Ấn tượng lạ từ Quốc đảo Sư tử
GiadinhNet - Singapore từng là nước thuộc nấc thang thấp của Thế giới thứ Ba như lời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Vậy nhưng hiện nay, Quốc đảo Sư tử này đã thành một trong 4 con Rồng của châu Á. Nơi được biết đến với nhiều cái “nhất”, là nơi sạch nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người thuộc “tốp” đầu thế giới, là trung tâm tài chính, kinh tế, hóa dầu và là điểm dừng không thể thiếu của tàu biển trên tuyến đường hàng hải huyết mạch xuyên châu lục…
Ngài Thủ tướng thích… trồng cây
Đến với Quốc đảo Sư tử, dấu ấn đầu tiên khiến du khách bị hút hồn không phải là những toà nhà cao tầng san sát, những trung tâm thương mại, tài chính sầm uất mà chính là những không gian đô thị đầy cây xanh. Tại đất nước này, dù có tỉ lệ đô thị hoá cao nhưng mọi ngóc ngách, đường phố đều rợp bóng cây xanh và đủ loại hoa.
Loại cây được trồng nhiều nhất và có thể nhìn thấy ở bất kỳ góc phố, thảo cầm viên nào tại Singapore là cây Muồng tím hay còn gọi là Cây mưa (Rain tree). Loại cây này sở hữu đặc tính đặc biệt, ban ngày lá cây vươn thẳng rồi xoè rộng che nắng ở mức tối đa, khi đêm đến, lá cây cụp xuống khiến đèn đường không bị che khuất nên rất phù hợp với đường phố đô thị. Muồng tím là loài thân gỗ có nguồn gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, cây có đường kính thân và tán rất lớn. Có những cây tán rộng đến 30m, hơn cả chiều cao của cây, tán lá rất rậm rạp và luôn xanh tươi. Muồng tím có hoa nhỏ màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở bung ra rất đẹp và thơm. Trong thảo cầm viên Singapore có một cây Muồng tím rất lớn, đường kính thân cây lên tới 5m, cây cao 32m và được coi là Cây Di sản của Singapore.
Để có được “di sản” cây xanh đồ sộ như hiện nay, người đứng đầu đất nước Singapore trước đây là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có nhiều quyết sách mang tầm chiến lược. Từ những năm đầu xây dựng đất nước, ông Lý Quang Diệu đã chọn phương án xây dựng một Singapore “xanh và sạch”. Để biến đổi đất nước này thành một thành phố vườn nhiệt đới, ông đã cho trồng rất nhiều cây xanh tại các buổi khai trương, trồng ở khu cộng đồng và các bùng binh. Vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 11, từ năm 1971, Singapore đã khai mạc ngày trồng cây hàng năm trước sự có mặt của tất cả các nghị sĩ, các khu cộng đồng và các nhà lãnh đạo. Từ thời điểm này, Singapore đã không bỏ lỡ một dịp tốt nào để trồng cây. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng cho rằng, việc trồng cây non vào tháng 11 cần rất ít nước tưới bởi vì mùa mưa sẽ bắt đầu ngay sau dịp này. Dưới thời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông đã cho trồng hàng triệu cây cối họ nhà cọ và các cây bụi. Tuy nhiên, các loại cây, cây bụi và dây leo phù hợp với thổ nhưỡng của đất nước này không nhiều. Để giải bài toán này, ông đã cử nhiều đội nghiên cứu đến thăm các vườn bách thảo, công viên và vườn cây gỗ trong các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới để chọn nhiều loại mới từ các nước có cùng khí hậu trong khu vực châu Á, châu Phi, Caribê và Trung Mỹ. Họ đã mang về nhiều loại cây nhưng không may số hoa mang về từ vùng Caribê đã không thể nở bông do sự khác biệt của khí hậu. Trong 8.000 loại cây mà các nhà thực vật học mang về chỉ có 2.000 loại sống được ở Singapore.
