Hai ngày, mất 18 triệu đồng vì chiêu trò lừa đảo tuyển dụng online
GĐXH - Chỉ trong hai ngày chị H. (Bình Dương) đã mất hơn 18 triệu đồng vì chiêu trò lừa đảo tuyển dụng online. Điều gây phẫn nộ, các đối tượng bị lừa đều là những người yếu thế, chưa có việc làm ổn định.
"Sập bẫy" tuyển dụng online
Trao đổi với phóng viên, chị N.T.T.H. (Dầu Tiếng, Bình Dương) - nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tuyển dụng online cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, H. nhận làm công việc cắt tem mác quần áo tại nhà. Trước khi nhận sản phẩm, chị H. được bên tuyển dụng yêu cầu chuyển 300.000 đồng tiền đặt cọc cùng các thông tin cá nhân. Ngay khi chuyển tiền thành công, một số điện thoại gọi đến tự nhận là shipper và yêu cầu chị H. tiếp tục chuyển thêm 2 triệu cho công ty để lấy mã sản phẩm, mỗi mã 2 triệu đồng.
Một giờ sau, bên giao hàng lại gọi đến cho chị H. và yêu cầu chuyển thêm 4 triệu đồng để đăng ký 2 mã sản phẩm. Cứ liên tục như vậy, chị H. đã chuyển cho đối tượng trên 6 lần, tổng cộng hơn 18 triệu đồng. Tuy nhiên sau 2 ngày vẫn chưa thấy hàng về, chị H. liên lạc lại với "nhà tuyển dụng" thì nhận được thông báo hàng bị mốc, phải chuyển thêm 4 triệu để đăng ký sản phẩm mới.
Nhận thấy khả năng mình đang là nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, chị H. từ chối làm và muốn công ty chuyển lại tiền thì tài khoản cá nhân lập tức bị chặn, mọi thông tin liên lạc đều không thể sử dụng được.
Một trường hợp khác, chị T.T.N. ở Thọ Xuân, Thanh Hóa cũng là một trong những nạn nhân của chiêu trò lửa đảo tương tự. Sau khi lên các trang hội nhóm tìm việc, chị nhận làm cộng tác viên đóng hàng tại nhà. Nhận thấy công việc không đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm, có thể làm vào thời gian rảnh nên chị đã đăng ký tham gia.
Cũng giống như chị H; Chị N. được yêu cầu đóng cho công ty 500.000 đồng tiền đặt cọc hàng. Sau khi chị chuyển tiền cọc, bên tuyển dụng yêu cầu chị chuyển tiếp 2 triệu đồng để làm phiếu xuất hàng gửi lên công ty. “Khi đã chuyển đủ tiền theo yêu cầu, bên công ty lại bảo tôi chuyển tiếp 3,2 triệu đồng để làm phiếu xuất kho. Lúc này, tôi không đủ khả năng tài chính nữa nên từ chối và xin lại số tiền đã đóng thì họ chặn tài khoản của tôi, tất cả thông tin cung cấp ban đầu đều là giả”, chị N. tâm sự.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp người dân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức "Tuyển dụng online". Mặc dù trước đó cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều người "sập bẫy"
Chiêu trò lừa đảo tinh vi
Dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo bằng những thủ đoạn tinh vi, dưới nhiều hình thức.
Theo ghi nhận của PV Gia đình & Xã hội, những đối tượng này thường lợi dụng sự nổi tiếng của một số thương hiệu, nhãn hàng hoặc các trang thương mại điện tử để tăng độ uy tín của bản thân.
Từ đó, đăng thông tin tuyển dụng với mức lương rất hấp dẫn từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày để tiếp cận nạn nhân, giới thiệu công việc online. Lúc này đây, những người có nhu cầu tìm việc sẽ kết bạn, nhắn tin với những tài khoản Facebook, Zalo, Telegram…của các đối tượng quảng cáo.
Sau khi tìm hiểu về thông tin cá nhân, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân đóng một khoản tiền cọc nhất định để đăng ký tài khoản, thực hiện nhiệm vụ trên các app.
Ban đầu, nhiệm vụ có thể đơn giản như: làm các bảng khảo sát; tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử;... Sau đó đặt mua những món hàng theo yêu cầu để nhận mức “hoa hồng”. Khi hoàn thành nhiệm vụ vài lần đầu, nạn nhân sẽ được hoàn trả tiền mua hàng kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin.
