Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bão lũ cận kề, nhiều hộ dân khu vực có nguy cơ sạt lở loay hoay tìm nơi ở mới

Thứ bảy, 07:08 03/08/2019 | Xã hội

GiadinhNet - Tính đến tháng 7/2019 tại 4 tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang vẫn còn hàng nghìn hộ đang nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ quét. Đại diện chính quyền các tỉnh này cho biết đang khó khăn về nguồn vốn tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng phụ trợ… để di dân khỏi vùng nguy hiểm lên điểm tái định cư mới.

Bão lũ cận kề, nhiều hộ dân khu vực có nguy cơ sạt lở loay hoay tìm nơi ở mới - Ảnh 1.

Chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đang tích cực hỗ trợ người dân di chuyển nơi ở ra khỏi vùng nguy hiểm trước mùa mưa lũ. Ảnh: PV

Bão về, người dân lại khăn gói đi ở nhờ

Ngày 1/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để triển khai các giải pháp ứng phó bão số 3 (tên quốc tế là Wipha). Theo dự báo, từ ngày 1 - 4/8, ở Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng miền núi phía Bắc. Do vậy, các địa phương cần có giải pháp để tránh ngập lụt bất ngờ và đề phòng sạt lở đất, lũ quét…

Ghi nhận thực tế, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt, phổ biến là núi cao, độ dốc lớn, điều kiện địa chất phức tạp, nhiều sông, suối và công trình hồ đập, lượng mưa lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong năm 2018, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, mưa đá, dông, lốc… làm 117 người chết và mất tích (chiếm 52% cả nước), thiệt hại ước tính khoảng hơn 10.300 tỉ đồng.

Tại xã biên giới Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu), đầu tháng 8/2018, mưa lớn gây sạt lở đất làm 10 người chết và mất tích, nhiều nhà dân bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Theo báo cáo của UBND xã Vàng Ma Chải, chính quyền đã tổ chức hỗ trợ, tái định cư cho 8 hộ bị sập nhà hoàn toàn, còn khoảng 10 hộ bị ảnh hưởng nhưng lo sợ không an toàn nên tự di chuyển. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phàn Diễu Lu ở bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải cho biết, đợt mưa tháng 8/2018, đất đá sạt gần vào nhà. Mặc dù không nằm trong danh sách hỗ trợ để di chuyển nhưng gia đình vẫn tự di dời.

Còn tại bản Nà Hừ (xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu), ngày 24/6, lũ về bất ngờ đã cuốn trôi 5 ngôi nhà và tài sản của người dân. May mắn, bà con chạy kịp nên không có thiệt hại về người. Đến nay, bản Nà Hừ còn có 230 hộ nằm sát với bờ suối Nậm Bum, nguy cơ sạt lở và lũ quét rất cao. Người dân cố gắng khắc phục bằng cách dịch nhà sâu vào mấy mét và rọ đá sau nhà sát mép suối. Nhưng lũ lại về, cuốn trôi tất cả. Mỗi khi mưa lũ về, các hộ lại phải đi ở nhờ nhà người thân trong bản phía trên cao.

Tại tỉnh Yên Bái, trong năm 2018 đã tổ chức di dời cho 734 hộ, gồm: 161 nhà bị sập, trôi hoàn toàn, 150 nhà phải di dời khẩn cấp, 423 nhà di dời khẩn cấp do sạt lở, lũ ống lũ quét tiếp tục di dời đến nơi ở mới. Năm 2019, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án di dân, bố trí, sắp xếp người dân trong vùng nguy hiểm di chuyển tới nơi ở mới an toàn.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, do địa hình phức tạp chủ yếu là núi cao, đốc đứng, thung lũng hẹp, nhiều khe suối. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra. Dù huyện đã tích cực di dời và bố trí xen ghép tới nơi an toàn cho 129 hộ dân, tuy nhiên do địa hình phân cắt mạnh bởi các dãy núi nên việc bố trí đất ở và sản xuất cho các hộ dân còn gặp rất nhiều khó khăn do không còn quỹ đất.

Trong khi đó, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho 31 hộ dân với 138 khẩu ở thôn Nà Đứa, xã Đà Vị đang chịu ảnh hưởng từ nguy cơ sạt lở, UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã lên phương án di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, kinh phí để di dời các hộ dân đến vùng an toàn rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh chưa thể bố trí được, dự án buộc phải… chờ. Những lúc trời mưa, nhiều hộ dân phải sang nhà hàng xóm để lánh nạn.

