Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nước mắt cụ bà 70 tuổi mong chờ các con về đoàn tụ sau gần 30 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

Chủ nhật, 11:00 15/12/2013 | Xã hội

GiadinhNet - Suốt gần 30 năm trôi qua, chưa đêm nào bà Thỏ được một lần ngon giấc kể từ khi 2 cô con gái xinh xắn đang ở độ tuổi trăng rằm của bà bị một người phụ nữ lạ mặt dẫn sang bên kia biên giới rồi mất tích biền biệt.

Trong suốt chừng ấy năm, bà đi bộ hết huyện này, xã kia, thậm chí vào cả những nhà chứa có tiếng ở xứ người để dò hỏi thông tin về con gái, nhưng dường như mọi cố gắng đều vô vọng. Nước mắt cụ già 70 tuổi khóc thương, mong chờ ngày được đoàn tụ cùng các con gần như đã khô cạn. Nỗi đau chưa dừng lại với bà khi cậu con trai hiếu thảo bỗng mắc căn bệnh u não quái ác khiến đôi vai gầy lại thêm một lần trĩu nặng do phải chạy vạy tiền thuốc thang cho con. 
 
 
Nước mắt cụ bà 70 tuổi mong chờ các con về đoàn tụ sau gần 30 năm bị lừa bán sang Trung Quốc 1
 Bà Nguyễn Thị Thỏ. Ảnh T.G
 
Cả nhà bị lừa sang biên giới

Dẫu biết rằng ngày về của các con vẫn còn mờ mịt lắm, nhưng trong suốt gần 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Thỏ, ở thôn Cốc Tủm 1 (xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), vẫn nuôi hy vọng sẽ có một ngày bà và các con được đoàn tụ bên nhau. Chúng tôi đến thăm bà Thỏ khi những ánh nắng bình minh mới bắt đầu hé sáng. Trong căn nhà nhỏ "mưa tới mặt, nắng tới đầu", người đàn bà vẫn quần quật làm việc nhà, dọn dẹp sân cửa sau nhiều ngày lên bệnh viện chăm con mà không ai phụ giúp. Bà bảo: "Cuộc đời đối với tôi thật bất công quá, chồng thì mất sớm, một mình bìu ríu 3 con nhỏ đi lang bạt tứ xứ để kiếm miếng cơm manh áo mà giờ lại rơi vào cảnh như hiện giờ".
 
Theo bà Thỏ, quê gốc của bà không phải ở Lào Cai mà là ở Hậu Lộc (Thanh Hóa). 30 năm về trước, vì cuộc sống ở quê nghèo khó quanh năm, chồng bà là ông Trịnh Văn An lại mất trong một vụ tai nạn giao thông nên bà phải dắt các con nhỏ rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa. Trong chuyến tàu định mệnh ấy, bà đi mà như không hề biết sẽ dừng nơi đâu, trong suy nghĩ của bà lúc ấy xuống đâu cũng vậy, cũng lạ lẫm như bao vùng miền khác, vì từ bé đến lớn bà chưa bao giờ rời khỏi cái huyện Hậu Lộc bé nhỏ mà gió sương ấy. Đoàn tàu gầm rú rồi dừng lại tại ga Bảo Thắng, bà mới bế các con xuống cùng và quyết định sẽ dừng chân tại đây.

Thương cho 4 mẹ con lủi thủi tìm nơi làm ăn, người dân ở Phong Niên cũng hết mực bao bọc giúp đỡ, họ tạo đủ mọi điều kiện để giúp mấy mẹ con bà có được cái ăn. "Thời đó ruộng không nhiều, nên mọi người ở đây đã giao cho tôi ngọn đồi Tà Sinh làm nơi trồng lúa nương, trồng Sắn. Mặc dù "đầu tắt mặt tối" suốt ngày, nhưng vì nhà nhiều người quá cũng chẳng đủ ăn, bởi thế mới phải chạy đôn chạy đáo làm nghề khác để kiếm sống và rồi có kết cục như ngày hôm nay đây". Nói xong bà Thỏ khóc nức nở.

