Những người đã khuất thì mãi mãi hóa thân vào lòng đất mẹ, yên nghỉ vĩnh hằng giữa mảnh đất quê hương mà họ từng đổ máu xương để bảo vệ . Riêng với những người đang sống thì ký ức về một thời đạn bom khói lửa, về một thời sự sống cận kề bên cái chết… vẫn như còn vẹn nguyên. Để rồi cứ mỗi lần nhắc đến Trường Sơn là trong họ lại trỗi dậy bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Khi thực hiện chùm bài về Trường Sơn, chúng tôi có cơ may được gặp rất nhiều người từng là chỉ huy, từng là chiến sĩ, từng là TNXP... đa phần trong số họ nay đã đầu bạc hoa râm, lên ông lên bà nhưng khi được hỏi về Trường Sơn thì không ai là không có chuyện để kể.
|
Một đoạn đường gần khu vực đồi Ba Bảy. Đồi Ba Bảy nằm dọc theo Km12 đến Km 22, từ đường 12A đoạn từ Khe Cấy đến Bãi Dinh (nay thuộc địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), cách ngã ba La Trọng 15km. |
Một trong số đó là đại tá, nhà thơ, nhà báo Trương Đình Minh. Ông hiện là phó TBT tạp chí Biển và Bờ. Trong kí ức của một người lính như ông Minh - Trường Sơn là nơi rất đỗi ác liệt mà cũng rất đỗi hào hùng. Nơi đây ghi dấu những tháng năm tuổi xanh của ông và cũng chính nơi này ông đã chứng kiến cảnh bao đồng đội ngã xuống. Trong số đó, những “ám ảnh” về sự hy sinh của những người đồng đội ở đồi Ba Bảy (37) là cả cuộc đời này ông không bao giờ có thể quên.
Mang quan tài ra trận địa
Nhắc đến Trường Sơn là nhắc đến những tên đường, tên đất đã đi vào huyền thoại như: đường 9 Nam Lào, đường 12A, đường 15, đường 18, đường 20 quyết thắng, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang tám cô... Những Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, hang Tám cô đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên có một địa danh gắn liền với những chiến công không kém phần oanh liệt, những mất mát đau thương không cùng còn ít được nhắc đến, đó là đồi Ba Bảy.
Từ đường 12A đoạn từ Khe Cấy (km 12) đến Bãi Dinh (km 22) (nay thuộc địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), cách ngã ba La Trọng khoảng 15km có một quả đồi trước đây gọi là đồi Chà Quang, nay được gọi là di tích đồi Ba Bảy. Vốn là đoạn đường có địa thế hiểm trở với núi cao, vực sâu, suối thẳm nhưng là tuyến đường vận chuyển cơ giới chủ yếu chi viện cho miền Nam và có tính quyết định cho tất cả các chiến dịch. Bởi thế, đoạn đường này thường bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt.
Để giữ vững tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, ngày 6/5/1965, 182 TNXP của huyện Tuyên Hoá tuổi vừa mười chín đôi mươi, trong đó có 70 chiến sĩ nữ, được tổ chức thành một đại đội lấy tên là C759, biên chế thành 8 tiểu đội để bổ sung lực lượng cho công trường 12A. Lúc này trên tuyến đường 12A đã có hơn 500 công nhân của các đơn vị khác, đang ngày đêm bảo đảm giao thông từ Khe Ve đến Cổng Trời. C759 được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý 10 km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh, cứ 1 km đường lại có một tiểu đội chốt giữ.
|
Mặc cho quốc Mỹ đánh phá suốt ngày đêm nhưng anh chị em TNXP vẫn bám đường, thông xe, không rời trận địa. |
Tại km 21 đồi Cha Quang, trong 47 ngày đêm (từ ngày 18/5 đến 3/7/1966), địch đã trút xuống đây hàng ngàn tấn bom đạn, nhằm vùi lấp con đường với ý đồ cắt tuyến chi viện. Chúng đánh phá suốt ngày đêm, khiến cho các chiến sĩ TNXP C759 phải di chuyển vào rừng rậm, dựng lán trại tạm bợ, tiếp tục bám đường thông xe, địch đánh vào doanh trại, đơn vị lại di chuyển ra trảng cỏ tranh, hoặc các đồi trọc ven đường, ven bờ suối. Ý chí kiên cường và quyết tâm bám đường của C759 đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc thời đó: “Địch đánh rừng già ta ra rừng non/Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc/Địch đánh đồi trọc, ta ra bám đường”.
