Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam

Chủ nhật, 08:00 14/02/2021 | Y tế

GiadinhNet - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều lần dùng cụm từ “chưa từng có trong tiền lệ” để nói về đội quân hùng hậu hơn 300 bác sĩ, chuyên gia được huy động chi viện cho miền Trung chống dịch. Trong số này, có nhiều bác sĩ trẻ và tháng 7/8/2020 sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên với họ, khi họ cùng nhau “ra trận”.

Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 1.

Trở về sau chuyến chi viện cho miền Trung điều trị ca bệnh nặng COVID-19, BS Đồng Phú Khiêm tiếp tục công việc khám chữa bệnh tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viẹn Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Võ Thu

"Đâu có dịch là ta cứ đi"

"Anh vào Đà Nẵng đây", tin nhắn của BS Trần Anh Tú - thành viên Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế tại Đà Nẵng nhắn cho người vợ trẻ hôm 24/7/2020. Đó là ngày Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày "sạch bóng". Ca bệnh chưa rõ nguồn lây. "Đội điều tra giám sát dịch" do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm Đội trưởng. BS Tú là người trẻ nhất, vừa tròn 31 tuổi.

Gia đình BS Tú quá quen với việc chồng, con mình đi chống dịch đột xuất, và thường là… không biết sẽ đi trong bao lâu. "Đâu có dịch là ta cứ đi", BS Tú cười nói.

Chỉ hơn một ngày sau khi "đội đặc nhiệm" của Bộ Y tế "đổ bộ", Đà Nẵng khẩn cấp thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội, từ 13h ngày 26/7/2020, khi đó đã ghi nhận 2 ca bệnh trong cộng đồng.

7h sáng 27/7/2020, tin nhắn của Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng gửi vào nhóm chat giảng viên trong khoa: "2 tiếng nữa anh em sẽ tập huấn khẩn cấp về truy vết, giám sát". Đúng 9h, giảng viên trẻ tuổi Trần Đình Trung và gần 30 người nữa có mặt đầy đủ. Họ được gọi là nhóm giảng viên nòng cốt. Bài giảng hôm đó rất đặc biệt, người giảng bài là PGS Trần Như Dương và các thành viên Tổ công tác Bộ Y tế, trong đó có BS Tú. "Tình hình cấp bách lắm rồi", thầy giáo Trần Đình Trung (31 tuổi) nhớ lại.

Ngay sau đó, thầy giáo Trung soạn ngay bài giảng để chuẩn bị cho buổi tập huấn cho 50 học viên ở Trường Quân sự quân khu V. "Tôi chỉ có nửa giờ đồng hồ để soạn lại thành bài giảng theo cách dễ hiểu nhất về truy vết F0 (ca bệnh), F1 (tiếp xúc gần F0), F2 (tiếp xúc với F1). Chưa có bài giảng nào tôi chuẩn bị nhanh thế", BS Trung nhớ lại.

Việc tập huấn diễn ra trong 3 ngày (27-30/7/2020). Tổng cộng đã có 800 sinh viên y dược và học viên Trường Quân sự Quân khu V được tập huấn. Số lượng này được đánh giá là đảm bảo nhân lực cho hoạt động truy vết và giám sát dịch COVID-19 toàn TP Đà Nẵng.

Từ 1/8/2020, không chờ ai phân công nhiệm vụ, thầy giáo - BS Trần Đình Trung tình nguyện sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng trực tiếp tham gia hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh COVID-19 tại thành phố.

Mạnh dạn "bắt tay"…

Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 2.
Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 3.
Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 4.

BS Trần Đình Trung, BS Trần Anh Tú tham gia tập huấn cho sinh viên y tế công cộng, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng về quản lý số liệu, thông tin truy vết, giám sát trong đợt dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Ảnh: TL

Mô hình giám sát, truy vết mà BS Trung đề cập được nhóm của BS Tú cùng nghiên cứu, hình thành từ chính thực tiễn chống dịch ở ổ dịch Sơn Lôi, Hạ Lôi, Vĩnh Phúc. Chàng bác sĩ trẻ tuổi đam mê công nghệ nói mô hình ấy được xây dựng từ những bài toán của chính các "sếp" hàng ngày khi phân tích dịch tễ. Đơn giản như: Tại một khu cách ly tập trung có bao nhiêu người? Bao nhiêu người được lấy mẫu/chưa lấy/bao nhiêu dương/bao nhiêu người còn chờ kết quả? Tại cộng đồng thì lấy loại mẫu gì? Tiếp xúc F1 hay F2?...

