Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chuyện nhặt... hầu đồng

Thứ năm, 16:45 03/03/2011 | Xã hội

GiadinhNet - Vào những ngày này, khá nhiều điện, phủ có những giá hầu đồng (hầu bóng) nhưng nhiều giá hầu hiện nay đã bị biến tướng.

Nhiều kẻ  lợi dụng những con nhang đệ tử nhẹ dạ để trục lợi.
 
Các con nhang đệ tử đang sếp sính lễ theo chỉ dạy của “mợ”.
Ảnh: Hạnh Thảo
 
Rút hầu bao cầu vui đầu năm
 
Chúng tôi khá may mắn khi được một người quen dẫn tới phủ cậu T (khu Chợ Phúc Yên, phố Phan Bội Châu, phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) để xem một lễ trình đồng mở phủ. Cửa điện của cậu khiến ai mới bước vào đều phải trầm trồ, ngạc nhiên bởi vẻ xa hoa lộng lẫy, giống như một cung điện thu nhỏ với những gam mầu rực rỡ. Lễ vật dâng lên thần thánh xếp đầy hai mươi mâm được bày biện đẹp mắt và hết sức công phu, từ rượu ngoại, bánh kẹo thuốc lá, hoa quả cao cấp đến đường trắng, mỳ tôm hộp... một người trong đoàn hát chầu văn cho biết một buổi hầu đồng như thế này người ta phải chi cả trăm triệu đồng.
 
Chúng tôi ngỏ ý hỏi một trong số người nhà của gia chủ đến làm lễ, lý do gì khiến họ bỏ ra số tiền lớn như vậy? Chị Thúy (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Năm ngoái nhà tôi đến điện của “cậu”, nhờ “cậu” xin với bề trên giúp cho làm ăn thuận lợi, may mắn. Năm nay “cậu” nói giúp làm lễ trình đồng lộc sẽ vào nhiều hơn. Quý lắm “cậu” mới giúp đấy, vài chục triệu chứ đến vài trăm triệu cũng nên làm. Nghe “cậu” lợi lắm, năm vừa rồi nhờ “cậu” kêu cầu mà làm ăn gặp lắm. Người đã cho lộc thì cũng phải biết tán lộc em ạ”.
 
Buổi hầu đồng nào nhà “cậu” cũng đông kín người đến xem, người thì thích không khí nhộn nhịp, người đến nghe hát chầu văn, nhưng đa số là đến xin lộc rơi, lộc vãi. Chị Loan - một người dân ở khu chợ Phúc Yên (gần nhà “cậu” T) tâm sự: “Tôi hay đến nhà “cậu” nhặt lộc rơi, đến đây không phải trình tên tuổi trước cửa điện “cậu” mà vẫn được lộc là may lắm đấy. Không chỉ tôi mà quanh khu chợ này, ai rảnh cũng hay đến xin lộc làm may”.
 
Những người được “cậu” ban lộc nhiều nhất là gia đình làm lễ, những người hát chầu văn, cung văn nào đàn hay hát ngọt thì mỗi giá đồng cũng được thưởng vài tờ 500.000 đồng, nếu phục vụ 7 – 8 giá thôi cũng được gần chục triệu, những người hầu dưng – người trực tiếp được “cậu” sai khiến cũng được ban thưởng rất hậu hĩnh.
 
Còn tại Phú Thọ, đến đền Mẫu Tam Giang (Bạch Hạc, Việt Trì) vào những ngày này thì việc xem một lễ hầu đồng không khó khăn gì. Những ngày đầu xuân là dịp các thanh đồng đi “trình đền mở phủ” nhiều không đếm xuể.
 

“Mợ” nhập vai trong giá Mẫu thượng ngàn.

 
Xin “lộc rơi, lộc vãi”
 
Một dịp khác, trong vai một người buôn bán, chúng tôi theo chân chị bạn đi dự một buổi hầu đồng thuộc tỉnh Nam Định. Địa điểm diễn ra buổi lễ là điện nhà “cậu” Khánh thuộc huyện Ý Yên. Chúng tôi có mặt ở nhà chị theo lời hẹn thì đã thấy có tới hơn 20 người cả già lẫn trẻ đã tập kết tại đó với đầy đủ ban bệ, thành phần, đang tất bật chuẩn bị đồ sính lễ. Ai cũng có khuôn mặt rạng ngời, vừa làm vừa nói cười râm ran. Một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, dáng người yểu điệu, ăn mặc láng mượt, da dẻ trắng mịn, miệng nhai trầu, giọng thanh như con gái liên tục đưa tay chỉ trỏ mọi người cầm theo cái này, cái kia. Các cụ sắp lễ đã ngoài 60 tuổi nhưng tay làm miệng liên tục vâng dạ theo thanh niên này.
 
