Chuyện kể của các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe Bác Hồ
Bảo vệ sức khỏe Bác Hồ, mong Bác trường thọ, sống lâu là ước nguyện của toàn dân. Nhiều thầy thuốc giỏi đã được Trung ương Đảng và Chính phủ tín nhiệm giao nhiệm vụ chăm lo sức khỏe Bác.
Năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Phạm Ngọc Thạch săn sóc sức khỏe Bác Hồ. Rồi toàn quốc kháng chiến, BS. Lê Văn Chánh được giao nhiệm vụ từ năm 1947 đến năm 1955. BS. Chánh kể: “Trong 9 năm kháng chiến lần thứ nhất, Bác ít bị ốm đau. Có hai lần Bác ốm là một lần bị sốt rét và một lần đau bụng”. BS. Nhữ Thế Bảo tiếp tục công việc của BS. Lê Văn Chánh. BS. Nhữ Thế Bảo từng làm Viện trưởng Viện Quân y 108, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khỏe Trung ương được Đảng, Chính phủ tín nhiệm giao đặc trách chăm sóc sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác Hồ khi đang mệt nặng (năm 1969). (Ảnh: Bảo tàng HCM cung cấp)
Năm 1958, BS. Lê Văn Mẫn là bác sĩ quân đội được Viện Quân y 108 cử sang phục vụ sức khỏe Bác Hồ cho tới năm 1969. Sau này BS. Mẫn là Đại tá Viện Quân y 108. BS. Mẫn kể: “Khi nhận nhiệm vụ, ông được đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác và BS. Nhữ Thế Bảo giới thiệu với Bác.
Tiếp chúng tôi tại phòng khách. Bác nói: “Đất nước ta còn nghèo, việc chăm lo sức khỏe còn khó khăn, thầy thuốc còn thiếu, mà một mình Bác những hai thầy thuốc chăm lo, nhưng tập thể đã quyết định thì Bác chịu”. Anh Kỳ thưa lại với Bác: Bác đã có tuổi, sức khỏe gần đây có yếu đi. Bảo vệ sức khỏe Bác, mong Bác trường thọ, sống lâu là trách nhiệm toàn dân giao cho chúng cháu, mong Bác yên tâm. Cuối cùng Bác nói: “Những lúc đau yếu có thể Bác bẳn tính, cáu gắt, mong các chú thông cảm, bỏ qua cho Bác”. Tuy Bác nói thế nhưng cả một thời gian ở gần bên Bác chưa lúc nào tôi thấy Bác cáu gắt, không những thế, Bác còn ôn tồn chỉ vẽ cho tôi, động viên tôi rất nhiều”.
Với tất cả tài năng, tâm sức, BS. Nhữ Thế Bảo và BS. Lê Văn Mẫn đã luôn ở bên và chăm sóc sức khỏe Bác Hồ đến những giây phút cuối cùng.
GS. Trần Hữu Tước, Viện trưởng Viện Tai - mũi - họng, người thầy của các thầy thuốc chuyên ngành tai mũi họng kể:
“Đầu năm 1969, sắp đến Tết, đồng bào ta ở trong và ngoài nước đều mong chờ Bác đọc thơ chúc Tết vào đúng giao thừa. Đây đã thành một lời chào năm mới không thể thiếu được mà khắp nơi mọi người hồi hộp mong chờ.
Nghe giọng Bác bị yếu, mệt, sau được giao nhiệm vụ khám và chữa dây thanh quản của Bác. Gần một tháng, có ngày hai lần, có ngày hơn, lên làm thuốc và tập lại dây thanh. Trước yêu cầu chính trị rất lớn như vậy và dự đoán ước mong của tất cả nhân dân, cán bộ mong được nghe giọng Bác khai Xuân. Bác đã có những cố gắng phi thường đối với tuổi 79 của Người. Có lúc, mỗi âm phải nhắc đi, nhắc lại, Bác không nản và còn pha vui:
- Từ ngày biết nói, chẳng ai bắt được mình phải nói gì, chỉ có cái chú này, cứ phải theo, này a, này ê.
Quả thật xúc động. Và Tết năm 1969, đón Xuân Kỷ Dậu, đúng lúc giao thừa, Bác đã đọc các câu thơ mừng xuân:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!
