Những kích ứng đổi thay thế giới
GiadinhNet - Biến động dữ dội, bất an, bất trắc, khó lường dường như đã trở thành thuộc tính của đời sống quốc tế từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, năm 2016 vừa qua đi đã để lại những dấu ấn thật khác thường, làm nảy sinh những câu hỏi lớn về tiến trình của thế giới đương đại, về những chuẩn mực xã hội và quan hệ quốc tế, về những giá trị mà nhân loại hướng tới, đấu tranh, bảo vệ và phát huy.
Chủ nghĩa dân túy thắng thế?
Cho dù nhìn dưới góc độ nào thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11-2016 vẫn được coi là sự kiện chấn động nhất trong năm qua. Nước Mỹ choáng váng, thế giới cũng choáng váng. Vẫn biết Mỹ là đất nước của những thái cực, của những mâu thuẫn, là nơi mà điều gì cũng có thể xẩy ra. Nhưng việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vẫn là điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Chưa bao giờ có một cuộc lật ngược thế cờ kinh khiếp như vậy. Nhìn sự thất sắc trên gương mặt của hàng chục triệu cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton khi theo dõi số phiếu cập nhật ở các bang, người ta càng thấy rõ điều đó. Đã có những thời điểm tưởng chừng như ông Donald Trump không còn một chút cơ may nào, mọi việc đã an bài, chỉ còn chờ ngày Hillary Clinton đăng quang để lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ có nữ tổng thống - dấu ấn đột khởi mãnh liệt không kém gì lần đầu tiên người Mỹ chọn Barack Obama, một người da màu làm ông chủ Nhà Trắng cách đây 8 năm.
Như chiếc gương phản chiếu bức tranh của xã hội Mỹ đương đại, cuộc bầu cử tổng thống 2016 đã cho người ta nhìn sâu hơn vào nội tình Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thấy rõ hơn những vấn đề cực kỳ nan giải mà đất nước khổng lồ này đang phải đương đầu. 8 năm trước đây, Barack Obama - vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ- đã thắng cử một cách ngoạn mục. Đó là một cuộc đổi thay chưa từng thấy ở một đất nước mà tệ phân biệt chủng tộc đã gây ra biết bao chướng họa và tàn dư của nó đến nay vẫn còn dai dẳng. Ông Barack Obama thắng cử trước hết nhờ lời hứa đặc biệt được thể hiện như một cam kết lịch sử: Cần và có thể thay đổi nước Mỹ!
Nhưng thay đổi nước Mỹ còn khó hơn cả việc dời non lấp biển. 8 năm đã trôi qua, “giấc mơ Mỹ” vẫn cứ mãi dang dở. Cho dù nước Mỹ đã đạt được những thành quả đáng kể cả về đối nội và đối ngoại trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhưng trong lòng xã hội Mỹ vẫn đang chất chứa biết bao bức xúc, mâu thuẫn. Một bộ phận lớn người Mỹ vẫn cảm thấy thất vọng và lại đòi hỏi phải có sự đổi thay. Có thể họ không đặt quá nhiều niềm tin vào ông Donald Trump nhưng họ không muốn thực trạng hiện thời kéo dài thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa của đảng Dân chủ. Như trong những mạch ngầm chuyển động lạ kỳ, đám đông khổng lồ im lặng này đã lên tiếng mạnh mẽ bằng lá phiếu của mình. Và đó là lúc ông Donald Trump được hưởng lợi. Chủ nghĩa dân túy đã thắng thế trong trận đấu sống mái này! Có người đã phân tích rằng, người đàn ông 70 tuổi, tóc trắng, lừng danh trong giới kinh doanh và quen thuộc trong các chương trình truyền hình thực tế, với những phát ngôn gây sốc này, không chỉ đã quật ngã đối thủ trực tiếp Hillary Clinton mà còn đánh bại cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vì nhiều nhân vật quan trọng của chính đảng Con Voi đã từng tuyên bố không ủng hộ Donald Trump.
Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là” Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ảnh: T.L
Khi tranh cử, ông Trump đã đưa ra không ít tuyên bố trái ngược với chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Obama. Trong bầu không khí tranh cử bị đốt nóng, tâm lý cử tri dễ bị xáo trộn, những ngôn từ “châm lửa”này đã tác động mạnh đến những cử tri Mỹ đang chối bỏ thực tại và mong đợi sự đổi thay. Bây giờ, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống, nhưng nước Mỹ thì vẫn đang chập chờn trước trước những câu hỏi lớn. Nước Mỹ sẽ ra sao và thế giới sẽ thế nào dưới triều đại Donald Trump?
Có người đặt câu hỏi: Ông Trump là tổng thống thứ 45 hay là “giám đốc điều hành” nước Mỹ? Khi khói bụi của cuộc tranh cử dữ dằn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã lắng xuống, giờ đây không còn nhiều người tin rằng một khi đã là tổng thống, ông Trump sẽ làm đúng hết mọi điều ông đã nói. Trên thực tế, người ta đã ghi nhận khá nhiều điều chỉnh ngôn từ của ông sau khi đắc cử. Chưa từng một ngày tham gia chính trường, vừa bước vào chính trường là chạy đua ngay vào Nhà Trắng, Donald Trump quả thực là một con người khác thường. Và rồi, giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng những cách thức “vô tiền khoáng hậu”, thật không có gì khó hiểu khi ông được tờ Thời đại (Times) chọn là nhân vật của năm. Tạp chí nổi tiếng này chính là một “ông lớn” nằm trong đội ngũ báo chí và truyền thông khổng lồ vốn đã nhất tề phản đối ông Trump, ủng hộ bà Hillary trong quá trình tranh cử. Chưa bao giờ truyền thông Mỹ trở thành nạn nhân của chính mình và bị giáng một đòn ê chề như vậy.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã một lần nữa cho thấy rõ thêm sự phân cực, phân hoá ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ. Đó không chỉ là sự đối chọi truyền kiếp giữa đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ. Đó còn là sự phân tuyến trong cử tri Mỹ khi số phiếu phổ thông mà bà Hillary đạt được còn nhiều hơn ông Trump tới 2,6 triệu phiếu. Vì thế, khi chọn ông Trump là nhân vật của năm, tờ Thời đại không quên nhấn mạnh: “Donald Trump là tổng thống của một nước Mỹ chia rẽ”. Đúng là đã có một nửa nước Mỹ vì thất vọng với thực tại mà quay sang bỏ phiếu cho ông Trump. Còn bây giờ, lại có một nửa nước Mỹ chưa thể nguôi ngoai, chưa thể vượt qua nỗi buồn tê tái vì bà Hilary thất cử. Đoàn kết và thống nhất một nước Mỹ đang mang trong mình nhiều uẩn khúc, mâu thuẫn và xung đột như thế hiển nhiên là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và đầy thách đố đối với một người vừa bước chân vào chính trường như ông Trump.
Brexit và một châu Âu rối bời
Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: dòng thác toàn cầu hóa càng mạnh, thế giới càng hội nhập sâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt.
Đang phải căng sức đương đầu với cơn bão nợ công thì châu Âu phải đối mặt với dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh và xung đột từ các nước như Iraq, Syria, Libia, Afganistan…Đúng lúc hai thảm cảnh nợ công và người tị nạn đang làm cho châu Âu điêu đứng thì nước Anh - một cường quốc của lục địa già - quyết định rời bỏ EU sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016. Cuộc thoái lui tai hại này của nước Anh đã giáng một đòn nặng nề vào những nỗ lực đưa con tàu EU ra khỏi bão tố vào thời điểm gay go nhất.
