Động thái mới không khỏi khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xung đột bởi vài tháng gần đây, binh lính hai nước đã có các cuộc chạm súng gây đổ máu.
Căng thẳng tăng cao
Báo Bangkok Post cho biết, chuyến thị sát của ông Anupong Paojinda diễn ra sau khi có tin phía Campuchia đã triển khai thêm binh sỹ, pháo hạng nặng 130mm và xe tăng T - 54 tới sát khu vực đền Preah Vihear. Trong khi đó, báo chí Campuchia cũng đưa tin quân đội Thái Lan ở khu vực biên giới đang có những di chuyển lực lượng bất thường và nhận định rằng tình hình biên giới sẽ trở nên căng thẳng hơn sau khi Thái Lan yêu cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét lại quyết định hồi năm ngoái công nhận đền Preah Vihear là Di sản thế giới thuộc Campuchia.
Ngoại trưởng Campuchia, Hor Namhong cũng đã tuyên bố nước này sẵn sàng ứng phó với tất cả các tình huống sau động thái tăng cường lực lượng của phía Thái Lan. Ông khẳng định Campuchia đã sẵn sàng để chống lại mọi cuộc tấn công từ phía Thái Lan, dù đó là hành động quân sự, ngoại giao hay pháp lý trước tòa án quốc tế.
Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hồi đầu tuần, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã đổ lỗi cho UNESCO gây ra căng thẳng do tổ chức này cố tình ghi nhận khu vực đền Preah Vihear là di sản thế giới thuộc Campuchia khi tiến trình phân định ranh giới giữa hai bên chưa hoàn tất. “Kể từ khi họ làm chuyện này, chúng tôi đã có thiệt hại sinh mạng, chúng tôi đã có căng thẳng và du khách thì chẳng tới đó (đền Preah Vihear) nữa. Những điều này đã phá hỏng toàn bộ mục đích của danh hiệu Di sản thế giới” - ông Abhisit nói.
Các nhà sư Campuchia rảo bước qua ngôi đền Preah Vihear.
Đền thiêng trên núi
Có một câu hỏi được đặt ra là đền Preah Vihear đóng vai trò gì trong những căng thẳng kéo dài giữa hai nước? Theo Từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, đền Preah Vihear còn được biết tới với tên Prasat Preah Vihear. Từ Prasat trong tiếng Khmer có nghĩa “pháo đài”, “đền thờ” hoặc “ngọn núi”. Từ “Preah” có nghĩa linh thiêng và từ “Vihear” chỉ cấu trúc trung tâm của một ngôi đền. Hoạt động xây dựng phần đầu tiên của ngôi đền bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 và dùng để phục vụ việc thờ thần Shiva của Hindu giáo. Khi Hindu giáo bước vào thoái trào, ngôi đền được những người Phật giáo tiếp quản, sử dụng cho tới ngày nay.
Sự tranh chấp bắt đầu từ năm 1904, khi Campuchia nằm dưới sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Chính quyền này đã thực hiện một thỏa ước về biên giới với nhà nước Xiêm (Thái Lan sau này), qua đó biên giới giữa hai bên được tính bằng các dòng nước chảy từ đỉnh Dângrêk xuống chân núi. Cách phân chia này khiến đền Preah Vihear thuộc về phía Thái Lan. Năm 1907, sau khi tiến hành hoạt động khảo sát, đo đạc, các quan chức Pháp đã vẽ một tấm bản đồ biên giới giữa hai bên. Tuy nhiên trong tấm bản đồ được gửi cho chính quyền Xiêm, Preah Vihear lại nằm bên phần đất Campuchia.
Binh lính Thái triển khai pháo binh quanh khu vực tranh chấp.
Khi thực dân Pháp rút khỏi Campuchia vào năm 1954, quân đội Thái Lan lập tức chiếm đền Preah Vihear. 5 năm sau, Campuchia phản đối chuyện này và yêu cầu Tòa án Quốc tế The Hague, Hà Lan can thiệp. Cuộc giằng co tại Tòa án Quốc tế diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng, ngày 15/6/1962, Hội đồng xét xử của Tòa án Quốc tế ra phán quyết với tỉ lệ 9/3 thẩm phán ủng hộ, theo đó ngôi đền thuộc về Campuchia. Tòa cũng thông qua quyết định với tỉ lệ 7/5 thẩm phán ủng hộ, rằng Thái Lan phải trả lại bất kỳ thứ gì nước này đã lấy đi từ ngôi đền.
