Mặc dù già hoá dân số tượng trưng cho thành công về các thành tựu kinh tế, xã hội, y tế và kiểm soát bệnh tật nhưng nó cũng đồng thời cho thấy những thách thức lớn. Già hóa dân số tạo sức ép lên hệ thống lương hưu và bảo hiểm cũng như thách thức các mô hình trợ giúp xã hội. Nó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, di cư, các dạng bệnh tật cũng như các giả định cơ bản về sự gia tăng người cao tuổi. Sử dụng số liệu của Liên Hợp Quốc, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ và phòng thống kê thuộc Cộng đồng Châu âu cũng như các cuộc điều tra khu vực và các tạp chí khoa học, Viện Gìa hoá Quốc gia Hoa Kỳ với sự đóng góp của các nhà nhân khẩu học, kinh tế học và các chuyên gia về già hoá đã xác định 9 xu hướng bức thiết về vấn đề già hoá toàn cầu. Đây là một quan điểm về các thách thức và cơ hội cho thấy rõ ràng tại sao già hoá dân số lại mang tính quan trọng tất yếu.
Xu hướng 1: Dân số cao tuổi
Năm 2030, dân số cao tuổi sẽ đạt 1 tỷ người, chiếm 13% tổng dân số thế giới. Mặc dù tỷ lệ dân số cao tuổi đạt mức cao nhất ở các quốc gia phát triển nhưng tốc độ tăng nhanh nhất lại diễn ra ở các nước kém phát triển. Giai đoạn 2006-2030, số người cao tuổi tại các quốc gia kém phát triển dự kiến sẽ tăng 140% so với 51% ở các quốc gia phát triển. Gìa hoá dân số bị chi phối bởi mức sinh giảm và tuổi thọ cũng như sức khoẻ nâng cao. Tại các quốc gia phát triển, mức sinh giảm bắt đầu diễn ra vào những năm đầu thập kỷ 90. Sự phát triển nhân khẩu học trong 20 năm trở lại đây là tốc độ giảm mức sinh tại nhiều quốc gia kém phát triển. Ví dụ, năm 2006, tỷ lệ sinh tổng cộng bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ sinh thay thế tại 44 quốc gia kém phát triển. Hầu hết các quốc gia phát triển đã có vài thập kỷ để thích ứng với những thay đổi trong cấu trúc tuổi. Ngược lại, nhiều quốc gia kém phát triển đang trải qua sự gia tăng nhanh cả số lượng lẫn tỷ lệ người cao tuổi chỉ trong khoảng thời gian 1 thế hệ. Đối phó lại với "áp lực của già hoá", các thể chế cần phải thích ứng nhanh để phù hợp với cấu trúc tuổi mới. Một số quốc gia kém phát triển sẽ bị sức ép trong việc ứng phó với các vấn đề như trợ giúp xã hội cũng như phân phối nguồn lực mà không có tăng trưởng kinh tế kèm theo như các xã hội già hoá phương Tây. Nói cách khác, một số quốc gia sẽ già hoá trước khi giầu có.
Xu hướng 2: Tăng tuổi thọ
Các khu vực kém phát triển trên thế giới đã trải qua sự tăng nhanh về tuổi thọ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, ngoại trừ một số ngoại lệ tại khu vực Châu Mỹ La tinh và gần đây là Châu Phi, do ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS. Tốc độ diễn ra nhanh nhất tại khu vực Đông á nơi tuổi thọ tăng từ dưới 45 tuổi 1950 lên trên 72 tuổi hiện nay. Thay đổi về tuổi thọ phản ánh sự chuyển đổi sức khoẻ diễn ra trên toàn thế giới ở các mức độ khác nhau. Sự gia tăng khả năng sống đặt ra câu hỏi về giới hạn và tiềm năng về tuổi thọ của con người. Mặc dù chúng ta có thể khẳng định 1 điều rằng tuổi thọ phải đạt tới 1 ngưỡng giới hạn nhất định nhưng các dữ liệu về kỳ vọng sống của nữ giới từ 1840 đến 2000 cho thấy sự tốc độ tăng 3 tháng/năm. Bên cạnh đó, các quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thay đổi theo thời gian, năm 1840 là Thuỵ Điển và ngày nay là Nhật Bản. Các nghiên cứu hiện nay cũng đặt ra 1 câu hỏi khác về tương lai của sự sống. Các nhà nghiên cứu có thể kéo dài tuổi thọ của côn trùng và động vật thông qua việc ghép gen, hạn chế lượng calo và chế độ ăn uống và điều này có thể thực hiện ở người.