Từ mấy chục năm nay, bên trong cánh cửa của “ngôi nhà chung”, châu Âu vẫn chưa ra khỏi cuộc tranh cãi triền miên về những vấn đề nội bộ của mình - thể chế, trách nhiệm và bước đi “ nhất thể hóa”. Bây giờ lại xuất hiện thêm những vấn đề mới nóng bỏng và nguy nan hơn. Dù đã không biết bao nhiêu lần “chỉnh đốn” và “lên dây cót”củng cố, nhưng châu Âu vẫn tỏ ra mong manh trước các cuộc tấn công khủng bố với những “lỗ hổng chết người” về an ninh. Ký ức châu Âu sẽ không bao giờ phai mờ những vụ khủng bố kinh hoàng theo những cách thức rất ghê sợ và rất khác nhau: các cuộc đánh bom liên hoàn tại các ga tàu điện ngầm của Anh và Tây Ban Nha mấy năm trước; các vụ đâm chém người bằng dao, bằng rìu ở Đức gần đây; vụ bọn khủng bố lao xe tải hạng nặng tàn sát người hàng loạt, khiến 87 người thiệt mạng ở Nice (Pháp) tháng 7- 2016 và mới đây nhất, ngày 19/12/2016, một chiếc xe tải 25 tấn lao lên vỉa hè đâm thẳng vào đám đông tại khu chợ Giáng sinh ở Thủ đô của nước Đức làm 12 người thiệt mạng, 48 người bị thương… Các cuộc tấn công khủng bố này hầu hết do các phần tử cực đoan bị nhiễm độc tư tưởng của IS gây ra, trong đó có cả những tên khủng bố trà trộn trong dòng người tị nạn. Điều này làm cho chính sách tiếp nhận người nhập cư có tính nhân văn của bà Thủ tướng Đức Merkel bị công kích dữ dội.
Từ nhiều năm nay, nước Anh đã rập rình muốn rời khỏi EU - một cộng đồng chung mà người Anh cho rằng họ chẳng được lợi lộc gì lắm trong khi lại phải gánh chịu bao thiệt thòi, rắc rối. Việc phải tiếp nhận người nhập cư “theo chỉ tiêu phân bổ” được coi như một trách nhiệm nhân đạo của nước thành viên chủ chốt của EU, và đây chính là thêm một tác nhân nữa khiến người Anh quyết dứt áo ra đi.
Điều gì đang de dọa châu Âu? Rõ ràng, vào lúc này, nguy cơ khủng bố, dòng người tị nạn không dứt dẫn đến những thảm họa nhân đạo, sự lệch pha và hội nhập khó khăn của một số thành viên mới và yếu…là những vấn đề nghiêm trọng đang làm châu Âu rã rời. Những giá trị mà châu Âu theo đuổi đang bị thách thức và lung lay. Việc theo đuổi những giá trị đó không cho phép EU ngoảnh mặt thờ ơ trước dòng người tị nạn đang bị đẩy vào cảnh khốn cùng tuyệt vọng, nhưng nếu tiếp nhận thì vấn đề nan giải không chỉ là tài chính mà có thể còn nảy sinh biết bao hậu họa, trong đó có cả nguy cơ bọn khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn để tới hủy diệt các nước châu Âu từ bên trong. Sau Vương quốc Anh, một số nước châu Âu khác như Iceland, Thụy Sỹ…cũng đang rục rịnh “li khai” EU. Sự kiện ông Trump thắng cử ở Mỹ đang kích thích các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy khi hai cuộc bầu cử ở Pháp và Đức - hai quốc gia lớn nhất, giữ vai trò đầu tàu EU - đang đến gần.
Cục diện mới hay thời kỳ “hỗn mang” mới?
Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là” Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cho dù ai làm tổng thống thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những câu hỏi lớn sau đây: Mỹ sẽ vẫn đóng “vai trò lãnh đạo”, là “người đặt chương trình nghi sự” cho cả thế giới như Mỹ vẫn luôn đòi hỏi kể từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay? Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài như siêu cường duy nhất, hay có xu hướng co về bên trong khi ông tuyên bố ” Tôi sẽ chăm lo cho nước Mỹ trước khi lo cho những nước khác trên thế giới”? Là “minh chủ “ của phương Tây, liệu Mỹ có giảm bớt vai trò đối với NATO để bớt phải chi tiêu tiền bạc?
Ứng xử với Trung Quốc-quốc gia phương Đông khổng lồ và khó lường này luôn là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ. Liêu ông Trump có thực sự thi hành chính sách cứng rắn với Trung Quốc không chỉ về kinh tế- thương mại mà còn về quân sự - an ninh khi ông không ngần ngại điện đàm với người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau khi thắng cử, tỏ ý “băn khoăn” về chính sách “một nước Trung Quốc”, thẳng thừng phê phán hành động của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông? Vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn tự hành (UUV) của Mỹ ở Biển Đông, rồi buộc phải trả lại sau khi bị phía Mỹ “làm căng”, nhất là khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp” UUV và nói rằng “ cứ để họ giữ lấy” được coi là cú nắn gân đầu tiên giữa hai cường quốc sau khi ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Liệu nước Mỹ sẽ còn tiếp tục chính sách “xoay trục” về châu Á- Thái Bình Dương như dưới thời Tổng thống B. Obama? Liệu ông Trump có quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) như đã tuyên bố?
Một cục diện quốc tế mới đang manh nha, hay đây là một thời kỳ “hỗn mang” được bao phủ bởi một màn sương mù khó xác định? Không chỉ Trung Quốc, mà các cường quốc khác cũng đang ngấm ngầm đặt Mỹ ở vị trí trung tâm trong chiến lược đối ngoại của họ như là một đối thủ trực tiếp và lâu dài. Nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống V. Putin, đang vươn dậy tìm lại vị thế của mình như một cường quốc thế giới. Liệu ông Trump sẽ có những biện pháp đưa quan hệ Nga - Mỹ ra khỏi thời kỳ đen tối nhất trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh do việc Nga thu hồi Crưm và hỗ trợ chính quyền Assad ở Syria? Liệu Mỹ sẽ “mềm mỏng” hơn với nước Nga của Putin như ông từng bộc lộ? Trong không gian của một cục diện chiến lược toàn cầu mới đang hình thành, người ta còn nhìn thấy bóng dáng của Nhật Bản cất công đi tìm cho mình một chiếc áo chính trị mới tương xứng với sức vóc của cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, và bóng dáng của Ấn Độ - đất nước hơn một tỷ người từ nhiều năm nay đang cựa mình bước ra khỏi không gian truyền thống cổ xưa của nền văn minh sông Hằng. Đó thực sự là những diễn viên lớn trên vũ đài quốc tế mà không một tổng thống Mỹ nào dám coi nhẹ.
Nước Mỹ đã lựa chọn người cầm lái quốc gia trong nhiệm kỳ đầy khó khăn, thách thức. Cử tri Mỹ đã đưa ra lời phán quyết. Là siêu cường duy nhất, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Mỹ có một ảnh hưởng toàn cầu có tính bao trùm . Cho dù Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng gờm, Nga đang vươn dậy với khát vọng cháy bỏng tìm lại bóng dáng siêu cường đã mất, nhưng trong những thập kỷ tới, Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh điều tiết và khống chế thế giới. Nếu nước Mỹ tìm thấy con đường tương hợp với con đường chung của toàn nhân loại thì chắc chắn quốc gia này sẽ có đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của thế giới. Đó là điều mà cộng đồng quốc tế, trong đó có nhóm nước ASEAN - một đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - đang chờ đợi từ những quyết sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Siêu cường Mỹ sống với phần còn lại của thế giới như thế nào vẫn là câu hỏi lớn nhất của thế giới đương đại.