Chị bạn tôi ghé tai: “Cậu” Bình đấy, hôm nay “cậu” là người chủ trì buổi lễ, em đến chào “cậu” đi”. “Em chào “cậu”, tôi vừa cất lời, ngay lập tức “cậu” quay lại phía tôi với cái nhìn sắc lẹm, đầu gật gật: “Bạn cái Hà hả?”. “Vâng ạ”. “Được đấy, người này cũng có căn, có số đấy. Phải ra trình đồng mở phủ mới khá lên được. Thế đã hướng dẫn em nó về cách ngồi hầu chưa?”. “Dạ rồi ạ!”. Chúng tôi buột miệng hỏi: “Trình đồng mở phủ nghĩa là thế nào ạ?”. “Nói thì dài, thì nhiều lắm. Hôm khác gặp, “cậu” bày cho. Bây giờ có thấy “cậu” đang bận tối mắt không?”.
 

Dàn mã trong giá hầu chờ hóa.

 
Khoảng 20 phút sau cả đoàn lên chiếc xe 24 chỗ ngồi đã đỗ sẵn ngoài cửa, đi khoảng chục kilômét thì đến nơi. Điện nhà “cậu” Khánh xa hoa lộng lẫy ngoài sức tưởng tượng. Trong điện ngoài ngõ người ra vào tấp nập. Hình như trong điện cũng vừa kết thúc giá hầu, chủ nhân buổi lễ đang lui ra thụ lộc chia cho các con nhang đệ tử, “cậu” Bình dẫn chúng tôi vào. Điện được trang hoàng rực rỡ, long đình (bàn thờ) nghi ngút khói hương. Chiếu được trải khắp điện, hai bên tả hữu dành cho ban nhạc lễ. “Cậu” ngồi vào chiếu ở giữa điện, bốn phụ đồng gồm hai nam, hai nữ giúp “cậu” thay “xiêm áo”, tô son điểm phấn và chuẩn bị lễ lạt. Các con nhang, đệ tử ngồi xung quanh. Vòng ngoài là đoàn khác chưa đến lượt ngồi “chầu rìa” xin lộc rơi lộc vãi. Buổi lễ bắt đầu bằng tiếng đàn cất lên khoan thai, trống phách dồn dập, giọng hát văn réo rắt. Giá hầu đầu tiên “cậu” mặc áo lụa trắng, chân đi hài, má phấn môi son bắt đầu vào giá.
 
Nghi lễ Thánh giáng bắt buộc phải theo thứ tự từ cao xuống thấp, đầu tiên là Thánh Mẫu tiếp đó đến hàng Quan, Chầu, các ông Hoàng rồi mới đến hàng cô, hàng cậu. Khi các quan nhập vào đồng thì mặt nghiêm nghị, giọng nói đanh thép. Giá ông Hoàng thì phóng túng, giá cô thì yêu kiều thướt tha nón thúng quai thao liếc mắt tình tứ. Khi Thánh nhập vào sẽ có bốn đệ tử hầu nước, che quạt, châm thuốc, vỗ tay tán dương, hết một giá đồng các đệ tử thay xiêm y, những đệ tử đó được gọi là những người hầu dưng. Giọng hát văn thay đổi liên tục theo từng giá, khi tươi vui, lúc chán chường... Tâm trạng của các con nhang đệ tử vì thế cũng thay đổi, thỉnh thoảng cao hứng “cậu” lại nhảy cẫng lên cất tiếng... “hú” khiến con nhang đệ tử vỗ tay rào rào.
 
Mỗi lần nhập vai là một giá đồng, một bộ quần áo khác nhau. Sau mỗi giá, “cậu” lại ban lộc thánh bằng cách tung tiền ra xung quanh. Mệnh giá của tập tiền tung sau bao giờ cũng lớn lớn lần tung trước. Mở màn chỉ là tung lộc tiền lẻ 2.000- 5.000 đồng. Dần dần tăng lên 10.000 - 20.000 rồi 50.000 đồng. Thậm chí trong giá tung cuối cùng có rất nhiều tờ 500.000 đồng được tung lên không trung, nhưng lần tung cuối “cậu” tung khá chuẩn và chính xác đến từng con nhang đệ tử thân cận ngồi kế bên. Nghe nói, mỗi buổi hầu thánh như thế nếu đầy đủ thủ tục phải qua 36 giá. Mà theo lời “cậu” thì hầu được cả 36 giá thì tán lộc một, lộc lại vào mười.
 
Chị bạn của chúng tôi cho biết, mỗi buổi hầu đồng như thế tốn khoảng 50- 60 triệu đồng. Người làm ăn phát đạt như có công ty riêng, buôn bán kim hoàn, bất động sản còn đầu tư cả trăm triệu đồng để cho “cậu” đi hầu. Khoản tiền này đưa tất cho “cậu” đứng ra tổ chức. “Cậu” sẽ sai các đệ tử của mình sắm sanh lễ lạt, chuẩn bị xe cộ, tiền ban lộc, tiền còn lại sẽ vào túi cậu. Ngoài ra, người chủ xị còn phải trả công cho “cậu”, không có giá cụ thể nhưng ít nhất cũng từ 3 triệu đồng trở lên...
 