Xu hướng 3: Tăng số lượng người cao tuổi
Số người cao tuổi chiếm 7% dân số từ 65 tuổi trở lên toàn thế giới: 10% tại các quốc gia phát triển và 5% tại các quốc gia kém phát triển. Hơn một nửa số người cao tuổi nhất sống tại 6 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Nga. Tại nhiều quốc gia, người cao tuổi có tỷ lệ tăng nhanh nhất trong tổng dân số. ở mức độ toàn cầu, dân số từ 85 tuổi trở lên dự đoán sẽ tăng 151% trong giai đoạn 2005-2030 so với mức tăng 104% đối với dân số từ 65 tuổi trở lên và mức tăng 21% dân số dưới 65 tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ rất khác nhau theo quốc gia. Năm 2030, tỷ lệ này có thể không thay đổi bởi thế hệ bùng nổ dân số sẽ tiếp tục bước vào ngưỡng 65 tuổi trở lên. Tại Châu âu, một số quốc gia sẽ trải qua sự gia tăng ổn định về số người cao tuổi trong khi các quốc gia khác sẽ chứng kiến sự gia tăng trong suốt 2 thập kỷ tới và sau đó sẽ giảm tiếp. Hầu hết các quốc gia kém phát triển sẽ trải qua sự gia tăng dài hạn về dân số từ 85 tuổi trở lên. Bởi tuổi thọ gia tăng và số lượng người già tăng lên, các gia đình 4 thế hệ trở nên phổ biến hơn. Mặc dù số người sống trên 100 tuổi chiếm phần nhỏ trong dân số của hầu hết các quốc gia tuy nhiên con số này lại đang tăng. Uớc tính số người từ 100 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi qua mỗi thập kỷ kể từ năm 1950 tại các quốc gia phát triển. Hơn nữa, số người trên 100 tuổi toàn cầu dự đoán sẽ tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2005-2030.
Xu hướng 4: Tăng gánh nặng đối với các bệnh không lây nhiễm
Năm 2002, theo ước tính, các căn bệnh lây nhiễm chiếm 85% gánh nặng về bệnh tật tại các quốc gia có thu nhập cao và một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với 44% gánh nặng bệnh tật tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Các căn bệnh không lây nhiễm chiếm phần nhiều trong gánh nặng bệnh tật tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình như mọi bệnh lây nhiễm, các điều kiện về sức khoẻ bà mẹ và dinh dưỡng. Năm 2030, theo dự tính, phạm vi của gánh nặng được cho là thuộc các căn bệnh không lây nhiễm tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình sẽ là 54% trong khi phạm vi được cho là các căn bệnh lây nhiễm giảm xuống 32%. Nếu chú ý vào các độ tuổi cao hơn, các căn bệnh không lây nhiễm chiếm 87% gánh nặng cho nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vấn đề cốt yếu của các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình là làm thế nào để huy động và phân bổ các nguồn lực để giải quyết các căn bệnh không lây nhiễm.
Xu hướng 5: Gìa hoá và suy giảm dân số
Dự đoán 20 quốc gia sẽ trải qua thời kỳ giảm dân số trong những thập kỷ tới. 9 quốc gia khác sẽ giảm ít nhất 1 triệu người trong cùng giai đoạn. Giảm dân số tại các quốc gia phát triển trước hết do mức sinh thấp. Ngược lại, các quốc gia kém phát triển đối mặt với nguy cơ giảm dân số đang trải qua giai đoạn mức chết tăng do HIV/AIDS. Tuổi thọ tại Nam Phi giảm từ 60 tuổi năm 1996 xuống còn 43 tuổi năm 2006 và hiện tại theo dự báo Nam Phi có thể mất gần 6 triệu người trong giai đoạn 2006-2030. Rõ ràng, việc đảo ngược xu hướng giảm dân số tại Nam Phi và các quốc gia bị ảnh hưởng khác sẽ phụ thuộc vào sự tiến triển của HIV/AIDS. Trong tốc độ giảm dân số nói chung, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách phải đặc biệt chú ý đến các thay đổi cụ thể theo tuổi trong dân số. Dân số trong độ tuổi lao động, là đối tượng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và hệ thống lương hưu đang thu hẹp cùng thời điểm với sự gia tăng dân số cao tuổi, là đối tượng không làm việc. Sự thay đổi trong cấu trúc tuổi được thấy ngày càng nhiều ở các quốc gia phát triển bao gồm cả những quốc gia không giảm dân số trong tương lai.
