Cám cảnh cuộc sống của bà cụ 80 tuổi nhiều bữa phải ăn cám dành cơm cho chồng liệt, con điên dại
GiadinhNet - Đối với người dân thôn Thành Phong (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) hình ảnh bà Phạm Thị Dần (80 tuổi) đầu trần, chân đất, tay cầm cái giá đã cũ kĩ chống gậy đi quanh xã xin gạo đã trở nên quá quen thuộc.
Căn bếp xiêu vẹo của gia đình khốn khổ.
Có hôm đường trơn, mắt kém nên té ngã đánh đổ hết số gạo vừa đi xin được, bà lại thẫn thờ nước mắt ngắn dài lo chồng, con không có cái ăn.
“Tôi không thể chết”
Trao đổi với chúng tôi, ông Lữ Trọng Hoàn, trưởng thôn Thành Phong (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình bà Dần thuộc diện khó khăn nhất trong thôn. Bà Dần cũng già yếu lắm rồi nhưng vẫn phải lo miếng cơm manh áo cho người chồng tàn tật và đứa con trai tâm thần. Dù còn một đứa con bình thường nhưng gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì nên cũng không thể giúp gì được cho bố mẹ. Tuổi cao, sức yếu, thấy cụ chống gậy đi xin ăn dân làng ai cũng thương tình. Thi thoảng cán bộ thôn chúng tôi cũng kêu gọi bà con góp tiền, góp của, sửa sang nhà cửa giúp đỡ gia đình cụ. Nhưng người dân địa phương còn nghèo nên cũng không giúp đỡ được nhiều”.
Khi chúng tôi hỏi thăm về nhà bà Dần, những người dân quanh đây đều lắc đầu ái ngại. Một người cho biết: “Bà ấy khổ lắm, 80 tuổi rồi mà ngày nào cũng cầm cái rá đi khắp xã xin ăn nuôi chồng liệt, con điên. Đã gần chục năm nay rồi ngày nào cũng vậy, bà ấy đi xin khắp xã để chạy ăn từng bữa một. Ai nhìn thấy cũng thấy xót xa, ấy thế mà chẳng ai giúp gì được hơn”. Nhà bà Dần nằm ở một góc bìa rừng. Căn nhà lợp ngói đã vỡ và sụt đi bởi nhiều năm nay chưa một lần gia cố lại. Gian bếp dột nát được chắp vá tạm bợ bằng những phên nứa và tấm bìa cát tông chỉ một trận gió nhỏ cũng xiêu vẹo. Đứng từ ngoài nhìn vào cũng có thể thấy hết được khoảng không gian chật hẹp, thiếu thốn bên trong. Thấy có người lạ đến nhà, người con trai đã hơn 40 tuổi ngô nghê chạy nép vội vào góc nhà. Vừa ngồi bón cháo cho chồng, bà Dần vừa nghẹn ngào kể: “Ông nhà tôi bị liệt toàn thân, mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt phải có người làm giúp”.
Được biết trước đây, hai ông bà là người cùng xã. Gia đình ông Nghĩa (chồng bà Dần) nghèo lại đông con. Sau khi ông đi bộ đội về thì sức khỏe suy giảm, đau ốm suốt. Thế nhưng bà lại phải lòng và chấp nhận lấy ông làm chồng. Ngày dẫn ông về ra mắt bố mẹ, nhìn gia cảnh chàng rể tương lai nghèo khó, bố mẹ bà nhất định phản đối. Nhưng không hiểu sao khi ấy, bà nhất quyết theo ông về làm vợ mặc cho gia đình can ngăn. Khi bà về nhà chồng, bố mẹ ông Nghĩa chia cho vợ chồng bà một mảnh đất và giúp dựng một túp lều nhỏ để chui ra chui vào. Đó cũng chính là tài sản duy nhất của đôi vợ chồng trẻ. Từ khi lấy chồng, bà Dần đã thực sự thấm thía thế nào là nghèo, là cơ cực, đói khát.
Cái đói đó thấm thía hơn bao giờ hết khi lần lượt những đứa con của bà ra đời. 8 lần mang thai chưa bao giờ bà biết thế nào là tẩm bổ, bồi dưỡng như những người phụ nữ khác. Thế rồi hai ông bà như lìa từng khúc ruột khi chứng kiến cảnh từng người con bị di chứng chất độc da cam. Ông bà sinh được một đàn con, thế nhưng bệnh tật lần lượt cướp đi 6 người. Người con gái đầu lên 4 tuổi rồi qua đời. Từ người con thứ 3 đến thứ 6 thì cứ lên 2 tuổi là mất. Cách đây không lâu, người con trai thứ bảy mới qua đời do lâm bệnh nặng không có thuốc chữa. Hiện tại chỉ còn hai người con còn sống là anh Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi), mắc chứng tâm thần đang ở cùng ông bà và anh Nguyễn Văn Long (42 tuổi). Anh Long là con út của ông bà, cũng là người duy nhất khỏe mạnh, bình thường, đã lập gia đình. Nhưng hoàn cảnh của anh cũng quá khó khăn, không thể giúp đỡ được gì nhiều cho bố mẹ.