Để có một đơn vị với đầy đủ chuyên môn chăm sóc cây, ông Lý Quang Diệu đã cho thiết lập một văn phòng thuộc Bộ Phát triển Quốc gia. Vào năm 1978, theo yêu cầu của ông Lý Quang Diệu, một chuyên gia về cây trồng người Úc và một chuyên gia nghiên cứu đất New Zealand đã đến Singapore để nghiên cứu tình trạng đất đai. Theo lý giải của các nhà khoa học này, Quốc đảo Sư tử nằm trong vành đai mưa rừng nhiệt đới cận xích đạo, có nắng gắt và mưa lớn quanh năm. Chính vì vậy, cây cối bị tàn phá, mưa lớn sẽ xói mòn lớp đất phía trên và lọc đi hết chất dinh dưỡng. Để khắc phục hạn chế này, các nhà khoa học đã cho bón phân thường xuyên, nhất là phân trộn và thường xuyên bón vôi vì đất của Singapore có quá nhiều axit. Với một số phương pháp nêu trên, cả đất nước Singapore đã dần xanh tốt.
“Siêu cây” bê tông khổng lồ bên Vịnh Marina
Không chỉ sở hữu hàng triệu cây xanh, Quốc đảo Sư tử còn tạo ra những “siêu cây” khổng lồ bên Vịnh Marina. “Siêu cây” này nằm trong quần thể của khu vườn bên Vịnh mang tên Gardens by the Bay. Đây là khu du lịch sinh thái rộng 100ha, điểm đến thu hút khách du lịch mỗi khi tới Singapore. Khu công viên tráng lệ được xây dựng làm điểm nhấn cho một Singapore hiện đại nhưng đầy màu xanh của cây cối. Công viên có 3 khu vực chính ven biển: Bay South Garden (rộng nhất với gần 55 ha), Bay Cental Garden, Bay East Gadens. Tại những khu vườn bên Vịnh có 18 siêu cây nhân tạo với độ cao từ 25-50m. Thân “siêu cây” gồm 4 phần như lõi bê tông, khung kim loại, vòm lá, những tấm quang điện. Gắn trên thân cây là hệ thống đèn dùng để chiếu sáng cây vào ban đêm. Các “siêu cây” vận hành bằng nguồn năng lượng mặt trời từ các tấm điện quang. 18 “siêu cây” tạo năng lượng mặt trời, hoạt động như những ống thông khí cho các nhà kính trồng cây gần kề và thu giữ nước mưa. Trên thân “siêu cây”, những loài hoa nhiệt đới và các loài dương xỉ được gá trồng và leo lên khung thép. Phần tán cây lớn có vai trò như máy điều tiết nhiệt độ, hấp thụ và phân tán nhiệt, cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho các du khách dưới thời tiết nắng nóng của khí hậu Singapore.
Ngoài tác dụng tạo ra sự cân bằng tự nhiên, mang đến ý thức bảo vệ môi trường, “siêu cây” ở khu vườn bên Vịnh Marina còn là điểm đến không thể thiếu đối với khách du lịch Quốc tế khi tới Singapore. Ngoài việc chiêm ngưỡng trực tiếp khu vườn này với những “siêu cây” khổng lồ độc nhất vô nhị ở khu vực Đông Nam Á, du khách còn được trải nghiệm trước các thử thách khi sử dụng máy ảnh cá nhân để chụp ảnh hệ thống cây cao lớn này. Hàng ngàn bức ảnh với nhiều góc độ, khung cảnh, thời gian khác nhau đã tạo ra một thế giới ảnh lung linh đa sắc màu. Theo kinh nghiệm của những du khách am hiểu về nghệ thuật chụp ảnh thì chụp “siêu cây” vào lúc chiều tối hoặc đêm về khi hệ thống đèn chiếu sáng trên cây được bật lên sẽ mang đến những bức ảnh đẹp đến kỳ ảo. Cạnh hệ thống “siêu cây” khổng lồ, khu vườn này còn có sự hiện diện của 2 nhà kính trồng cây xanh được gọi là: Rừng đám mây và Mái vòm hoa. Đây là nơi những quần xã sinh vật giúp kiểm soát khí hậu có kích thước tương đương với 4 sân bóng đá. Bên trong chứa 220.000 loài thực vật quy tụ từ nhiều khu vực trên thế giới. Để được chiêm ngưỡng hai kỳ quan này, khách du lịch phải mua vé vào cửa. Mức vé quy định dành cho khách du lịch là khoảng 22 USD và người dân Singapore là 16 USD.