Xu hướng 6: Thay đổi cấu trúc gia đình
Hầu hết người cao tuổi ngày nay đều có con cái và nhiều người trong số họ có cháu chắt và vẫn còn anh chị em ruột. Tuy nhiên, tại các quốc gia có tỷ lệ sinh ở mức rất thấp, các thế hệ tương lai sẽ có ít con. Kết quả của xu hướng này cũng như xu hướng toàn cầu là mọi người sẽ có ít sự chăm sóc và giúp đỡ hơn từ phía gia đình khi họ về già. Tỷ lệ tử vong tiếp tục được cải thiện nên ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 50 hoặc 60 vẫn còn cha mẹ già hoặc cô chú. Mặc dù bức tranh về gia đình hạt nhân hoặc gia đình mở rộng vẫn là khuôn mẫu tại hầu hết các quốc gia nhưng hiện đang thay đổi tại nhiều nước. Trong số những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số ở phương Tây. Điều này phải ánh tỷ lệ cao về ly hôn, tái hôn, các mối quan hệ gia đình hỗn hợp và những người trưởng thành chưa bao giờ kết hôn hoặc tự nguyện không có con cái. Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng và các bà mẹ độc thân trì hoãn việc sinh con cho đến năm họ 30-40 tuổi. Xu hướng này có nhiều khía cạnh cụ thể liên quan đến vấn đề giới: Phụ nữ không kết hôn có ít khả năng hơn so với nam giới về tài sản tích luỹ và lương hưu sử dụng khi về già. Không con cái là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc chăm sóc nhưng vấn đề này được ít quan tâm. Tại các xã hội hiện đại, khoảng 20% phụ nữ không sinh con. Tỷ lệ phụ nữ không sinh con đang tăng ở Châu âu và Bắc Mỹ, Mỹ La tinh và Đông Nam á. Các nghiên cứu về đối tượng trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 39 cho thấy tại một số quốc gia, hơn 1/3 có xu hướng duy trì tình trạng không sinh con hoặc không chắc chắn về việc sinh con.
Số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sống độc thân đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại một số nước Châu âu, hơn 40% phụ nữ từ 65 tuổi trở lên sống độc thân. Thậm chí tại một số xã hội có truyền thống về việc cha mẹ già sống với con cái, ví dụ như Nhật Bản, việc thu xếp cuộc sống theo truyền thống đang trở nên ít phổ biến hơn. Trong quá khứ, sống độc thân khi về già thường được ví như sự cô lập xã hội hoặc sự ngăn cấm của gia đình. Tuy nhiên, nghiên cứu ở nhiều khung cảnh văn hoá cho thấy người cao tuổi, thậm chí với những ngưòi độc thân, họ thích sống cô độc hơn là với cộng đồng. Sự ưa thích này được củng cố thêm bởi tuổi thọ cao, phúc lợi xã hội mở rộng, sở hữu nhà ở gia tăng, nhà ở thân thiện cho người cao tuổi và tập trung vào nhiều quốc gia trong việc chăm sóc cộng đồng. Các hộ gia đình đa thế hệ đang thu hẹp dần tại các nước phát triển, các gia đình 2-3 thế hệ vẫn là khuôn mẫu tại các quốc gia kém phát triển. Hơn nữa, những thay đổi trong cấu trúc hộ gia đình đang diễn ra trong khi phải đối mặt với một số lượng lớn các ca tử vong vì HIV/AIDS tại Châu Phi và Châu á để lại nhiều trẻ mồ côi sống cùng với ông bà. Mối quan tâm cũng đồng thời liên quan tới việc di cư đến thành thị của những người trẻ tuổi và việc quay trở lại sau một thời gian di cư đến quốc gia khác làm việc. Việc chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi đã trở thành vấn đề trọng tâm tại phương Tây cũng như ở nhiều quốc gia kém phát triển có thu nhập trung bình. Việc chăm sóc có liên quan tới các cơ chế trợ giúp như chăm sóc tại gia đình, chăm sóc cộng đồng và cuộc sống được trợ giúp, chăm sóc lâu dài và bệnh viên điều trị lâu dài. Mặc dù chi phí chăm sóc dài hạn là 1 gánh nặng đối với gia đình và xã hội nhưng cũng đồng thời có những mối quan tâm khác. Ví dụ, nhu cầu bố trí người chăm sóc người cao tuổi làm gia tăng sự di cư của các nhân viên y tế từ các quốc gia có thu nhập thấp tới các quốc gia có thu nhập cao. Rõ ràng, không còn sớm để bàn về vấn đề toàn cầu hoá trong việc trợ giúp người cao tuổi.
