Thủ khoa đại học "lạ đời": 2 lần bỏ học, 10 năm mới tốt nghiệp
Phạm Việt Dũng (SN 1990) học tới 3 trường đại học, 2 lần trước đó cậu đều bỏ ngang. Tới bến đỗ cuối là ĐH Sư phạm Hà Nội, Dũng tốt nghiệp hạng Thủ khoa. Chuyện về "đời sinh viên" của Dũng rất lạ lùng.
Con đường đến với tấm bằng cử nhân dài hơn 10 năm
Phạm Việt Dũng - Một trong 2 thủ khoa của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2020 - chia sẻ câu chuyện thú vị về con đường học tập của cậu.
Phạm Việt Dũng là sinh viên lớp Sư phạm Vật lí tiếng Anh. Mặc dù tốt nghiệp cùng lứa sinh viên sinh năm 1998 nhưng cậu sinh năm... 1990.
Thực tế, trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đại học thứ 3 mà Việt Dũng ghi danh. Trước đó, nam sinh này đã từng học ngành kỹ sư điện điện tử ở Đại học Bách khoa và tiếp đó là ngành Vật lí và Vật lí ứng dụng tại ĐH công nghệ Nanyang Singapore. Điểm cuối cùng trên con đường "đời sinh viên" của Dũng mới là ĐH Sư phạm Hà Nội.
Đây là một nam sinh học giỏi. Có thể khẳng định điều đó khi cậu từng đạt 27,4 điểm thi đại học khối A, trong đó có một môn đạt điểm tuyệt đối.
Dũng cũng từng vượt qua kỳ thi được cho khá khó khăn của Đại học Công nghệ Nanyang. Và tất nhiên không thể không kể tới thành tích tốt nghiệp Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội mới đây của Dũng.
Lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đại học là khi Dũng còn rất trẻ nên cậu khao khát được tới với chân trời cao hơn, xa hơn là ĐH Nanyang (Singapore).
Do vậy, nam sinh này đã cố kiếm cho mình học bổng để được học tập về ngành mà cậu đam mê trong một môi trường năng động và sở hữu những trang thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Dũng tâm sự: "Khi đặt chân tới Singapore, mình đã bị choáng ngợp hơn nữa bởi cơ sở vật chất của trường vô cùng hiện đại và đầy đủ.
Nhưng Vật lí lại không phải là thứ mình học được nhiều nhất khi bước chân đi du học. Mình đã tham gia những hoạt động ở ngoài trường, được đi nhiều nơi và gặp nhiều người hơn, và trong đầu mình bắt đầu xuất hiện một câu hỏi mà chính câu trả lời sau này đã đưa mình về với ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó là: Tại sao đất nước của họ lại phát triển hơn quê hương của mình, từ một làng chài nhỏ bé, tại sao họ lại có thể vươn lên mạnh mẽ như vậy?
Câu hỏi đó ám ảnh lấy mình suốt một thời gian dài, và cuối cùng thì mình tìm ra câu trả lời cho bản thân: Một phần rất lớn, đó chính là giáo dục.
Sau khi tìm ra câu trả lời, một lần nữa mình lại bị ám ảnh bởi nó. Lần này một câu hỏi khác nảy lên trong đầu mình, đó là: Liệu mình có thể làm gì để giúp đất nước không?.
Câu hỏi đó tưởng chừng như quá lớn với một cái đầu bé nhỏ của một chàng thanh niên mới ngoài 20, đơn thương độc mã nơi đất khách quê người. Nhưng cuối cùng, sau những đấu tranh, mình quyết định trở về Việt Nam, ôn thi lại và học tại ĐH Sư phạm Hà Nội cho tới ngày hôm nay".
Đóng góp cho giáo dục nước nhà theo cách riêng
Chàng trai 9x lí giải rằng cách thức mà cậu cống hiến, đóng góp cho cộng đồng là tạo ra một kênh chuyên về chế tạo các sản phẩm, các dụng cụ thí nghiệm mang tên "Vui học STEM".
Khi được trực tiếp dạy học, được tiếp xúc với học sinh, với phụ huynh, Việt Dũng nhận ra, giáo dục cần nhiều hơn thế rất nhiều.