Chưa giao thừa năm nào, đồng bào trong và ngoài nước chăm chú lắng nghe lời Bác với một tâm trạng khó tả, như linh tính báo cho, có lẽ lần cuối được nghe lời Bác chúc Tết. Và Tết năm đó, chính tay Bác cấp giỏ phong lan tuyệt đẹp thưởng cho tôi, đưa về treo ở Viện Tai - mũi - họng, hàng năm vẫn ra hoa”.
Mùa thu năm 1969, đêm 12/8, Bác lên cơn sốt và ho, rồi những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên, xuống nhà sàn làm việc.
Sáng 13/8, Hội đồng bác sĩ do BS. Nhữ Thế Bảo phụ trách vào thăm, khám cho Bác và xác định Bác bị viêm phế quản. Những ngày sau đó, bệnh tình của Bác vẫn không giảm. Nhiệt độ cơ thể Bác lên xuống thất thường, tim đập không đều. Các hôm sau, bệnh của Bác có giảm chút ít.
Từ ngày 18/8/1969, theo đề nghị của các bác sĩ, Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà 67. Ngôi nhà nhỏ ở phía sau nhà sàn, Bộ Chính trị đã quyết định làm cho Bác với mục đích để đảm bảo an toàn cho Bác trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.Nhưng đêm 24/8/1969, bệnh của Bác trở nên trầm trọng. Bác bị đau nhiều ở vùng tim. Qua theo dõi điện tâm đồ, các bác sĩ phát hiện Bác bị nhồi máu cơ tim thành sau. Anh Nhữ Thế Bảo và Hội đồng bác sĩ quyết định chỉ định tiêm thuốc kháng sinh cho Bác. Tuy mệt, nhưng Bác vẫn nói chuyện vui vẻ với bác sĩ và anh chị em phục vụ Bác.
Bộ Chính trị đã duyệt đề nghị của Hội đồng bác sĩ mời thêm các thầy thuốc giỏi đến Phủ Chủ tịch trực tiếp theo dõi, chăm sóc, điều trị cho Bác. BS. Nguyễn Thế Khánh - Viện trưởng Viện Quân y 108, là chuyên viên đầu ngành nội khoa, Chủ tịch Hội đồng sức khỏe Trung ương (sau này là Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân) được giao trọng trách trực tiếp chăm sóc và điều trị sức khỏe cho Bác Hồ trong những ngày Bác mệt nặng. Mỗi lần nhớ về khoảng thời gian đó, GS. Nguyễn Thế Khánh thường kể về những khó khăn, thiếu thốn của ngành y ngày ấy và những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe cho Bác một cách tốt nhất. 3 nữ y tá điều dưỡng của Viện 108 được cử đến phục vụ Bác.
BS. Nguyễn Huy Dung (sau này là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh) - một trong những Tiến sĩ Y khoa đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Liên Xô năm 1963 đã được nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Bác Hồ từ năm 1966. Chính ông là người đã luôn cận kề bên Bác cho đến khi Bác trút hơi thở cuối cùng.
BS. Nguyễn Thế Khánh (thứ tư từ trái sang) báo cáo tình hình sức khỏe của Bác Hồ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước (tháng 8/1969). (Ảnh tư liệu)
GS. Đặng Văn Chung, người thầy của các thầy thuốc chuyên ngành nội khoa kể:
Ngồi trong xe hơi, đầu óc tôi suy nghĩ miên man. Xe chạy thẳng lối “cổng đỏ” rồi dừng lại ở phía nhà khách Phủ Chủ tịch.
Lúc đó, tôi thấy có mặt đầy đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị và nhiều đồng chí khác. Đồng chí Lê Văn Lương nói với tôi:
- Bác bị mệt, trước thấy cũng thường thôi, mà giờ thì trầm trọng!
Lên đây, tôi gặp một số anh em đồng nghiệp đã chăm sóc Bác từ nhiều ngày trước đó. Tôi bắt tay ngay vào việc xem xét hồ sơ bệnh án, đọc báo cáo về tình hình sức khỏe của Bác trong những ngày qua.
Hồ sơ cho thấy Bác đã lâm bệnh nặng. Tôi lo quá. Làm cách gì? Chữa thế nào đây?