Một hình ảnh hết sức cảm động mà cho đến bây giờ ông Minh vẫn không quên được đó là những lần tận mắt chứng kiến các chiến sĩ TNXP mỗi khi ra trận lại mang theo quan tài. “Vì địch đánh ghê quá nên mỗi buổi sáng trước khi ra làm đường, anh chị em TNXP đều mang theo từ 5 – 6 quan tài. Đây là “nỗi ám ảnh” lớn lao mà trong cả cuộc đời này tôi không thể nào quên được. Quan tài mang theo để khi đang trong quá trình làm nhiệm vụ có đồng chí nào hy sinh sẽ bỏ vào quan tài, tiếp tục làm đường thông xe sau đó mới mang về an táng. Trước khi bắt tay vào làm nhiệm vụ họ dám đứng cạnh những chiếc quan tài để tuyên thệ một cách dõng dạc những lời quyết tử cho tổ quyết quyết sinh. Và dù biết mình có thể hy sinh trong gang tấc nhưng ai cũng cảm thấy hăng hái, làm hết mình, xem mọi việc đều là chuyện nhỏ...” – ông Minh cảm động nói.
Huyền thoại đồi Ba Bảy
Vào ngày 3/7/1966, trong khi anh chị em TNXP đang bạt đồi, lấy đất chuyển lấp một đoạn đường cua tay áo mà bom Mỹ vừa rải xuống lúc 5 giờ sáng. Anh chị em đang động viên nhau bằng bất cứ giá nào cũng phải lấp hết hố bom, san bằng được đoạn đường này để 12 giờ đêm nay 30 xe vận tải có thể hành quân ra mặt trận. 5 tiểu đội TNXP C759 và 1 trung đội bộ đội công binh được cử đến ứng cứu đã dùng mìn phá đá để san lấp mặt đường.
Đến 22 giờ cùng ngày, đường gần xong, anh chị em chuẩn bị bắn súng báo lệnh thông đường thì máy bay địch ào ào ập đến. Hàng loạt bom đổ xuống đúng vào trận địa anh em đang thi công, làm hàng nghìn mét khối đất đá sập xuống lấp kín 200m đường. Đất đá bay ào ào, mù mịt... Sau trận bom ác liệt đó có 50 nữ TNXP và 10 chiến sỹ công binh bị thương. Ngoài ra có 9 nữ TNXP hy sinh, trong đó có thi thể của 5 người bị đất vùi lấp.
|
Để duy trì những thông suốt cho những tuyến đường rất nhiều chiến sỹ đã phải ngã xuống. |
Ngoài số chiến sĩ hy sinh, các chiến sĩ bộ đội và TNXP bị thương được đưa ra khỏi trận địa, đi cấp cứu ở bệnh viện tiền phương. Các chiến sĩ của C759 đã kịp thời đào bới cứu được đồng chí Nguyễn Thị Sâm và Đoàn Thị Hòa, còn lại 7 đồng đội vẫn bị vùi sâu dưới khối đất đá khổng lồ. Không kể tới hàng chục tấn bom đang rơi, các chiến sĩ C759 cùng với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đến ứng cứu đã dồn hết sức lực để tìm kiếm thi hài các liệt sĩ, nhưng do khối lượng đất đá quá lớn nên mọi việc rất khó khăn.
Tình thế lúc này thật cấp bách, đường tắc khiến đoàn xe vận tải bị ùn lại, nếu chờ lấy thi thể của đồng đội, thì máy bay Mỹ sẽ phát hiện ra đoàn xe và tập trung đánh phá, lúc đó thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Nén đau thương, các chiến sĩ TNXP C759 lại hô vang khẩu hiệu “máu C759 có thể đổ nhưng đường C759 không thể bị tắc”, toàn đơn vị quyết định vừa san đường mở lối cho xe qua, vừa tìm kiếm thi hài đồng đội.
Đến đêm 6/7/1966, sau khi đã nỗ lực hết mình, đơn vị đã tìm thấy thi thể của hai đồng chí Nguyễn Thị Thường và Cao Thị Thường, đồng thời phát hiện liệt sĩ Cao Xuân Châu đang bị khối đá đè ép lên đầu, tư thế chân đang ngồi đào hố chôn bộc phá... do tình hình quá cấp bách, đơn vị buộc phải nén chặt nỗi đau phát lệnh thông xe. Sau khi thông đường, toàn đơn vị tiếp tục đào bới, tìm kiếm thi thể của những đồng đội còn lại.
Đến đêm 8/7 tìm thấy thi thể của liệt sĩ Nguyễn Khắc Hiếu và Trần Trọng Khuyến và đến 11/7/1966, đơn vị đã tìm thấy thêm thi thể của 6 chiến sĩ, riêng đồng chí Trần Văn Trường vẫn nằm dưới lòng đường. Mãi đến năm 1971, khi máy ủi san hạ độ dốc mặt đường mới phát hiện được hài cốt đồng chí Trần Văn Trường cùng chiếc đèn pin đeo bên mình khi ra trận.
Để ghi nhớ chiến công vẻ vang và sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, đơn vị C759 đã quyết định lấy ngày 3/7/1966, để làm tên gọi cho ngọn đồi mà các anh chị đã ngã xuống.
Ảnh tư liệu trong bài do Thiếu tướng Võ Sở- Trưởng ban liên lạc bộ đội trường sơn toàn quốc cung cấp.
Kỳ 2: Chuyện chưa kể về “18 cô gái Truông Bồn”
Hà Tùng Long