16 tuổi bồng con, 35 tuổi thành bà, 55 tuổi lên cụ
GiadinhNet - Tìm hiểu về công tác DS-KHHGĐ tại một tỉnh miền núi phía Bắc còn rất nhiều khó khăn, thách thức như Hà Giang, không gì “biết nói” hơn bằng những con số. Tại Hà Giang, ngoài chuyện giảm sinh khó, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cũng rất nhức nhối…
Bà ngoại tuổi “băm” vừa chăm con, vừa nuôi cháu
Bảng thống kê sơ bộ tình hình tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại Hà Giang năm 2014 cho thấy nhiều con số giật mình. Trong tổng số 740 cặp tảo hôn toàn tỉnh, Bắc Quang - một huyện đồng bằng có điều kiện kinh tế chỉ đứng sau TP Hà Giang, có tới 223 cặp (chiếm 30%), “dẫn đầu” toàn tỉnh, vượt qua cả những huyện vùng cao khó khăn như: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc. Số cặp tảo hôn tại Bắc Quang cũng chiếm tới 31,4% tổng số cặp kết hôn, 206 cặp kết hôn không đăng ký.
Thôn Nhạ, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang nằm cheo leo trên một ngọn đồi. Đường vào thôn vào những ngày sau cơn mưa đầu tháng 8 thử thách người đi bằng bùn, đất, đá lổn nhổn, lầy lội, ô tô không thể vào nổi, chúng tôi phải lội bộ mới vào được tới nhà dân.
Căn nhà sàn người Dao khá khang trang của gia đình chị Đặng Thị Phân (SN 1979) nằm gần cuối thôn. Buổi trưa, nhà chị chỉ còn hai vợ chồng và cô con gái vừa tròn 16 tuổi mới sinh con được 3 tháng. Thấy chúng tôi, em Trương Thị Thái (SN 1999) ngượng ngùng khi tôi khen em: “Mẹ con nít rồi mà trẻ và xinh quá!”.
Vụng về đón con trên tay bà ngoại, Thái lóng ngóng bế xốc con lên cho bé tập đứng nhún nhảy, đỡ mỏi tay. Thấy vậy, chúng tôi nhắc: Em bé còn yếu, xương chưa cứng, phải bế ngửa tay đã. Thái lại loay hoay bế con theo tư thế hướng dẫn. Chị Phân lắc đầu, cười buồn bảo, Thái lấy chồng, làm mẹ sớm nên mọi thứ, kể cả việc nuôi vợ chồng con gái (chồng Thái đang ở rể), chăm con, thức đêm chăm cháu, ông bà ngoại phải lo lắng hết, bởi các em vẫn chưa kiếm ra đồng tiền nuôi bản thân. “Chúng nó ít cãi nhau là may rồi đấy! Trẻ con mà”, chị Phân cười.
Gương mặt non tơ, xinh xắn của cô bé vừa tròn 16 như Thái không vương lấy chút lo lắng, căng thẳng của người phụ nữ “ở cữ”. “Em đang ôn thi lên lớp 10 ở dưới huyện thì gặp chồng (cùng tuổi), có bầu nên phải về cưới, nghỉ luôn cả thi cử, học hành. Giờ em vẫn ở nhà mẹ đẻ. Bố mẹ lo cho em hết. Em có ít sữa lắm, con bú không đủ!”, Thái hồn nhiên kể. Tôi hỏi thêm, nghỉ học sinh con, em có thấy nhớ lớp, nhớ trường không? Thái ngước đôi mắt tròn xoe tuổi trăng tròn nhìn tôi rồi lý nhí: “Có chứ ạ! Nhưng có con rồi sao còn đi học được?”. Khi tôi đề cập đến chuyện dùng biện pháp tránh thai sau sinh, Thái tỏ vẻ ngạc nhiên như lần đầu tiên nghe đến rồi đưa mắt sang mẹ dò hỏi. Cũng lúng túng như con, chị Phân lại cười xòa…
Lúc này tôi mới có dịp nhìn quanh căn nhà sàn. 5 gian nhà rộng rãi, nhưng tuyệt nhiên nhà không có nổi một tấm mành làm vách ngăn giữa các gian nhà, tất cả đều chung trong tầm mắt. Anh Lý Chí Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Giang nói nhỏ với tôi: “Bố mẹ mới tuổi “băm”, kiểu bố trí căn nhà này không trách trẻ con lấy chồng sớm(!?)”.
Rời thôn Nhạ, chúng tôi tới thôn Lâm, cách đó chừng 5km, tìm tới nhà ông Đặng Thái Sơn (50 tuổi). Đường khó đi nên chúng tôi phải mất tới gần 30 phút mới tới nơi. Con dâu ông Sơn là Trương Thị Ly, 14 tuổi, người ở thôn Pha cùng xã, không có nhà. Ông Sơn cho hay, hai em chưa tổ chức đám cưới, cứ về ở với nhau, cùng ông bà trong gian nhà nhỏ này. “Năm ngoái chưa cưới vì chưa được tuổi, tôi đang xem cuối năm nay đẹp tuổi, hợp năm thì tổ chức cưới luôn!”, ông Sơn hồ hởi nói. Tôi thắc mắc: “Nhưng con dâu bác chưa đến tuổi kết hôn, cưới vậy là cưới tảo hôn đó bác!”, ông Sơn cười bảo: “Chỉ cần đẹp tuổi là được(?!)”.
