Hà Nội
23°C / 22-25°C

4 phút định mệnh cuối cùng trên máy bay Ai Cập gặp nạn

Thứ bảy, 15:18 21/05/2016 | Bốn phương

Những dữ liệu máy bay gửi về cho thấy chiếc phi cơ mất kiểm soát rất nhanh trong 4 phút cuối cùng, mở ra hai nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir. Ảnh: CNN
Chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir. Ảnh: CNN

Ngày 21/5, những manh mối đầu tiên về số phận chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir đã xuất hiện khi các điều tra viên tìm thấy những chiếc va ly, ghế ngồi, mảnh kim loại và thi thể hành khách trôi dạt trên Địa Trung Hải, cách thành phố Alexandria khoảng 250 km về phía bắc.

Những manh mối này giúp nhà chức trách có thể khoanh vùng được khu vực chiếc máy bay chở 66 người rơi hôm 19/5, nhưng đến nay nguyên nhân gây ra thảm kịch vẫn còn là một điều bí ẩn, làm dấy lên những giả thuyết khác nhau trong giới chuyên gia, theo NYTimes.

Hôm qua, tạp chí hàng không uy tín AVHerald công bố những dữ liệu cuối cùng mà chiếc máy bay xấu số truyền về đài kiểm soát không lưu mặt đất, cho thấy phi công đã mất kiểm soát chiếc máy bay rất nhanh chóng, với những tín hiệu báo động và hệ thống máy tính ngừng hoạt động chỉ vài giây trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Những dữ liệu này cho thấy chiếc máy bay đã gặp một sự cố thảm khốc, nhưng không giúp làm sáng tỏ câu hỏi quan trọng: Điều gì đã gây ra sự cố đó? Tại sao một chiếc máy bay có lịch sử an toàn rất tốt và những phi công dày dạn kinh nghiệm lại có thể rơi vào một đêm trời quang mây tạnh như vậy?

Đến nay lực lượng tìm kiếm chưa phát hiện mảnh vỡ có kích thước lớn nào, và những bộ phận quan trọng nhất để giúp các điều tra viên tìm ra nguyên nhân tai nạn, chẳng hạn như hộp đen, nhiều khả năng đã nhanh chóng chìm xuống đáy biển.

Một quan chức Ai Cập nói rằng nhà chức trách đang coi khủng bố có thể là một nguyên nhân của thảm họa, nhưng chưa có bất cứ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này. Giới chức cũng cảnh báo rằng họ chưa có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy một quả bom đã nổ trên máy bay, hay có bất cứ hành động cố ý phá hoại nào.

Theo cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp, các kiểm soát viên không lưu nước này trò chuyện lần cuối với phi công trên chiếc MS804 vào lúc 1:48 giờ Cairo, khi đó phi công rất vui vẻ và không hề thông báo về bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

Đến 2:27, khi chiếc máy bay bắt đầu rời khỏi không phận Hy Lạp và tiến vào vùng kiểm soát bay của Ai Cập, kiểm lưu ở Athens tìm cách liên lạc với phi công qua sóng vô tuyến nhiều lần nhưng đều thất bại. Họ đã chuyển qua tần số khẩn cấp để gọi phi công nhưng cũng không nhận được trả lời.

Cùng lúc đó, các dữ liệu kỹ thuật thông báo sự cố bắt đầu được Hệ thống Báo cáo và Liên lạc Máy bay (ACARS) trên MS804 truyền về mặt đất. ACARS là một hệ thống liên lạc dữ liệu số cho phép truyền tải các dữ liệu, bản tin ngắn cần thiết giữa máy bay và các trạm mặt đất thông qua sóng vô tuyến hoặc vệ tinh.

Một vật thể nghi của chiếc máy bay được tìm thấy trên biển. Ảnh: Reuters
Một vật thể nghi của chiếc máy bay được tìm thấy trên biển. Ảnh: Reuters

Dữ liệu này được trang AVHerald công bố, dưới dạng các đoạn mã và ký tự viết tắt. Robert W. Mann, chuyên gia phân tích hàng không, cho biết các dữ liệu này thể hiện một cách thuyết phục những gì đã diễn ra trên máy bay vào 4 phút cuối cùng, dù chưa hoàn chỉnh.

4 phút định mệnh

Lúc 2:26, một thông điệp do ACARS gửi về cho thấy cửa sổ bên phải buồng lái bị mở. Theo ông Mann, cửa sổ này được mở có thể là để thoát khói ra ngoài, hoặc một thứ gì đó đã khiến nó bị mở tung.

Trong hai phút tiếp theo, có hai tín hiệu cảnh báo khói trong máy bay, một trong buồng vệ sinh và một trong khoang điện tử, nơi chứa phần lớn các thiết bị điện tử quan trọng của máy bay.

Ông Mann nói rằng các tín hiệu báo động này không nhất thiết đồng nghĩa với việc máy bay đã bị cháy. ACARS có thể phát tín hiệu báo động như vậy khi máy bay bị giảm áp nhanh chóng, bởi lúc đó hơi nước sẽ ngưng đọng trên máy bay, khiến các cảm biến cho rằng đó là khói.

