eMagazine

Vậy là khoảnh khắc mà bao người cầu nguyện đã đến. Bình An lần đầu được gặp mẹ. Mẹ Liên vẫn sống.


Chúng tôi nhấn mạnh rằng mẹ Liên của bé Bình An vẫn sống là muốn dẫn quý độc giả đến một "cuộc chiến" sinh tử của họ với bệnh tật. Nó chưa kết thúc. Chưa hề. Nhưng quan trọng hơn hết là bây giờ có Bình An trên cuộc đời. Và cuộc đời đủ công bằng để cho mẹ con còn được gặp nhau, ít nhất cũng một lần, nếu như - ở một khía cạnh khác – cuộc đời này quá khắc nghiệt với mẹ Liên. Liên là người mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối, chấp nhận sớm bước vào cửa tử để sinh con. Sáng 13/6, hành trình 13 cây số của Liên từ Bệnh viện K Tân Triều tới Phụ sản Trung ương gặp con dài đằng đẵng và gian truân như chính cuộc đời chị.

ĐÃ MƯỜNG TƯỢNG MỘT HẠNH PHÚC

Một buổi sáng sớm của 4 năm trước, ở một xóm nhỏ yên bình của xã Tiên Hải, thành phố Phủ Lý, Hà Nam, vợ chồng bà Oanh đi ra đi vào tất bật. Hết kê gọn bộ bàn ghế, chỉnh cái cà-vạt trên cổ áo chồng, bà lại nhắc ông đặt lại lọ hoa trên bàn thờ tổ tiên cho chỉn chu. Bà Oanh bận tà áo dài cô con gái mới sắm cho, miệng cười mỗi khi có người ra vào nói lời chúc mừng. Hôm ấy, ngày 27/4/2015, là đám cưới Liên, con gái thứ 3 của bà, vừa tròn 24 tuổi.

Liên khi đó làm ở Đồng Văn, cách nhà không xa. Chỉ 2 tháng trước, qua người quen, cô công nhân cao ráo, miệng cười hiền ấy quen Đỗ Văn Hùng, lớn hơn cô 3 tuổi, ở Lý Nhân, cùng tỉnh. Hùng sinh năm 1988, làm thợ sơn thuê, cẩn thận, chăm chỉ lại thật thà. Tranh thủ từng giờ được nghỉ, Hùng lại đến thăm Liên. Đôi bạn trẻ quấn quýt. Chàng trai có vẻ ngoài xù xì, đậm dáng, ít khi nói lời ngọt ngào lại khiến Liên cảm mến bởi sự chân thành, bao dung. 2 tháng quen nhau, gặp nhau vài lần, họ quyết định về chung một nhà, sau lời cầu hôn "Em có muốn lấy anh làm chồng không" của Hùng. Họ cùng nhau nghĩ về tổ ấm hạnh phúc với những đứa con khoẻ mạnh.

Hành trình của Bình An - Ảnh 1.

Ảnh cưới anh Hùng – chị Liên

Sau đám cưới, niềm vui khôn xiết khi một buổi sáng tháng 6, cái que thử thai hiện lên hai vạch hồng hồng. Nhưng nỗi đau cũng đến thật nhanh. Một ngày khi Liên đi khám về thì bị xe ô-tô tông phải. Cô sảy thai. Liên phải nghỉ việc ở nhà một thời gian dài an dưỡng cho nguôi ngoai.

Rồi đứa con đầu tiên cũng đến với cuộc đời vợ chồng chị. Liên sinh con gái, đặt tên Khánh Vy. Người mẹ trẻ quyết định ở nhà phụ chồng chăm con, thỉnh thoảng chạy chợ. Bé Vy lớn dần, già dặn như "bà cụ non" và luôn muốn mẹ sinh thêm một em bé. Khi bé Vy được gần 2 tuổi, anh Hùng chị Liên quyết định sinh thêm con để Vy có chị có em.

Hành trình của Bình An - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Liên quyết định có thêm con khi bé lớn gần 2 tuổi

Sắp thành ông bố có hai con, anh Hùng càng phải gắng sức. Anh không từ chối bất kỳ một công trình nào, dù xa hay gần để kiếm thêm cho con gái hộp sữa, sắm thêm cho con ít món đồ chơi… Cuộc sống không mấy dư dả nhưng mái nhà nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười. Chị Liên mường tượng rất rõ tương lai hạnh phúc của mình: Khi bé thứ 2 lớn hơn, gửi nhà trẻ, chị sẽ đi làm lại, cùng chồng nuôi dạy con. Bé Vy nhất định sẽ là người chị cả biết yêu thương em. Đã có lúc, đôi vợ chồng trẻ ấy cảm tưởng chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ đầy…

"Thằng Hùng nó ít nói nhưng chăm chỉ, thương vợ lắm!", bà Oanh vẫn tự hào khi nói về cậu con rể mà lúc đầu bà nghĩ là khô khan. Lòng người mẹ gần 60 tuổi khẽ vui thầm khi thấy con gái sống yên ổn.

NHƯNG ẬP ĐẾN LÀ CƠN ÁC MỘNG

Mang thai bé Chuột được 8 tuần, một lần đang tắm chị Liên bất giác sờ thấy bên ngực phải có cục cứng nổi lên. Nghĩ là bị viêm tuyến sữa, chị cho qua. Suốt 2 tháng trời sau, chị ho rũ rượi kèm tức ngực. Chị Liên nghĩ, chắc "ho mọc tóc" như kinh nghiệm người xưa, nên chỉ đi khám ho, chẩn đoán viêm họng, viêm phế quản. Nhưng chị uống mãi thuốc không khỏi.