"Chính những ổ dịch đã dạy tôi", BS Tú nói. Những bảng mẫu câu hỏi giám sát, truy vết dần dà được "làm giàu" lên cũng như được "tinh" hơn, "trúng" hơn qua mỗi kinh nghiệm ổ dịch. "Bảng hỏi vừa phải đủ, vừa phải trúng để mọi thông tin cần biết về đối tượng là phải biết, bởi cơ hội gặp lại họ sau mỗi lần điều tra, truy vết, giám sát không dễ", BS Tú lý giải. Từ những form truy vết "sơ khai" nhất, dần dần, biểu mẫu ấy của nhóm BS Tú trở nên "chuẩn chỉnh" hơn, đáp ứng yêu cầu truy vết, giám sát của mỗi nhóm đối tượng.

Từ những bảng giám sát đó, nam bác sĩ trẻ tuổi lại cập nhật hệ thông tin, dữ liệu lên bản đồ thực địa. Mở tệp dữ liệu được đặt trong nhóm "DaNang" để giới thiệu với chúng tôi về bản đồ đặc biệt đó, BS Tú cho biết, Đà Nẵng - một ổ dịch có quy mô lớn nhất cả nước tính tới thời điểm đó là nơi đầu tiên trong quãng thời gian gần 8 năm vào ngành Y tế dự phòng anh phải vẽ bản đồ thực địa dịch tễ.

"Mất 5 phút để có bản đồ dịch tễ đậm màu cam - đỏ này. Nhưng để ra được bản đồ là khoảng thời gian rất lâu để lấy dữ liệu thông tin "gắn" lên đó. Phải có thông tin đó thì những nhà dịch tễ học mới có cơ sở, bằng chứng để phân tích, giúp chính quyền ra những quyết định quan trọng", BS Tú nói và giải thích thêm: "Mỗi nhóm người trong cộng đồng có nguy cơ khác nhau, nếu biết tình trạng xét nghiệm/cách ly/giám sát của họ thì khi nhìn vào bản đồ có thể thấy dịch lan ra tới đâu, mình kiểm soát như thế nào, còn hổng chỗ nào…".

Với BS Tú, công nghệ chỉ là công cụ, quan trọng nhất là lấy rất nhanh thông tin chính xác để phân tích. Thông tin đó phải được cập nhật từ trạm y tế xã lên Trung tâm Y tế các quận/huyện rồi tổng hợp lên CDC TP Đà Nẵng. Hai bác sĩ trẻ Trần Đình Trung - Trần Anh Tú đã "bắt tay" nhau trong triển khai hệ thống giám sát online. "Cú bắt tay" thành công không ngờ, khi BS Tú là đầu mối mô hình, BS Trung là người vừa cùng BS Tú tập huấn truy vết, giám sát, lấy thông tin cho nhân viên y tế 7 quận/huyện ở Đà Nẵng, vừa huy động lượng lớn sinh viên trong khoa tham gia việc nhập liệu thông tin thay cho nhân viên y tế.

"Chiến lược của Tổ công tác truy vết, giám sát chúng tôi là phải nhờ sinh viên giúp đỡ. Và chính BS Trung có công rất lớn trong việc tận dụng sức trẻ đó. Việc sinh viên trường Y nhập liệu thay cho nhân viên y tế tuyến huyện khiến họ vừa giảm tải đến 50% công việc, vừa để nhân viên y tế giành thời gian cho nhiệm vụ khác trong chống dịch", BS Trần Anh Tú nhận định.

"Sinh viên trường Y trẻ, "tinh mắt nhanh tay", thành thạo máy tính, việc đặt các em vào đúng vị trí chính là cách chống dịch vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả", BS Trung chia sẻ. Vậy là, sau khi các chuyên gia tập huấn từ trạm y tế lên CDC thành phố, các sinh viên năm 3-4 khoa Y tế công cộng của BS Trung giúp Tổ công tác đặc biệt có được thông tin nhanh hơn. Thông tin được đồng bộ bằng điện toán đám mây, BS Tú lại tận dụng công cụ miễn phí nên gần như trong một buổi sáng có thể đẩy thông tin từ xã lên CDC TP, không chỉ lịch trình bệnh nhân mà các thông tin F1, cách ly, theo dõi. Điều này giúp việc truy vết diễn ra rất nhanh chóng.