"Ngoài việc luôn cố gắng sáng tạo để làm cho những tiết học hấp dẫn và hiệu quả nhất có thể, đầu tiên mình sẽ dạy học sinh của mình không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại từ đầu nếu như chúng ta có mục tiêu không thể lay chuyển và một quyết tâm sắt đá. Khi đó, mọi khó khăn đều chỉ là thử thách", Dũng nói.
Anh tiếp lời: "Mình đã từng bị gia đình phản đối rất nhiều với quyết định về Việt Nam trong khi mình có thể học lên cao và làm việc tại nước ngoài với một mức thu nhập không nhỏ.
Việc mình về nước là một việc rất khó chấp nhận và làm gia đình rất sốc. Nhưng mình đã dần thuyết phục được gia đình mình bằng niềm tin của bản thân, bằng những thành tích và kết quả mình dần đạt được trong quá trình học tại ĐH Sư phạm Hà Nội".
Hiện tại, mặc dù muộn, nhưng Việt Dũng tin rằng cậu đã làm cho gia đình tự hào, không chỉ vì kết quả đã đạt được, mà hơn hết là vì cậu đã dám sống với mơ ước tưởng chừng viển vông, dám đánh đổi rất nhiều thứ vì lý tưởng đã tự đặt ra khi còn trẻ.
"Đừng sợ thử thách. Khi mục tiêu, niềm tin và quyết tâm của chúng ta lớn hơn tất cả mọi thử thách, chúng ta nhất định sẽ đi tới đích. Đó là điều đầu tiên mình sẽ dạy học sinh của mình", Dũng chia sẻ.
9x này tin rằng: "Một người giáo viên là một người làm được 3 việc: Mở ra trí óc, cầm lấy bàn tay và chạm tới trái tim".
Đối mặt với định kiến và dư luận
Khi được hỏi rằng mất 10 năm học đại học có phải là đi đường vòng hay không, Dũng thẳng thắn đáp: "Gọi là đường vòng cũng đúng và gọi là đường thẳng cũng đúng.
Nó vòng với những người khác vì nó quá ngoằn ngoèo, nhưng đối với bản thân mình, mình phải trải qua từng đó bước mới nhận ra được mình thực sự cần gì và muốn gì.
Nếu không có bước đi du học thì sẽ không có sự thay đổi mang tính bước nhảy về tư duy như mình đã có. Thay đổi tư duy là một quá trình và quá trình này đối với mình thì cần những bước như mình đã đi qua.
Thế nên nó là đường vòng với rất nhiều người, nhưng nó là thẳng đối với bản thân mình".
Gia đình và những người xung quanh tại thời điểm Dũng bắt đầu làm lại hầu hết có những nhận định giống nhau là cậu đã phí thời gian và là quyết định sai lầm.
Nhưng dần dần khi Dũng tiếp tục tiến lên và đạt được những thành quả ngoài mong đợi, gia đình mình dần tin tưởng và ủng hộ mình. Cậu tin rằng nhận định của những người xung quanh cũng dần dần thay đổi theo chiều hướng tích cực như vậy.
Trong tâm trí của Việt Dũng hiện tại chỉ có mong muốn duy nhất là đóng góp cho giáo dục, còn các dự định khác cậu chưa nghĩ tới.
Gần nhất, Dũng sẽ tiếp tục phát triển những ý tưởng giáo dục mới lạ, tích cực và chia sẻ với các thầy cô, học sinh và phụ huynh trên cả nước thông qua dự án "Vui học STEM".
Thủ khoa, quái nhân hay vĩ nhân?
Theo Dũng, trở thành thủ khoa thực ra chỉ là kết quả đi kèm cho việc cậu thực sự có một mục tiêu rõ ràng và phấn đấu hết mình cho mục tiêu đó.
"Mình bước chân vào đại học Sư phạm Hà Nội với mục tiêu học nhiều nhất có thể để đóng góp được tốt nhất cho giáo dục – mong mỏi lớn nhất của mình khi bước chân về Việt Nam.
Khi đã có mục tiêu lớn đó, mình học tất cả những lúc có thể, không chỉ học trên trường lớp, sách vở mà còn đi ra ngoài, gặp gỡ nói chuyện với những người đang thực sự làm giáo dục để học thực tế, học về những điều tốt và những tồn tại của nền giáo dục Việt Nam để có thể tự đưa ra những giải pháp mà mình nghĩ bản thân có thể thực hiện được.