Chính điện đền Mẫu Tam Giang Bạch Hạc, Việt Trì.

 
Khi hầu đồng bị lợi dụng
 
Nói chuyện với chúng tôi tại điện của “cậu” T, cô đồng B (Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ) tâm sự: “Mợ là đồng mới, mợ đi theo “cậu” bây giờ bốn năm rồi, “cậu” của mợ năm nay 80 tuổi nhưng đẹp lắm, lên đồng từ năm 17 tuổi, “cậu” có tâm mới được thánh cho ăn lộc lâu như thế. Làm nghề này là không được tham con ạ. Nếu tham là Thánh phạt ngay”. Nói là không được tham nhưng những mức giá “mợ” phát ra cho mỗi đầu việc chẳng khác nào “cắt cổ” các con nhang đệ tử nhẹ dạ.
 
Một người trong số chúng tôi bị “mợ” phán rằng: “Con có căn số làm thầy, phải trình đền mở phủ thì tương lai mới khá, không thì có rồi lại mất, tình duyên dang dở, lận đận lắm”. Tôi hỏi nếu muốn cắt căn số đó thì làm thế nào. “Mợ” nhiệt tình: “Con phải đi trả nợ tứ phủ, bây giờ làm một lễ này ít nhất cũng phải hai chục triệu”. Tiếp đến là “trình đồng mở phủ” rồi “ra hầu”. Tiền thì có ngần nào, liệu ngần ấy nhưng chắc khoảng 30- 40 triệu đồng nữa”.
 
Rồi “mợ” quay sang người đứng kế bên chúng tôi phán rằng: “Em chắc làm nghề buôn bán hả?”. “Dạ”. “Năm nay sao xấu đấy. Muốn kinh doanh xuôi chèo mát mái thì nên mở vài giá đồng. Bỏ một đồng lấy về 4 đồng còn hơn làm ra đồng nào tiêu tan đồng đó. Có làm không “mợ” vào trình với thầy, thầy làm phúc cho”.
 
Không chỉ những kẻ vô công rồi nghề leo lên ghế “cậu”, ghế “mợ” (thầy đồng, cô đồng) để trục lợi, mà không ít người cũng ra đứng giá do thấy mình có chút kiến thức và khả năng hát văn, đã lao vào kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn qua hình thức hầu đồng. Nắm bắt được tâm lý của người dân, với nhu cầu hầu đồng ngày càng tăng, mức độ lợi lộc càng lớn, không ít người đã đua nhau xây đền, mở phủ để kinh doanh. Đây thực chất là hoạt động “buôn thần bán thánh”!
 
Nghi lễ phổ biến nhất của tục thờ Mẫu

Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường (Viện Tôn giáo): Hầu đồng là một nét văn hóa tín ngưỡng nằm trong danh sách cần được giữ gìn và bảo tồn. Nó là nghi lễ phổ biến nhất của tục thờ Mẫu.
 
Trước đây, những buổi hầu đồng thường chỉ diễn ra vào ngày lễ của làng. Việc tuyển chọn các cô đồng khá nghiêm ngặt và phải do làng họp lại quyết định. Thường thì là trẻ con, tuổi lên 6 trở lên và là con nhà tử tế mới được chọn. Cô đồng có ý nghĩa biểu tượng như tuổi thanh xuân và tinh khiết của làng.
 
Cô bé được chọn sẽ được cô đồng đi trước truyền dạy cho tất cả các cách thức múa may, tế lễ để có thể nhập đồng. Những cô đồng thường chỉ “hoạt động” đến năm 25 tuổi thì “giải nghệ”, lấy chồng và buộc phải trao lại “vinh dự” ấy cho cô đồng mới lớn lên, vừa được làng tuyển chọn. Nhưng hiện nay, cái ý nghĩa thiêng liêng đã bị phá vỡ. Đội ngũ những người hầu đồng không chỉ là những cô gái đồng trinh nữa mà có cả đàn ông, đàn bà. Thậm chí có cả những kẻ vô công rồi nghề không biết làm gì, một ngày đẹp trời nào đó liền phao tin mình được “Thánh cho ăn lộc” nhằm lôi cuốn những kẻ nhẹ dạ, cả tin để kiếm tiền, mua vui.
 
Không biết những chủ chi của những giá hầu đồng công việc làm ăn có thực sự gặp nhiều may mắn hay không nhưng trước mắt họ đã phải bỏ một khoản tiến khá lớn. Nhiều con nhang vì muốn thần thánh sớm “chiếu cố” đến mình đã rước cả các “cậu”, các “mợ” về nhà mở điện, lên đồng.
 
