Khoảng năm 2010, tại Trung Quốc nở rộ phương pháp giáo dục "Cha mẹ hổ" - khắt khe, không tiếc lời chỉ trích con cái. Sau đó phong trào này lắng dần cho đến gần đây được hồi sinh theo một cái tên gọi khác "Chicken Baby", không ngừng thúc giục trẻ em học hành chăm chỉ.
Với nhiều bậc cha mẹ, họ luôn thích nghe những huyền thoại giáo dục và coi thành công của con nhà người ta làm tiêu chuẩn cho con cái mình. Tuy nhiên không ai nghĩ về sự phù hợp của nó.
Thiên tài âm nhạc Lang Lang - nghệ sĩ dương cầm nổi danh khi chưa đầy 5 tuổi - cũng được giáo dục theo phương pháp như vậy. Vài năm trước, nghệ sĩ này từng viết một bài báo có tên "Thời kỳ đen tối", ghi lại những năm tháng nhọc nhằn của mình để bước tới con đường danh vọng nhiều người mơ ước.
Khi Lang Lang 10 tuổi, người cha yêu cầu con trai phải tập thêm một tiếng đồng hồ trước và sau giờ học văn hóa. Lang Lang thấy điều này vô nghĩa nhưng anh vẫn phải thực hiện bởi sợ ánh mắt rực lửa của cha. Một lần cậu bé từ chối tập đàn do mệt, người cha nổi cơn thịnh nộ và gọi con trai là "kẻ lười biếng", buộc tội anh hủy hoại cuộc sống của mọi người. Thậm chí ông còn lấy 30 viên thuốc kháng sinh, yêu cầu con trai uống và nói: "Con không có lý do phải sống nữa". Sau lần đó, Lang Lang nuôi ý định từ bỏ tập đàn để trả thù cha. Thế nhưng, anh bắt đầu nghe thấy âm nhạc trong đầu và háo hức muốn chơi nhạc từ trái tim. Cuối cùng cậu bé hiểu rằng cuộc sống không có âm nhạc thật vô nghĩa.
"Tôi yêu âm nhạc hơn bất cứ ai, may nhờ có sự kiên trì của cha mà tôi đã không bỏ cuộc giữa chừng", Lang Lang viết trong bài báo. Thiên tài âm nhạc cho hay, ngay cả khi có tài năng, nếu không chăm chỉ cũng chẳng đạt được thành công. Còn nếu làm một công việc chăm chỉ nhưng không yêu nó, cũng chẳng thể gắn bó lâu dài.
Bài báo của Lang Lang nhận những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng những yếu tố mà nam nghệ sĩ nói không thể thiếu để thành công, nhưng cha anh đã bỏ qua đặc điểm cá nhân của con trẻ.
Nhà tâm lý học người Mỹ Thomas Gordon phát hiện ra rằng, tính cách định hướng cho hành vi. Tính cách bẩm sinh sẽ thay đổi theo sự gia tăng của kinh nghiệm, nhưng sự thay đổi này là không cơ bản và chỉ mang tính cục bộ. Điều này có thể hiểu, giáo dục tốt chỉ là trợ lực, giống như một người cầm lái phải dùng sức lực của bản thân để điều hướng con thuyền. Dù thuyền có làm từ chất liệu gì, nước trong hay đục thì chỉ người chèo mới quyết định được thuyền đi đúng hướng hay không.
Trong cuốn sách "Con bạn không phải của bạn" kể lại 9 câu chuyện có thật, một trong số đó là chuyện dạy con của một phụ nữ họ Kỷ.
Bà Kỷ có một cặp trai gái. Theo kế hoạch bà định hướng cô chị vào một trường danh tiếng và dùng phương pháp giáo dục tương tự để dạy dỗ con trai. Bà muốn cậu trở thành luật sư để kế thừa văn phòng luật của gia đình, trong khi đó con trai ước mơ trở thành vận động viên bóng rổ. Sở thích bị gạt bỏ ngay tức khắc, thậm chí bà không cho sờ đến quả bóng. Một lần con hét lên với mẹ "Con ghét mẹ. Mẹ tỉnh lại đi vì mẹ sinh ra một đứa ngu si nhưng tứ chi phát triển là con đây", nói xong cậu bé bỏ đi. Mối quan hệ giữa hai mẹ con sau đó rơi vào tình trạng đóng băng, không ai chịu nhân nhượng.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Steven Pinker từng nói trẻ em sinh ra vốn không phải là tấm bảng trắng bởi chúng đến với thế giới với tính cách và tài năng sẵn có. "Mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Sử dụng cùng một phương pháp giáo dục để nuôi dưỡng thiên tài, nhưng nó cũng có thể làm mai một đi tài năng khác của trẻ", ông nói.