Sau này, khi giá trị các đơn hàng tăng, số tiền lãi trên app ngày càng lớn, các đối tượng ngưng hoàn tiền với nhiều lý do như: Thông báo đơn hàng bị trục trặc, tài khoản ngân hàng bị lỗi, thao tác đặt mua hàng chưa đúng,...để yêu cầu nạn nhân tiếp tục đặt hàng.
Nhiều nạn nhân lo không lấy lại được tiền nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Đến khi không thể tiếp tục chốt đơn nữa thì các đối tượng chặn tài khoản và cắt liên lạc.
Những nạn nhân thường bị nhóm lừa đảo nhắm đến chủ yếu là: học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa,.... Chính vì vậy, những đối tượng này liên tục "tuyển dụng" trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,... Nội dung tuyển dụng bao gồm những thông tin: Tuyển cộng tác viên đánh máy, cộng tác viên bán hàng, xem video clip, tăng tương tác, duyệt đơn online hoặc yêu cầu đặt cọc tạo tài khoản ngân hàng để nhận thù lao.
Về cơ bản, yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, cộng tác viên chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân và tài khoản ngân hàng… là đã có thể kiếm tiền, thậm chí là rất nhiều tiền như phía nhà tuyển dụng hứa hẹn.
Thế nhưng, thực chất đây là một chiêu trò hết sức tinh vi đánh thẳng vào tâm lý muốn tìm một công việc nhẹ nhàng, lương cao của nhiều người mà hậu quả để lại là tiền mất, tật mang.
Chuyên gia khuyên gì để tránh "bẫy lừa đảo" từ chiêu trò tuyển dụng online?
Theo trao đổi trên báo Tuổi trẻ, trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - cho biết, tội phạm lừa đảo trên mạng có mục tiêu đa dạng, không chỉ chiếm đoạt tài sản, mà còn đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng để sử dụng vào các mục đích đen tối khác, đe dọa đời tư và sự an toàn của họ.
Theo trung tá Hiếu, tội phạm lừa đảo qua mạng khai thác những điểm tâm lý tiêu cực của nạn nhân như lòng tham, hám của rẻ. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân bị lừa trao tài sản cho kẻ xấu chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, nhất là mất cảnh giác trong bảo mật thông tin...
"Tội phạm lừa đảo qua mạng sống được chính là nhờ vào lòng tham của người dùng. Khi đã bị tiền che mờ mắt, đó chính là lúc người dùng bị trắng tay.
Không một phần mềm bảo mật nào có thể bảo vệ người dùng trong mọi trường hợp, nếu như người dùng quá nhẹ dạ, cả tin. Bởi vậy, hãy là một công dân mạng thông minh, tỉnh táo và cẩn thận" - trung tá Hiếu lưu ý.
Luật sư Lê Trọng Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng chủ yếu đánh vào lòng tham, thiếu hiểu biết, lòng tin mù quáng của người dùng.
Từ đó, chúng mạo danh để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt luôn quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản.
"Các đối tượng lừa đảo chủ yếu hướng tới những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng mạng xã hội. Do đó, nhiều hình thức lừa đảo mặc dù đã cũ nhưng nhiều nạn nhân mới vẫn "sập bẫy" - luật sư Minh cho hay.
Từ đó, Trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như: số điện thoại, email cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số hộ chiếu, CMND... khi tham gia các trang mạng xã hội.
Người dùng cần biết rõ địa chỉ web, email chính thức và số điện thoại xác thực của ngân hàng, dịch vụ đang sử dụng. Khi bị một số điện thoại hoặc email "lạ" yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, hãy liên hệ lại với các địa chỉ xác thực này và yêu cầu xác nhận.
Trung tá Hiếu cũng cảnh báo người dân đừng bao giờ gửi tiền bằng cách sử dụng dịch vụ chuyển tiền từ người lạ, cảnh giác trước những giao kèo hay cơ hội có vẻ "lời" đến mức khó tin.
Cần cảnh giác cao trước những món quà tặng "trời ơi đất hỡi" hoặc các kiểu nhờ nhận tiền, quà tặng giá trị từ nước ngoài gửi về, cung cấp dịch vụ việc làm qua mạng... Ví dụ có thể chỉ cần gõ một vài từ khóa cơ bản về các chiêu trò kể trên thì đã có thể khái quát ngay "chân tướng" của các trò lừa đảo.
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 25 phút trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn
Đời sống - 34 phút trướcGĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 56 phút trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 1 giờ trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 1 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 3 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 3 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 3 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 4 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.