Ngoài thời gian lên nương, bà lại cùng 2 cô con gái đi dò hỏi xem ở đâu có việc để nhận làm thêm, dù việc nặng hay nhẹ bà vẫn vui vẻ nhận lời. Bởi thế, túp lều nhỏ dựng chênh vênh trên đỉnh núi thi thoảng vẫn có những tiếng cười vui vẻ những khi chiều xuống, uy tín của 4 mẹ con cũng được mọi người chú ý nên thường gọi khi có việc cần. Thế nhưng, cũng chính bởi tính nết thẳng thắn, cả tin, nên khi có người lạ đến nói là có việc làm nhẹ nhàng, lại kiếm được nhiều tiền thì cả 4 mẹ con cũng không hề nghi ngờ và những bi kịch cũng bắt đầu từ đây.

Bà Thỏ cho biết: "Lúc ấy có một người đàn bà trạc tuổi 30 đến từng nhà để hỏi xem có ai muốn đi làm thuê cho bà thì theo bà sang bên Mường Khương để làm, công việc cũng nhàn nhã, hằng ngày chỉ việc tưới rau cải thôi, còn cơm bà ấy nuôi hết, hàng tháng mỗi người lại có 1 triệu đồng để sau này mang về. Thời ấy tiền có giá trị lắm, nên chúng tôi mới đồng ý đi theo bà ấy". "Trước khi chúng tôi đi, bà ấy còn mua 2 kg cá mắm mang theo và dặn phải mang cả gạo đi để ăn dần vì đường xá từ đây sang đó rất xa. Thế là cả 4 mẹ con đi cùng bà ta theo đường rừng đi hết 3 ngày 2 đêm thì đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ở nơi đó tôi toàn nghe thấy người ta nói tiếng Trung Quốc nên cũng chả hiểu gì hết. Còn đang bỡ ngỡ thì bà ấy mới bảo tôi và con trai đứng chờ để bà ta dẫn 2 cháu gái đi mua quần áo rồi quay lại ngay. Hai mẹ con tôi đứng đó ngơ ngác cả buổi chiều cũng không thấy bà ấy dẫn con mình về, mới ngỡ ra mình đã bị lừa", bà Thỏ chua xót nhớ lại.
 
Hơn 10.000 ngày tìm con ở xứ người

Không biết tiếng Trung, không quen ai, bà và con trai lúc đó mới 7 tuổi dắt nhau đi tìm con khắp những ngõ nghách ở vùng này mà vẫn biệt tăm. Những đêm trời tối thì bạ đâu ngủ đấy, có hôm nằm ở gầm cầu, hôm thì ở những bãi rác bốc mùi hôi thối. Đứa con trai út sau những đêm lạnh thấu xương bị cảm nặng, may thay khi bế con xin ở nhờ qua đêm thì được một người đàn bà chấp nhận. Tuy bất đồng về ngôn ngữ, nhưng thấy thương cảnh 2 mẹ con lưu lạc, cụ bà 90 tuổi sống độc thân tên Tò Ti đã cho 2 mẹ con ở nhờ trong suốt thời gian bà có được cơ hội về nước.

Theo lời kể của bà Thỏ, thì bà Tò Ti vốn là người Vân Nam, vì con cái đối xử tệ bạc nên hai vợ chồng bà đã quyết định ra ở riêng, nhưng được vài năm thì ông chồng mất, bà sống lủi thủi một mình ở đây cho đến khi hai mẹ con bà Thỏ tìm đến xin ở cùng. Đều do hoàn cảnh đưa đẩy, nên bà Tò Ti cũng thấu hiểu được những khó khăn của hai mẹ con bà Thỏ đang gặp phải. Hằng ngày, ngoài những việc vặt trong nhà, bà Thỏ còn giúp đỡ bà Tò Ti trồng rau, cho lợn gà ăn, cậu bé Nguyễn Văn Ba (con trai út bà Thỏ- PV) thì cứ mỗi sáng lại xua đàn trâu lên trên những quả đồi trọc gần đó ăn cỏ đến tối lại đuổi về.