Sự đau đớn hành hạ người mẹ trẻ, lan dần xuống chân. Đêm đêm, mình chị cắn răng chịu cơn đau nhức nhối tận xương tuỷ, ngủ không nổi. Bà Oanh bỏ việc ở nhà, đi xe máy sang chăm con gái. Hết mẹ rồi đến chồng bóp chân nhưng chị Liên không đỡ. Nghe tiếng chân con giậm chân bồm bộp xuống nền nhà cho đỡ đau nhức, bà Oanh đã ước có thể thay con gánh nỗi đau này.

Hành trình của Bình An - Ảnh 3.

Bà Oanh đã ước thân già có thể gánh thay con gái trẻ nỗi đau đớn này

Tháng 1/2019, tuần thứ 15 của thai kỳ, không chịu đựng được nữa, chị nói với anh trai từ lâu mình đã nổi hạch ở hõm xương quai xanh cạnh cầu vai nhưng nghĩ vì ho nên nổi hạch. Người anh vội vàng đưa chị đi khám ở Bệnh viện K (cơ sở 1 Quán Sứ, Hà Nội).

"Tôi chỉ ước đó là cơn ác mộng. Tỉnh dậy, vợ tôi vẫn khoẻ mạnh, sẽ sinh con bình thường".

Anh Hùng - Chồng chị Liên


Anh Hùng vẫn nhớ như in ngày đó, cái ngày mà anh đã ước không bao giờ có trên cõi đời này: 20/1/2019. Sau rất nhiều xét nghiệm, thăm khám, vị bác sĩ xem đi xem lại các kết quả chụp chiếu, cố lựa những từ ngữ dễ hiểu, đỡ đau xót nhất để thông báo: Chị Liên đã ung thư vú giai đoạn cuối có di căn.

Cái tin sét đánh ngang tai đó làm sụp đổ mọi hi vọng của người mẹ trẻ đang mang trong mình sinh linh bé bỏng. Cái thai trong bụng chị đã hơn 4 tháng rồi, đã tượng hình rồi, chị còn đã cảm nhận được những cái máy thai đầu tiên rồi. Vậy mà sao lại đau đớn đến thế?

Chị Liên ngay lập tức được chuyển sang Bệnh viện K, cơ sở 3 (Tân Triều), nơi có cơ sở vật chất khang trang hơn, thuận tiện hơn cho việc chăm sóc, điều trị.

Hành trình của Bình An - Ảnh 5.

Anh Hùng nhìn vợ nằm trong phòng chăm sóc

"EM MUỐN GIỮ CON BẰNG MỌI GIÁ"

Buổi sáng gần cuối tháng 2 năm nay , trời Hà Nội se lạnh. Bác sĩ Đồng Chí Kiên của Bệnh viện K đi làm sớm hơn mọi ngày. Khoác áo blouse trắng đã được 15 năm, cuộc đời làm bác sĩ ngành Ung bướu khiến anh chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi cùng cực. Nhưng anh chưa bao giờ tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ung thư khi trong mình đang mang thai cả. Vậy mà căn phòng bác sĩ hôm ấy, có một gia đình nhỏ ở Hà Nam đang đợi anh, sẽ cho anh câu trả lời mà biết bao đêm trước đó, anh đã tự đặt bao tình huống giả định… Không khí đặc quánh lại khi anh thêm một lần hỏi bệnh nhân Nguyễn Thị Liên: "Em đã có quyết định chưa?".

Hành trình của Bình An - Ảnh 6.

"Nữ bệnh nhân với gương mặt rũ xuống luôn ám ảnh bác sĩ bởi ánh mắt sự cầu cứu hãy cho em bé có cơ hội chào đời" - BS Đồng Chí Kiên

Rất nhiều nước mắt, anh Hùng nắm chặt tay vợ đang run lên từng hồi. Trời lạnh nhưng ông bố trẻ lấm tấm mồ hôi trán. Anh cắn răng để không khóc, nhưng càng cố, đôi mắt anh ực nước, đỏ hoe. Anh nhủ lòng phải mạnh mẽ hơn nữa. Đã có lúc anh chị không tin kết quả chẩn đoán, nhưng rồi thực tế không thay đổi, buộc anh chị phải chấp nhận. Những đêm nằm cạnh vợ, anh nói anh tôn trọng ý kiến của chị. Bé Vy còn nhỏ quá, gần 2 tuổi thôi, nhưng chị Liên đã quyết rồi, chị đã từng mất một đứa con, phải để Vy có chị có em, dẫu sau này lỡ chị có ra sao…

Ba người quê Hà Nam ngồi đối diện vị bác sĩ trẻ. Người phụ nữ trẻ nhất dù mang thai gần tháng thứ 5 nhưng không có dấu hiệu lên cân nhiều, làn da xanh xao, mai mái. Chị ngước đôi mắt trũng sâu vì nhiều ngày không ngủ, nói ngắn gọn với bác sĩ Kiên ước nguyện của mình, không chút đắn đo: "Em muốn giữ con, bằng mọi giá". BS Kiên sững lại. Cô ấy còn trẻ quá. Giữ bé thì có nguy cơ đối với cả mẹ và con, vì chị Liên rất cần tận dụng từng ngày để chữa bệnh, chữa sớm ngày nào thì quý ngày đó. Chưa kể giai đoạn mang thai miễn dịch suy giảm, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh hơn, nguy hiểm hơn, cơ hội đợi em bé chào đời không biết ra sao…

Hành trình của Bình An - Ảnh 7.

