Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nghĩ thêm về câu chuyện “Đau ruột thừa, cắt hai buồng trứng” tại BVĐK TƯ Cần Thơ

Thứ tư, 11:30 21/05/2014 | Y tế

GiadinhNet - Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ xảy ra vụ tai tiếng được truyền thông gắn cái tên “Đau ruột thừa, bác sĩ cắt hai buồng trứng”. Ngay sau khi báo chí đưa tin, kíp mổ đã thừa nhận sai sót, Ban Giám đốc BV cũng khẳng định bác sĩ làm sai quy định, trực tiếp nhận khuyết điểm, bệnh nhân được miễn viện phí, nhưng vẫn không tránh khỏi bức xúc của dư luận. Vậy quy định đó là gì mà các bác sĩ lại hay mắc sai lầm đến thế?

Xin thưa, đó là thủ tục hành chính quy định bác sĩ gặp tình huống bất thường thì phải ngừng cuộc mổ giải thích cho người nhà bệnh nhân. Cụ thể trong trường hợp của BVĐK TƯ Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, nhưng mổ ra ruột thừa bình thường còn buồng trứng hai bên bị viêm mủ đã hoại tử. Bác sĩ tự ý cắt buồng trứng mà không hỏi ý kiến gia đình, mổ xong mới giải thích, như thế là sai quy trình!

Tại sao lại phải giải thích trước mổ?

Bệnh nhân và người thân có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin, hiểu về tình trạng bệnh tật, quyết định có hay không chấp nhận phương pháp điều trị của bác sĩ, lựa chọn phương pháp mà theo họ là tối ưu nhất. Và thực tế đã chứng minh rằng, khi đã có sự giải thích cặn kẽ của bác sĩ, thì bệnh nhân sẽ là người đưa ra những quyết định sáng suốt nhất liên quan đến sức khỏe của họ.

Nghĩ thêm về câu chuyện “Đau ruột thừa, cắt hai buồng trứng” tại BVĐK TƯ Cần Thơ  1
Bệnh nhân Lương Minh Kỷ (64 tuổi, ở Hải Dương) bị vỡ tim đã được các bác sĩ BV Tim Hà Nội cứu sống thần kỳ dù không hỏi ý kiến gia đình, bởi nếu chậm 3 phút bệnh nhân sẽ tử vong
 
Y học là một môn khoa học không hoàn hảo bởi kiến thức luôn thay đổi, thông tin không chắc chắn, cá nhân có thể mắc những sai lầm. Bác sĩ phẫu thuật có thể giải thích cho người bệnh hiểu một cách rõ ràng mọi vấn đề y khoa phức tạp nhất, trừ nguyên nhân gây bệnh thì nhiều khi không phải như bác sĩ phán đoán. Sự thật và y học có những lúc không đi cùng nhau, cho dù chẩn đoán đúng và cách xử trí chính xác, nhưng vẫn xảy ra những biến chứng, thậm chí là chết người.

Bởi vậy, việc giải thích trước mổ là cực kì quan trọng, được áp dụng ở mọi thời đại, trong mọi môi trường y khoa. Làm cho người bệnh tin tưởng vào tiến bộ y khoa, tin tưởng vào bác sĩ, nghĩa là đã đạt đến một nửa sự thành công trong quá trình khám chữa bệnh.

Giải thích trước mổ không đơn thuần chỉ là thủ tục hành chính, mà đó là cách tốt nhất để gây dựng niềm tin cho người bệnh, để bệnh nhân và gia đình toàn tâm toàn ý phối hợp với bác sĩ, chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, thông cảm với những sai sót có thể gặp.

Có nên giải thích tình huống phát sinh ngay trong lúc đang mổ?

Thời sinh viên, một lần xem thông qua mổ ở Bệnh viện Việt Đức, tôi đã học được những bài học lớn. Bác sĩ báo cáo bệnh nhân có khối u bụng dưới nhưng chưa rõ là u đại tràng hay u mạc treo. Giáo sư Đỗ Đức Vân điều khiển thông qua mổ, ông yêu cầu chẩn đoán xác định trước mổ. Bác sĩ chẩn đoán u đại tràng. Giáo sư Vân nói là phải chẩn đoán ngược lại, đặt tình huống khó khăn hơn là u mạc treo để có kế hoạch chuẩn bị thật cẩn thận.
 