Rất nhiều cha mẹ đọc sách nuôi dạy con mỗi ngày, vì sợ nếu thiếu một cuốn nào đó con mình sẽ kém xuất sắc. Nhưng trẻ nghĩ ngược lại, chúng luôn phàn nàn rằng cuộc sống luôn bị bố mẹ thao túng. "Nhiều bố mẹ dạy con càng đi thấy đường càng hẹp, con mình lạc từ lúc nào không hay. Không có lý thuyết giáo dục nào hoàn hảo. Mỗi bố mẹ đều theo con đường của riêng mình cho đến khi không còn đường nào để đi nữa", Steven Pinker nhận định.
Trong bộ phim tài liệu "The Fantastic World of Beibi", các chuyên gia về trẻ em đã so sánh sự tự nhận thức của trẻ với một củ hành tây. Chúng chỉ có lớp lõi ban đầu, sau đó lớn dần ra từng lớp, cuối cùng hình thành nên tính cách, suy nghĩ và ý thức.
Nhưng ở Trung Quốc, có những bà mẹ luôn kiểm soát cuộc sống của con, không để con phát triển nhân cách độc lập từng lớp một và kìm hãm sự phát triển nhân cách. Đó là những gì mà mẹ của nam diễn viên Chu Vũ Thần thực hiện với con mình. Ngay từ nhỏ người đàn ông này luôn bị mẹ kiểm soát. Dù trở thành diễn viên nổi tiếng, con trai đến khách sạn 5 sao quay phim, bà cũng đến tận nơi mang từng bữa ăn cho con. Với mọi cô gái có ý định đến với Vũ Thần, người mẹ đặt ra yêu cầu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đề ra: Là người vợ, người mẹ tốt, có nếp sống quy củ. Trong một chương trình truyền hình, nam diễn viên phải thốt lên rằng, tình yêu mà mẹ dành cho anh có quá nhiều áp lực. "Thoạt nhìn thì đó là cuộc sống của tôi nhưng mẹ lại là người giao dịch chính. Thử hỏi điều này vui vẻ gì", nam diễn viên chia sẻ.
Có một hiệu ứng trong tâm lý học gọi là hiệu ứng tự tham chiếu, có nghĩa là chúng ta xử lý thông tin liên quan đến bản thân thì hiệu quả cao hơn. Nếu như bố mẹ không trả quyền quyết định cuộc sống cho con mình thì ở thời điểm hình thành nhân cách, có thể đó là sự ra đời những con người mới.
Một lần Nei Nei chỉ vào cầu vồng, những đám mây và sân chơi cô bé vẽ lên tường nhà rồi nói với bố: "Từ giờ không phải lo lắng ra sân chơi khi trời mưa. Đây là cầu vồng và sân chơi của chúng ta". Mặc dù con gái làm bẩn tường nhưng Ngô Tôn không tức giận mà còn khen ngợi cô bé có trí tưởng tượng phong phú.
"Trên thực tế, bố mẹ chỉ là người hướng dẫn cuộc sống cho bọn trẻ chứ không phải người dẫn dắt", Ngô Tôn chia sẻ. Giống như nhà văn Mỹ Kahlil Gibran từng nói: "Con cái đến bởi chúng ta nhưng không thuộc về chúng ta. Dù ở bên chúng ta nhưng chúng mãi không thuộc về chúng ta".
"Bởi vì trẻ có cuộc sống riêng và là chủ nhân cuộc đời chúng. Điều duy nhất bố mẹ có thể làm cho con mình là biết buông tay", Ngô Tôn chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình.
Theo VnExpress