Cựu chiến binh 26 năm đi xin quần áo ủng hộ người nghèo
GiadinhNet - “Tôi sinh ra đã mồ côi mẹ. Gia đình lúc đó có 9 anh chị em, vì nghèo, phải chạy loạn nên mất 6 người, còn lại 3. Để có cơm ăn, áo mặc, tôi phải đi ở 14 năm từ nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, tôi thấu hiểu được cảnh ngộ của nhiều số phận nghèo khổ”, ông Nguyễn Đức Thành (ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tâm sự về công việc đi xin quần áo cũ chia cho người nghèo suốt 26 năm qua.
Tuổi thơ dữ dội
Biết ông thường xuyên vắng nhà để lo cho việc từ thiện nên chúng tôi phải tranh thủ ghé thăm vào buổi trưa. Hỏi nhà ông, cô thôn nữ nước da bánh mật chỉ tay về phía căn nhà cấp 4 ngay sát cổng làng. Mới bước vào sân, chúng tôi đã thấy chật kín đồ đạc, thùng giấy và quần áo cũ được xếp thành tầng. Cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với ông, đó là sự chân tình, gần gũi. Với giọng nói chân chất, người đàn ông ở tuổi 74 trầm lắng kể về tuổi thơ đầy gian khổ của mình.
Ông tâm sự: “Tôi vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn, lắm bữa phải chỉ ăn tạm cây ngô cây sắn ngoài đồng để sống qua ngày. Năm tôi lên 3 tuổi thì mẹ đã mất, đến khuôn mặt mẹ như thế nào tôi cũng không nhớ rõ…”. Nói đến đây, giọng ông chậm lại, khóe mắt đỏ hoe.
“Tôi sinh ra đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Lúc đó gia đình khốn khó, lại phải chạy loạn nên có 9 anh chị em thì bị lạc mất 6 người, còn lại 3 người. Để có cơm ăn, áo mặc, tôi phải đi ở 14 năm từ nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, tôi thấu hiểu được cảnh ngộ nhiều người như tôi và muốn làm từ thiện để tích đức cho con cháu sau này”, ông Thành chia sẻ.
Ngược dòng thời gian, năm 18 tuổi, chàng trai quê Hà Tây cũ lên đường nhập ngũ và đóng quân ở các tỉnh miền Tây Bắc Bộ. Cuộc sống của người lính ngày đó còn vô vàn thiếu thốn, thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với đồng bào, thấy họ đói khổ khiến ông càng chạnh lòng. Có lần, ông đã khóc nghẹn khi thấy một đứa bé cởi trần giữa tiết trời giá lạnh. Ký ức về tuổi thơ khốn khó lại ùa về. Đó cũng là động lực thôi thúc để ông bắt đầu những chuỗi ngày thiện nguyện hướng tới người nghèo.
Đi bán rau để… xin quần áo
Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông Thành nung nấu thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu đó là lập ra một hội thiện nguyện có quy mô lớn để giúp đỡ được nhiều người khó khăn. Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin và tham khảo kinh nghiệm các hội từ thiện, ông nhanh chóng kêu gọi được nhiều cựu chiến binh khác tham gia. Tuy nhiên, đây cũng là lúc khó khăn ập đến khi kinh phí của hội chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Các hội từ thiện khác thường chuẩn bị sẵn kinh phí hoặc có nhà tài trợ rồi mới thành lập, còn các thành viên trong hội của ông Thành chỉ biết góp chút tiền bạc ít ỏi của gia đình mình để duy trì. Nhiều phương án ban đầu đưa ra không khả thi khiến ông bao đêm trằn trọc, mất ngủ.
Cái khó ló cái khôn, trong lúc đang thơ thẩn ngoài vườn rau ông chợt nảy ra ý tưởng là kết hợp đi chợ bán rau rồi xin quần áo, như vậy một công đôi việc. Ông nhớ lại: “Mấy ngày đầu, tôi chở rau bằng xe đạp từ vườn ra chợ thị trấn cách đó 4km để bán. Tôi mặc thêm bộ quần áo rách, rồi nói với người mua rau là xin quần áo về để tôi mặc. Nhìn dáng kham khổ của tôi, họ thương tình cũng cho. Sau đó, nhiều người biết chuyện nên số lượng người cho quần áo cũng tăng lên”.
Trong một lần đi chợ sớm, thấy chị bán hàng thịt dùng cái áo trắng còn mới để lau bàn, thấy phí quá nên ông đánh liều dừng xe mau miệng: “Xin chị cho tôi mang về mặc”. Chị bán hàng xởi lởi, chẳng câu nệ chuyện chưa mở hàng liền đưa ngay cho ông chiếc áo: “Cháu biếu ông. Nhà cháu còn nhiều. Ông cứ lấy đi”. Từ câu chuyện tình cờ này, chị bán hàng thịt trở thành nguồn cung cấp quần áo thiện nguyện của ông Thành khi ông xin được tới 3 bao tải quần áo. Sau này, có người cảm động trước công việc của người cựu chiến binh này còn đóng gói quần áo đã giặt sẵn mang đến tận nhà. Nhờ thế mà ông có cơ hội mang lại hơi ấm cho biết bao người còn khốn khó.
