Chỉ suy nghĩ đơn thuần rằng nếu được ở riêng họ sẽ được tự do thoải mái, thích làm gì thì làm hoặc bạn mình ở được sao mình không ở được nên nhiều bạn trẻ đã cố tìm mọi cách buộc bố mẹ phải cho đi ở riêng. Nhưng khi được toại nguyện thì họ lại gây nên không ít chuyện buồn cho người lớn.
“Đừng quên con đã là người lớn”
6 giờ tối, dù đi làm về muộn nhưng chị Trang (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn phải vội vàng xắn tay chạy ngay vào bếp để chuẩn bị cơm chiều cho cậu con “quý tử” mới tròn 18 tuổi. Nấu nướng xong xuôi, bày biện ra bàn chị gọi con xuống ăn nhưng chả thấy con lên tiếng. Nhọc nhằn leo lên phòng con gõ cửa thì cửa không đóng mà chỉ khép hờ. Nhìn vào không thấy cậu “quý tử” của mình đâu, như một linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành chị chạy thẳng vào phòng, lục tung các tủ quần áo ra thì tất cả đều trống không. Đang vô vọng thì chị nhìn thấy một tờ giấy kê dưới chiếc đèn bàn.
Cầm vội lên đọc thì hóa ra đó là bức thư cậu “quý tử” để lại cho mẹ: “Mẹ! con không ngờ mẹ lại đối xử với thằng con trai độc nhất của mẹ như thế. Ở riêng nào có gì xấu mà mẹ lại ngăn cản con. Con chỉ muốn khẳng định cho mẹ thấy rằng con đủ sức sống tự lập và không cần “ăn bám” vào bố mẹ, vào gia đình nữa. Đừng tìm con nữa vì con đã ra ở riêng, khi nào ổn định xong con sẽ gọi điện báo cho mẹ biết. Con mượn tạm mẹ 10 triệu trong tủ để lo cho cuộc sống ở riêng, khi nào kiếm được tiền con sẽ hoàn trả mẹ đầy đủ...Mẹ đừng quên con đã là người lớn...”.
Đọc xong thư chị Trang như muốn ngất đi vì không ngờ thằng con trai vốn xưa nay ngoan hiền nay lại “đổ đốn” đến thế. Một tuần trước, Phú (tên cậu con trai) đòi ra ở riêng nhưng chị không cho vì nó còn nhỏ tuổi, chưa đi làm, chưa thể tự lập được như suy nghĩ của nó... Phú vẫn cứng đầu đòi đi cho bằng được.
“Mấy lần nó nhịn ăn để đòi tôi cho ra ở riêng nhưng tôi nhất quyết không chịu. Xưa nay trong vòng tay bố mẹ, mẹ đi về quê một tuần giao cho nó ở lại trông nhà mà khi lên nó còn gây nên bao nhiêu chuyện, huống hồ giờ ra ngoài ở riêng bao nhiêu là cạm bẫy thì sao mà sống được. Mà nhà chỉ có hai mẹ con nên tôi luôn đáp ứng mọi nhu cầu của nó, có để cho nó thiếu thốn thứ gì đâu. Chủ nhật rồi tôi phải gọi bố nó ở công trình về để khuyên can nó nhưng trước mặt bố nó thì nó “vâng vâng, dạ dạ” nhưng sau lưng thì vẫn gây áp lực để buộc tôi phải cho nó ra riêng. Con với chả cái, khổ thế này đây!”.
Chuyện của gia đình chị Trang hiện nay không phải là chuyện hiếm trong các gia đình ở các thành phố lớn. Rất nhiều “cậu ấm, cô chiêu”, nhất là các “cậu ấm, cô chiêu” ở lứa tuổi teen đôi lúc thấy bất mãn với các lề thói của gia đình, chán cuộc sống gia đình quá gò bó nên phát sinh nhu cầu muốn ở riêng. Nếu không được đáp ứng thì họ sẵn sàng làm đủ mọi chuyện để gây áp lực cho các bậc phụ huynh. Từ tuyệt thực, bỏ học, dọa tự tử đến nặng hơn là bỏ đi không nói một lời nào. Điều này, khiến cho không ít ông bố, bà mẹ phải căng đầu ra lo lắng.
“Nghe ra thì thật là hay”
Thi xong tốt nghiệp THPT, cô “công chúa” K.N của chị Hà (Trung Hà, Nhân Chính, Hà Nội) bỗng đòi ra ở riêng để có môi trường yên tĩnh, chuyên tâm học tập. Tưởng con gái có ý thức học tập nên chị bàn tính với chồng để cho con ra ở riêng nhưng khi vừa đề cập đến chuyện này thì chồng chị hết sức phản đối: “Nó là con gái mới lớn, cả đời không bắt tay đụng chân đến việc nhà, làm việc cá nhân mẹ còn phải chỉ dạy từng tí một mà cho nó đi ở riêng có khác nào thả thỏ vào chuồng cọp...”.