Dần dà, hai mẹ con cũng hiểu và nói được tiếng Trung Quốc một cách ậm ẹ. "Bà ấy tốt lắm, có một lần thằng Ba mải chơi với mấy đứa trẻ Trung Quốc mà quên mất đàn trâu, về nhà nó không nói không rằng cứ khóc, nhưng bà Tò Ti cũng chẳng nói hay trách mắng gì 2 mẹ con, bà bảo "không sao đâu, sáng mai tìm là thấy mà", cả đêm tôi cứ thao thức lo lắng không ngủ được cũng may mà hôm sau lại tìm thấy đàn trâu lúc đó mới yên tâm. Rồi nhiều khi nhớ con gái, nửa đêm tôi nằm khóc, bà ấy nghe thấy còn an ủi tôi và bảo sẽ cho tiền để tìm con", bà Thỏ kể.

Sau khi nhận được ít tiền mà bà Tò Ti đưa, bà Thỏ tin tưởng gửi con trai tại đây để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm 2 cô con gái thất lạc. Đầu tiên bà tìm đến nơi mà ngày trước bà từng đứng chờ và rồi mất  con, bà hỏi những người dân nơi đây có thấy có hai cô con gái khoảng chừng 16, 17 tuổi người Việt Nam, từng qua đây hỏi mẹ con bà không? Và rằng họ có nhìn thấy hai cô thiếu nữ ở đâu đó trong chốn phồn hoa vui vẻ quanh đó không? Bà không nhớ đã từng đi bao nhiều quán hát, quán ăn chơi của người Trung Quốc ở cái tỉnh Vân Nam rộng lớn ấy, thậm chí những quán "lầu xanh" bà cũng không ngần ngại vào tìm. Trong những lần ấy,có lúc bà còn bị người ta đánh đập dã man. "Ngày ấy tôi cứ đi, cứ hỏi, tôi nhờ một người đàn ông là hàng xóm cạnh nhà bà Tò Ti dẫn đường vì sợ thất lạc, khi vào những nơi ăn chơi của bọn đàn ông thì tôi tự vào hỏi, có lần còn bị một tú bà hô hào người đến đánh tôi phải nhập viện rồi từ đó phải bỏ dở việc tìm kiếm con để về nhà", bà Thỏ tâm sự.

Trong suốt gần hai năm lang bạt ở đất người, không ngày nào bà không nghĩ đến việc sẽ phải tìm kiếm con, nhưng vì không có tiền, lại không biết nhiều tiếng Trung nên gần như không có hy vọng. Phần vì bà lại nghĩ có thể 2 cô con gái biết đâu đã trốn thoát khỏi bọn buôn người để về quê hương hiện đang chờ bà ở nhà. Sau nhiều lần suy nghĩ, bà tính chuyện cùng con trai trở về Việt Nam, thế nhưng tất cả giấy tờ tùy thân đều để tại quê nhà nên việc trở về bỗng trở nên vô vọng. Cho đến một ngày khi hai mẹ con đang nói chuyện ở ven đường thì bỗng gặp một người Việt Nam tốt bụng qua đường. Trong cuộc trò chuyện, bà Thỏ cũng đề cập đến hoàn cảnh và muốn được trở về quê hương và người đàn ông quê ở Hà Nội này đã vui vẻ giúp đỡ và nhờ người đưa bà về đến tận nhà. 
 
Chưa bao giờ từ bỏ ý định tìm con

Bà Thỏ bảo, lúc từ Trung Quốc về bà chạy khắp làng để hỏi han về tin con mình nhưng đều vô vọng, những đứa con của bà không hề báo tin hay trở về nhà tìm mẹ, nếu lúc đó chỉ cần một lá thư báo bình an thôi có lẽ với bà cũng là một niềm khích lệ lớn lao. Từ đó bà sống lặng lẽ, bà trở nên kiệm lời với mọi người hơn, nhưng thi thoảng bà vẫn xin đi làm thuê vì vẫn còn phải nuôi nấng và căhm sóc cậu bé Ba.
Với bà, cậu bé Ba đã trở thành động lực giúp bà tiếp tục sống, tiếp tục nuôi cái mong ước mà với bà là quá xa xỉ, mong ước gặp được con.
 