"Tình yêu đơn giản lắm, cần gì phải làm cho nó phức tạp thêm. Mình quen vợ, thấy hợp thì tiến thôi. Yêu nhanh hay chậm, lâu hay ngắn cũng không quan trọng bằng sự chân thành"

Nhưng lòng người mẹ ấy quyết tâm mong giữ con thêm ngày nào trong bụng mẹ thì tốt ngày đó. Ánh mắt như một sự cầu cứu hãy cho em bé có cơ hội chào đời ấy đã thuyết phục nam bác sĩ. "Hãy gọi cho anh bất kỳ lúc nào, nửa đêm cũng được, Hùng nhé!"- anh nói vội với người chồng thai phụ khi họ dìu chị ra khỏi phòng.

CUỘC VẬT LỘN SINH TỬ

Thời điểm thai của chị Liên 18 tuần, các bác sĩ Bệnh viện K đã hội chẩn liên viện với các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện 103, thống nhất nỗ lực theo dõi, chăm sóc sức khỏe hai mẹ con, cố gắng giữ em bé trong bụng mẹ càng lâu càng tốt.

Chị nhập viện điều trị 2 đợt hóa chất khi thai được 22 tuần. Tóc chị rụng từng mảng nên phải cạo ngắn nhất có thể. Giữa các đợt điều trị, chị được đưa về nhà nghỉ 10 ngày. Bà Oanh mua cho con gái tấm khăn buộc đầu che đi mái đầu trọc lốc. Được con rể sắm cho điện thoại mới, bà Oanh chỉ chăm chỉ chụp hình con gái. Có lần "bị" chụp nhiều quá, chị Liên "trách" mẹ. Nhưng bà Oanh vẫn chụp. Bà nói để sau này, bà sẽ kể cho cháu bà biết được mẹ chúng đã kiên cường như thế nào…

Từ khi vợ nhập viện, anh Hùng nghỉ làm để phụ mẹ vợ chăm Liên. Cô con gái nhỏ phải gửi ông ngoại chăm sóc. Mẹ nằm viện, bé được đưa lên thăm mẹ hai lần. Mỗi lần như thế, giường bệnh luôn rộn ràng tiếng trẻ con líu lo trò chuyện. Vy ôm lấy bụng bầu của mẹ đang ngày càng lớn lên, thơm em qua làn áo bệnh nhân rồi khoe với mẹ: "Em Chuột của con đấy! Con sẽ nhường em hết đồ chơi mẹ ạ!". Mỗi khi mẹ ho, cơn đau hành hạ, cô bé nhanh nhảu lấy nước cho mẹ uống và đấm lưng để mẹ đỡ đau. Thấy bé con như vậy, chị Liên ứa nước mắt. Mai này chị có mệnh hệ gì, cô con gái bé bỏng chị vẫn thường trêu đùa "như bà cụ non" sẽ sống thế nào nếu thiếu hơi ấm bàn tay mẹ? Cả nhà chị mong lắm giây phút được đoàn tụ 4 người, có bố, có mẹ, có chị Vy và em Chuột…

Dường như hiểu được mẹ gặp khó, em bé trong bụng vẫn lớn lên từng ngày. Những cái máy thai, những cử động của bé Chuột khiến chị Liên mỉm cười, tạm quên nỗi đau thể xác. Chị yêu lắm những tiếng nấc của bé cùng nhịp bụng chị rung lên. Có lúc, chị tưởng chừng sờ được cả bàn tay, bàn chân bé xíu của con bên thành bụng sau mỗi cú đạp "bụp bụp" của đứa con chị đang mong ngóng từng ngày… Em bé đáng yêu như thế, chị phải chiến đấu mạnh mẽ hơn, để hoàn thành giấc mơ đoàn tụ 4 người.

Hành trình vừa điều trị, vừa giữ con mỗi ngày lại gian nan hơn. Tình trạng khó thở và ho của chị ngày càng nặng, không thể nằm mà ngồi suốt ngày đêm. Để vợ đỡ mỏi, anh Hùng mua chiếc bàn học sinh có bàn tựa phía trước cho vợ ngồi, kê thêm chiếc gối khi nào mệt quá chị gục xuống ngủ.

Đến khoảng tuần thai thứ 28, khi được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, suy hô hấp, chị Liên ăn gì nôn đấy. Chiếc chậu nhựa luôn túc trực sẵn ở cuối giường bệnh để nhổ. Cơ thể chị Liên ngày một suy kiệt, chị từ cân nặng 68 kg chỉ còn hơn 40 kg. 10 ngày sau, cảm thấy khi sức khỏe yếu đi, chị Liên gắng hơi dặn dò chồng nhiều việc.

CA MỔ ĐẶC BIỆT

Đêm 21/5, PGS.TS Trần Danh Cường nhận được một cuộc điện thoại từ Bệnh viện K, thông tin sức khoẻ chị Nguyễn Thị Liên. Đây là thai phụ ung thư mà ông vẫn thường xuyên hội chẩn liên viện trong nhiều tháng qua. Chị Liên diễn tiến sức khoẻ rất xấu, đạt đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, và có thể ngày mai, 22/5, sẽ phải mổ lấy thai. BS Cường huỷ hết lịch mổ và họp hành, sẵn sàng lên đường tới bệnh viện K bất cứ lúc nào.