Đúng 7 giờ sáng hôm sau, 25/8/1969, đồng chí Vũ Kỳ đến bảo tôi: “Ta vào thăm Bác”.
Tôi xốc lại áo, lấy lại bình tĩnh, bước vào phòng Bác nằm. Một đồng chí đã chăm sóc Bác từ lâu, giới thiệu:
- Thưa Bác, đây là Giáo sư Đặng Văn Chung đến để thăm Bác.
Bác đưa tay bắt tay tôi.
Tôi không cầm nổi nước mắt, vì thấy Bác gầy đi và xanh. Tuy vậy, tôi phải nén xúc động để làm nhiệm vụ. Sau khi được Bác cho xem bệnh, kết hợp với việc đọc kỹ hồ sơ đêm trước, xem điện tâm đồ, phim ảnh, tôi kết luận bệnh và báo cáo với Bộ Chính trị về phương án điều trị.
Chúng tôi quan tâm nhiều đến việc ăn uống của Bác. Có hôm Bác ăn ngon, lại có bữa không ăn được. Một hôm, đồng chí Lê Đức Thọ và anh em chúng tôi hỏi ý kiến Bác về ăn uống:
- Thưa Bác, hôm nay Bác muốn ăn gì ạ?
Bác nói rất vui:
- Thôi thì đưa ra đây hết tôi chọn. Chung quy việc chọn không khó lắm vì nó chỉ có thế này thôi: súp và cháo.
Đến lúc đồng chí Lê Đức Thọ góp ý kiến về việc ăn uống, Bác nói dí dỏm:
- Tín nhiệm chú làm cố vấn tối cao ở Hội nghị Paris, không tín nhiệm làm cố vấn ăn uống.
Anh em chúng tôi cười theo Bác.
Những đêm trực tôi không hề nghe thấy tiếng Bác rên, kể cả những lúc Bác trằn trọc vì cơn đau. Bác tự nắm tay xoa bóp vì chân tay nhức nhối. Bác đã cao tuổi mà mấy hôm đó trời lại oi bức.
Bác đau từ 24/ 8. Từ đầu năm, Bác không hút thuốc nữa (ai cũng biết là Bác quen hút thuốc từ nhiều năm) và cũng không uống cà phê. Bác nói: “Uống cà phê, lại nhớ thuốc lá”.
Đến lúc đau nặng. Một đồng chí ngồi hát để Bác nghe, Bác nằm mà vẫn giơ hai bàn tay khe khẽ vỗ.
Lúc ăn uống, anh em chúng tôi đỡ Bác ngồi dậy, để sẵn khăn cho Bác. Bác tự cầm bát. Trời nóng có khi anh em chúng tôi quạt cho Bác, nhưng Bác cầm lấy quạt và quạt lấy. Bác luôn luôn quan tâm đến mọi người, kể cả lúc đau.
Tôi được phân công trực bên Bác suốt đêm mùng 1 rạng ngày 2 tháng 9. Sau khi giao trực, tôi trở về phòng riêng nhưng không tài nào nhắm mắt nổi, bởi vì tôi biết Bác đã trở bệnh nặng từ hôm qua. Không đừng được, chúng tôi kéo nhau đến phòng Bác.
Tôi còn nhớ, vào hồi 6 giờ 20 phút, triệu chứng bệnh diễn biến rất đáng ngại. Bác ho không ra được đờm. Bỗng chốc, Bác ngửa người ra, ngừng thở. Chúng tôi khẩn trương cấp cứu, dùng đủ mọi biện pháp, mọi phương tiện. Máy điện tim hoạt động liên tục. Bỗng những nét vẽ xanh lên xuống trên màn hình máy điện tim biến thành một đường thẳng. Lúc đó, đúng 9 giờ 47 phút. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: “Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi”.
Người đã ra đi, để lại cả sự nghiệp to lớn và muôn vàn tình thương yêu cho mỗi chúng ta.
Theo Trần Giữu (Sưu tầm)/SK&ĐS
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH – Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không tự thở, tim mờ.
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn
Y tế - 3 ngày trướcDo mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 4 ngày trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 5 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 5 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 5 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore
Y tếSốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.