Nước Mỹ có quyền hy vọng. Thế giới cũng có quyền hy vọng.
Hồ Quang Lợi
Giúp việc vứt chiếc đệm chứa hơn 1,3 tỷ đồng của cụ bà ra bãi rác
Tiêu điểm - 1 giờ trướcVài giờ sau khi nữ giúp việc vứt chiếc đệm ra bãi rác, cụ bà hơn 80 tuổi mới nhớ ra mình giấu hơn 1,3 tỷ đồng tiền mặt và trang sức trong đó.
Viễn cảnh đáng lo ngại phía sau ngôi làng búp bê kỳ quái tại Nhật Bản
Chuyện đó đây - 6 giờ trướcKhắp ngôi làng Ichinono của Nhật Bản được trang trí bởi đầy những con búp bê đáng yêu, nhưng người dân nơi đây lại đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm hơn bao giờ hết.
Có thể đưa con người lên sao Hỏa để sinh sống và tồn tại không?
Tiêu điểm - 17 giờ trướcGĐXH - Sao Hỏa được cho là hành tinh duy nhất có khả năng có sự sống bên ngoài Trái Đất, liệu đó có phải lý do con người lại bị Sao Hỏa mê hoặc đến vậy?
Giống gà biết bay quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có duy nhất ở một quốc gia
Tiêu điểm - 19 giờ trướcLoài gà này không chỉ quý hiếm mà còn sở hữu bộ lông rất đẹp và độc đáo.
Chồng trúng độc đắc hơn 16,4 tỷ đồng nhờ các con số ý nghĩa về vợ quá cố
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcNgười đàn ông có tên thân mật là "Big Money D" đã khiến cả thành phố xôn xao khi trúng giải độc đắc trị giá 650.000 USD (hơn 16,4 tỷ đồng) nhờ các con số ý nghĩa về vợ quá cố.
Phát hiện 2.500 đồng xu vương vãi trong ruộng hoang, người đàn ông gọi 1 cuộc điện thoại, nhận về hơn 100 tỷ đồng
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcMột khám phá bất ngờ trong lòng đất đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của người đàn ông này.
Tài khoản bỗng dưng nhận được 3,5 tỷ đồng không rõ nguồn gốc, người đàn ông lo bị lừa đảo, hoảng hốt cầu cứu cảnh sát ngay lập tức
Bốn phương - 1 ngày trướcMột số tiền lớn bất ngờ được chuyển đến khiến người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc vô cùng hoang mang.
Bí ẩn loài cá được tìm thấy sống giữa sa mạc Mỹ: Thọ tới hơn 100 tuổi, càng già càng khỏe
Tiêu điểm - 1 ngày trướcNhóm nghiên cứu phát hiện bằng chứng chứng minh chúng là một trong những loài cá nước ngọt sống lâu nhất thế giới.
Chân dung tỷ phú tiền số vừa chi 6 triệu USD mua ‘quả chuối dán tường’, từng là học trò của Jack Ma
Bốn phương - 1 ngày trướcVới ông, quả chuối dán tường là một “hiện tượng văn hóa kết nối thế giới nghệ thuật, meme và cộng đồng tiền số”.
Vì sao người giúp việc không thể thừa kế căn nhà trị giá 10 tỷ đồng được cụ ông di chúc lại dù hợp lệ?
Tiêu điểm - 2 ngày trướcGĐXH - Cảm động trước sự giúp đỡ của người giúp việc trong suốt thời gian đau ốm, cụ ông quyết định tặng lại căn nhà đang ở cho cô nhưng các con của cụ ông này quyết định đòi lại tài sản của gia đình từ người giúp việc.
Vì sao Isaac Newton và Albert Einstein đều cho rằng thời gian chỉ là 'ảo ảnh'?
Chuyện đó đâyThời gian từ lâu đã là một khái niệm mà con người suy ngẫm, trải nghiệm và coi trọng.