Cuối cùng lúc 2:29, có thêm hai tín hiệu cảnh báo cuối cùng về hệ thống điều khiển máy tính trên máy bay. "Hai tín hiệu cảnh báo cuối cùng này mới là vấn đề", ông Mann nói. "Lúc đó bạn sẽ thật sự thấy mọi thứ bắt đầu xấu đi nhanh chóng".

Đầu tiên và trục trặc xảy ra đối với hệ thống máy tính điều khiển máy bay tự động. Tại thời điểm trước khi gặp nạn, chiếc MS804 đang bay ở độ cao hơn 11.000 mét với vận tốc gần như tối đa. Độ cao và vận tốc bay này giúp các hãng hàng không tiết kiệm tối đa nhiên liệu, tuy nhiên các phi công sẽ phải dựa vào hệ thống lái tự động bởi trong các điều kiện này, nếu họ mất kiểm soát máy bay, sẽ rất khó để điều khiển nó trở lại, ông Mann nói. Đây là lý do tại sao một số phi công thường gọi đây là "góc quan tài".

Tín hiệu cảnh báo cuối cùng liên quan đến hệ thống kiểm soát nâng hạ cánh lái ngang, thiết bị giúp phi công điều khiển đuôi ngang và cánh liệng của máy bay. Tín hiệu cảnh báo cho thấy hệ thống máy tính tự động điều khiển các bộ phận này cũng đã ngừng hoạt động.

"Có vẻ như hệ thống điều khiển máy bay tự động đã nối tiếp nhau gặp trục trặc", Mann nói. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng hai phút, dù với những phi công điều khiển máy bay, chúng dường như kéo dài vô tận.

Đây cũng chính là thời điểm chiếc máy bay rời khỏi không phận Hy Lạp, và vào lúc 2:29:40, các kiểm lưu Hy Lạp mất dấu chiếc máy bay, ngay bên trong không phận Ai Cập. Lúc này, dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay đã ngoặt sang trái 90 độ, rồi sau đó quay một vòng tròn sang bên phải, giảm độ cao nhanh chóng xuống 4.500 mét, rồi tiếp tục tụt xuống độ cao 2.700 mét trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

Hành trình cuối cùng của chiếc máy bay xấu số. Đồ họa: BBC
Hành trình cuối cùng của chiếc máy bay xấu số. Đồ họa: BBC

Phi công không hề đưa ra thông báo nào về trục trặc kỹ thuật hay các vấn đề khác trên khoang, kể cả trong những phút định mệnh cuối cùng, khi hệ thống ACARS trên máy bay truyền về những dữ liệu cho thấy một thảm họa sắp xảy ra.

Nguyên nhân thảm họa

Một cựu điều tra viên tai nạn hàng không cho rằng những cú ngoặt đột ngột của chiếc máy bay vào giây phút cuối cùng cho thấy nhiều khả năng phi cơ này không còn nằm dưới sự kiểm soát của phi công. Một điều gì đó rất dữ dội và đột ngột đã xảy ra khiến hệ thống điều khiển tự động của chiếc máy bay không thể nào kịp điều chỉnh để lấy lại kiểm soát.

"Theo tôi, điều này mở ra hai khả năng: hoặc là một sự cố kỹ thuật đột ngột, hoặc một hành động khủng bố hay phá hoại nào đó", chuyên gia Alain Bouillard, cựu điều tra viên chính của Cục Điều tra và Phân tích Pháp, nói.

Vì chưa thu được nhiều bằng chứng đáng kể, các chuyên gia cho rằng hiện tại rất khó để đoán chắc được loại trục trặc kỹ thuật nào có thể khiến chiếc máy bay bị rơi nhanh đến vậy.

Theo ông Bouillard, khả năng cao nhất là hệ thống điều áp trên cabin máy bay bị hỏng, khiến thân phi cơ bị nứt. Ở độ cao hơn 11.000 mét, vết nứt như vậy sẽ gây ra thảm họa nếu phi công không thể cho máy bay hạ độ cao thật nhanh và tìm nơi hạ cánh khẩn cấp.

Nếu cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về trục trặc kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng thảm kịch này nhiều khả năng là một chuỗi sự kiện khởi phát từ một hành động phá hoại hoặc khủng bố. Tuy nhiên, vì hiện chưa có tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm, các điều tra viên sẽ phải mất nhiều tháng trời để tìm kiếm chứng cứ mới có thể chắc chắn về khả năng này.

Xác chiếc máy bay nhiều khả năng đang nằm ở độ sâu khoảng 3.000 mét tại vùng biển nằm giữa đảo Crete và Ai Cập, và việc trục vớt sẽ phải mất một thời gian mới có thể hoàn thành. Lúc đó, hộp đen của máy bay sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra nguyên nhân thảm kịch.

"Nếu có một vụ nổ lớn xảy ra trên máy bay, thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái có thể ghi nhận được chấn động của sóng xung kích, trong khi thiết bị ghi lại dữ liệu chuyến bay có thể bị phá hủy trong vụ nổ. Nhưng nếu máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, cả hai thiết bị trong hộp đen này sẽ tiếp tục ghi nhận thông tin, trong đó có vị trí, tốc độ, độ cao và hướng bay của phi cơ cho đến khi đâm xuống biển", ông Bouillard nói.

