Hà Nội
23°C / 22-25°C

Người đàn ông hơn 30 năm “rong chơi” dưới đáy Biển Hồ

Thứ tư, 08:00 01/02/2017 | Xã hội

GiadinhNet - Với ông Quách Trọng Hoan, người được người dân Tây Nguyên mến mộ lấy tên đặt cho một ngọn núi hùng vĩ, tình yêu phải thiêng liêng như ngôi sao trên trời. Ông cũng được mệnh danh là người đàn ông có nhiều con nuôi nhất Việt Nam.

77 tuổi vẫn lặn “chay” vài tiếng mỗi ngày

Ngôi nhà của ông Quách Trọng Hoan nằm giữa cánh rừng bạt ngàn sát cạnh Biển Hồ thuộc địa phận xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ở cái tuổi 77 nhưng ông Hoan vẫn được trời phú cho một sức khỏe phi thường. Như một “con rái cá”, ông vẫn có thể lặn sâu hơn chục mét mà không cần bất cứ dụng cụ lặn nào.

Cuộc sống của ông giản dị đến mức, nếu mới nhìn vào ai cũng nghĩ ông là người nghèo khổ, túng quẫn: Một căn nhà 2 gian, đồ đạc thì lệch xệch, thứ hiện đại nhất chính là hai cái bóng điện hình chữ U và một cái chiếu nhựa. Ông ở dưới thuyền cả ngày lẫn đêm, chỉ đến bữa mới lên “túp lều” nấu ăn cho mình và các vật nuôi trong nhà.

Nhiều người dân sống quanh Biển Hồ nói rằng, nếu không phải ông Hoan làm những việc khác người thì bây giờ ông đã là tỷ phú. Trước đây, ông từng sở hữu hàng trăm ha đất, nhưng gặp người nào nghèo khổ không có đất sản xuất, muốn chí thú làm ăn lương thiện là ông lại cho họ mượn đất để sinh sống, rồi sau một thời gian thì cho luôn. Hiện nay, mảnh đất tuyệt đẹp có giá trị hàng tỷ đồng, nằm ven Biển Hồ rộng hàng nghìn mét vuông cũng sắp được ông hiến để xây chùa.

Ông Quách Trọng Hoan (bên trái) trong một lần đến thăm bà En và ông Kheo.
Ông Quách Trọng Hoan (bên trái) trong một lần đến thăm bà En và ông Kheo.

Ông rất ít nhắc đến gia đình mình. Chỉ biết rằng sau khi vợ chồng ông có với nhau 4 người con (2 trai, 2 gái) đã trưởng thành và có công việc ổn định thì vợ chồng ông ly thân.

Ông khoe, con cái bây giờ đều học hành thành người hết, đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất của đời ông. Song điều đáng nói là ông có đến hơn 300 người con nuôi còn cháu chắt thì nhiều vô kể. Ngoài những lúc lênh đênh trên Biển Hồ để cứu vớt người chết đuối, ông lại rong ruổi trên chiếc xe đạp đi đến các bản làng xa xôi giúp đồng bào dân tộc làm kinh tế. Rồi có cô phóng viên từ xứ Thanh, trong một lần vào Tây Nguyên viết báo, cảm kích trước những công việc thầm lặng của ông nên đã không ngại ngần tặng chiếc xe máy mình đang đi để cho ông có phương tiện đi lại.

Người “rong chơi” dưới đáy Biển Hồ

Khi mùa đông về, ông Hoan lại mang quần áo, mì tôm đến hỗ trợ người dân nghèo.
Khi mùa đông về, ông Hoan lại mang quần áo, mì tôm đến hỗ trợ người dân nghèo.

Người ta thường nhắc đến cái sự “quái dị” của ông bằng tấm lòng ngưỡng mộ. Mà ông cũng lạ đời thật, vì khăng khăng dưới đáy Biển Hồ với độ sâu 40 mét có xác máy bay của Mỹ mà ông dành nhiều tháng lặn xuống để tìm tòi thực hư. Ông kể rằng, khi đó qua những lần lặn ngụp sâu nhất xuống tận đáy Biển Hồ để trục vớt xác người chết đuối bị mặc kẹt, ông phát hiện một khối sắt vụn lớn hao hao giống chiếc máy bay. Là người từng vào sinh ra tử trong kháng chiến, ông nhận định rằng đây là một trong những chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh.