“Đặc sản” tàu điện ngầm siêu hiện đại
Bên cạnh môi trường xanh của cây và “siêu cây”, thì hệ thống tàu điện ngầm cũng là “đặc sản” của đất nước, con người, trí tuệ Singapore. Ý tưởng manh nha về một hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (Mass Rapid Transit – MRT) tại Singapore được ra đời vào năm 1967. Đến năm 1983 những viên gạch đầu tiên để xây dựng hệ thống này mới được bắt đầu sử dụng. Đến nay, hệ thống này đã trở thành huyết mạch không thể thiếu đối với sự lưu thông của người dân Quốc đảo Sư tử. Hệ thống đã có 5 tuyến đi vào hoạt động, với tổng chiều dài toàn tuyến ước tính lên tới 148,9 km với 102 nhà ga và trạm đường sắt. Ước tính, mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm giải quyết được nhu cầu của hơn 2 triệu lượt người đi lại dưới lòng đất để đến nơi làm việc, vui chơi. Tuy nhiên, để có được thành quả này, hẳn không nhiều người biết được quãng thời gian từ khi manh nha đến lúc khởi công hệ thống tàu điện ngầm tại Singapore đã diễn ra hàng loạt cuộc tranh luận có một không hai. Đây có lẽ là thời kỳ “thai nghén” kịch tính nhất về sự ra đời của một trong những hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất thế giới. Hàng loạt ý kiến được đưa ra sau các nghiên cứu đều cho về những kết quả khác nhau. Đầu tiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống đường sắt công cộng là lựa chọn tốt nhất cho giao thông của đất nước này. Tiếp đó, một nghiên cứu khác lại cho rằng, sự kết hợp giữa xe buýt và đường sắt là sự thay thế vượt trội so với hệ thống giao thông chỉ có mỗi xe buýt. Đến những năm 1979-1980, công cuộc nghiên cứu về giao thông liên quan đến tàu điện ngầm tiếp tục được duy trì. Thậm chí, năm 1980, một tổ chức ủy quyền tạm thời của tàu điện ngầm đã được bổ nhiệm để thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc xây dựng.
Dù một số nghiên cứu về giao thông cộng cộng đưa ra cho thấy tính khả thi của dự án tàu điện ngầm nhưng Singapore vẫn chưa thể quyết để xây dựng vào giai đoạn này. Lúc này, một “biệt đội” gồm các chuyên gia nước ngoài còn gọi là “đội Harvard” đã được giao nghiên cứu lại tất cả các dự án giao thông công cộng trước đây và đưa ra nghiên cứu mới về mảng này. Kết quả mà đội nghiên cứu này mang về là phương án dùng xe buýt với các trạm trung chuyển và hạn chế xe hơi cá nhân. Như vậy, đáp án thu về từ các nghiên cứu sau hơn 13 năm cho ra 3-4 kết quả khác nhau. Tuy nhiên, lúc này, Bộ Giao thông vận tải Singapore đã quyết thuyết phục Chính phủ chọn tàu điện ngầm với khoản chi phí khổng lồ là 5 tỷ USD. Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối vì đề xuất của nhóm nhà khoa học trước đó đưa ra là ưu tiên sử dụng xe buýt với chi phí rẻ hơn một nửa so với con số 5 tỷ USD. Diễn biến kịch tính được tiếp tục duy trì khi vào năm 1981, hai nhóm vận tải và chuyên gia quy hoạch đô thị độc lập của Mỹ sau đó đã được chính phủ bổ nhiệm để tiến hành các đánh giá độc lập của dự án nghiên cứu giao thông toàn diện. Cuộc tranh luận này cũng đã được đưa lên truyền hình quốc gia vào tháng 9/1980. Nghiên cứu đưa ra kết luận, một hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn bằng xe buýt sẽ không thích hợp vì nó sẽ cạnh tranh và chiếm dụng khoảng không đường bộ. Chỉ có tàu điện ngầm mới giải quyết được bài toán không thể mở rộng đường phố và giao thông trong phạm vi lớn để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu vận tải trong nước. Và cuối cùng, phương án xây dựng tàu điện ngầm được “chốt hạ”, ngày 22/10/1983 là ngày lịch sử của dự án này khi nó được tổ chức động thổ tại Shan Road. Cho đến nay, với những đóng góp hằng ngày cho hệ thống giao thông công cộng tại Singapore, hệ thống tàu điện ngầm đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của lãnh đạo và người dân đất nước này.