Hành trình của Bình An - Ảnh 9.

PGS.TS Trần Danh Cường

Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều vẫn là nơi của những ca phẫu thuật đầy khó khăn trong sự thắc thỏm đến thắt ruột của người nhà bệnh nhân. Nhưng thời khắc ấy, 13 giờ 22/5, có một điều đặc biệt hơn.

Phòng mổ 12, phẫu thuật phụ khoa, tầng 5, khoa Gây mê hồi sức có sự xuất hiện của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức. Họ cùng tham gia vào ca mổ lấy con của sản phụ Nguyễn Thị Liên. Và con của chị, khi đó mới 31 tuần tuổi thai.

Hơn 20 bác sĩ vây quanh chị Liên có lẽ cũng rất hồi hộp, dù ai cũng có kinh nghiệm kỳ cựu. Họ đã đồng hành cũng chị từ rất lâu, cùng chung nỗi thấp thỏm và cả niềm hi vọng như sản phụ. "Tôi mổ lấy thai ở Bệnh viện Tim, Phổi,… nhiều rồi. Nhưng đây là lần đầu tôi mổ ở Bệnh viện ung bướu. Rất đặc biệt", bàn tay vàng ngành Phụ sản nói với một bác sĩ gây mê hồi sức đứng bên cạnh.

Vị chuyên gia có hơn 30 năm cầm dao mổ ấy tranh thủ thời gian quan sát sản phụ đặc biệt. Cô ấy còn trẻ quá. Cô ấy được đặt lên bàn mổ trong tư thế ngồi nghiêng bởi ung thư đã di căn vào phổi, nếu nằm, chị không thể thở được. Đây là lần đầu bác sĩ Cường mổ lấy thai khi sản phụ ngồi.

Ca mổ lấy thai khi sản phụ trong tư thế ngồi, gò má hõm xuống mỗi lần gắng sức thở

Người mẹ đang hít thở, cố gắng hít thở những nhịp nông, ánh mắt nhiều căng thẳng và lo lắng. Cái gắng sức ấy, khiến những người chai sạn nhất cũng se lòng. Ước mơ bình thường của mỗi người mẹ giờ lại là giấc mơ, là ước nguyện tột cùng của sản phụ ung thư.

"Chỉ cần nhìn thấy mặt con một lần là em mãn nguyện lắm rồi", chị Liên mấp máy môi nói với BS Nguyễn Tiến Đức, vị trưởng khoa trực tiếp điều trị cho chị 3 tuần trước khi lên bàn mổ.

Bên ngoài hành lang phòng mổ, anh Hùng đi đi lại lại, chắp tay cầu nguyện. Mắt anh đỏ hoe, dõi sát qua lớp cửa kính. Chốc chốc, giọt nước mắt lại chực ứa ra trên đôi mắt người đàn ông lam lũ, hàm râu quai nón dài ngày chưa kịp cạo gọn. Anh Hùng hồi hộp. Cùng một lúc, cả vợ và con anh trong phòng mổ kia. Anh mong lắm được vợ anh sẽ vượt qua cuộc mổ kiên cường, mong sao em bé chào đời bình yên. Nếu có phép màu, anh cũng ước mong sao anh đón được cả mẹ và con về nhà, mong sao những ngày buồn sẽ qua đi...

Bệnh nhân sức khoẻ suy kiệt, nên đòi hỏi thao tác của các bác sĩ phải nhanh, chuẩn xác dù phải mổ trong tư thế sản phụ ngồi, một tư thế rất khó. Để chuẩn bị mổ, bác sĩ cũng không thể gây mê vì biết đâu, người phụ nữ trẻ tuổi kiên cường kia có thể không tỉnh lại được. Chỉ có thể gây tê tủy sống cho sản phụ và chị tỉnh trong suốt ca mổ.

15 giờ, bác sĩ rạch lớp da bụng đầu tiên. Tiếng loảng xoảng của dụng cụ y tế, tiếng bác sĩ hô "kẹp, panh, cắt…" hoà cùng tiếng kêu "tít tít" của rất nhiều máy móc, người mẹ nghe thấy hết. Người mẹ vẫn tiếp tục trong cơn khó thở và sự gắng sức. Chị Liên dường như không cảm nhận được đau đớn. Mắt chị rũ xuống. Môi chị khô rang. Cả không gian dường như nín thở trong suốt cuộc mổ đó. Người mẹ rũ đầu xuống, trong những lo lắng, mệt nhọc, và sự chờ đợi đến mòn mỏi. Có lúc, chị tựa đầu vào vai nữ điều dưỡng. Chị mệt lắm.

15h10 phút, người mẹ như choàng tỉnh khi nghe thấy tiếng khóc của con trai. Cậu bé tí hon, nhưng tiếng khóc rất to.

MONG CON MỘT ĐỜI BÌNH AN

"Có ai nghĩ được tại bệnh viện về ung bướu lại có tiếng khóc trẻ sơ sinh? Lại là con một sản phụ ung thư? Nhưng điều đó đã thành sự thật", BS Cường chia sẻ ngay với kíp mổ sau khi hoàn thành ca mổ đặc biệt. Em bé còn quá nhỏ, chào đời khi chỉ mới 31 tuần thai, cuộn mình trong tấm khăn choàng của các bác sĩ. Bàn tay em nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay út của người trưởng thành, nắm chặt bàn tay các cô điều dưỡng bệnh viện Phụ sản.