Bà Thỏ cho biết: "Sau khi trở về quê hương, tôi đã làm ngày làm đêm để nuôi thằng Ba đi học, cũng chỉ với mong muốn nó lớn khôn lại tiếp tục đi tìm chị giúp mẹ. Bao nhiêu năm qua, không ngày nào tôi ngủ được ngon giấc, có lúc tôi mơ thấy 2 đứa con tôi bị bọn tú bà Trung Quốc bắt tiếp khách dã man, thậm chí chúng còn đánh đập thậm tệ, sau khi tỉnh dậy đã thấy nước mắt chảy ướt hết chăn rồi". 

Sau những giấc mơ kinh hoàng ấy, bà như điên loạn bỏ nhà đi cầu xin các huyện, các xã giáp biên giới để giúp đỡ, nhiều lúc bà một mình men theo con đường mà ngày xưa kẻ lừa đảo đã nhẫn tâm đưa 4 mẹ con bà vượt biên. Nhưng khi đến được huyện Mường Khương, bà đã không thể nhớ nổi con đường rừng ngày trước bởi giờ đây nó đã hoàn toàn đổi khác. Không có hy vọng bà lại đến UBND huyện Mường Khương để nhờ giúp đỡ, nhưng mọi nỗ lực dường như đều vô vọng.

Sau mười năm nhờ người tìm kiếm con không thành, bà Thỏ lại lần tìm con theo hướng khác, bà đi hỏi han và sưu tập tên tuổi của những người phụ nữ từng bị bọn buôn người bắt sang bên kia biên giới trốn thoát được về và những người đã lập gia đình ở bên Trung Quốc… Tất cả những mối quan hệ bà có thể nhờ cậy để hỏi bà đều làm, có trường hợp gần như đã tìm thấy được con nhưng rồi sau lại hụt hẫng ra về.

Chuyện là khi ấy bà miêu tả con gái mình cho một chị tên N.T.D (người từng một lần bị bán sang bên kia biên giới trốn thoát về- PV) nghe, thì chị này cho biết, cũng có hai cô gái ở bên kia từng kể với chị về số phận của họ có vẻ giống như trường hợp của bà Thỏ. Vui mừng khôn siết, bà tưởng như sẽ gặp được con gái sau gần 10 năm lưu lạc nên bà đã chạy vạy hàng xóm vay tiền để nhờ chị D cùng làm thủ tục sang bên kia tìm con. Nhưng rồi khi nhìn thấy 2 cô con gái xinh xắn kia không phải con mình, bà lại lủi thủi trở về trong hụt hẫng.
 
Gánh nặng ngàn cân trên đôi vai mẹ già

Hơn 10.000 ngày đêm thấp thỏm mong được đoàn tụ cùng con, gần như trong suốt quãng thời gian ấy bà Thỏ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thôi tìm kiếm các con, cho dù có một thông tin nhỏ nhất bà cũng đều nuôi hy vọng có ngày cả gia đình sẽ được trùng phùng. Cậu con trai Nguyễn Văn Ba thấy mẹ già làm lụng vất vả nên khi học hết lớp 9 cũng bỏ xứ đi làm thuê những mong mẹ sẽ có được cuộc sống tốt. Chàng thanh niên hiếu thảo đã lang bạt hết đất Hải Dương lại sang Hà Nội làm công nhân để gom góp chút tiền ít ỏi hàng tháng gửi về cho mẹ trang trải cuộc sống, trả nợ nần và tiếp tục đi tìm các chị.

Trong thời gian gần 10 năm trời đi làm thuê, Ba từng hứa với chính bản thân mình là cả cuộc đời này sẽ không lấy vợ để được bên cạnh chăm sóc mẹ, nhưng nào ngờ căn bệnh quái ác đã khiến em dường như gục ngã. Hơn 4 năm trời nằm trên giường bệnh điều trị căn bệnh u não đã khiến mẹ già lại một lần nữa phải ghánh nặng trên vai số nợ nần chồng chất. Nhiều lúc tỉnh táo nằm trên giường bệnh em chỉ biết khóc vì thương mẹ, thương cho số phận tủi hờn của người đàn bà cả cuộc đời chỉ sống vì con cái chưa một lần được vui vẻ.