Khi đó, điểm số chỉ đơn giản là sự phản ánh của lượng kiến thức mình học được, và học được nhiều thì điểm sẽ cao. Lúc đó thì tự bản thân sẽ tạo ra một phương pháp học tập hiệu quả cho riêng mình. Quan trọng nhất luôn là mục tiêu và động lực thực hiện mục tiêu đó", Dũng nói.
Nhiều người biết câu chuyện của Việt Dũng đều cảm thấy lạ lùng. Có người cho rằng cậu là "quái nhân", cũng có người nói "vĩ nhân thì khác người".
Riêng Dũng cho rằng: "Vĩ nhân thì khác người nhưng khác người chưa chắc là vĩ nhân. Mình không rõ định nghĩa của "vĩ nhân" là như thế nào và thật lòng mà nói mình cũng không quan tâm lắm về định nghĩa đó.
Mình chỉ đơn giản là đã tìm ra công việc mà mình yêu thích và đam mê, và sống hết mình vì nó. Cũng như những vận động viên đam mê thể thao hay những họa sĩ đam mê vẽ tranh.
Mình chỉ là một người bình thường muốn cống hiến và đóng góp cho những người khác thông qua con đường là giáo dục và sẽ cố gắng hoàn thành tốt những mục tiêu mình đã đặt ra.
Có là vĩ nhân hay không thì mình không đủ trình độ để tự đánh giá, câu hỏi này xin được nhường cho những người quan sát và theo dõi mình cũng như tất cả những người đang hàng ngày hàng giờ phấn đấu vì một mục tiêu rõ ràng mà họ đã đặt ra cho bản thân".
Sơ lược về quá trình học tập của Phạm Việt Dũng - một trong 2 Thủ khoa tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2020:
- 06/2020: Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc khoa Vật lí Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm trung bình chung tích lũy: 3.94/4.00.
- 08/2016 – 06/2020: Sinh viên chính quy khoa Vật lý, đại học Sư phạm Hà Nội.
- 2010-2014: Sinh viên ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng, đại học công nghệ Nanyang (NTU, Singapore).
- 2008-2010: Sinh viên ngành Điện Điện tử đại học Bách Khoa Hà Nội (Chương trình Tiên tiến – Trung tâm Tài Năng ĐHBKHN).
- 2005-2008: Học sinh trường THPT Phan Đình Phùng. Tốt nghiệp loại Giỏi.
Đỗ đại học Bách Khoa Hà Nội với điểm thi đại học 27,5/30 với điểm 10.0 môn Vật lý, 8,5 môn Toán và 9,2 môn Hóa.
Một số thành tích học tập của Việt Dũng:
- Giải Khuyến khích kỳ thi Học sinh giỏi môn Vật lý Thành phố Hà Nội năm 2007.
- 2 giải Nhất kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2018, 2019
- 3 giải Nhì kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2017 và 2018, 2019.
- Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo đồ dùng dạy học của khoa Vật lý, ĐHSPHN
- Giải Nhất phần thi "Giải bài tập Vật Lý" khoa Vật lý ĐHSPHN năm 2018, 2019
- Giải Nhất phần thi "Video giảng dạy Vật lý" khoa Vật lý ĐHSPHN năm 2018
- Giải Nhì phần thi "Video giảng dạy Vật lý" khoa Vật lý ĐHSPHN năm 2019
- Giải Khuyến khích Olympic Tiếng Anh chuyên Toàn quốc 2017
- 2 lần nhận học bổng Odon Vallet năm 2018, 2019 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- Giải Ba cuộc thi "The first international service learning SL/STEM competition" do Đại sứ quán Ireland tổ chức.
- Học bổng trường ĐHSPHN các kỳ học 1,2,3,4,5,6,7.
- Danh hiệu Sinh viên tiêu biểu cấp trường, trường ĐHSPHN năm học 2016-2017.
Theo Dân trí
Đổ thuốc trừ sâu vào nước sinh hoạt nhà hàng xóm
Pháp luật - 13 phút trướcGĐXH - Ngày 22/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Triệu Thị Ton (SN 1976) về hành vi “giết người”.
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 4 giờ trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 4 giờ trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 5 giờ trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 5 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 6 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 7 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 7 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 7 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luậtGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.