Nhận định của ông Hoan khiến nhiều người hoài nghi. Người ta càng không tin thì ông càng muốn chứng minh sự thật đó. Thế là ông tìm gặp và thuyết phục một số người quanh vùng cùng ông lặn xuống lòng Biển Hồ, đoạn sâu nhất để tìm vớt những phế liệu của chiếc máy bay lên. “Để vớt được số phế liệu này, nhóm người chúng tôi đã bỏ công gần một tháng trời ngụp lặn sâu dưới đáy Biển Hồ. Sau đó ai cũng bị ốm hơn nửa tháng vì bị khí độc từ xác máy bay phả vào mặt trong lúc lặn”, ông Hoan kể lại.

Sau khi báo cáo chính quyền địa phương và được cơ quan chức năng đồng ý cho sử dụng các phế liệu của máy bay vớt được, ông Hoan đã chia cho các thợ lặn các phần phế liệu để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Về mình, ông chỉ giữ lại phần khung chân của chiếc máy bay để làm kỷ niệm. Đến nay, ông vẫn đặt khối sắt đó ở ngay lối vào sân nhà.

Ông Hoan bảo với chúng tôi rằng, dưới lòng Biển Hồ hiện nay vẫn còn hai xác trực thăng của Mỹ bị rơi trong chiến tranh. “Người ta chẳng tin đâu, thế nên mỗi tối, tôi lại dành vài tiếng lặn ngụp dưới đáy Biển Hồ để xác định xem xác những chiếc trực thăng ấy ở đoạn nào. Biển Hồ rộng lắm, diện tích bề mặt cũng vài cây số vuông nên việc tìm kiếm chẳng dễ dàng. Còn sức, tôi còn lặn ngụp, còn tìm”, ông cười sảng khoái.

Còn nhớ, vài năm trước chính ông đã khẳng định với chính quyền và người dân Plaiku rằng “có một nghĩa địa ngầm dưới lòng Biển Hồ”. Ông còn khẳng định rằng nếu khai quật lên mà không có thì cứ mang ông đi... tử hình. Qua đợt khai quật, nhiều người dân đã tìm được mộ người thân sau mấy chục năm mất dấu, từ đó họ càng nể phục ông hơn.

Từng bị Fulro treo thưởng mạng sống

Một phần chiếc xác máy bay của Mỹ được ông Quách Trọng Hoan trục vớt cuối năm 2014.
Một phần chiếc xác máy bay của Mỹ được ông Quách Trọng Hoan trục vớt cuối năm 2014.

Ngược dòng thời gian, năm 1965 chàng trai người Mường Quách Trọng Hoan xung phong lên đường bảo vệ đất nước , chiến đấu tại mặt trận đường 9 Nam Lào. Do bị sốt rét ác tính nên ông được chuyển về bệnh viện ở quê nhà Ninh Bình để điều trị. Sau khi khỏi bệnh, ông được phân công làm quản lý Trường Đoàn tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ.

Sau đó, ông được cử đi học lớp bổ túc Công nông ở Hà Nội, kết quả học tập đạt loại giỏi nên được thi vào trường Đại học kinh tế (năm 1972). Khi ông tốt nghiệp cũng là lúc miền Nam được giải phóng. Lúc này, miền Nam đang rất cần cán bộ nên ông Hoan được điều động vào Đồng Nai. Do đã từng sống và chiến đấu với bà con dân tộc trên Tây Nguyên và vùng biên giới Việt - Lào, ông đã xin được lên đây giúp bà con. Ông được phân công vào ban Kinh tế mới của tỉnh Gia Lai - Kon Tum lúc bấy giờ. Thời còn là thanh niên xung phong ở những tỉnh này ông đã gắn bó với bà con và nói thành thạo được các thứ tiếng như Bahnar, Jarai, Ê Đê… nên ông xin vào làm Phòng định canh - định cư và đến tất cả các vùng sâu vùng xa và biên giới.