Trong giây phút vẫn còn tỉnh táo trên giường bệnh, Ba tâm sự với chúng tôi: "Từ ngày các chị bị người ta lừa sang bên kia biên giới chưa bao giờ tôi thấy mẹ mình cười bao giờ các anh ạ, có lúc nửa đêm nghe thấy mẹ khóc mà lòng tôi quặn thắt, tôi hiểu không bao giờ mẹ có thể quên được các chị. Tôi lúc nào cũng suy nghĩ một cách đơn giản thôi, đó là làm được mẹ vui hàng ngày, nhưng giờ lại đến nông nỗi này, không hiểu chúng tôi làm gì có lỗi mà ông trời chừng phạt mẹ con tôi nặng nề quá". Chia tay bà, tôi vẫn nhớ câu nói đầy nước mắt xoáy sâu vào tâm trạng người viết: "Ước muốn của tôi duy nhất giờ đây là gặp được các con, thằng Ba khỏe mạnh, chúng tôi lại được đoàn tụ và đầy ắp tiếng cười như xưa, chỉ một lần thôi… là tôi mãn nguyện rồi".

Thương cho số phận hẩm hiu của bà Thỏ, các cấp chính quyền ở xã cũng đã hết mực giúp đỡ động viên bà những lúc cùng cực không lối thoát. Ông Đặng Xuân Hời - Bí thư đảng ủy xã Phong Niên cũng đã nhiều lần đi khắp nơi dò hỏi bạn bè và các mối quan hệ về thông tin về 2 cô con gái của bà Thỏ nhưng hầu như không hề có chút tin tức. "Sống gần như hơn nửa cuộc đời và đã công tác ở nhiều xã khác nhau, nhưng bà Thỏ có lẽ là trường hợp bi ai nhất mà tôi từng gặp, không những mất con vì bọn lừa đảo mà còn quá éo le vì đứa con trai duy nhất lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Vừa qua, tôi phải vận động mãi mới được số tiền hỗ trợ là 30 triệu đồng để bà ấy chữa bệnh cho con, nhưng có lẽ số tiền đó vẫn quá ít ỏi đối với hoàn cảnh của bà Thỏ, tôi đã cố hết sức nhưng có lẽ chỉ được từng vậy", ông Hời cho biết.      
 
 
Nước mắt cụ bà 70 tuổi mong chờ các con về đoàn tụ sau gần 30 năm bị lừa bán sang Trung Quốc 2

Chị Trần Thị Hương hàng xóm sát vách bà Thỏ. Ảnh T.G

Chị Trần Thị Hương hàng xóm sát vách bà Thỏ cho biết: "Từ ngày hai cháu Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Thị Hoa bị người ta bắt sang bên kia, ngày nào tôi cũng thấy bà ấy thấp thỏm mong chờ điều gì đó, cuộc sống vất vả lại nhớ con nên hầu như ngày nào bà ấy cũng đóng cửa để đi hỏi han hoặc đi làm thuê, làm mướn. Có lúc tâm sự, bà ấy bảo cuộc đời đày đọa bà thế này đã là quá đủ rồi, bà chỉ hy vọng ước nguyện cuối cùng là được gặp con, chỉ cần một lần". "Hầu như ngày nào thấy bà ấy ở nhà tôi cũng sang nói chuyện cùng, tôi hay kể những chuyện vui thường ngày cho bà nghe nhưng rất hiếm khi thấy bà ấy nhoẻn miệng cười, gần như nỗi đau mất con đã lấy mất nụ cười của bà ấy. Nếu như nguyện ước ấy không thành thì chắc đến cuối đời bà ấy không nhắm mắt mất, đơn giản vì tài sản tinh thần duy nhất của cả cuộc đời bà chỉ có con cái thôi mà", chị Hương chia sẻ thêm.
 
Đức Họ
tuancuoituan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn

Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,

Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn

Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.

Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Thời sự - 2 giờ trước

Nhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.

Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Giáo dục - 3 giờ trước

Thêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.

Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc

Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.

Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù

Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù

Pháp luật - 5 giờ trước

Thông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.

Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc

Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc

Pháp luật - 5 giờ trước

Vào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.

Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11

Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11

Pháp luật - 5 giờ trước

Ngày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe

Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?

Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.

Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận

Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận

Giáo dục - 6 giờ trước

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.

Top