Theo Trí Dũng/Vnexpress

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Phát hiện bất ngờ về cơn bão lớn nhất kéo dài suốt 190 năm trong Hệ Mặt trời

Phát hiện bất ngờ về cơn bão lớn nhất kéo dài suốt 190 năm trong Hệ Mặt trời

Tiêu điểm - 3 giờ trước

Các quan sát mới về Vết Đỏ Lớn của sao Mộc được Kính thiên văn Hubble ghi lại đã cho thấy cơn bão 190 năm tuổi này lắc lư như thạch và thay đổi hình dạng giống như một quả bóng bị bóp méo.

Dọn tủ đồ của chồng, người phụ nữ tìm thấy 'kho báu' trị giá 4 tỷ đồng

Dọn tủ đồ của chồng, người phụ nữ tìm thấy 'kho báu' trị giá 4 tỷ đồng

Tiêu điểm - 8 giờ trước

Trong lúc dọn tủ đựng đồ của người chồng quá cố, người phụ nữ đã vô cùng sửng sốt khi tìm "kho báu" có giá trị lên tới gần 4 tỷ đồng

Bỏ gần 500 tỷ đồng xây 'biệt thự trên trời' rộng 12.000m2, xa hoa trong từng viên gạch nhưng chủ nhân không thể ở: Vì sao?

Bỏ gần 500 tỷ đồng xây 'biệt thự trên trời' rộng 12.000m2, xa hoa trong từng viên gạch nhưng chủ nhân không thể ở: Vì sao?

Tiêu điểm - 19 giờ trước

“Cung điện trên mây” này nằm ở độ cao 122 mét trên nóc tòa nhà cao tầng giữa trung tâm thành phố.

Đến thăm bố, người phụ nữ bất ngờ rơi khỏi tầng 9 và cái kết khiến người thân bối rối

Đến thăm bố, người phụ nữ bất ngờ rơi khỏi tầng 9 và cái kết khiến người thân bối rối

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Vụ việc khiến người thân của nạn nhân không khỏi đau lòng. Tuy nhiên, sau những mất mát thì một điều kỳ diệu cũng bất ngờ xuất hiện.

Tỷ phú Ấn Độ qua đời, để lại phần lớn tài sản trị giá 3000 tỷ đồng cho chó cưng và 2 người giúp việc

Tỷ phú Ấn Độ qua đời, để lại phần lớn tài sản trị giá 3000 tỷ đồng cho chó cưng và 2 người giúp việc

Tiêu điểm - 1 ngày trước

Câu chuyện về di chúc của tỷ phú Ratan Tata đã gây bất ngờ lớn khi ông quyết định để lại phần lớn tài sản cho chú chó cưng của mình. Hành động này là minh chứng cho tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương động vật của vị doanh nhân tài ba.

Hồ nước lớn nhất thế giới thu hẹp nhanh đến mức khó có thể phục hồi

Hồ nước lớn nhất thế giới thu hẹp nhanh đến mức khó có thể phục hồi

Tiêu điểm - 1 ngày trước

Hồ Caspi đang thu hẹp nhanh chóng, đứng trước nguy cơ không thể phục hồi do biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Đền cổ Ả Rập 2.000 tuổi bất ngờ 'hiện hình' gần bờ biển Ý

Đền cổ Ả Rập 2.000 tuổi bất ngờ 'hiện hình' gần bờ biển Ý

Tiêu điểm - 2 ngày trước

Những người đến từ vương quốc huyền bí và xa hoa Nabataea của người Ả Rập đã để lại dấu tích văn minh của họ bên bờ Địa Trung Hải.

Người đàn ông 63 tuổi 'hóa' chàng trai 24 tuổi sau tai nạn giao thông, nghĩ mình sắp kết hôn

Người đàn ông 63 tuổi 'hóa' chàng trai 24 tuổi sau tai nạn giao thông, nghĩ mình sắp kết hôn

Chuyện đó đây - 2 ngày trước

Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, người đàn ông 63 tuổi tin rằng mình mới 24 tuổi và đang chờ kết hôn với vị hôn thê 19 tuổi.

Quét laser, thành phố ma thế kỷ 18 lộ ra giữa rừng Amazon

Quét laser, thành phố ma thế kỷ 18 lộ ra giữa rừng Amazon

Tiêu điểm - 2 ngày trước

"Bóng ma" của một thành phố đổ nát đã bất ngờ xuất hiện khi các nhà khoa học quét một vùng rừng mưa nhiệt đới bằng công cụ LiDAR.

'Em bé' 9 tháng tuổi, cân nặng khủng thu hút 2 tỷ lượt xem trên thế giới

'Em bé' 9 tháng tuổi, cân nặng khủng thu hút 2 tỷ lượt xem trên thế giới

Tiêu điểm - 3 ngày trước

"Em bé" 9 tháng tuổi có cân nặng khủng là ngôi sao của thủy cung Sea Life Melbourne, Úc.

Top