Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu

Thứ ba, 17:57 01/09/2020 | Xã hội

Trên phố Hàng Quạt người ta vẫn còn thấy một người thợ cặm cụi với dùi, đục, khoan, bào… tạo ra những chiếc khuôn bánh Trung thu mang hồn cốt những ngày xưa cũ.

Trời bắt đầu vào thu, gánh hàng thị của người bán hàng vừa đi qua phảng phất hương thơm dịu ngọt, tôi dừng chân tại cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tìm gặp ông Phạm Văn Quang người thợ tài hoa và rất đặc biệt trên phố cổ Hà thành…

Bám trụ với nghề gia truyền

Cửa hiệu của ông Quang khá khác biệt với chiếc biển được vẽ bằng sơn tay và những chiếc khuôn gỗ, đủ hình dạng và kích cỡ được treo từ cửa vào kín bên trong. Không gian cửa hiệu chưa đầy 10m2 mang hơi thở xưa cũ, bức tường mốc được treo la liệt khuôn bánh trung thu lớn bé đủ hình; trên chiếc phản gỗ xỉn màu theo thời gian ở góc nhà đặt cái phích hoa, ấm nước chè đặc; đối diện là chiếc tủ treo bộ đồ nghề đục mài. Đó là cửa hàng của người thợ làm khuôn bánh Trung thu thủ công cuối cùng trên đất Hà thành.

“Tôi bắt tay vào làm nghề khuôn thủ công đến nay đã gần 40 năm. Tôi quê gốc ở Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) với nghề gia truyền cả gia đình cùng làm nhưng nay còn một mình tôi bám trụ với cái nghề này, anh em, con cháu đều chuyển sang làm nghề khác hết cả”, ông Quang cho hay.

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu - Ảnh 1.

Ngoài làm khuôn bánh Trung thu, ông Quang còn làm theo đơn đặt hàng của khách.

Thấy ông thảnh thơi ngồi nhâm nhi chén trà, tôi thắc mắc sắp vào mùa Trung thu mà có vẻ như năm nay ông không có nhiều đơn hàng. Ông thở dài:

“Cũng vì dịch bệnh Covid-19, tình hình hàng hóa ảnh hưởng, khách đặt làm khuôn bánh giảm rõ rệt so với năm ngoái. Nhưng tình hình chung rồi, không riêng gì cửa tiệm của tôi, mong cho dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường”.

Ông cũng cho hay, cũng do dịch bệnh thời gian này ông mới rảnh để tiếp chúng tôi. Còn như mọi năm, ông bận tối mắt tối mũi trả đơn cho khách, chứ đâu được thong dong thế này. Hỏi ông về công đoạn để làm ra một chiếc khuôn bánh, ông bảo:

“Cái quan trọng để làm ra được một chiếc khuôn đẹp ấy là sự khéo léo của người thợ, từ công đoạn chọn gỗ đến khi đục đẽo. Gỗ làm khuôn bánh là gỗ thị, gỗ xà cừ vì các loại gỗ này rắn, chắc, chịu được lực mạnh, có thể giữ được hoa của gỗ khi bào, đục.

Sau khi chọn gỗ và cưa thành từng phần, công đoạn tiếp theo là dùng các đục chuyên dụng để tạo hoa văn trên khuôn. Phần cán cầm phải dùng máy tiện tròn để người thợ làm bánh có thể cầm chắc tay.

Sau khi đã hoàn thiện đục đẽo họa tiết, tôi sẽ dùng đất sét đóng vào khuôn như bánh thật để kiểm tra xem khuôn đã chính xác hay chưa, thừa thiếu chi tiết gì để khắc phục.

Cuối cùng là công đoạn dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt khuôn để cho người tiêu dùng dễ dàng cầm nắm và sử dụng”.

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu - Ảnh 2.

Những chiếc khuôn bánh to, nhỏ treo la liệt trên tường.

Thời đại của máy móc và công nghiệp, nên với công đoạn thủ công như vậy, một người thợ có tay nghề như ông một ngày cũng chỉ làm được từ 5-6 khuôn bánh. Còn với những khuôn họa tiết cầu kì thì tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thiện.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Nghề làm khuôn bánh truyền thống đã qua giai đoạn vàng son bởi phải cạnh tranh với khuôn nhựa. Không những phải cạnh tranh với khuôn nhựa rẻ tiền, mà ngay cả ở chất liệu gỗ, cũng có hàng loạt khuôn gỗ được sản xuất công nghiệp vì có những chiếc máy đục gỗ tự động công nghệ cao.

“Khuôn máy ra sản phẩm nhìn cứng chứ không có hồn như làm thủ công”, ông Quang bình luận.

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu - Ảnh 3.