Thời điểm ấy, công việc chính của ông là đối đầu với bọn phản động Fulro tàn ác chuyên quấy nhiễu dân làng. Bà con thì nghèo, rất lạc hậu, nhiều người chưa biết tiếng Kinh nên luôn bị bọn phản động Fulro tuyên truyền bằng luận điệu “ai đi theo Fulro sớm thì có súng mới, quần áo mới… ai đi muộn thì chỉ có súng cũ và quần áo cũ... ”, vì vậy một số thanh niên bản làng đã đi theo chúng khiến tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Bằng tài năng và sự tận tình của mình, hàng ngày ông cùng đồng đội đi hết buôn làng này đến buôn làng khác cùng bà con làm rẫy, phổ biến kiến thức và xin nhà nước cấp vốn làm ăn cho bà con. Để chống Fulro, đến mỗi làng ông đều giúp bà con thành lập đội du kích, dạy họ cách đối phó với hiểm nguy. “Bọn Fulro thường đến nhà bà con để dọa nạt, bắn giết. Chính vì vậy, không những du kích chúng tôi phải ngủ ngoài rừng mà chúng tôi cũng vận động bà con ra ngoài bụi cây để ngủ, có như vậy bọn Fulro mới không vào quấy phá bà con nữa”, ông Hoan kể.

Ngày đó, bọn Fulro không chỉ sợ sự mưu trí của ông mà còn khiếp đảm bởi cái biệt danh “xạ thủ” của ông. Chính vì cái tài bắn súng này mà bọn Fulro không bao giờ dám đụng đầu với ông, chỉ cần nghe tiếng ông chỗ nào là chúng đã phải xa lánh. “Có lần chúng tôi bắt được tàn quân Fulro, chúng khai rằng thủ lĩnh luôn treo giải thưởng nếu ai bắn chết được tôi thì sẽ được thưởng lớn. Nhưng không có tên nào dám bắn tôi, nếu gặp thì chúng toàn lánh mặt đi hoặc giả làm dân thường”, ông kể.

Gần 4 năm sống cùng đồng bào, ông đã giúp nhận thức của họ tốt hơn và đời sống kinh tế đỡ khổ hơn. Vậy nên, dù còn rất trẻ ông vẫn được bà con gọi là “già làng của các già làng”. Đến năm 1978, ông xin nghỉ hưu sớm, về thôn 4, xã Biển Hồ, TP Pleiku (Gia Lai) bên cạnh Biển Hồ và mua đất dựng nhà.

Mang duyên nợ với Biển Hồ

Ông Hoan chèo thuyền tìm thi thể một nạn nhân bị đuối nước ở lòng hồ sâu. Ảnh: Cao Tuân
Ông Hoan chèo thuyền tìm thi thể một nạn nhân bị đuối nước ở lòng hồ sâu. Ảnh: Cao Tuân

Ông Hoan kể cho chúng tôi nguyên do dẫn dắt ông định cư nơi Biển Hồ, đó là dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Khi đó, ông ở bộ phận hậu cần của Bộ Tư lệnh mặt trận B3, làm nhiệm vụ giao liên, phụ công binh gỡ bom mìn, cáng thương, phụ nhà bếp lo bữa ăn cho đơn vị. Khi tiếng súng đồng loạt nổ ra cũng là phút giao thừa, khiêng thương binh trong tiếng đạn bắn, pháo nổ của cuộc giao tranh, ông thấy khu rừng âm u bỗng sáng rực, đạn pháo bắn lên trời như pháo hoa. Giữa lúc bom đạn sinh tử ông nhìn thấy vùng Biển Hồ đẹp đẽ lạ lùng. Một vùng trời nước mênh mông, xung quanh là rừng thông hùng vĩ và lung linh. Không biết sống chết thế nào, bất chợt ông nói thầm: “Nếu may mắn được sống sót thì sau chiến tranh nhất định mình sẽ trở lại nơi này”.

Sau này, ông thực hiện tâm nguyện đó bằng việc mua đất dựng nhà ở cạnh Biển Hồ. Xưa kia, Biển Hồ vốn là miệng núi lửa, dù đã tắt ngấm từ ngàn năm nay nhưng lòng hồ vẫn lởm chởm đá, hốc lồi hốc lõm dị thường. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là thắng cảnh, là “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” mà còn là hiểm địa với nhiều vụ đuối nước, tự tử. Nhà cạnh Biển Hồ, nhiều đêm, ông nằm một mình suy nghĩ vẩn vơ mà thương cho những người bất hạnh phải bỏ xác ở lòng hồ... Từ đấy, hễ nghe thấy vụ chết đuối nào ông đều nhanh chóng đến nơi nhảy ùm xuống hồ để cứu hoặc nếu đã quá muộn thì sẽ vớt xác người xấu số.