"Làm truyền nhiễm thì chả ngại gì…"

Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 5.

Trong hơn 300 chuyên gia, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, lên đường chi viện cho miền Trung chống dịch COVID-19, có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Ảnh: PT

Ngày 31/7/2020, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế. Khi đó, đây là nơi tiếp nhận, chia lửa cho bệnh viện ở Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân nặng, rất nặng. Rồi liên tiếp những ngày sau đó, nhiều bệnh nhân nặng qua đời.

Ngày 3/8/2020, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận thông báo sẽ cùng BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện lên đường đi Huế.

"Không chỉ tôi đâu, nhiều cán bộ ở Viện cũng sốt ruột muốn lên đường chi viện cho Đà Nẵng, cho miền Trung lắm", BS Khiêm nhớ lại. Nhưng cuối tháng 7/2020, Bệnh viện cùng lúc phải điều trị cho số bệnh nhân COVID-19 đang có, vừa chuẩn bị mọi phương án đón hơn 100 công dân Việt từ Guine Xích đạo trở về (với hàng chục ca nhiễm COVID-19, đồng nhiễm sốt rét), nên sau khi sắp xếp, anh và BS Cấp mới yên tâm lên đường vào Huế. Mục tiêu của đoàn chuyên gia tuyến đầu miền Bắc vào chảo lửa miền Trung là xốc lại tinh thần, giúp đồng nghiệp tự tin hơn, làm sao cứu chữa được càng nhiều bệnh nhân nặng càng tốt, bảo toàn lực lượng, chống lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế.

Bản lĩnh thầy thuốc trẻ Việt Nam - Ảnh 6.

BS Trần Anh Tú (thứ 2 từ trái sang), BS Trần Đình Trung (thứ 4) và BS Đồng Phú Khiêm (thứ 8) là 3 bác sĩ trẻ nhận giải thưởng của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam 2020.

"Làm truyền nhiễm thì chả ngại gì", BS Đồng Phú Khiêm nói. "Khi ấy, xách vali rồi chào vợ con, tôi đã xác định tinh thần đó có thể là lần cuối cùng được gặp gia đình. Bởi đồng nghiệp của chúng tôi - BS Lý Văn Lượng ở Vũ Hán vừa qua đời cách đó vài tháng cũng chỉ mới 34 tuổi", BS Khiêm trầm ngâm nhớ lại.

Vào tới Huế, anh nói "ngấm vô cùng" khi hiểu khí thế xông pha ra trận của cha ông mình khi xưa. "Các bạn trẻ cũng như mình, ai cũng tâm thế sẵn sàng ghi tên không nề hà", BS Khiêm nói. Càng khi đất nước khó khăn, càng thấy tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào thấm đẫm.

Hành trang nam bác sĩ 35 tuổi mang vào Huế khi đó chính là kinh nghiệm trả giá bằng mồ hôi và những lần "thót tim" đến ám ảnh khi điều trị bệnh nhân nặng ở Hà Nội, trong đó có những bệnh nhân nhiều lần đối diện cửa tử như bệnh nhân 19. Trước đó, anh chính thức bước vào "tuyến đầu chống dịch" phía Bắc hôm 15/3/2020, khi khoa tiếp nhận 2 bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên, trong đó có bệnh nhân 19, rồi chuỗi ngày liên miên khoảng 2 tháng sau đó, anh không về nhà.

"Việt Nam chống dịch tốt không phải chỉ trong một đêm. Chúng tôi điều trị thành công cho bệnh nhân cũng không phải chuyện "đương nhiên" có được", anh nói. Đó là nền tảng kiến thức được các thầy truyền thụ trong suốt thời gian dài, là học hỏi từ chính thực tế điều trị trực tiếp cho bệnh nhân và của các đồng nghiệp trong, ngoài nước. Nhưng điều quan trọng nhất, theo người bác sĩ trẻ, chính là niềm tin mà các thế hệ đi trước đã trao cho anh cũng như những đồng nghiệp ít tuổi nghề nhưng đam mê sáng tạo.

"Giai đoạn đầu khi tiếp nhận những bệnh nhân nặng, không chỉ chúng tôi mà các thầy (các chuyên gia hàng đầu trong Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 - PV) đều rất lo lắng, vì COVID-19 có căn nguyên mới quá. Chúng tôi lại trẻ quá. Các thầy vừa lo lắng về chuyên môn năng lực, vừa lo chúng tôi áp lực tâm lý. Liên tiếp các cuộc họp hội chẩn quốc gia diễn ra…", anh kể lại.