Biển cửa tiệm được vẽ bằng sơn tay.

Trước thách thức đó, ông Quang cũng vẫn tạo ra những bước đột phá để tự cứu mình bằng cách cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; không thể cạnh tranh với công nghệ mới nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật truyền thống và tăng tính độc đáo cho sản phẩm, mới có đất sống.

“Đã là người làm nghề phải đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu hiện tại của khách hàng. Dù là nghề truyền thống cũng vẫn phải vận động theo thời cuộc, không thể mãi đứng yên”, ông Quang nói.

Chính vì vậy, dù xã hội có thay đổi, máy móc có tân tiến đến đâu vẫn còn chỗ đứng cho những người thợ tài hoa, người “thổi hồn” vào từng chiếc khuôn bánh, mỗi một chiếc khuôn là một “số phận đặc biệt” không lẫn vào đâu được.

Yêu nghề nên với ông Quang, công việc làm khuôn bánh Trung thu không chỉ là kế mưu sinh mà còn vì đam mê, là cái nghiệp ông “trót” mang vào thân. Thế nên không phải ai bỏ tiền, ông cũng sẵn lòng phục vụ bằng mọi giá. Ông cũng luôn giữ quy tắc riêng của bản thân chứ không phải chạy theo đồng tiền, chạy theo thị hiếu của khách một cách mù quáng.

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu - Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Quang - người thợ làm khuôn bánh Trung thu cuối cùng trên đất Hà thành.

“Từng có một vị chủ khách sạn đặt tôi làm một chiếc khuôn bánh Trung thu 15kg, giá nào cũng trả nhưng thời gian thì gấp gáp. Tôi nhất định không nhận đơn đó bởi gấp gáp thì lấy đâu ra được một cái khuôn đẹp.

Làm cho người ta cái khuôn mà ngay đến mình cũng cảm thấy không vừa ý đâu có đáng để nhận đồng tiền ấy. Trong nghề nào cũng vậy, làm việc cần có cái tâm. Đó cũng chính là xây dựng thương hiệu cho chính mình”, ông Quang nói.

Nhờ vậy, khách thập phương từ Thái Bình, Hải Phòng, Sài Gòn… hay cả những vị khác đến từ nước ngoài vẫn luôn nhớ tới cửa tiệm nhỏ xíu nằm khiêm tốn trên phố Hàng Quạt của ông Quang.

Trải qua bao năm tháng làm nghề, hàng trăm ngàn chiếc khuôn gỗ thủ công ra đời, không có bất kỳ cái nào giống cái nào. Cùng là một hình, những đường vân, độ nông sâu tạo cho mỗi chiếc khuôn những nét riêng biệt.

“Hình chủ yếu để làm khuôn là cá chép, hàm ý “cá chép hóa rồng” thể hiện cho khát vọng vươn lên, hay hình hoa cúc, hoa sen… Bên cạnh đó, tôi còn làm những hình con giống cho trẻ em”, ông Quang cho hay.

“Khuôn bánh đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người thợ, bởi chỉ cần đục hơi sâu hơn một chút hay nông đi một chút là tạo hình hoa văn đã khác đi nhiều. Người thợ phải tính toán làm sao để khi chiếc bánh ra lò đảm bảo đúng với khối lượng khách yêu cầu: 2 lạng, nửa cân, 1 cân…”, ông Quang cho hay.

Sống bằng nghề truyền thống tưởng như đã cũ mòn nhưng bằng tài nghệ của mình, ông Quang vẫn duy trì cuộc sống rất lý tưởng, được tự do làm điều mình thích và không bị bó buộc bởi miếng cơm, manh áo.

Chuyện đời người thợ cuối cùng làm khuôn bánh Trung thu - Ảnh 5.

Ngoài làm khuôn bánh Trung thu, ông Quang còn làm những con dấu bằng gỗ.

“Người ta thường nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Làm nghề nào cũng vậy, nếu mình có năng lực, mình biết phát triển những cái mới luôn có đất tồn tại, chẳng cần phải nghe ai nói “ôi cái nghề này hết thời rồi” mà cảm thấy nao núng…”, ông Quang hồn hậu chia sẻ.

Con phố xưa vốn nổi tiếng với nghề làm quạt nay trở thành một trung tâm chuyên kinh doanh các loại bàn thờ lớn nhỏ, các loại đối trướng kiểu cũ và các loại cờ trướng khen thưởng thi đua hiện đại.

Lọt giữa con phố đó, trong cửa hàng nhỏ của mình, ông Quang vẫn cặm cụi tạo ra những chiếc khuôn gỗ truyền thống chỉ dành riêng cho những vị khách có nhu cầu cao về nghệ thuật.