Với người chết đuối, ông làm không chỉ vì lời hứa với bản thân, mà mỗi sinh linh ông đều xem như thân thích ruột thịt của mình. Mấy chục năm sống bên Biển Hồ, ông đã cứu sống được 8 người, vớt được 82 xác người chết đuối. “Với tôi, vớt xác người là chuyện quá bình thường, bởi ai biết bơi khi thấy người chết cũng đều xuống cứu cả thôi”.

Ngoài những nghĩa cử cao đẹp đem đến cho cộng đồng, nhiều năm nay, ngày đêm ông âm thầm nhang khói để sưởi ấm cho các linh hồn mình đã vớt lên để mong những số phận kém may mắn được siêu thoát. Để thực hiện được điều thiêng liêng đó, ông đã dành dụm tiền và xây một ngôi đền Vạn Linh để hàng ngày hương khói cho những “người con tội nghiệp”.

Cái tâm của ông không chỉ được bà con trong vùng kính trọng mà nhiều ông bố, bà mẹ mang con đến gửi để nhờ ông dạy dỗ. Hiện ngoài hơn 300 người con nuôi trong cả nước, nhiều thanh niên, trẻ con các bản làng gần khu vực đều gọi ông là “ông ngoại”.

Những mối tình đi qua thời trai trẻ

Bữa cơm của ông Hoan giản dị bằng những con cá bắt dưới sông.
Bữa cơm của ông Hoan giản dị bằng những con cá bắt dưới sông.

Hỏi chuyện tình yêu, ông tâm sự: “Tôi được nhiều chị em yêu mến nhưng với tôi tình yêu nó thiêng liêng như ngôi sao trên trời, tuyệt đối không thể dễ dãi. Ngoài người vợ vị tha đã chung sống và sinh hạ cho tôi 4 người con, tôi có những mối tình dang dở nhưng không thể nào quên được”.

Ông kể, khi từ chiến trường trở về nhận công tác quản lý Trường Đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh. Tại đây, ông để ý đến Hồng Tơ, cô gái xinh đẹp nhất, hoa khôi của trường lúc bấy giờ. Mỗi ngày đều đặn ông làm một bài thơ gửi tặng Hồng Tơ. Có đến cả 100 bài được chép trong sổ thơ của ông, bài nào cũng nồng nàn, say đắm. Khi tình yêu đang chớm nở thì ông phải chia tay người đẹp để nhận nhiệm vụ ở một vùng đất khác. Chiến tranh loạn lạc, họ mất liên lạc với nhau.

Mối tình sâu nặng khác của ông gắn bó với Savanakhet - Lào. Hồi đó, ông được phân công phụ trách bến phà Tà Khống, chuyên chở bộ đội, lương thực, thực phẩm vào Nam ra Bắc, đây là một trong những trọng điểm ác liệt nhất tuyến đường 9 - Nam Lào. Trong một lần mang muối giúp đỡ đồng bào Lào, ông quen Manivon – một cô gái xinh đẹp vừa tròn 18 tuổi xinh tươi như bông hoa pơ lang. Manivon cũng phải lòng ông. Năm đó, ông 25 tuổi và hứa rằng hết chiến tranh sẽ cưới Manivon và đưa cô về Việt Nam. Nhưng chiến tranh không ai học được chữ ngờ. Một đêm cuối tháng 10/1966, sau khi chở bộ đội qua sông, ông cùng một đồng đội cột phà vào một gốc cây rồi cả hai ngủ vùi vì quá mệt sau một ngày căng thẳng. Đêm đó, mưa rừng liên miên làm sạt lở bờ suối, kéo đổ cây khiến con phà cứ thế trôi lênh đênh trên dòng sông Amahiên sang tận Campuchia. Tạnh mưa, họ bàng hoàng thấy xung quanh là cánh đồng xanh mướt, không còn núi rừng. Họ đã đi xa cách Tà Khống mấy trăm cây số. Từ đó, không có dịp trở lại đất Lào, Hoan ôm theo mối ân hận là không gặp lại được Manivon.

