Bác sỹ không phải là “thánh” nhưng phải hết mình
GiadinhNet - PGS. TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Quyết- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức là người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người sống, người chết não - một trong những thành tựu y học xuất sắc của y tế Việt Nam. Gần 40 năm gắn bó với nghề, ông đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nghiên cứu, tìm tòi, say mê với công việc đầy nhọc nhằn, vinh quang. Ông đã được chọn là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú, sẽ được vinh danh vào dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô sắp tới. Nhân dịp này, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với PV Báo GĐ&XH về vấn đề Y Đức.
“Làm thầy cho ra trò”
Khi chúng tôi đến gặp, ông vừa thực hiện xong một ca phẫu thuật đặc biệt cho một cụ bà 86 tuổi. PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết khá vui bởi đây là một ca phẫu thuật khó mà ông thực hiện thành công (Cụ bà trong tình trạng trọng bệnh được nhiều người tiên đoán không qua khỏi. Nhưng PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn quyết tâm mổ cho cụ. “Khi mổ ra, túi mật của cụ đã hoại tử, gan đầy sỏi. Ai cũng nghĩ tuổi tác như cụ sẽ không chịu nổi ca phẫu thuật. Thế nhưng sau một ngày, cụ đã hé được mắt, có dấu hiệu tỉnh táo rồi”. Ông bảo, niềm vui vô bờ của người thầy thuốc chỉ có thế! Mong được cứu người và hy vọng tất cả bệnh nhân thoát được lưỡi hái tử thần!
Kể về lý do để trở thành bác sỹ, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Ngày còn đi học phổ thông, tôi từng ao ước mình sẽ trở thành một giáo viên dạy toán. Với tôi, hình ảnh người thầy luôn lung linh và cao quý. Song ông bà nội tôi vốn làm nghề thầy thuốc nhưng bố tôi lại không theo được nghiệp này nên ông cụ tiếc lắm. Thế nên, ước mong của cụ là tôi sẽ lại nối nghiệp ấy của gia đình. Ông cụ mong tôi sẽ dành tâm sức để cứu chữa cho được thật nhiều người bệnh”.
Mong ước của người cha thân sinh đã thúc giục chàng trai Nguyễn Tiến Quyết đến với giảng đường Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông bảo: “Với tôi, nghề Giáo và nghề Y là 2 nghề cao quý, có tính chuẩn mực hàng đầu trong xã hội. Những người càng đứng ở vị trí cao thì càng mang những trọng trách lớn. Giờ tôi vừa làm chuyên môn nhưng cũng may mắn được đứng trên bục giảng để truyền lại “lửa nghề” và những kiến thức mình tích lũy được cho thế hệ sinh viên y khoa trẻ. Tôi luôn tâm niệm câu nói của cố GS Hồ Đắc Di là: “Làm thầy thì phải cho ra trò”.
Với tâm huyết ấy, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết đã có nhiều trăn trở với công tác đào tạo y khoa. Ông cho rằng, việc đào tạo hiện nay khác rất nhiều so với trước. Xưa kia sinh viên ít, bệnh nhân cũng ít, các thầy giáo toàn tâm toàn ý truyền nghề cho học trò. Bây giờ sinh viên quá đông, cuộc sống lại phát sinh nhiều mặt trái nên việc đào tạo nhiều lúc không được như ý muốn. Ông chia sẻ mình rất tâm huyết với chỉ đạo gần đây của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là phải tuyệt đối chú trọng chất lượng đào tạo công tác y khoa. Theo ông, đây là chủ trương rất đúng của ngành Y tế.
Nếu có kiếp sau, vẫn nguyện làm bác sỹ
Không kể nhiều về vai trò trên bục giảng bởi ông cho biết mình đang chỉ cố gắng làm hết sức và không muốn nói nhiều về những gì đã làm. Ông cũng không thể nhớ hết bao lần hạnh phúc khi đưa được người bệnh về với cuộc đời bên lằn ranh giới mong manh sống- chết.
“Kiến thức của ngành Y là vô hạn. Bác sỹ không phải là “thánh” mà cứu được tất cả mọi người và mọi loại bệnh. Thế nhưng, điều đầu tiên là phải làm hết sức mình với bệnh nhân. Và tôi đã không phải hối hận về những gì mình đã làm cho người bệnh”, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.
Ông cho biết, trong đời một bác sỹ không thể tránh khỏi những sai lầm nhỏ. Bản thân ông chưa bao giờ phạm phải những lỗi lớn dẫn đến chết người nhưng khi tuổi nghề còn non nớt, đã đôi lần sự chần chừ của ông cũng đã khiến người bệnh phải mổ lại. Đó là điều trăn trở lớn trong cuộc đời làm nghề. Tuy nhiên, cũng từ những trăn trở ấy, ông luôn rút thêm được những bài học để làm dày thêm kiến thức, lần sau phục vụ người bệnh được tốt hơn.
Bàn về Y Đức, ông cũng cho rằng, nghề nào cũng có người nọ người kia. Nhưng ông khẳng định, tất cả các bác sỹ, dù có mục đích nào chăng nữa thì cũng có một mong muốn chung là chữa khỏi cho người bệnh. Theo ông, vấn đề Y Đức còn nhiều điều đáng bàn, một phần do cơ chế chính sách hiện nay chưa thực sự hợp lý, chưa theo kịp với sự phát triển thực tế. Kinh tế là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành Y cũng như nâng cao Y Đức. Ông cho rằng, nhiệm vụ quản lý kinh tế trong y tế cần được nâng cao hơn nữa, các bệnh viện cần có những sự thay đổi trong cơ chế đối với cán bộ, bác sỹ.