Những ngày này, mặc dù biết được nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng do trong nhà có người ốm nặng, gia đình bà Vi Thị Tuyền (ở thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang) buộc phải bám trụ ở ngôi nhà xiêu vẹo. Bà Tuyền chia sẻ đã 3 năm nay, ngôi nhà của gia đình bà liên tục xuất hiện những vết nứt, nền nhà nhiều chỗ sụt lún nghiêm trọng. Mong muốn của bà là được chính quyền, các cơ quan cấp trên hỗ trợ để gia đình sớm chuyển đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống.

Nhiều khó khăn, bất cập

Bão lũ cận kề, nhiều hộ dân khu vực có nguy cơ sạt lở loay hoay tìm nơi ở mới - Ảnh 2.

Xây dựng khu tái định cư cho người dân ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để di chuyển dân. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 13 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, qua rà soát cho thấy hiện Lào Cai có 145 điểm có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Năm 2019, Lào Cai rà soát có 276 hộ dân phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay tỉnh đã di chuyển và bố trí chỗ ở cho 100 hộ.

Để chủ động trong việc bố trí di chuyển các hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm đến nơi an toàn, năm 2019 Lào Cai thực hiện 4 dự án sắp xếp dân cư tập trung 138 hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm tập trung. Địa phương này cũng chỉ đạo các huyện tích cực vận động, tuyên truyền về sự nguy hiểm của thiên tai và cách phòng tránh. Tuy vậy, công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, quỹ đất xây dựng các điểm dân cư vào vùng quy hoạch rất hạn chế, do đó việc bố trí, sắp xếp thành điểm dân cư tập trung đảm bảo các yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu sau di dân gặp rất nhiều trở ngại.

Tương tự, năm 2018, tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lũ, sạt lở đất làm 25 người chết, 14 người mất tích và 134 nhà sập hoàn toàn… Do vậy, công tác phòng chống thiên tai và di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm luôn được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, kinh phí của địa phương hạn hẹp, khó khăn về mặt bằng nên chưa thể một lúc di dời được tất cả các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở và lũ quét lên chỗ ở mới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị: Các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy Chính phủ cần cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trong năm 2018 để khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng, nhất là các công trình kè sông, suối, công trình giao thông, công trình thủy lợi. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành cần sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu; đề ra giải pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc. Bộ TN&MT chỉ đạo việc xây dựng nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai của địa phương.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng

Theo nhận định tình hình thiên tai từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, nguy cơ xảy ra nhiều trận mưa lớn với cường suất lớn, gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong năm 2019, Chính phủ đề ra tinh thần, mục tiêu chỉ đạo phòng chống thiên tai là "giảm thiểu rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng". Bởi nhận thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng, góp phần rất lớn hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhóm Phóng Viên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vậy những hành vi vi phạm giao thông nào sẽ bị trừ hết điểm bằng lái xe?

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Thời sự - 4 giờ trước

Một điểm trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 tháng, tuy nhiên những ngày qua mưa lớn đã khiến đồi núi sạt lở, làm sập ngôi trường.

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Giáo dục - 6 giờ trước

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết thư động viên, khích lệ một nữ sinh tại tỉnh Đắk Nông.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Thời sự - 6 giờ trước

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công điện khẩn về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Hoàng Khắc Phi khai nhận đã móc nối với một số đối tượng rồi liên hệ mua pháo từ Campuchia vận chuyển về tập kết tại kho ở Gia Lai để đóng gói mang đi tiêu thụ.

Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật

Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Khi đi qua khu vực nước sâu, chiếc xuồng bất ngờ bị lật khiến người đàn ông ở Thừa Thiên Huế tử vong thương tâm.

Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025

Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025

Thời sự - 8 giờ trước

GĐXH – Từ mai (25/11) không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, nền nhiệt giảm sâu, có nơi dưới 10 độ; Thông tư 69/2024/TT-BCA nêu cụ thể 6 quyền đối với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 1/1/2025.

Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình

Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Trong vụ án này, Thào Lao Lúa là người chủ mưu, Lý Văn Niệm là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm và Hà Văn Hành giữ vai trò là người giúp sức. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo nói trên mức án tử hình.

Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học

Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học

Giáo dục - 10 giờ trước

Huỳnh Thị Mỹ Anh là trường hợp hiếm hoi vì trong 10 năm qua, Trường ĐH Quốc tế chỉ có 2 thủ khoa duy trì được học bổng toàn phần trong suốt khoá học.

Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt

Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.

Top