Tiếng khóc của bé khiến đôi mắt chị Liên sáng bừng. Chị mấp máy môi hỏi bác sĩ: "Con em nặng mấy cân?". Nhưng trong buồng mổ lúc đó lại không có cân chuyên dụng, bác sĩ Cường nói vội với chị: "Con trai nhé! Bé khóc rồi nhé mẹ!". Chị Liên đã chuẩn bị rất kỹ, nói với các bác sĩ bên cạnh, con tên là Đỗ Bình An. "Mẹ mong con một cuộc đời bình an", chị tự nhủ.

Bé Bình An ngay khi chào đời được đưa từ bệnh viện K sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương nuôi đặc biệt

Các bác sĩ chuyền tay nhau cậu bé Đỗ Bình An vào lòng. Ai cũng muốn giữ bé thêm một chút thôi, ở cạnh hơi ấm của mẹ. Nhưng lúc này thời gian là vàng. Lập tức bé được các bác sĩ cho thở oxy và đưa lên xe vận chuyển từ Bệnh viện K sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc đặc biệt. Những bác sĩ còn lại trong ê kip tiếp tục hoàn thành ca mổ.

Sau những phút giây nghẹt thở, cuối cùng người cha cũng thấy bác sĩ bế em bé bước ra khỏi phòng mổ. Anh Hùng lập tức gọi điện cho mẹ vợ đang nóng ruột ở ngoài kia, báo phải xuống tầng 1 ngay.

Anh chạy vội đến nhìn con, run run ứa nước mắt. Bé con đỏ hỏn, bé tí teo, da hồng hào được thở ô-xy được các bác sĩ bế đi bằng thang máy xuống. Người đàn ông 31 tuổi tấp tểnh, chân líu ríu theo từng bước của các bác sĩ, anh chỉ kịp đưa con đến xe cấp cứu đậu ở tầng một để bé sang bệnh viện phụ sản. Anh thẫn thờ nhìn con trai bé bỏng đang trong vòng tay bác sĩ. Bố trí mẹ vợ và chị gái trực tiếp đưa con sang Bệnh viện Phụ sản, anh tất tả quay về tầng 5. Lòng người đàn ông bộn bề lo lắng đến thắt lòng, giờ đây vỡ oà, nước mắt người bố hai con không ngừng rơi ướt cổ áo, nghẹn ngào. Yêu thương của anh đang ở hai bệnh viện, chưa biết tình hình ra sao… Tựa người vào hành lang phòng mổ, vẫn còn đó nỗi lo lắng cho đứa con thiếu tháng vừa chào đời, cho tính mạng của vợ trong phòng mổ, và cả đứa con gái mới 2 tuổi rưỡi ở quê đang mong ngóng từng ngày bố mẹ và em trai trở về… Nhưng anh tin, nhất định con trai Đỗ Bình An sẽ là động lực để anh đứng vững và bước tiếp.

CHỜ ĐỢI

Đêm 22/5, Bình An có ngủ giấc ngủ riêng đầu tiên trong cuộc đời mình. Bé sẽ tiếp tục cuộc chiến mới để lớn lên như một đứa trẻ bình thường. Còn mẹ Liên của bé, lại bước vào chặng đường mới: Hồi sức tích cực sau mổ và giấc mơ gặp con một lần.

Làm bạn với bé Bình An trong phòng đặc biệt ở Trung tâm Điều trị, chăm sóc sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 5-6 bé khác. Tất cả đều là trẻ sinh non, có bé thậm chí chỉ 600gr. Nặng 1,5kg như "tân binh" Bình An được coi là "cứng cáp". Cơ hội để cứu sống và nuôi lớn em thành công lên tới 92-93%.

Bình An trong Trung tâm sơ sinh

Nhưng điều đó cũng không dễ dàng. Vừa rời lòng mẹ, Bình An được vận chuyển ngay lập tức tới Bệnh viện này, trong tình trạng không thể tự thở được, phải thở máy, bị phù, phải sử dụng thiết bị hỗ trợ giãn nở phổi… Một ngày sau sinh, bé đã bỏ được nội khí quản, thở được bằng mũi với thiết bị hỗ trợ, cứ 90 phút bé được cho ăn 2-3ml, nghĩa là chỉ 1-2 giọt sữa, cho quen dần.

Mấy hôm đầu, ngày nào bố Bình An cũng bắt xe ôm, chạy 13km dưới trời Hà Nội nắng đổ lửa đến thăm con. Ông bố ấy lần đầu trải qua những cảm giác lạ lẫm: Tổ ấm có thêm một đứa con đang được chăm sóc đặc biệt, rất nhiều lời hỏi thăm từ người lạ, và vợ anh vừa mổ đẻ điều trị ung thư…

Hành trình của Bình An - Ảnh 13.

Từ ngày vợ đẻ nhưng hai mẹ con nằm điều trị ở 2 nơi, người đàn ông 31 tuổi cứ chạy ngược chạy xuôi liên tục. Anh Hùng cố lưu thật lâu giây phút được cạnh con trai...

Trung tâm nơi bé Bình An nằm yêu cầu vô khuẩn, không phải lúc nào cũng vào thăm con được, vậy nên mỗi khi được vào gặp con, anh Hùng đều tận dụng triệt để. Ông bố vừa đón sinh nhật 31 tuổi ngắm thật lâu cậu bé nhỏ xíu. Người đàn ông ấy mắt đỏ hoe, nghẹn ngào, lập bập áp bàn tay thô ráp của người thợ sơn lên tấm kính lồng ấp mỏng, nơi con trai anh đang huơ huơ bàn tay nhỏ xíu. Cựa quậy, bé oà khóc, ông bố lóng ngóng, cố chạm thật sát vào con nhưng không được, ở khu chăm sóc trẻ sinh non này, kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh nhi được đặt lên hàng đầu. Một điều dưỡng trẻ nhẹ nhàng nghiêng người cậu bé để vỗ về, như các bà, các mẹ vẫn thường làm cho trẻ sơ sinh.