Họ còn cho rằng giá hầu càng nhiều tiền thì công việc càng thuận lợi, tâm càng nhẹ nhàng, vì thế họ sẵn sàng dốc túi để hầu đồng. Một tín ngưỡng đẹp của đạo Mẫu dường như đã bị biến tướng, lợi dụng sự cả tin của nhiều người mà các cô đồng không ngại “buôn thần bán thánh”.

Mai Hạnh - Thu Thảo

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ký ức của người lính quân y tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ký ức của người lính quân y tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đời sống - 5 phút trước

50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính. Với GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 103 – đó là những ngày tháng không thể nào quên.

Quy định mới nhất về tốc độ tối đa của ô tô, xe máy, người dân cần nắm rõ để tránh bị phạt

Quy định mới nhất về tốc độ tối đa của ô tô, xe máy, người dân cần nắm rõ để tránh bị phạt

Đời sống - 24 phút trước

GĐXH - Việc cập nhật thông tin về tốc độ tối đa mới là rất quan trọng đối với người lái xe để đảm bảo an toàn giao thông và tuân thủ pháp luật. Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan đến vấn đề này bạn đọc có thể tham khảo.

Chuyện về những thương binh ở nơi đặc biệt xem diễu binh 30/4

Chuyện về những thương binh ở nơi đặc biệt xem diễu binh 30/4

Thời sự - 1 giờ trước

GĐXH - Sáng nay, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tổ chức cho thương binh, người có công với cách mạng xem trực tiếp lễ diễu binh 30/4.

Cảnh báo: 28 chiêu lừa đảo tinh vi khiến hàng nghìn người "bay" tài khoản chỉ trong tích tắc

Cảnh báo: 28 chiêu lừa đảo tinh vi khiến hàng nghìn người "bay" tài khoản chỉ trong tích tắc

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Lừa đảo công nghệ cao đang biến tướng với hàng loạt chiêu trò khó tin, khiến ngay cả người cẩn thận nhất cũng có thể "dính bẫy". Từ giả mạo ngân hàng, chiếm đoạt mã OTP cho tới tuyển dụng ảo, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Dưới đây là 28 cách lừa đảo mới nhất bạn cần biết để tự bảo vệ mình và người thân!

2 Tiktoker đăng clip sai sự thật về an ninh trật tự sau khi xem sơ duyệt diễu binh

2 Tiktoker đăng clip sai sự thật về an ninh trật tự sau khi xem sơ duyệt diễu binh

Pháp luật - 1 giờ trước

Cơ quan công an vừa làm việc với 2 Tiktoker đăng tải clip có nội dung sai sự thật về việc bị mất điện thoại khi xem sơ duyệt diễu binh, tạo nhiều bình luận trái chiều và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại TPHCM.

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thời sự - 2 giờ trước

Sáng 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Báo Sức khỏe và Đời sống trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn của Tổng Bí thư.

3 chính sách mới nhất có hiệu lực từ tháng 5/2025 dành cho công chức và viên chức

3 chính sách mới nhất có hiệu lực từ tháng 5/2025 dành cho công chức và viên chức

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Từ tháng 5/2025, 3 Thông tư mới dành cho công chức, viên chức, lao động sẽ chính thức có hiệu lực. Dưới đây là thông tin cụ thể.

Những 'báu vật' gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P1): Tấm bản đồ Bảo vật Quốc gia

Những 'báu vật' gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P1): Tấm bản đồ Bảo vật Quốc gia

Đời sống - 3 giờ trước

Giữa hàng ngàn hiện vật nhuốm màu thời gian đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một báu vật khiến ai đi qua cũng phải dừng lại chiêm ngưỡng, đó là tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

TRỰC TIẾP: Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

TRỰC TIẾP: Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thời sự - 3 giờ trước

SKĐS - Giữa khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, từ 6h30 sáng nay (30/4) tại TPHCM, Lễ diễu binh, diễu hành cấp nhà nước Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) chính thức diễn ra trong sự mong đợi, hân hoan tự hào của nhân dân khắp cả nước.

Hành trình trở về của những kỷ vật chiến tranh và khát vọng hòa bình

Hành trình trở về của những kỷ vật chiến tranh và khát vọng hòa bình

Đời sống - 3 giờ trước

Những cuốn sổ tay, nhật ký, lá thư… sau hàng chục năm lưu lạc, đã trở về với người thân liệt sĩ và các cựu binh như nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại. Không chỉ mang theo ký ức thiêng liêng của một thế hệ, kỷ vật ấy còn nhắc nhở chúng ta trân trọng hòa bình, gìn giữ để không lặp lại đau thương chiến tranh.

Top