Việc làm của ông ban đầu bị chính người vợ phản đối. Vợ ông còn lo ông xin phải quần áo của người bị bệnh tật chết, mang họa về nhà nên cương quyết không cho làm. Thời gian ấy, số quần áo thu gom về ông phải tập kết ở ngoài cổng. Rồi mỗi ngày, ông chuyển từng ít một vào nhà giặt lại, phơi khô rồi mới đóng gói. Lâu dần, thấy nhiều người cảm kích trước việc làm của ông khiến người vợ phần nào hiểu và đồng thuận. Giờ đây, sau mỗi gói hàng từ thiện được đóng gói cẩn thận đều có sự góp sức thầm lặng của bà.
“Còn người nghèo cần quần áo, tôi sẽ tiếp tục xin”
Với cách làm như vậy, sau 26 năm ông Thành và hội thiện nguyện của mình đã có một địa bàn rộng khắp Hà Nội. Để không bị gián đoạn công việc ông lại kêu gọi thêm nhiều thành viên khác nữa thành lập hội chuyên chạy xe đạp để thu gom quần áo cũ. Hiện tại, phối hợp với ông có 2 đội xe đạp để đi làm từ thiện, một đội có 70 xe, một đội có 40 xe. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của hội thì mạng lưới các thành viên chạy xe đạp thiện nguyện cũng đã có mặt tại tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng. Những bộ quần áo cũ xin được ông đều đưa vào các trung tâm mồ côi, trại phong... Những gia đình nghèo ở gần ông tự đi xe đạp đến trao tận tay, còn các trường hợp ở xa ông lại bỏ tiền túi thuê xe tải chở đến cho họ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Xuân Phúc – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Minh cho biết: “Chúng tôi rất cảm phục trước công việc mà ông Thành đã làm suốt mấy chục năm qua. 26 năm kể từ khi rời quân ngũ về làm từ thiện, mỗi lần xin được bộ quần áo cũ nào là ông ấy đều tự tay giặt sạch, đóng gói cẩn thận trong những túi nilon, rồi thuê xe vận chuyển trao tận tay những người nghèo cần được giúp đỡ. Theo con số thống kê sơ bộ tôi nắm được, thời gian qua, ông Thành đã giúp được 90 vỏ chăn, 57 chiếc màn, 559 đôi dép, 7.900 khăn mặt, 33 triệu đồng tiền mặt đến với người nghèo và đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt”.
Trong đời sống hàng ngày, ông Thành vẫn là người nông dân chân chỉ hạt bột như bao người nông dân khác gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng. Lúc rảnh rỗi, ông lại tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, để từ đó khơi dậy phong trào làm từ thiện cho mọi người. Hiện ông là thành viên Câu lạc bộ xe đạp người cao tuổi huyện Thường Tín, hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam với một tập thơ được xuất bản. Với những đóng góp ấy, ông đã được UBND TP Hà Nội và các tổ chức xã hội vinh danh, tặng nhiều bằng khen như: Bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2015, Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ 2014, Bằng khen của UNESCO 2014...
Nói về những thành tích đáng nể trên, ông chỉ mộc mạc chia sẻ: “Nếu còn đạp được xe, còn có người cho quần áo, còn có người nghèo cần quần áo thì tôi vẫn tiếp tục đi xin”.
Phẩm chất đáng quý của người lính cụ Hồ
Ông Nguyễn Văn Lộc – Hội trưởng Hội từ thiện Bắc Ái (xã Tân Minh) cho biết: “Với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Thành, hội từ thiện đã có nhiều thay đổi, giúp đỡ được nhiều người hơn. Giờ đây, những chuyến đi từ thiện, mang quần áo đến với trại mồ côi, gia đình nghèo khó đã được mở rộng trong khắp cả nước. Ở ông Thành hội tụ tất cả những phẩm chất đáng quý của người lính cụ Hồ trở về xây dựng và đóng góp cho quê hương, xã hội”.
Tri ân đồng bào nhường cơm sẻ áo thời chiến
Trong câu chuyện chân tình, ông Thành kể, trong chiến trận, ông từng nhiều lần bị thương, nhưng nặng nhất là bị chấn thương sọ não năm 1969. Vết thương đó vẫn dai dẳng đến hôm nay. Ông đã chọn con đường thiện nguyện giúp đời như một cách làm theo lời Bác “thương binh tàn nhưng không phế” và cũng là để tri ân với lòng yêu thương đùm bọc, nhường cơm sẻ áo của nhân dân dọc con đường Trường Sơn huyền thoại.
Nhật Tân/Báo Gia đình & Xã hội
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 24 phút trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Xã hội - 47 phút trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 2 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 2 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 2 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 3 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 3 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường
Thời sự - 4 giờ trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.
Tin sáng 22/11: Thông tin mới nhất vụ 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích ở Huế; 3 nữ sinh đánh gãy đốt sống cổ bạn cùng trường bị đình chỉ học
Xã hội - 4 giờ trướcGĐXH - Xe chở rác rơi xuống sông được trục vớt thành công. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vẫn chưa có kết quả; hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số học sinh liên quan tới vụ nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng, gãy đốt sống cổ.
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 4 giờ trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.