Bệnh viện Việt Đức- nơi ông đứng đầu đã thay đổi từ nhiều năm nay. Bệnh viện đã tạo cơ chế chính đáng cho bác sỹ làm thêm ở bệnh viện trong ngày nghỉ và làm thêm ngoài giờ. Đây là điều kiện để các bác sỹ tăng thêm thu nhập chính đáng và an tâm với công việc của mình.
Người quản lý cần sự quyết đoán
Nổi tiếng là một bác sỹ - một nhà quản lý vững vàng nhưng ông cũng là một người khá nóng tính. Ông cũng biết về điểm yếu ấy của bản thân nhưng có cách lý giải thật ngọt ngào về sự nóng nảy của mình: “Cũng có lúc tôi nóng quá, đôi khi chưa thực sự cần thiết đối với sự việc xảy ra. Nhưng tôi nghĩ, mình thẳng thắn và rất công tâm, mọi điều tôi làm đều vì mọi người”.
Có thể gọi sự nóng nảy của ông bằng một cách khác- đó là “trực tính”. Với đức tính này, ông đã đề ra và thực hiện được nhiều quy định đặc biệt cho Bệnh viện Việt Đức.
Trong nhiều năm qua, mặc dù vấn đề an ninh bệnh viện luôn là nỗi nhức nhối của nhiều nơi thì Bệnh viện Việt Đức vẫn “bình an trong sóng gió”. Chia sẻ về bí quyết, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, bệnh viện đã phối hợp với các lực lượng công an rất chặt chẽ. Không chỉ vậy, bệnh viện còn bố trí lực lượng bảo vệ rất dày đặc với các trang bị phản ứng nhanh chuyên nghiệp. Ngay như quy định về cấm hút thuốc lá trong bệnh viện cũng được triển khai hiệu quả một cách vô cùng đặc biệt. Bệnh viện cấm hút thuốc lá ở mọi nơi. Và nếu phát hiện ra người hút thuốc mà bảo vệ ở vị trí đó không nhắc nhở thì sẽ bị thôi việc.
Vị giám đốc này cho biết, trong những năm ông làm giám đốc, có khoảng gần 20 bảo vệ và 3 cán bộ, bác sỹ buộc phải nghỉ việc vì không thực hiện đúng các quy định của bệnh viện. Ông nói có phần tự hào nhưng pha lẫn chua xót: “Cứ không chấp hành nội quy thì phải chịu kỷ luật hoặc thôi việc tùy mức độ. Còn trong chuyên môn, tôi “treo dao” nhiều lắm, phạt tiền cũng rất nhiều! Buộc phải có kỷ luật mạnh thì mới phát triển được.
Cũng nhờ sự quyết đoán và thực hiện tốt các chương trình như bệnh viện vệ tinh, giảm tải bệnh viện…và thực hiện chủ trương nâng cấp, phát triển bệnh viện mà từ thực tế chỉ có 430 giường bệnh năm 2004, đến nay Bệnh viện Việt Đức đã có gần 1.400 giường bệnh. Bệnh nhân không còn phải nằm ghép. Trước do thiếu trang bị kỹ thuật, việc hẹn mổ có khi phải “xếp lịch” cả năm trời thì nay nếu dài nhất cũng chỉ 1- 2 tuần. Cống hiến hết mình cho công việc chung, nhưng trong câu chuyện, ông luôn nói: “Tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ thôi. Công lao này là của tập thể anh em, cán bộ, bác sỹ trong Bệnh viện Việt Đức”.
PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết có được thành công ngày hôm nay một phần lớn là do chính sự nỗ lực của bản thân ông nhưng một phần lớn là nhờ “hậu phương” vững chắc phía sau. Ông luôn biết ơn người vợ đã hết lòng chăm sóc cho gia đình để chồng an tâm công tác. Ông tâm sự, mình có 2 người con gái nhưng không ai nối nghiệp cha. Có ai hỏi về điều đó, ông cho biết mình hạnh phúc khi con cái trưởng thành và tự lựa chọn nghề nghiệp, tương lai. Ông tâm niệm: “Đừng nghĩ mình làm nghề thì phải truyền nghề đó cho con cháu. Hãy truyền nghề cho tất cả mọi người. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn nguyện làm bác sỹ!”.
Có Y Đức tốt nhưng cũng phải giỏi chuyên môn!
“Dù bất kỳ ở thời kỳ nào thì tiêu chí của người thầy thuốc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Trong thời buổi kinh tế thị trường, ảnh hưởng của nó đối với ngành Y cũng không ngoại lệ.
Nhưng theo tôi, quan niệm về Y Đức lúc này phải là 2 phần rõ rệt: Một là phải có Y Đức tốt. Hai là phải có chuyên môn tốt.
Nếu chỉ có Y Đức tốt, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh. Còn chỉ có chuyên môn tốt mà không có Y Đức thì người đó không phải là bác sỹ...”,
PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến “Y Đức và cuộc sống” do Báo Giadinh.net.vn tổ chức ngày 27/2/2009.
P.Hoàng- H. Nam
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH – Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không tự thở, tim mờ.
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn
Y tế - 3 ngày trướcDo mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 4 ngày trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 5 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 5 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 5 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 6 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore
Y tếSốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.