Lịch sử của lệnh cấm ăn kẹo cao su tại Singapore
Đầu năm 1983, Bộ Phát triển Quốc gia đã đề nghị Chính phủ Singapore cấm người dân sử dụng kẹo cao su vì hậu quả từ các hành vi nhét bã kẹo vào các lỗ khoá, vào các hộp thư, vào các nút điều khiển của thang máy là không nhỏ. Việc nhổ kẹo cao su lên sàn nhà và các hành lang chung làm tốn tiền lau rửa và làm hư hỏng các dụng cụ vệ sinh. Thời gian đầu, ông Lý Quang Diệu từng nghĩ rằng, lệnh cấm này quá khắt khe nhưng sau khi hành vi nhét kẹo cao su vào bộ cảm biến của các cửa ra vào hệ thống tàu điện ngầm khiến cho hệ thống trục trặc thì suy nghĩ này đã thay đổi. Lúc này là vào tháng 1/ 1992, khi ông Lý Quang Diệu không còn giữ chức Thủ tướng nữa nhưng Thủ tướng Goh (God Chok Tong - PV) và các đồng sự của ông đã quyết định ban hành luật cấm này... Lệnh cấm đã làm giảm đáng kể sự khó chịu, sau khi thanh toán hết các hàng tồn trong các cửa hàng, vấn đề về hệ lụy do kẹo cao su gây ra ở các trạm tàu điện ngầm và trên xe lửa tại Singapore đã giảm đáng kể.
Biết xấu hổ để trở thành một xã hội có học thức
“Các phóng viên nước ngoài ở Singapore đã không hề tìm thấy một vụ tai tiếng tham nhũng lớn nào hoặc các hành động phạm pháp nghiêm trọng nào để đưa lên mặt báo. Thay vào đó, họ đưa tin về sự hăng hái và thường xuyên làm các chiến dịch “làm tốt”... Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn và tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hoá nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng thành một xã hội có học thức, có văn hoá trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng, sau khi chúng tôi đã thuyết phục và hô hào được số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những người thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn”, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Singapore dẹp hàng rong như thế nào?
Hiện nay, khi tới Singapore, du khách tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất kỳ một người bán hàng rong nào lông nhông trên phố như ở Việt Nam. Vậy nhưng, trong những năm 1960, hàng rong từng trở thành vấn đề đau đầu mà Chính phủ đất nước này phải đối diện và giải quyết. Về vấn nạn hàng rong thời kỳ này, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng cho biết: “Hàng ngàn người bán thức ăn trên lề đường không đếm xỉa gì đến giao thông, sức khỏe và các lý do khác. Rác rưởi, mùi hôi của các thức ăn đã bị thối rữa và các âm thanh hỗn loạn đã khiến nhiều khu vực của thành phố biến thành các khu ổ chuột… Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố. Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 1980, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong. Một vài người trong số đó làm những món ăn tuyệt hảo hấp dẫn khách du lịch. Một vài trong số đó trở thành những nhà triệu phú đi làm bằng xe Mercedes và thuê người phục vụ. Đây là sự táo bạo, nỗ lực và tài năng của những người tạo nên Singapore”.