Anh Hùng thăm con

Ông bố trẻ cố bình tĩnh không khóc. Tay anh run run. Anh cố lưu lại thật lâu phút giây được ngắm nhìn con. Dù biết rất khó khăn, nhưng anh cũng mong một lần được cùng vợ mình nhìn ngắm cậu bé. Vợ anh mong ngóng biết bao được ngắm nhìn đứa con mà chị đã lựa chọn cái chết để sinh ra. Không tự chụp được hình con, anh Hùng ngỏ lời muốn xin hình ảnh từ các nhà báo.

"Sớm nhất, trong vòng 3 đến 4 tuần nữa bé mới được rời khỏi phòng hồi sức, sau đó khoảng 8 tuần mới có thể xuất viện", vị giám đốc Trung tâm nói với anh Hùng. Nghe bác sĩ thông báo sức khỏe con tiến triển tốt, anh thở phào nhẹ nhõm.  Nhưng chị Liên thì không được như thế dù sau sinh, chị có những dấu hiệu tích cực sau mổ, ăn được một ít nước, cháo, được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu. 2 ngày sau, khi anh Hùng trở về từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cách nơi chị Liên điều trị 13km, chị Liên yếu hơn rất nhiều. Rất khó để chị mở mắt, mê man, chỉ tỉnh một chút mỗi khi cơn ho rút ruột ập tới.

Bà Oanh nghe rất kỹ lời dặn của bác sĩ. Người mẹ già vắt chiếc khăn ấm, chốc chốc lại lau người, lau mặt cho con, thủ thỉ tâm sự. Bà nói với chị Liên chuyện bé Bình An tiến bộ lắm, mong con sớm tỉnh táo lại, để cùng chồng đi gặp con trai. Bà tin, con gái bà nghe được hết, cảm nhận được hết, chỉ là thuốc an thần làm chị không thể tỉnh được.

Lo thắt lòng cho vợ, mọi việc ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ông bố trẻ trông cậy hết vào nhân viên y tế. Mỗi lần nhớ con, anh lại mở điện thoại, ngắm hình con, những cái huơ tay, tiếng khóc trong clip được các nhà báo gửi đến anh.

6 ngày sau ca mổ đón bé Bình An, bà Oanh và anh Hùng thót tim khi nghe tin chị Liên đã suy hô hấp, kết quả chụp X-Q Phổi không khả quan, diễn biến phức tạp. 4 tháng cùng con gái chiến đấu, bà Oanh cũng đã xác định rất nhiều điều. Nhưng lòng người mẹ, không thể để con gái rứt ruột đẻ ra như vậy. Bà bộn bề lo lắng nhưng chỉ biết khóc. Con gái bà còn chưa một lần được nhìn ảnh con cơ mà. Hôm đó, bà thấy rất đông các bác sĩ, có người quen, người lạ cùng quây bên giường bệnh chị Liên, bàn bạc rất nhiều. Nhiều từ chuyên môn bà không hiểu, bà chỉ biết, các bác sĩ đề nghị điều trị, chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, sử dụng những thuốc điều trị đích, hỗ trợ thở tốt nhất cho sản phụ Liên. Nghĩa là các bác sĩ đang tìm mọi cách kéo dài sự sống và thúc đẩy sớm việc hai mẹ con gặp nhau.

Đó là đêm rất dài với bà Oanh. Chị Liên nằm đó. Miên man. Một tay chị chằng chịt kim tiêm truyền. Anh Hùng cầm tay vợ, đặt lên bụng chị. Sau sinh, tử cung chưa co hồi, bụng chị vẫn tròn vo. Anh mong sao chị hiểu được nơi đó đã là nơi chị kiên cường nuôi dưỡng bé Bình An 8 tháng qua, để chị thêm động lực tỉnh lại…

CUỘC GẶP, CUỘC HỒI SINH

Có lẽ nghị lực của người mẹ khát khao cháy bỏng được gặp con trai đã khiến các bác sĩ và người nhà chị không thể tin nổi. 10 giờ sáng 29/5, chị Liên ổn định hơn. Liên tục các xét nghiệm được tiến hành, kết quả "tạm thời trong giới hạn ổn định, phổi đã có dấu hiệu tích cực" khiến hàng chục con người ngóng chờ phép màu thở nhẹ. Dù rằng, chị Liên vẫn phải theo dõi tích cực.

Hành trình của Bình An - Ảnh 15.

Bà Oanh cho con gái xem clip, chị Liên thích thú ngắm nhìn từng cái hươ tay, rướn mắt của cậu con trai bé bỏng

Chị Liên đòi xem ảnh con. Đứa bé tí hon, nhắm chặt mắt, hồng hào. Giọt nước mắt khô cằn ứa ra từ khoé mắt người phụ nữ vừa hồi sinh. Chị vẫn chưa nói được, nhưng nghe chồng bảo "Con khoẻ, ăn được gần 20ml một lần rồi", chị vui lắm. Con trai hãy cùng mẹ chiến đấu nhé bé con! Vợ tỉnh lại rồi, cứ hàng ngày, anh Hùng chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện để gắng được nhìn vợ, nhìn con thêm một chút. Anh lại cầu nguyện ông Trời cho gia đình anh thêm một chút phép màu nữa thôi. Tâm nguyện cuối cùng của vợ anh sắp thành hiện thực rồi.