Nghĩ thêm về câu chuyện “Đau ruột thừa, cắt hai buồng trứng” tại BVĐK TƯ Cần Thơ  2
"Tôi cũng dám chắc các thầy từ chục năm trở lại trước, khi gặp tình huống phát sinh không như dự kiến trước mổ, chẳng ai dừng cuộc mổ để chạy ra giải thích cho người nhà" (Ảnh minh họa)

Khi mở ổ bụng ra, chẳng phải u mạc treo, cũng không phải u đại tràng, mà là u buồng trứng. Tôi thấy bác sĩ cắt cả hai buồng trứng, cắt toàn bộ tử cung và vòi trứng mà không hề dừng cuộc mổ để chạy ra giải thích cho người nhà bệnh nhân. Tôi cũng không thấy ai kiện cáo bác sĩ sau đó.

Và tôi cũng dám chắc các thầy từ chục năm trở lại trước, khi gặp tình huống phát sinh không như dự kiến trước mổ, chẳng ai dừng cuộc mổ để chạy ra giải thích cho người nhà.

Tại sao các thầy lại liều lĩnh như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì các thầy đặt mạng sống của bệnh nhân đang nằm trên bàn mổ lên trên hết, đó là tình huống khẩn cấp đòi hỏi bác sĩ phải bỏ qua những thủ tục hành chính để nhanh chóng có những quyết định phù hợp với thực trạng của người bệnh tại thời điểm ấy.

Trở lại với câu chuyện của BVĐK TƯ Cần Thơ, câu hỏi đặt ra là tại sao bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa, đến khi mở ra thì bụng đầy mủ do viêm hoại tử buồng trứng hai bên? Vâng, câu trả lời nôm na là trình độ bác sĩ có hạn, nên đã mắc sai lầm trong chẩn đoán!

Nếu trả lời có hơi hớm bao biện, thì y học không phải là môn khoa học chính xác tuyệt đối, thành tựu có được ngày hôm nay chính là chủ nghĩa kinh nghiệm dựa trên một hệ thống những sai lầm được đúc kết lại. Người bệnh không phải như cái máy, một bộ phận bị bệnh kéo theo tổn thương ở nhiều nơi với đủ các triệu chứng phức tạp khác nhau. Bác sĩ không phải là thuật sĩ, dù đạo đức y học không cho phép bác sĩ suy nghĩ đơn giản, nhưng có cẩn thận đến mấy thì đôi khi bác sĩ vẫn sai, thậm chí là sai nghiêm trọng.
 
Nghĩ thêm về câu chuyện “Đau ruột thừa, cắt hai buồng trứng” tại BVĐK TƯ Cần Thơ  3
Bác sĩ chúng tôi đứng trước bệnh nhân sắp bị ngưng tim, thì điều quan trọng nhất để cứu sống người bệnh chính là nhịp đập con tim người thầy thuốc

Người bệnh ít khi thông cảm cho những sai lầm của bác sĩ, họ luôn hoài nghi, luôn đặt câu hỏi, đòi bác sĩ phải giải thích tại sao lại làm như thế. Chỉ tiếc là, không ít bệnh nhân khi đã nhận được đầy đủ bằng chứng từ hội đồng khoa học, thay vì chấp nhận thì họ lại quay ra gây áp lực với bác sĩ, cho rằng ngành y đang che đậy cho những cái sai! Mà bác sĩ thì không giỏi chống đỡ trong những trường hợp như thế, nên họ đành im lặng chịu trận.

Làm bác sĩ chẳng ai sợ khó, chẳng ai sợ phải đối mặt với những sai sót chuyên môn, nhưng lại sợ áp lực đổ lên đầu sau những gì họ cố gắng làm cho người bệnh mà vẫn bị cộng đồng hiểu sai. Trước dư luận xã hội, hệ thống y tế đã chấp nhận thất bại khi đưa ra những quy định chỉ để làm hài lòng người bệnh về mặt hình thức, song thực tế là đang bó tay bó chân bác sĩ trong việc cứu sống bệnh nhân.

Và nếu theo đúng thủ tục, thì bác sĩ trong kíp mổ của Bệnh viện Cần Thơ phải ra gặp người nhà để giải thích. Nghe có vẻ rất là hợp lí, nhưng bình tĩnh xem xét lại thì sẽ thấy đây là việc làm có thể giết chết người bệnh đang nằm trên bàn mổ.

Để hoàn tất một quy trình giải thích, thì cuộc mổ phải dừng lại với thời gian bao lâu? Ta thử làm phép tính cộng sẽ rõ: thời gian bác sĩ giải thích khoảng 10 phút; thời gian người nhà suy nghĩ, thảo luận, rồi đồng ý cho bác sĩ cắt 2 buồng trứng là 10 phút; thời gian bác sĩ quay vào rửa tay theo quy trình ngoại khoa hết đúng 15 phút; thời gian mặc áo đi găng hết đúng 5 phút. Như vậy, không kể thời gian phát sinh, thì tổng cộng ít nhất 40 phút.

