Hà Nội
23°C / 22-25°C

Công nhận quyền chuyển đổi giới tính: Khao khát cháy lòng về những ngôi nhà và tiếng khóc trẻ thơ

Thứ hai, 08:32 30/11/2015 | Y tế

GiadinhNet - “Nếu được công nhận là người chuyển giới, tôi sẽ được đăng ký kết hôn hợp pháp với bạn gái, có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo...”, Nguyễn Bùi Hải Minh, một người chuyển giới nam và sống cuộc sống như một người đàn ông tâm sự.

 

Với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam, khi Quốc hội công bố quyết định quyền được chuyển đổi giới tính, họ gọi đó là thời khắc “lịch sử”. Sự kiện này tại Đà Nẵng diễn ra với tên gọi Ngày hiện diện người chuyển giới. Ảnh: Đ.B
Với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam, khi Quốc hội công bố quyết định quyền được chuyển đổi giới tính, họ gọi đó là thời khắc “lịch sử”. Sự kiện này tại Đà Nẵng diễn ra với tên gọi "Ngày hiện diện người chuyển giới". Ảnh: Đ.B

Thời khắc “lịch sử” với người chuyển giới

Với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam, 11h ngày 24/11, khi Quốc hội công bố quyết định quyền được chuyển đổi giới tính, họ gọi đó là thời khắc “lịch sử”. Nhất loạt những người đã từng phẫu thuật chuyển giới một phần hay toàn bộ, những người ủng hộ, chia sẻ cho mong mỏi của họ đã đổi hình đại diện (avatar) trên trang cá nhân: Cảm ơn đại biểu Quốc hội.

Nguyễn Bùi Hải Minh (SN 1990, nhân viên văn phòng, quê Đồng Nai), một người đã từng sử dụng liệu pháp hormine, phẫu thuật ngực để chuyển sang nam cũng vậy. Chúng tôi gọi Hải Minh là anh, dù pháp luật đến nay vẫn chưa công nhận giới tính sau khi phẫu thuật. Gần một tuần sau cái thời khắc ấy, Hải Minh vẫn chưa hết lâng lâng xúc động.

Trò chuyện với chúng tôi về quá trình chuyển giới của mình, Hải Minh chia sẻ, anh chính thức sử dụng liệu pháp hormone từ tháng 11/2013, tuy nhiên, không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Tất cả thông tin là do anh tự tìm hiểu dưới sự giúp đỡ của người thân cũng là chuyển giới nam. Hải Minh tâm sự: “Rất nhiều  khó khăn. Tôi sử dụng hormone “chui” bởi không có kê đơn của bác sĩ, nhưng đây là nhu cầu bắt buộc nên buộc tôi vẫn phải mua. Nguồn hormone mà chúng tôi cần ngày càng khó tìm, các hiệu thuốc nắm được nhu cầu lớn của chúng tôi nên trữ hàng rồi đẩy giá cao”. Sử dụng hormone được hơn một năm, tháng 2/2015, Hải Minh bắt đầu sang Bệnh viện Yanhee (ở Bangkok, Thái Lan) để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ngực. “Rất may là gia đình cho phép, giúp đỡ tôi” – Hải Minh nói - “Chi phí cho mỗi chuyến đi sang đó phẫu thuật ngực khoảng 5.000 USD, tương đương khoảng 120 triệu đồng, bao gồm đi lại, ăn nghỉ. Nhưng nếu phẫu thuật toàn phần thì phải hơn 35.000 USD, hơn 770 triệu đồng”.

Sau khi phẫu thuật, điều làm Hải Minh cũng như những người phẫu thuật chuyển giới lo lắng nhất, đó là họ không được chăm sóc, chuyên gia y tế theo dõi tỉ mỉ vì lý do sức khỏe (không thể qua Thái Lan rồi về Việt Nam nhiều lần) và hạn chế tài chính, công việc. Hải Minh cho biết: “Đáng lẽ, việc sử dụng hormone phải có liệu trình phù hợp từng giai đoạn, nhưng ở Việt Nam vì cấm phẫu thuật chuyển giới nên không có bác sĩ tư vấn,  không có cơ sở kiểm tra sức khỏe dành riêng cho người chuyển giới. Cộng đồng chúng tôi đã phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do các bạn không hiểu biết khi dùng hormone”.

Sẽ lập gia đình và sinh con

Hải Minh năm nay 25 tuổi và có bạn gái. Hiện nay, anh cũng như đại đa số những người cùng cảnh ngộ vẫn tiếp tục dùng hormone Sustanon Injection 250mg/ml. Đây là loại hormone bổ sung testosteron, có tác dụng tăng cơ bắp và râu (thể hiện nam tính). Hàng ngày, Hải Minh kiên trì tập gym để tăng cường cơ bắp, duy trì thể lực. Anh không có ý định phẫu thuật tiếp bộ phận nào do điều kiện kinh tế và hài lòng với ngoại hình hiện tại.

Những người đã phẫu thuật một phần như Hải Minh cũng lo lắng, vì quy định mới chưa nêu rõ là công nhận người chuyển giới đòi hỏi phải phẫu thuật một phần hay toàn bộ. Nhưng anh cũng bày tỏ ước nguyện rằng nếu anh được công nhận là nam giới, anh sẽ được đăng ký kết hôn hợp pháp với bạn gái, sẽ có gia đình như bao người dị tính khác. Hải Minh cũng thông tin, 80% nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ của những người chuyển giới thấp là do bị xã hội kỳ thị dẫn đến trầm cảm, tự tử, hoặc sau khi phẫu thuật, không có cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe dẫn đến sốc xuất huyết, ử vong. Không phải họ chết trên bàn mổ hay sau phẫu thuật, chuyển giới chỉ sống đến 40 -50 tuổi.