Bà Oanh pha sữa, cho con gái ăn thuần thục như một điều dưỡng viên

Mỗi lần con rể ra ngoài, bà Oanh lại căn giờ cho con gái ăn. 120 ngày qua bà đã bỏ hết mọi thứ lên Hà Nội chăm con. Người phụ nữ làm nghề nông, quanh năm ruộng đồng đó giờ dùng xilanh bơm sữa vào dây truyền thuần thục, bóp chân, lau mặt, lau người cho con gái. Đợi con rể trở về, bà lại xuống tầng 1, mua cháo từ thiện, ăn vội rồi lại lên cùng con. Bà sợ khi không có bà ở đó, lỡ sao…

Khi tỉnh lại, chị Liên không nói được mà giao tiếp qua chữ viết. Mỗi ngày, chị được gia đình và bác sĩ cho xem hình ảnh và video của con trai đang được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nguyện vọng duy nhất của mẹ Liên là được sớm gặp con.

Ở Trung tâm sơ sinh, các bác sĩ đặt sẵn hai máy quay bé xíu, ghi lại hình ảnh, cử động của bé Bình An, chuyển về Bệnh viện K, để chị Liên có thể hàng ngày xem được. Chị muốn cười thật lớn, muốn khóc thật to, muốn nói mẹ yêu và nhớ con trai mẹ lắm, nhưng chị còn đau, mong muốn đó chưa thực hiện được. Để chị tiện giao tiếp, chồng mua cho chị tấm bảng con con cùng bút dạ để chị viết điều muốn biết. Ngày nào, những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, rằng bao giờ chị được gặp con…

"Dường như ông Trời nghe thấy tiếng lòng cầu nguyện của cô ấy. Kỳ diệu, cô ấy tiến triển tích cực hơn" – GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K liên tục cập nhật thông tin, ngoài việc vận động khắp nơi kinh phí hỗ trợ điều trị cho nữ bệnh nhân đặc biệt này. Rồi cũng đến lúc người mẹ tội nghiệp ấy được rút ống thở hỗ trợ, nói được, cười được. Giờ chị đã quen với việc khi không nhìn thấy mặt chồng, chị biết anh đang tranh thủ qua thăm con trai, mang những hình ảnh mới nhất của bé Bình An về cho chị ngắm, để khoảng cách giữa chị và bé gần hơn… Chị mong lắm. Chị càng phải cố gắng ăn thêm, ngủ tốt hơn, nén những cơn đau… Lòng người mẹ tin rằng, chị sẽ sớm được gặp con.

Tối thứ 4, 12/6, 20 ngày sau khi sinh con, chị Liên bồn chồn không yên. Chị băn khoăn không biết linh tính điều gì. Bà Oanh liên tục động viên con gái. Bé Vy được bà ngoại đón lên Hà Nội chơi với mẹ từ 4 ngày trước đó, luôn tay nắn bóp, vuốt ve ngón tay cho mẹ dễ ngủ. Mấy hôm nay, có con gái bên cạnh, chị Liên vui lắm. Chị ước mong sao gia đình 4 người của chị được đoàn tụ.

8 giờ sáng 13/6, sau một giấc ngủ chập chờn, như thường lệ, chị Liên thấy bóng dáng áo blouse đi buồng. Dừng lại bên giường bệnh quen thuộc, GS Thuấn mỉm cười nói với chị: "Hôm nay em sang Bệnh viện K cơ sở 1 để kiểm tra nhé, có thể cho con gái đi cùng".

Anh Đỗ Văn Hùng nói vội với mẹ vợ đưa con gái cả sang bệnh viện trước, rồi đưa chị Liên theo chuyến xe cùng các bác sĩ lên đường. Quãng đường 13km anh đã đi mòn bánh xe trong gần 3 tuần qua trong những lần sang thăm con trai Đỗ Bình An.

Ngồi trên xe lăn với "trang phục" từ đầu đến chân của bệnh nhân, chị Liên ngắm dòng người giờ cao điểm hai bên đường. Anh Hùng chốc chốc lại nhìn vợ. Quá lâu rồi, chị mới có cảm giác "ra đường" như một người bình thường đến thế. Đi qua những ngã tư, những toà nhà, chị bất giác mỉm cười. Lòng chị hôm nay khấp khởi lạ thường, dù bác sĩ bảo với chị là đi kiểm tra lại sức khoẻ.

20 ngày sau sinh, chị Liên lần đầu tự tay cho con ăn sữa

28 năm cuộc đời, có lẽ chị Liên không bao giờ quên thời khắc lúc 9 giờ sáng 13/6, chuyến xe yêu thương hi vọng đột ngột rẽ trái vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đưa chị thẳng lên Trung tâm Sơ sinh. Anh Hùng chầm chậm đẩy chiếc xe lăn đưa chị Liên đi trên hành lang ngôi nhà chung mà con trai anh chị đang nằm. Bánh xe quay đều, chị Liên ngó nghiêng khắp nơi. Đây là lần đầu chị được đến đây. Những đứa trẻ bé xíu nằm trong lồng ấp, xếp ngay ngắn, cùng tiếng tít, tít phát ra từ các máy theo dõi chỉ số sinh tồn…

Rồi đến trước cửa phòng sơ sinh non tháng, anh Hùng dừng lại. Con trai Đỗ Bình An của anh đang được chăm sóc ở đó. Thời gian như ngừng trôi. Chị Liên run rẩy. Giây phút chị mong chờ bao lâu nay đã trở thành hiện thực, tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời chị đã vẹn tròn: Chị được gặp con.