Theo Người đưa tin

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Khung giờ sinh của người luôn có Thần Tài kề bên, không bao giờ lo tương lai nghèo khó

Khung giờ sinh của người luôn có Thần Tài kề bên, không bao giờ lo tương lai nghèo khó

Đời sống - 6 phút trước

GĐXH - Người ta tin rằng, khi một đứa trẻ chào đời trong các khung giờ sinh này, Thần Tài sẽ dẫn lối cho chúng cuộc đời "không giàu cũng quý".

Hiện trạng dự án mở rộng đường 'huyết mạch' hơn 8.000 tỷ ở Hà Nội

Hiện trạng dự án mở rộng đường 'huyết mạch' hơn 8.000 tỷ ở Hà Nội

Đời sống - 26 phút trước

GĐXH - Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đi qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) có tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng. Sau khi mở rộng, tuyến đường sẽ có 8-10 làn đường, mặt cắt ngang 50-60 m, tốc độ thiết kế 80-100km/h.

Hà Nội: Chính thức khởi công từ hôm nay (19/5), cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh, Tây hồ có gì đặc biệt?

Hà Nội: Chính thức khởi công từ hôm nay (19/5), cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh, Tây hồ có gì đặc biệt?

Thời sự - 52 phút trước

GĐXH - Theo kế hoạch, sáng nay (19/5), UBND TP Hà Nội sẽ khởi công cầu Tứ Liên. Đây là cây cầu đặc biệt nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội với thiết kế 2 trụ đài dây văng xoắn.

3 con giáp có tốc độ phát triển cấp số nhân, tài lộc rủng rỉnh trong thời gian này

3 con giáp có tốc độ phát triển cấp số nhân, tài lộc rủng rỉnh trong thời gian này

Đời sống - 56 phút trước

GĐXH – Theo chuyên gia, đây là 3 con giáp dự báo có những thay đổi tích cực thời gian này. Tốc độ phát triển của các con giáp theo cấp số nhân, tài lộc rủng rỉnh.

Tình yêu Bác qua những gam màu, chất liệu dân gian

Tình yêu Bác qua những gam màu, chất liệu dân gian

Xã hội - 59 phút trước

Tháng Năm về, trong niềm xúc động hướng về ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân miền Tây lại có cách riêng để bày tỏ lòng kính yêu với Bác. Không phô trương, không ồn ào, tình cảm ấy thấm đẫm trong từng gam màu, từng chất liệu dân gian mộc mạc của mo cau, lá sen, hạt gạo, dây điện, đá núi… tạo nên những bức tranh sống động, chan chứa hồn quê và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác

Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác

Xã hội - 1 giờ trước

Suốt cuộc đời tận hiến cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng xem sinh nhật của mình là một ngày đặc biệt. Nhưng với đồng bào, đồng chí, mỗi dịp 19/5 là một khoảnh khắc thiêng liêng - không chỉ để bày tỏ lòng kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn để soi lại chính mình qua tấm gương đạo đức trong sáng, đời sống thanh bạch và trái tim luôn rộng mở vì nước, vì dân của Bác.

Những trường hợp nào không được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định mới của Luật Đất đai?

Những trường hợp nào không được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định mới của Luật Đất đai?

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Luật Đất đai 2024 quy định rõ các trường hợp không được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất. Đó là những trường hợp nào? Dưới đây là những thông tin cụ thể.

Hàng chục triệu người dân miền Bắc phải hứng chịu kiểu thời tiết bất lợi kéo dài cả tuần

Hàng chục triệu người dân miền Bắc phải hứng chịu kiểu thời tiết bất lợi kéo dài cả tuần

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, dông tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên cả nước, Trong đó Bắc Bộ có mưa cả tuần, cao điểm mưa lớn từ ngày 22-25/5. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều nơi.

Lịch nghỉ hè chính thức của học sinh 63 tỉnh, thành trên toàn quốc năm 2025

Lịch nghỉ hè chính thức của học sinh 63 tỉnh, thành trên toàn quốc năm 2025

Giáo dục - 2 giờ trước

GĐXH - Lịch nghỉ hè 2025 của học sinh tại 63 tỉnh thành được xây dựng dựa trên khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 do Bộ GD&ĐT ban hành.

Tin sáng 19/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa lớn trước khi bước vào đợt nắng nóng; Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Công an Hà Nội xác minh, làm rõ các sản phẩm thực phẩm chức năng giả

Tin sáng 19/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa lớn trước khi bước vào đợt nắng nóng; Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Công an Hà Nội xác minh, làm rõ các sản phẩm thực phẩm chức năng giả

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 20 - 28/5 mưa rào rải rác, khả năng có nắng nóng diện rộng.

Top