Xu hướng 7: Thay đổi các mô hình làm việc và nghỉ hưu
Sự không ổn định của vấn đề an sinh khi về già có thể thấy được qua lương hưu trì trệ và giảm sút tại các nền kinh tế chuyển đổi. Mối quan tâm về kinh tế nổi bật trong thế giới già hoá là sự thu hẹp lực lượng lao động liên quan đến số lượng những người nhận lương. Thông thường, tỷ lệ này giảm bởi mọi người sống thọ hơn và sự tham gia vào lực lượng lao động giảm. Từ năm 1950 đến giữa những năm 80, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đối với nam giới cao tuổi giảm tại hầu hết các quốc gia phát triển. Nhưng vào đầu thập niên 90, xu hướng này đã đảo ngược. Trong số phụ nữ tại các quốc gia phát triển có sự gia tăng nhanh việc tham gia lực lượng lao động ở lứa tuổi cao vào 2 thập kỷ cuối. Mặc dù dữ liệu tại các quốc gia kém phát triển là mâu thuẫn nhưng bức tranh phổ biến nhất cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xã hội giảm đối với nam giới cao tuổi và tăng đối với nữ giới cao tuổi. Vấn đề trọng tâm đối với các nhà hoạch định chính sách liên quan đến các quỹ lương hưu trong mối quan hệ với tuổi nghỉ hưu chính thức và tuổi nghỉ hưu thực tế (là tuổi trung bình khi mà các phúc lợi xã hội được cung cấp). Nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 cho thấy nhiều quốc gia phát triển đã hạ thấp tuổi chính thức khi mọi người hưởng toàn bộ các phúc lợi lương hưu. Mặc dù các xu hướng hiện tại là tăng sự tham gia vào lực lượng lao động xã hội ở các độ tuổi cao. Xu hướng này đang trở nên bức xúc tại các quốc gia già hoá nhanh. Nếu tuổi nghỉ hưu chính thức tăng lên, mối quan tâm sẽ tập trung vào năng suất của người lớn tuổi.
Xu hướng 8: Tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội
Chi phí ngày nay của 25 quốc gia EU chiếm 1/8 tổng sản phẩm quốc dân năm 2003. Trong tương lai, phúc lợi về kinh tế của nhóm dân số cao tuổi sẽ phụ thuộc vào nguồn thu nhập, chương trình bảo hiểm xã hội, lương hưu nghề nghiệp và tiết kiệm cá nhân.
Nhiều quốc gia đã tiến hành nhằm cải tổ các chương trình bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi. Một trong những cải cách phổ biến nhất là nâng cao độ tuổi nghĩa vụ đối với các khoản lương hưu. Việc gia tăng tuổi nhận lương hưu tập trung vào phụ nữ, mà vào những năm thập kỷ 90 có quyền lĩnh lương hưu ở độ tuổi trẻ hơn so với nam giới tại hầu hết các quốc gia. Khoảng 60% các quốc gia hiện nay có tuổi nghỉ hưu như nhau đối với cả nam và nữ giới, trong khi xu hướng là tăng tuổi nghỉ hưu.
Xu hướng 9: Các thách thức kinh tế
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các học giả và các nhà kinh tế học đã bắt đầu quan tâm tới tác động kinh tế tiềm năng của các thay đổi nhân khẩu học. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa hiểu hoàn toàn sự tương tác giữa chính sách và tăng trưởng kinh tế. Gìa hoá dân số sẽ làm căng thẳng ngân sách quốc gia. Các quốc gia với chương trình xã hội rộng rãi nhằm vào dân số cao tuổi, các chương trình trợ giúp thu nhập và chăm sóc sức khoẻ thấy rằng chi phí của chương trình tăng nhanh cùng với số người nhận tăng lên. Hơn nữa, ít quốc gia có các chương trình được triển khai toàn diện, phần lớn các quốc gia thực hiện các chương trình này theo nguyên tắc cứ nghỉ hưu là trả lương hưu hoặc trợ cấp thôi việc.
Các quốc gia có tốc độ già hoá khác nhau nên đối với các yếu tố sản xuất, lao động và vốn tác động khác nhau với già hoá dân số. Các nghiên cứu mô tả, trong thời gian tới, số vốn thừa sẽ chảy từ Châu Âu và Bắc Mỹ sang các thị trường ở Châu á và Mỹ Latinh, nơi dân số trẻ hơn và nguồn cung ứng vốn khá thấp. Trong vòng 20 năm nữa, khi thế hệ bùng nổ dân số tại phương Tây gần như nghỉ hưu toàn bộ, vốn có thể sẽ chảy theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, những nghiên cứu dựa trên các giả định hiện tại rằng dòng vốn sẽ chảy dễ dàng qua các quốc gia. Thị trường tài chính cần linh hoạt và đổi mới để đáp ứng nhu cầu của già hoá dân số. Chắc chắn rằng, già hoá dân số sẽ tạo ra các áp lực kinh tế mới. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo ra các cơ hội cho việc mở rộng các công cụ tài chính để thích ứng với một thế giới đang thay đổi.
Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 5/2008), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