Càng ở tuyến đầu, tôi càng tin vào thế hệ trẻ, lúc đất nước khó khăn, thế hệ thanh niên trẻ, những người trẻ trong ngành Y chúng tôi luôn xung kích".

BS Đồng Phú Khiêm

Trong quá trình điều trị bệnh nhân nặng có những tình huống vượt qua giới hạn khuyến cáo trong kiến thức hiện tại đang có, chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh luận. Y khoa là vậy. Thậm chí khi có hội chẩn rồi vẫn có những ý kiến khác nhau. Khi ấy, BS Khiêm và cộng sự là người trực tiếp điều trị, là người có nhiều thông tin nhất về bệnh nhân (các chỉ số được theo dõi sát sao), bằng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm được các thầy truyền thụ, kết hợp với tham khảo từ đồng nghiệp trong và ngoài nước về chính việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, các bác sĩ trẻ phải quyết đoán đưa ra chỉ định cuối cùng.

"Quyết đoán và chấp nhận những áp lực nhất định vì con đường mình đi là mới, thậm khí khác với ý kiến của người đi trước. Quyết đoán nhưng không liều lĩnh", BS Khiêm tâm sự. "Có những lúc khi đấu tranh với chính mình để đưa ra quyết định, tôi đã nghĩ tới tình huống sau này gặp lại các thầy có bị "làm sao" không? Nhưng may mắn, nhờ các thầy trao niềm tin, chúng tôi tin vào chính mình, kết quả, bệnh nhân vượt qua cửa tử, phổi phục hồi", vị bác sĩ trẻ nhớ lại. Từ kết quả thực tế điều trị đó, các chuyên gia hàng đầu dành niềm tin lớn cho các bác sĩ thế hệ trẻ, không chỉ về chuyên môn mà còn về bản lĩnh đối đầu khó khăn, không ngại áp lực.

Điểm chung được các bác sĩ trẻ như Trần Đình Trung, Trần Anh Tú và Đồng Phú Khiêm (những bác sĩ vừa được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ) nhận thấy sau "trải nghiệm" COVID-19, đó chính là trao niềm tin vào thế hệ trẻ - thế hệ có khả năng ngoại ngữ và nhanh nhạy trong tận dụng công nghệ để phục vụ công việc.

Nhờ có niềm tin, BS Khiêm cùng với đồng nghiệp triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), hay mạnh dạn quyết đoán trong áp dụng chiến lược thở máy với bệnh nhân chạy ECMO. Nhờ có niềm tin, BS Trần Anh Tú và "team" đã thiết lập bản đồ dịch tễ, hệ thống giám sát, truy vết khẩn cấp, giúp quản lý, phân tích số liệu kịp thời…

"Truyền thông đưa tin từ Bắc chí Nam, có những đồng nghiệp của chúng tôi tình nguyện tới miền Trung chi viện. Tôi cảm kích vô cùng. Càng ở tuyến đầu, tôi càng tin vào thế hệ trẻ, lúc đất nước khó khăn, thế hệ thanh niên trẻ, những người trẻ trong ngành Y chúng tôi luôn xung kích", BS Khiêm nói.

Còn với thầy giáo - BS Trần Đình Trung, anh nhận thấy sự tiếp nối thế hệ trẻ khi chính các sinh viên y khoa đã không nề hà. "Chúng tôi tin các em sẽ làm được. Thực tế là các em làm được", BS Trung nhấn mạnh và cho biết có những sinh viên năm 3, 4 của Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng xung phong cách ly hoàn toàn để vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Lệ - nơi được phân công cách ly F1, F2 , cũng là nơi bị phong toả do có nhân viên y tế nhiễm COVID-19, để thu thập thông tin, nhập liệu. Anh nói, anh "đọc" được niềm yêu nghề của các sinh viên qua những buổi tập huấn khẩn cấp những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8. "Không phải là những buổi lên lớp tẻ nhạt, độc thoại. Sau những giờ tập huấn chăm chú, các em đã đưa ra những thắc mắc. Sôi nổi và thiết thực vô cùng. Đó chính là thế hệ những cán bộ y tế trẻ tiếp sau chúng tôi", BS Trần Đình Trung chia sẻ…

Võ Thu

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 2 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Y tế - 4 ngày trước

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Top