Hải Minh cho hay, trong cộng đồng người chuyển giới có người đã phẫu thuật (một phần hoặc toàn bộ) và chưa phẫu thuật. Vì chi phí cao, điều kiện sức khỏe hoặc chưa đủ can đảm nên một số người vẫn chưa phẫu thuật. Điều 37 (Bộ luật Dân sự) công nhận quyền chuyển đổi giới tính, cho phép một số quyền của người đã chuyển giới nên với người chưa phẫu thuật sẽ còn những hạn chế. Hải Minh thẳng thắn: “Khi nghe tin Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ đề xuất xây dựng một Luật chuyển đổi giới tính riêng, chúng tôi rất hi vọng Luật sẽ đưa ra quy trình thực hiện phù hợp với thực tiễn cộng đồng người chuyển giới. Người chuyển giới chỉ cần mang tâm tính của giới ngược lại là đủ, không phải cứ phẫu thuật mới là chuyển giới, vì phẫu thuật có nhiều rủi ro, về sức khỏe thì phải đánh đổi nhiều năm tháng, đau đớn về thể chất”.

Anh Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho hay, theo nghiên cứu của Trung tâm ICS (tổ chức của cộng đồng LGBT Việt Nam), cứ khoảng 2 ngày ở Thái Lan lại có một người Việt Nam chuyển đổi giới tính hoàn toàn. Hiện Việt Nam có khoảng 270.000 người chuyển giới. Theo anh Huy, nước ta đã có đơn vị y tế đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Còn theo chị Lê Ánh Phong (tên thật là Lê Quốc Phong – nam giới), chỉ tính riêng tại một cơ sở phẫu thuật chuyển đổi giới tính nổi tiếng vì giá rẻ ở Thái Lan, hàng năm, có đến gần 1.300 người Việt Nam phẫu thuật toàn bộ hoặc một phần từ nam sang nữ như chị. Với chi phí hàng chục nghìn USD cho mỗi lượt phẫu thuật một phần, khi Việt Nam cho phép quyền chuyển đổi giới tính, và cho phép phẫu thuật chuyển giới, số tiền này sẽ không “chảy máu” qua nước khác.

Chị Ánh Phong, anh Hải Minh chia sẻ, điều mà những người chuyển giới như các anh chị cần, đó là có cơ sở, chế độ chăm sóc sức khỏe riêng định kỳ cho người chuyển giới. Bên cạnh đó, những người có ý định chuyển giới cũng cần được điều trị tâm lý trước khi dùng liệu pháp hormone trong vòng 1-2 năm để bản thân có sự thay đổi, thích nghi, sống cuộc sống thực với giới tính như mong muốn. Sau đó, những người này sẽ được kiểm tra tâm lý bước cuối, sau đó cho phép họ phẫu thuật chuyển giới. Nếu thực hiện quy trình này, theo Hải Minh, sẽ không có tình trạng chuyển giới ồ ạt, loại trừ trường hợp các bạn trẻ nhận thức không đúng về giới tính, hệ lụy xã hội, a dua theo  “phong trào” thích là chuyển giới, và cũng tránh được những tội phạm lẩn trốn pháp luật bằng việc phẫu thuật chuyển giới.

 

Việt Nam làm chủ kỹ thuật chuyển đổi giới tính

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc ban hành Luật riêng về chuyển đổi giới tính tất yếu phải phụ thuộc vào trình độ y tế của Việt Nam, song không đáng lo vì y học Việt Nam không thua kém gì với thế giới.

Còn theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật về chuyển đổi giới tính. Dù chuyển nữ sang nam khó hơn nhưng các bệnh viện ngoại khoa hay bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng thực hiện được kỹ thuật này, cũng như sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật. Theo TS Nguyễn Huy Quang, nếu được pháp luật cho phép chuyển giới thì cũng có không ít hệ lụy, trong đó có vấn đề về sức khỏe. Quá trình tiêm hormone suốt đời khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh tật cao. Người đã chuyển đổi giới tính sẽ không bao giờ có con nếu quan hệ tình dục thông thường, nếu có bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng sẽ dẫn đến rất nhiều bi kịch như khi có con, ai sẽ là bố, ai sẽ là mẹ, con cái gọi họ thế nào, xã hội nhìn nhận đối với đứa trẻ này ra sao? Về mặt sinh học,  người đã chuyển đổi giới tính sẽ không được thỏa mãn về tình dục như những người bình thường khác...

 

 

“Tôi đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Chúng tôi sẽ có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho vợ. Nhưng đây là chuyện của 5 năm nữa. Hiện tại, tôi muốn tập trung phát triển sự nghiệp, có kinh tế vững chắc để lo cho vợ con và khẳng định với mọi người rằng, người chuyển giới có khả năng tự lập”, Hải Minh chia sẻ. 

Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Y tế - 18 giờ trước

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, thường trú tại Ba Đồn, Quảng Bình vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 4 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 1 tuần trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Top