Hành trình của Bình An - Ảnh 20.

Bé trai Đỗ Bình An như cảm nhận được sự xuất hiện của mẹ và chị gái. Em cựa mình, khóc váng lên. 3 tuần tuổi, bé tăng được 200gr so với lúc chào đời. Chị Liên được đưa lại gần con, tay chạm vào lồng ấp bé xíu. Ai đó nói chị có thể chạm vào con, chị vui quá, rướn bàn tay qua "cửa sổ ngôi nhà" đã nuôi bé An 3 tuần nay, rồi khẽ nắm lấy bàn tay bé xíu của đứa con trai mà chị đánh đổi cả sự sống để đón em chào đời. Chị cố nắm chặt bàn tay con trai, thầm hứa với con sẽ cố hết sức để chiến đấu, cùng con đi thêm một chặng đường dài.

Bé con phải níu giữ thật chặt cuộc sống này, con nhé! Chị Liên thì thầm. Con đến được với cuộc đời này theo cách diệu kỳ nhất, bởi không phải đứa trẻ nào cũng làm được điều như con: Kiên cường đồng hành với người mẹ ung thư tội nghiệp và sự nỗ lực của các bác sĩ. Con còn là niềm mong mỏi, là hi vọng sống kéo dài sự sống cho người sinh thành…

Hành trình của Bình An - Ảnh 21.

Ước nguyện đoàn tụ gia đình nhỏ bé 4 người của chị Liên đã thành hiện thực. Cầu mong đó sẽ không phải là lần duy nhất chị được gặp con trai, mà chị sẽ cùng gia đình chiến đấu, dựa vào nhau bên nhau dài lâu…, như lời chị dặn dò con trước khi trở về bệnh viện K: "Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ, mẹ sang"

Một bác sĩ bế em bé đặt vào lòng người mẹ trẻ. Chị dang tay đón lấy hình hài bé bỏng của con. Bé Bình An mắt nhắm nghiền, thi thoảng hé đôi mắt trong veo, ngơ ngác nhìn mẹ. Rất nhiều nước mắt. Nước mắt rơi dài trên gương mặt người mẹ đã chiến đấu với ung thư giai đoạn cuối 3 tháng nay. Chị nhoẻn nụ cười đôn hậu, âu yếm nhìn con. Buồng bệnh trong Trung tâm Sơ sinh luôn duy trì nhiệt độ 26 độ C. Chị muốn truyền cho con hơi ấm sinh thành, cưng nựng thêm nhiều nữa đứa con tội nghiệp bé bỏng, vừa chào đời đã phải xa bố mẹ. Chị muốn cùng con tiếp tục chiến đấu, dựa vào nhau để bên nhau dài lâu hơn trong cõi đời này…

Võ Thu
Chí Cường – Bệnh viện K – Điều ước thứ 7
Hoàng Việt
Vũ Chương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Y tế - 10 giờ trước

BS Khoa Sản, BVĐK Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật mổ lấy thai có "tràng hoa quấn cổ" 5 vòng, ngôi ngược thành công.

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Y tế - 18 giờ trước

GĐXH - Thanh niên bị ngừng tim ngay trước vạch đích có bệnh tim mạch nền, rối loạn nhịp,

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Y tế - 20 giờ trước

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho người bệnh nữ có 2 bàng quang.

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Y tế - 2 ngày trước

Sau lần quan hệ ngoài luồng, không an toàn, người đàn ông luôn nghĩ bản thân mắc bệnh lây nhiễm tình dục, khi khám được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.

Bị cuốn vào gầm máy cày, người đàn ông bị vỡ ngực, tình trạng nguy kịch

Bị cuốn vào gầm máy cày, người đàn ông bị vỡ ngực, tình trạng nguy kịch

Y tế - 2 ngày trước

Trong lúc cày ruộng, người đàn ông ở Bắc Giang bị cuốn vào gầm máy cày, bị các lưỡi phay chém vỡ nát xương ức, đứt động mạch ngực, dập thủy phổi và màng tim...

Cấp cứu bệnh nhân thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ

Cấp cứu bệnh nhân thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Liên tiếp 3 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng ổ bụng, thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ.

Bố mẹ tự ý cho con dừng thuốc khi đang điều trị bệnh, bé 5 tuổi nguy kịch

Bố mẹ tự ý cho con dừng thuốc khi đang điều trị bệnh, bé 5 tuổi nguy kịch

Y tế - 5 ngày trước

Thấy tình trạng huyết khối của con được cải thiện, bố mẹ bé trai tự ý dừng thuốc khiến trẻ biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Bị chó nhà hàng xóm tấn công lúc đang quét ngõ, cụ bà phải khâu gần 70 mũi

Bị chó nhà hàng xóm tấn công lúc đang quét ngõ, cụ bà phải khâu gần 70 mũi

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu nên phải khâu gần 70 mũi.

Cô gái 26 tuổi tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân mua trên mạng

Cô gái 26 tuổi tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân mua trên mạng

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Người phụ nữ 26 tuổi đột ngột mất thị lực, tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm chị mua trên mạng.

Top