Không được đáp ứng nhu cầu, cô con gái tuyệt thực một tuần liền không ăn, không uống, không nói chuyện. Suốt ngày ru rú trong phòng riêng như một người điên khiến chị vô cùng lo lắng. Đến công sở làm việc mà ruột gan cứ để ở nhà. Chị đành phải xin nghỉ một phép một tuần để ở nhà trấn an con gái. Nhưng càng dỗ ngon dỗ ngọt cô con gái càng đâm ra quyết liệt. Cực bất đắc dĩ vợ chồng chị đành phải đi tìm cho con một phòng riêng ở một khu tập thể, cạnh nhà một người bạn thân và sắm cho cô “công chúa” đầy đủ tiện nghi hiện đại. Ngoài ra, mỗi tháng còn phải chu cấp cho cô 3 triệu đồng để tiêu vặt.
Chị Hà và ngay cả chồng chị cũng không biết được rằng lý do “cần môi trường yên tĩnh để chuyên tâm học tập” chỉ là cái cớ ngụy trang để cô nàng có cơ hội được sống cùng cậu bạn trai mới quen, học trường ĐH A. Sự thể vỡ lở khi một lần tranh thủ giờ nghỉ trưa chị ghé qua xem con gái ăn ở ra sao thì bắt gặp con gái và bạn trai đang hôn nhau. Chị càng tá hỏa khi phát hiện ra trong tủ quần áo của con gái đầy những bao cao su, thuốc tranh thai và que thử.
Đang yên đang lành thì cậu con trai 20 tuổi, đang học ĐH. M đòi ra ở riêng. Nghe cậu Duy (tên cậu con trai) giải thích cho việc đòi ra ở riêng của mình “Ở riêng để mọi người xung quanh biết chúng con không còn là một đứa trẻ. Ở riêng là cách sống tự lập mà giới trẻ phương Tây đã từng sống rất lâu rồi và nay chúng con nên theo họ để đuổi kịp nhịp sống hiện đại của giới trẻ toàn cầu, bố ạ!”, anh Toàn (Thành Công, Hà Nội) thấy cũng hợp lý. Bản thân anh cũng từng sống tự lập một mình ở trời Tây từ những ngày bằng tuổi con anh như bây giờ, nên anh cũng muốn tạo điều kiện cho con để con sớm trưởng thành hơn.
Với ý muốn thử thách con, anh Toàn đưa cho cậu con trai 5 triệu đồng, bảo tự đi tìm nhà và khởi đầu một cuộc sống tự lập như ý con mong muốn. Duy cầm 5 triệu đồng trong tay, chạy ngay đến phòng trọ của một người bạn cùng lớp đặt vấn đề ở chung. Một tuần sau số tiền 5 triệu trong tay Duy hết sạch vì cả hai share (chia) cho nhau ném vào những trận cá độ bóng đá. Hết tiền, Duy không dám gặp bố mẹ để xin thêm mà quyết tâm xin việc làm thêm để kiếm tiền. Trầy trật mãi cuối cùng cậu cũng xin được một chân phục vụ ở một quán bi- a với mức lương một triệu đồng. Thế nhưng với cách sống của một cậu “quý tử” con nhà giàu như Duy thì số tiền đó nào có bõ bèn gì. Thiếu tiền, Duy đánh liều vay mượn tiền của những người bạn hay lui tới quán bi - a để tiêu xài. Và “thành tích” đánh dấu sự kiện ra ở riêng của cậu con trai là số tiền nợ 12 triệu đồng mà vợ chồng anh Toàn phái gánh trả.
Những lý do con trẻ đưa ra để được ở riêng nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng chính họ không biết được rằng cuộc sống bên ngoài vốn đầy rẫy những điều phức tạp. Và họ - những người vốn xưa nay nằm trong vòng tay bố mẹ, chỉ biết ăn và học thì việc một sớm, một chiều có thể lăn lộn giữa trường đời để gầy dựng cho mình một cuộc sống tự lập quả là một điều không dễ. Đặc biệt hơn, vì quá bốc đồng mà họ chỉ nghĩ đến mình, không màng gì đến nỗi lo lắng của những bậc sinh thành đang nuôi nấng mình nên người, khiến cho nhiều bậc phụ huynh hết sức buồn phiền.
Hà Tùng Long