Nhiều năm trời, một mình bà Dần chèo chống nuôi chồng và đứa con bệnh tật. Từ việc đồng áng đến việc đi làm thuê kiếm vài ba cân gạo cải thiện bữa ăn cho gia đình; từ việc cơm nước, quán xuyến nhà cửa đến việc chăm lo cho con cái…, tất cả đều do một tay bà đảm đương. Mùa bão năm nào, căn nhà lụp xụp của bà bị bão làm cho điêu đứng. Cứ mỗi lần bão về, một mình bà lại phải vác thang trèo lên mái, tìm mọi cách che chắn cho căn nhà xiêu vẹo của mình. “Hồi đó, vợ chồng tôi nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa. Vài năm đầu, chồng tôi mới chỉ ốm đau lặt vặt nhưng vẫn còn nhúc nhắc đi lại, lao động kiếm thêm thu nhập phụ giúp tôi nuôi con. Nhưng sau này, hai chân của ông ấy cứ dần dần tê liệt đi rồi chỉ nằm nguyên được một chỗ. Khổ quá, đã có những lần tôi nghĩ đến cái chết, thế nhưng nhìn chồng, con bệnh tật đau ốm, tôi lại không đủ dũng khí kết liễu đời mình. Và rồi lại tự mình cố gắng tiếp tục sống”, bà kể trong nước mắt.
Cực đến mấy cũng phải trọn tình
Hai năm trước, bà Dần thấy mắt trái kém dần nhưng không có tiền đi khám. May mắn có đoàn bác sĩ về địa phương khám miễn phí, bà đã khám và được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù. Các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Bà giật mình. Cả đời bà chưa bao giờ được cầm đến tiền trăm, nói gì số tiền lớn như thế. Bà lủi thủi ra về nước mắt giàn giụa. Đến nay, một con mắt của bà không nhìn thấy gì nữa. Tuổi già hay đau ốm, một mắt lại không thấy gì nhưng bà cũng chẳng biết trông cậy vào đâu. Nhà không còn ruộng, bà xin đi chăn bò đổi công lấy gạo.
Những năm gần đây, cuộc sống gia đình bà càng thêm bần hàn khi bệnh tình của ông ngày một nặng. Chăn bò thuê là việc trước đây giúp bà có bát gạo, nay cũng phải rời bỏ bởi chủ bán hết đàn bò. Ông Nghĩa bị liệt, quanh năm chỉ nằm nguyên một chỗ. Mỗi ngày, chỉ những lúc ăn, uống, khi có người dìu ông mới ngồi được vài phút, lưng dựa vào tường rồi lại nằm xuống. Nhà nghèo, bà không có tiền đưa ông đi viện, ngay cả đến bát cháo thịt tẩm bổ cho chồng cũng phải nhờ anh em, hàng xóm. Than thân trách phận, ông từng đập đầu vào tường, tìm đến cái chết cho vợ con đỡ khổ. Bà khóc, ông khóc, làng xóm phải động viên mãi ông mới thôi ý định tự tử. Ngày đó, bà Dần nói với ông một câu mà cho đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ mãi: “Tôi giờ cũng đã già rồi, không làm được gì nữa nhưng mà có chết tôi cũng không để bố con ông chết đói”.
Không còn việc làm, bà Dần đành chân đất chống gậy đi ăn xin. Sáng sớm mỗi ngày, người dân vẫn thấy một bà lão chống gậy, tay mang túi lủi thủi từ trong làng bước đi ăn xin, tối muộn lại về. Mắt kém, đường trơn, biết bao lần bà té ngã đánh đổ hết số gạo vừa đi xin được, nhưng bà bảo cũng phải bốc lên về sàng lại, nếu bỏ đi, hôm đó gia đình không có gì bỏ bụng. Chia sẻ với chúng tôi, bà cụ vẫn nước mắt lưng tròng: “Khổ quá, nhiều bận không xin được thứ gì ăn, tôi phải về nhà đi tìm ít rau, ít cỏ nấu lên rồi cả nhà mỗi người húp một bát cho ấm bụng. Nhiều lúc nghĩ cũng thương chồng, thương con nhưng cũng không có cách nào khác”. Có những hôm cực quá, đến cả rau cũng khó kiếm, đi xin được bát cơm nguội thì sẻ cho 2 cha con mỗi người một ít, còn bản thân bà Dần thì ăn cám chống đói.
Bà Dần cho biết: “Từ gần hai chục năm nay, tôi đã quen với việc ăn cám chống đói rồi. Ban đầu thì chỉ khoảng 1 tháng phải ăn 1 lần, nhưng mấy năm gần đây thì phải ăn nhiều hơn. Không có cái gì ăn thì cũng phải chịu thôi, này nào cũng xin ăn cho cả 3 miệng ăn thì ai cho nổi. Việc tôi ăn cám, tôi giấu cả ông nhà tôi đấy, tôi sợ ông ấy biết lại suy nghĩ nhiều”. Bà nhớ lại những lần ăn cám, miếng cám đưa vào miệng chát xít nhưng bà không dám nhè ra vì không còn gì có thể lót dạ được. Bà Dần nói rằng giờ đây điều mà bà sợ nhất chính là cái chết, vì nếu bà chết đi thì lấy ai là người chăm lo cho người chồng bị liệt và đứa con không bình thường của mình.