Thời gian bệnh nhân nằm trên bàn mổ là vàng, cả ê kíp cấp cứu đang chạy đua với tử thần, vậy nên chăng thay vì bác sĩ thực hiện thủ thuật để cứu sống người bệnh lại phải chạy ra giải thích cho người nhà, chờ đến khi họ hiểu sự đúng sai và những việc cần phải làm thì cơ hội sống của người bệnh đã ít đi rất nhiều? Nếu cứ làm đúng nguyên tắc, bệnh nhân có thể không chết vì căn bệnh hiểm nghèo, mà chết vì chính những quy định được lập ra để bảo vệ nhân viên y tế không bị tấn công.

Làm sai nguyên tắc để cứu sống người bệnh

Với một bác sĩ, nếu bị người bệnh kiện, thì cuộc sống của họ chẳng khác gì địa ngục. Vậy tại sao bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ lại không chọn giải pháp an toàn là nhắm mắt thực hiện cái quy định dừng cuộc mổ giải thích cho người nhà để tránh rắc rối về sau?

Có thể các bác sĩ trong kíp mổ hôm ấy không nắm được cái quy định kia, hoặc nắm được nhưng cố tình vi phạm vì tinh thần trách nhiệm.

Giống như câu chuyện của Bệnh viện Tim Hà Nội mới đây thôi, các bác sĩ đã không hỏi ý kiến gia đình, xé áo bệnh nhân, mở phanh lồng tại giường để cứu bệnh nhân vỡ tim. Nếu chỉ chậm 3 phút bệnh nhân sẽ chết, nhưng làm như vậy cả ê kíp có nguy cơ phải ngồi tù vì sai quy định!

Không riêng gì bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, mà nhiều bác sĩ khác đã vi phạm quy định một cách có chủ đích. Làm bác sĩ ngoại khoa ai cũng có lúc đối diện với tình huống bất ngờ trong phẫu thuật, khi ấy mọi thử nghiệm đều nguy hiểm, mọi phán quyết đều rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phải có cái tâm thật sáng để đưa ra những quyết định nhanh chóng, dứt khoát.

Thực tế khi xảy ra những bất thường trong cuộc mổ, đặc biệt là những tai biến y khoa, người nhà bệnh nhân và cộng đồng nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn về nhận thức, nảy sinh nhiều tranh cãi, ngành y và bác sĩ ngay lập tức bị công kích, mà y học đi chữa lành những vết thương cho người khác nhưng bản thân lại rất dễ bị tổn thương.
 
Cuối cùng, trách nhiệm vẫn được quy trực tiếp cho bác sĩ bởi lẽ người bệnh trong tay họ, vì thế mà cá nhân bác sĩ phải chấp nhận thua thiệt.

Sẽ có những bác sĩ không chịu được áp lực dư luận xã hội, họ băn khoăn với bao nhiêu những câu hỏi, rằng bác sĩ đang là ai, đang làm gì, bác sĩ cần phải như thế nào để bảo vệ được bản thân trước khi muốn cứu sống người khác? Chẳng ai từ lúc sinh ra đến khi chết đi không mắc phải sai lầm, vậy tại sao những sai lầm trong phạm vi ngành y cho phép thì xã hội lại kết án bác sĩ?

Để được yên ổn, cuối cùng phải chọn cách làm như BVĐK TƯ Cần Thơ, cử đại diện đến thỏa thuận với gia đình bệnh nhân, chấp nhận hỗ trợ tiền viện phí, thậm chí là bồi thường cho người bệnh, để họ không kiện cáo gì nữa. Cách làm này chắc chắn là không ổn, nó không giải quyết được vấn đề, gây mất niềm tin vào ngành y trong dư luận.

Cuối cùng, tôi xin được gửi một thông điệp đến người bệnh rằng: bác sĩ chúng tôi đứng trước bệnh nhân sắp bị ngưng tim, thì điều quan trọng nhất để cứu sống người bệnh chính là nhịp đập con tim người thầy thuốc; và trong những tình thế hiểm nghèo, để có được sự sống, người bệnh đôi khi phải biết chấp nhận bỏ qua những thủ tục hành chính; ngược lại, nếu bắt bác sĩ phải tuân theo những quy định khô cứng ấy, không cho bác sĩ mạo hiểm, thì người bệnh đang mất dần cơ hội sống.
 
BS. Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)

 

vothu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn

Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn

Y tế - 3 giờ trước

Do mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 2 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Top