Mọi việc diễn ra êm ả cho tới tháng 7/2008, khi Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO quyết định thêm Preah Vihear và 26 địa điểm khác vào danh sách các di sản của nhân loại, Thái Lan đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Nguyên nhân do việc này sẽ khiến 4,2 km2 đất liền kề ngôi đền sẽ thuộc về phía Campuchia, điều Thái Lan không đồng ý.
Viễn cảnh một cuộc đọ sức quân sự
Chỉ một thời gian ngắn sau thời điểm trên, các xung đột nhỏ giữa đôi bên đã diễn ra. Tháng 10/2008, báo chí cho biết binh lính Thái Lan và Campuchia đã bắn vào nhau trong một cuộc đọ súng kéo dài 2 tiếng đồng hồ làm ít nhất 6 người bị thương. Mặc dù Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ không có chiến tranh giữa hai nước, song giới phân tích vẫn đưa ra giả thuyết về một cuộc xung đột nhỏ.
Tính đến năm 2001, Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) có 140.000 quân nhân. Tuy nhiên RCAF bị đánh giá là thiếu nhiều vũ khí hạng nặng và các trang thiết bị khác. Kho vũ khí hiện nay của Campuchia có xuất xứ từ nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pháp. Campuchia có trong tay xe tăng T- 54, T- 55, PT- 79 của Nga, Type 50 và Type 62/63 của Trung Quốc và xe tăng hạng nhẹ AMX- 13 của Pháp. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này còn hoạt động. Không quân của Campuchia chỉ có khoảng hơn một chục chiếc MIG 21 cũ kỹ cùng số ít trực thăng MI- 17 và MI- 8 của Nga.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách quốc phòng Singapore hồi năm 2004, Thái Lan hiện có 190.000 quân chính quy. Nhiều vũ khí của Thái Lan cũng khá cổ như xe tăng M- 48, M- 60 của Mỹ, Type- 69 của Trung Quốc. Song Thái Lan lại có lực lượng hải quân khá hiện đại. Nước này hiện có một tàu sân bay mang tên Chakri Naruebet chở theo khoảng 9 chiến đấu cơ Harrier loại cất và hạ cánh thẳng đứng cùng 6 chiếc S - 70B Seahawk. Bên cạnh đó, Thái Lan nắm trong tay khoảng 16 tàu chiến trang bị tên lửa, bên cạnh các tàu dò mìn, tàu tuần tra hàng hải. Không quân Thái Lan cũng tương đối mạnh với khoảng 50 chiếc chiến đấu cơ F16 A/B, 36 chiếc F - 5 Tiger II, 13 chiếc F5 A/B.
Dựa vào so sánh lực lượng, có thể thấy Thái Lan đã vượt trội so với đối thủ về mặt trang bị. Nhưng các chuyên gia tin rằng trong trường hợp xảy ra giao tranh quy mô lớn ở khu vực đền Preah Vihear, chưa biết bên nào sẽ vượt trội so với bên nào do địa hình ở khu vực này phù hợp cho chiến tranh du kích và binh lính Campuchia gồm nhiều thành viên Khmer Đỏ trước đây rất thiện chiến.
Hai lính Campuchia cùng những khẩu súng mới sắm. Sau các cuộc chạm súng nhỏ
trong năm 2008, có tin Campuchia đã tăng ngân sách quốc phòng.
Những phản ứng kiềm chế
Tất nhiên, khả năng xảy ra xung đột quân sự là rất nhỏ, nhất là khi các bên đều muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Hôm 23/6, Phó Thủ tướng Thái Lan đã lên đường tới thăm Campuchia để giải quyết căng thẳng. “Tôi sẽ giải thích với Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng chúng tôi có vấn đề với UNESCO, chứ không phải với Campuchia” - ông Suthep nói.
Thái Lan bày tỏ mong muốn được cùng phát triển và giám sát ngôi đền Preah Vihear. “Từ sự hiểu biết cá nhân của tôi, Hun Sen không muốn Campuchia và Thái Lan gặp rắc rối với nhau” - ông Suthep nói. Được biết trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Thủ tướng Thái Lan Abhisit cũng nói rằng ông và người đồng cấp Hun Sen đã đồng ý gặp nhau trong tháng này để giải quyết căng thẳng song phương theo một con đường không bạo lực. Quan trọng hơn, các bên đều không muốn vấn đề Preah Vihear sẽ trở thành trở ngại chặn đứng con đường hợp tác song phương trên nhiều vấn đề.
Hương Giang