Thương người đàn bà nghèo khổ, nhiều bận họ hàng xung quanh cũng nhiệt tình giúp đỡ. Thế nhưng vùng đất này vẫn còn quá nghèo, không phải khi nào người ta cũng có điều kiện để giúp đỡ. Biết vậy nên bà cũng không dám than thân trách phận, đi xin được ngày nào hay ngày đó. Lấy chồng, bà Dần chưa có một ngày nhàn tản, sung sướng, nhưng chưa bao giờ bà than phiền, kêu ca hay trách móc ông, cũng như chưa bao giờ bà có suy nghĩ bỏ chồng để giải thoát khỏi gánh nặng và tìm một cuộc sống sung sướng hơn cho bản thân mình. Bà bảo: “Tôi chỉ nghĩ là vợ chồng ăn ở với nhau dù chỉ 1 ngày thì cả đời đã là nghĩa vợ chồng, không gì có thể thay đổi được. Dù khổ đến mấy, cơ cực đến mấy, tôi cũng phải trọn nghĩa vẹn tình với ông ấy đến cùng”.
Hà Dương
Nữ tổ phó quản lý chợ trộm 155 tờ vé số
Pháp luật - 1 giờ trướcMặc dù đã dùng tiền mua lại 155 tờ vé số đã trộm nhưng tổ phó tổ quản lý chợ ở Vĩnh Long vẫn bị cho thôi việc.
5 con giáp đam mê quyền lực, thích được tung hô
Đời sống - 1 giờ trướcGĐXH - Cảm giác được sai khiến người khác, được người khác tung hô khiến những con giáp này luôn muốn nắm quyền lực trong tay.
Hà Nội: Xử lý lộn xộn tại các khu vực 'cafe đường tàu' trên phố
Thời sự - 1 giờ trướcGĐXH - Công an TP Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm vừa ra quân xử lý các quán cafe có hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên phố.
Hai vợ chồng tử vong tại nhà riêng ở Hà Tĩnh
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Sau khi nhận được thông tin vụ việc hai vợ chồng tử vong tại nhà riêng, Công an Hà Tĩnh tiến hành khám nghiệm, điều tra nguyên nhân.
Leo lên sân khấu đoàn lô tô, cháu bé 12 tuổi bị điện giật tử vong
Thời sự - 3 giờ trướcTrong lúc vui chơi cạnh khu vực tổ chức đoàn lô tô, cháu bé 12 tuổi ở Cà Mau leo lên cầu thang sân khấu và bị điện giật tử vong.
Tin tối 25/11: Gặp nhóm 'người hùng' dập tắt đám cháy trong 49 giây ở Hà Nội; lời hối hận muộn màng của chủ 2 con chó becgie cắn bé gái 5 tuổi tử vong
Thời sự - 3 giờ trướcGĐXH - Hành động dứt khoát và kịp thời của nhóm "người hùng" dập tắt đám cháy đã nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng; bị can hối hận nói: "Tôi rất bối rối và hốt hoảng. Tôi mong mọi người khi nuôi chó, hãy quản lý chó để không gây ra sự việc đáng tiếc khiến ân hận cả đời như tôi".
Bắt 3 đối tượng gây án vì mâu thuẫn nợ nần
Pháp luật - 5 giờ trướcGĐXH - Ngày 25/11, Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết vừa ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Hơn chục 'con bạc' bị bắt khi đang say sưa xóc đĩa
Pháp luật - 5 giờ trướcGĐXH - Đang say sưa sát phạt bằng hình thức xóc đĩa, hơn 10 đối tượng bị Công an Quảng Bình phát hiện, bắt giữ.
Nhân chứng vụ 4 người ở Hà Nội tử vong: ‘Các nạn nhân vẫn ngồi trên xe máy và ôm chặt nhau’
Thời sự - 5 giờ trướcGĐXH - Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, thời điểm phát hiện xe máy dưới mương nước họ thấy 4 nạn nhân còn ngồi trên yên xe, ôm chặt nhau.
Cận cảnh màn thổi nồng độ cồn giao thông đường thủy ở Hà Nội
Thời sự - 5 giờ trướcGĐXH - Để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ thời điểm cuối năm, lược lượng CSGT TP Hà Nội phụ trách các tuyến sông chủ động công tác tuần tra, phòng ngừa, cùng tuyên truyền các tàu thuyền, bến phà, đảm bảo an toàn người dân đi lại.
Sang năm 2025, có 4 con giáp sẽ đạt đỉnh cao sự nghiệp
Đời sốngGĐXH - Khi bánh xe của thời gian tiếp tục lăn bánh, năm 2025 được dự báo sẽ mang lại sự thay đổi vô cùng tích cực cho 4 con giáp dưới đây.