Công Tâm
Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy
Chuyện đó đây - 4 giờ trước“Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”, người cha đau đớn nhớ lại.
Phát hiện bất ngờ về cơn bão lớn nhất kéo dài suốt 190 năm trong Hệ Mặt trời
Tiêu điểm - 12 giờ trướcCác quan sát mới về Vết Đỏ Lớn của sao Mộc được Kính thiên văn Hubble ghi lại đã cho thấy cơn bão 190 năm tuổi này lắc lư như thạch và thay đổi hình dạng giống như một quả bóng bị bóp méo.
Dọn tủ đồ của chồng, người phụ nữ tìm thấy 'kho báu' trị giá 4 tỷ đồng
Tiêu điểm - 17 giờ trướcTrong lúc dọn tủ đựng đồ của người chồng quá cố, người phụ nữ đã vô cùng sửng sốt khi tìm "kho báu" có giá trị lên tới gần 4 tỷ đồng
Bỏ gần 500 tỷ đồng xây 'biệt thự trên trời' rộng 12.000m2, xa hoa trong từng viên gạch nhưng chủ nhân không thể ở: Vì sao?
Tiêu điểm - 1 ngày trước“Cung điện trên mây” này nằm ở độ cao 122 mét trên nóc tòa nhà cao tầng giữa trung tâm thành phố.
Đến thăm bố, người phụ nữ bất ngờ rơi khỏi tầng 9 và cái kết khiến người thân bối rối
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcVụ việc khiến người thân của nạn nhân không khỏi đau lòng. Tuy nhiên, sau những mất mát thì một điều kỳ diệu cũng bất ngờ xuất hiện.
Tỷ phú Ấn Độ qua đời, để lại phần lớn tài sản trị giá 3000 tỷ đồng cho chó cưng và 2 người giúp việc
Tiêu điểm - 1 ngày trướcCâu chuyện về di chúc của tỷ phú Ratan Tata đã gây bất ngờ lớn khi ông quyết định để lại phần lớn tài sản cho chú chó cưng của mình. Hành động này là minh chứng cho tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương động vật của vị doanh nhân tài ba.
Hồ nước lớn nhất thế giới thu hẹp nhanh đến mức khó có thể phục hồi
Tiêu điểm - 2 ngày trướcHồ Caspi đang thu hẹp nhanh chóng, đứng trước nguy cơ không thể phục hồi do biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
Đền cổ Ả Rập 2.000 tuổi bất ngờ 'hiện hình' gần bờ biển Ý
Tiêu điểm - 2 ngày trướcNhững người đến từ vương quốc huyền bí và xa hoa Nabataea của người Ả Rập đã để lại dấu tích văn minh của họ bên bờ Địa Trung Hải.
Người đàn ông 63 tuổi 'hóa' chàng trai 24 tuổi sau tai nạn giao thông, nghĩ mình sắp kết hôn
Chuyện đó đây - 2 ngày trướcTỉnh dậy sau cơn hôn mê, người đàn ông 63 tuổi tin rằng mình mới 24 tuổi và đang chờ kết hôn với vị hôn thê 19 tuổi.
Quét laser, thành phố ma thế kỷ 18 lộ ra giữa rừng Amazon
Tiêu điểm - 3 ngày trước"Bóng ma" của một thành phố đổ nát đã bất ngờ xuất hiện khi các nhà khoa học quét một vùng rừng mưa nhiệt đới bằng công cụ LiDAR.
Vì sao Isaac Newton và Albert Einstein đều cho rằng thời gian chỉ là 'ảo ảnh'?
Chuyện đó đâyThời gian từ lâu đã là một khái niệm mà con người suy ngẫm, trải nghiệm và coi trọng.