Đến chiều 5/8, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ghi nhận 112 ca Covid-19, sau khi trận lũ lụt xảy ra khoảng 3 tuần trước đó cướp đi sinh mạng của 292 người, khiến 47 người mất tích và hàng trăm chiếc xe chìm trong nước lũ.
Hôm 25/7, Ye Jungang, một thợ sửa ôtô 35 tuổi ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, và một đồng nghiệp đã cùng lái xe đến Trịnh Châu sau khi xem video các thợ sửa xe ở thành phố này cầu xin sự hỗ trợ khi phải vật lộn với số lượng lớn những chiếc xe hơi bị hư hỏng bởi bão lũ.
Đã có 16 năm kinh nghiệm trong nghề, Ye cho biết đến tận nơi để sửa những chiếc xe hỏng là "cách thực tế nhất anh có thể làm để hỗ trợ Trịnh Châu".
Trước khi rời khỏi Trịnh Châu vào hôm 30/7, Ye đã giúp sửa được 400 chiếc xe. Về đến Quảng Châu, Ye bắt đầu cách ly trong khách sạn theo yêu cầu của chính quyền do xe hơi của anh đã đi qua những khu vực có Covid-19. Ye sau đó cho kết quả dương tính với virus.
Kể từ đó, tài khoản mạng xã hội của Ye ngập tràn những tin nhắn chỉ trích.
"Sao anh lại ngu ngốc mà đi đến Trịnh Châu rồi quay về? Anh muốn mang virus về cho chúng tôi à?", một trong số những bình luận có nội dung.
"Anh quay về quận Hoa Đô, Quảng Châu, để lây lan virus đấy à?", một người khác hỏi.
Quảng cáo
Sau khi trở thành nạn nhân bị lạm dụng trên mạng xã hội, hôm 3/8, Ye đăng một đoạn video, mong mọi người hãy hiểu cho anh. Ye nói trước khi đến Trịnh Châu, anh không nghĩ rằng thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi virus. Vào ngày anh rời khỏi thành phố này, vẫn chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận.
"Tôi đến Trịnh Châu để làm tình nguyện viên sửa xe ôtô. Tôi muốn giúp đỡ những người ở đó", Ye vừa khóc vừa nói trước camera. "Tôi chưa từng có suy nghĩ lại mang virus về Hoa Đô. Tôi mong mọi người hãy khuyến khích, cổ vũ tôi, thay vì tấn công và chửi rủa".
Lời cầu xin của Ye đã làm nhiều người xúc động. Một vài người đề nghị trả các chi phí cách ly cho anh nhưng Ye không đồng ý. Chính quyền Huadu cũng cam kết sẽ giảm bớt chi phí tiền khách sạn cho anh.
Bắt nạt trực tuyến là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi những kẻ ẩn danh hay còn gọi là "anh hùng bàn phím" tung tin đồn và tấn công người khác mà không bị trừng phạt.
Wang Luyao, vận động viên bắn súng hơi Trung Quốc tại Thế vận hội Tokyo, cũng bị tấn công trên mạng vì không lọt vào chung kết như mong đợi của công chúng. Nhà chức trách đã phải can thiệp và khóa 33 tài khoản Weibo có liên quan.
Ba năm trước, một bác sĩ ở Đức Dương, Tứ Xuyên, tự tử sau khi một clip đã qua chỉnh sửa cho thấy chồng cô, một công chức, đánh một cậu bé tuổi vị thành niên bị tung lên mạng. Trong video, người chồng đánh cậu bé để trả đũa vì cậu ta đã đánh vợ anh ở bể bơi nhưng không chịu xin lỗi mà còn nhổ nước bọt về phía họ.
Tuy nhiên, video không chiếu cho khán giả thấy cảnh tượng gia đình cậu bé không chỉ đánh nữ bác sĩ trong phòng thay đồ của bể bơi mà còn đến tận nơi làm việc của cô và chồng cô để gây rối vào ngày hôm sau.
Sau khi nữ bác sĩ đã qua đời, người dùng mạng lại thay đổi quan điểm, quay ra tấn công, chỉ trích gia đình cậu bé kia.
Zheng Ning, giáo sư luật thuộc Trường Đại học Truyền thông ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc hiện không có luật cụ thể nhắm vào bắt nạt trực tuyến ngoài một số quy định rời rạc, không đủ để giải quyết tình trạng lạm dụng mạng xã hội ngày càng tăng.
"Người dùng mạng ẩn danh và thiếu tinh thần trách nhiệm nên rất khó để xử lý trách nhiệm, Do đó, bạo lực trực tuyến hiện ngày càng lan tràn, không thể kiềm chế", bà Zheng nhận định.
Theo Ngôi sao