Chị Đặng Thị Mến, cán bộ DS-KHHGĐ xã Đồng Tâm cho hay, tìm trường hợp tảo hôn ở xã không khó. Thậm chí, ở thôn Nhạ có em gái (dân tộc Mường lấy chồng người Dao) mới gần 20 tuổi đã có tới 3 con, mỗi đứa cách nhau 1-1,5 tuổi. Chỉ mấy tháng đầu năm 2015, cả xã đã có tới 4 cặp tảo hôn, còn năm 2014, có 7 cặp. Những trường hợp tảo hôn ở xã Đồng Tâm hầu hết đều do các em yêu nhau, tha thiết sống với nhau, bố mẹ không cấm cản nổi. Lấy chồng, lấy vợ sớm, các em phải nghỉ học giữa chừng, loanh quanh tìm những việc nhẹ nhàng ở gần nhà, cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm chật vật.
Lên chức cụ khi 55 tuổi
Tại huyện Quản Bạ, chúng tôi tới xã Cán Tỷ cách trung tâm huyện khoảng 30 phút đi xe máy đường núi. Ở đây, đại đa số là người dân tộc Mông sinh sống.
Chỉ một dãy nhà “mặt đường” thôn Đầu Cầu 2 chừng 300m, chúng tôi đã tìm được 3 cặp tảo hôn, hầu hết đều chưa làm lễ cưới, không đăng ký kết hôn. Đi cùng chúng tôi là anh Hạ Đình Chơ – cán bộ Tư pháp xã Cán Tỷ. Cái lý của các cặp vợ chồng trẻ con, lấy nhau khi chưa đủ tuổi ở đây cũng giống như ở xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, rằng: Yêu thì về ở với nhau, bố mẹ không cản được, thậm chí, không có “ý kiến” gì.
Như chưa “lại người” sau lần sinh con đầu lòng vào đầu năm nay, em Vàng Thị Ly (SN 1998 - 17 tuổi), hai tay dắt đứa hai đứa trẻ là con anh trai chồng, cười hiền, ngượng ngùng bảo tôi: “Con em vừa ngủ”. Ly kể, em chỉ học tới đầu cấp 2 ở trường Nội trú huyện rồi nghỉ học. “Em và chồng là Sùng Mý De (SN 1998) yêu nhau, về ở với nhau rồi có con. Em không đi khám thai bao giờ”, Ly hồn nhiên kể. Gia đình em có tới 6 anh, chị em, gia đình chồng cũng không “kém cạnh”, 5 người con. Không ít người cũng lấy chồng, lấy vợ sớm như em. Em lấy chồng, về ở nhà chồng, phục vụ chuyện cơm nước, trông các cháu và lao động trong nhà.
Bà nội của chồng Ly là Vàng Thị Sai, năm nay gần 60 tuổi nhưng thoạt trông cứ ngỡ bà đã lên 70, tấm lưng còng vì suốt ngày phải địu chắt. Bà không biết tiếng Kinh, nhờ Ly phiên dịch, chúng tôi được biết, bà đã lên chức cụ nội từ 5 năm trước và coi chuyện con cháu lấy vợ, lấy chồng sớm là chuyện “đương nhiên phải thế”.
Anh Hạ Đình Chơ – cán bộ Tư pháp xã Cán Tỷ cho biết: Anh làm công tác này đã được gần 10 năm và năm nào cũng có trường hợp tảo hôn. “Tảo hôn thì không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, pháp luật cấm, các em cứ về ở với nhau thôi”, anh Chơ nói.
Cũng theo vị cán bộ Tư pháp này, chuyện trẻ con sinh ra không được đăng ký khai sinh là chuyện… thường ngày. Có trường hợp khi con đi học lớp 1, lớp 2, nhà trường yêu cầu phải có giấy khai sinh, bố mẹ mới… “tá hỏa” đi làm. Cũng có trường hợp, bố mẹ chưa đủ tuổi đăng ký nên các cháu cũng phải thiệt thòi theo, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. “Luật mới cho phép, nếu bố mẹ không có giấy đăng ký kết hôn thì con sinh ra được khai sinh theo mẹ, coi như không có bố. Trường hợp này phải về nơi đăng ký thường trú của mẹ để làm thẻ bảo hiểm y tế cho con”, anh Chơ cho biết. Ở Cán Tỷ, hiện không ít đứa trẻ sinh ra, dù có bố có mẹ, nhưng vì bố mẹ tảo hôn nên coi như em không có bố.
“Bây giờ không phải cứ tảo hôn là do cha mẹ ép con lấy chồng sớm đâu, mà bọn trẻ tự yêu nhau, về ở với nhau, có khi còn có bầu trước. Cứ mỗi lần lễ Tết hay nghỉ hè là sĩ số các lớp học lại rơi rụng dần vì các em ở nhà lấy chồng, lấy vợ”, anh Chơ chia sẻ.
Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi khó khăn, mà còn “hiện diện” ở vùng trung tâm thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP Hà Giang, năm 2014, thành phố có tới 25 cặp tảo hôn, 16 cặp không đăng ký, tập trung ở các xã đông đồng bào dân tộc Dao như Ngọc Đường (9 cặp), Phương Độ (8 cặp). Tại các phường trung tâm, có tới 6 cặp tảo hôn. Phần lớn, các em đều phát triển tâm sinh lý sớm, có điều kiện tiếp xúc thông tin trên mạng Internet không chính thống… nên bắt chước người lớn dẫn tới mang thai ngoài ý muốn.
(còn nữa).
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcUng thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcTrẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcĐa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.
Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcGĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.
Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcSau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.
5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcHội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcPhụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.
Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcTắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
Tuổi 50 nên chọn loại hình tập luyện nào là tốt nhất?
Dân số và phát triểnỞ độ tuổi 50 trở lên, tập luyện thể chất không chỉ tập trung vào nâng cao sức khỏe mà còn hướng đến lối sống năng động, dẻo dai, vui vẻ...