Người dân đến thăm “ông già Biển Hồ” dịp Tết.
Người dân đến thăm “ông già Biển Hồ” dịp Tết.

Mối tình đặc biệt nhất đối với ông Hoan là người con gái tên En sống tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. En có mái tóc vàng dễ thương, đẹp như một bông hoa của núi rừng khiến bất kỳ chàng trai nào ngắm nhìn cũng phải ngẩn ngơ. Ngoài sắc đẹp trời cho, En còn là cô gái hát hay và có đôi tay khéo léo, biết thêu thùa, đan lát. Một ngày, người thiếu nữ ấy khoác lên mình bộ đồ truyền thống của người Jrai và đứng chờ trước nhà ông Hoan. Lúc này, Hoan cầm tay En và nói: “Tôi chuẩn bị đi tu, ở đó xa lắm, En không tới được đâu. Tôi cũng không đến đây nữa đâu. Kheo yêu En và muốn ở gần En đấy”. Thì ra, ông biết người đàn ông rất say mê En là một người bạn mình và ông đã tìm cách để tác hợp cho họ.

Ngồi kể chuyện tình, đôi mắt ông già Biển Hồ thoảng chút khói sương bảng làng. Rồi như bất chợt nghĩ đến tương lai, ông thảng thốt: “Tôi đang xin chính quyền sở tại thành lập một đội bảo vệ cứu nạn Biển Hồ để cứu và vớt xác người. Sau khi thực hiện xong việc này, tôi sẽ lên núi Tiên Sơn (một ngọn núi hùng vĩ của Tây Nguyên) để ở ẩn. Giờ mình ở tuổi xế chiều rồi cũng mong có giây phút thảnh thơi, đọc sách, niệm Phật và nghĩ ngẫm về cuộc đời…”.

Vinh dự nhận giải thưởng Kova

Năm 2011, ông Quách Ngọc Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký tặng. Đây là giải thưởng tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao cả giúp đỡ cộng đồng, qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Đặc biệt hơn, người dân Tây Nguyên còn đặt tên ông cho một ngọn núi hùng vĩ, nơi ông từng đánh Fulro và gắn bó với dân làng (núi Chư Hoan ở huyện Chư Păh, Gia Lai).

Vớt xác động vật mang đi chôn

Vài năm lại đây, ông Quách Trọng Hoan không chỉ vớt xác người mà còn vớt xác động vật và rác thải của những người dân vứt xuống Biển Hồ. Ông kể, khổ nhất là vào mỗi mùa dịch heo, cúm gà, vịt… người dân lại mang những thứ đó vứt xuống Biển Hồ. Có ngày họ vứt đến 30 con heo dịch bệnh chết, có con nặng cả tạ, vớt xong, ông Hoan mang chúng đi chôn. Làm việc đó có người bảo là “đồ khùng” nhưng ông chỉ cười, vì ông biết có đến hơn 80% người dân Pleiku hàng ngày vẫn dùng nước sạch lấy từ Biển Hồ.

Cao Tuân - Phùng Bình

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Thời sự - 20 phút trước

Nhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.

Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Giáo dục - 50 phút trước

Thêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.

Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc

Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.

Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù

Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù

Pháp luật - 2 giờ trước

Thông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.

Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc

Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc

Pháp luật - 2 giờ trước

Vào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.

Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11

Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11

Pháp luật - 2 giờ trước

Ngày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe

Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?

Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.

Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận

Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận

Giáo dục - 3 giờ trước

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.

Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường

Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.

Tin sáng 22/11: Thông tin mới nhất vụ 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích ở Huế; 3 nữ sinh đánh gãy đốt sống cổ bạn cùng trường bị đình chỉ học

Tin sáng 22/11: Thông tin mới nhất vụ 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích ở Huế; 3 nữ sinh đánh gãy đốt sống cổ bạn cùng trường bị đình chỉ học

Xã hội - 4 giờ trước

GĐXH - Xe chở rác rơi xuống sông được trục vớt thành công. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vẫn chưa có kết quả; hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số học sinh liên quan tới vụ nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng, gãy đốt sống cổ.

Top