu không còn ảnh hưởng gì.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Thành cho biết: Cụ Nguyễn Thị Thiểm là người địa phương, có phương pháp chữa bệnh bằng cách nhai trầu cau, niệm thần chú rồi thổi vào người bệnh. Đã có rất nhiều người đến đây chữa bệnh nhưng chưa thấy trường hợp nào kêu kiện hay đồn đại tiếng xấu về cách chữa trị của cụ.
Bà Nhung cho biết, ở huyện Kỳ Sơn và xã Hợp Thành này, có nhiều người Mường có bài thuốc chữa bệnh rất kỳ lạ nhưng cách chữa của cụ Thiểm là khó hiểu và hiệu quả nhất. Không những vậy, cụ Thiểm lại không bao giờ đòi tiền công cũng như tiền thuốc, ai đến cụ cũng giúp đỡ cả.
Phùng Bình