Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hành trình 20 năm lưu lạc và ngày đoàn viên đẫm nước mắt của một ngư dân rơi giữa biển khơi

Chủ nhật, 11:05 29/12/2013 | Xã hội

GiadinhNet - Ngồi ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình sau hơn 20 năm lưu lạc xứ người, ông Tiêu Viết Thảo (56 tuổi, xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cứ khóc rưng rức vì chẳng thể nào ngờ lại có ngày được trở về.

Bao nhiêu năm lạc lõng ở xứ người, bây giờ ông mới được về lại ngôi làng biển quê hương, được trò chuyện với bà con làng biển, được người vợ hiền tảo tần lau mặt, gục đầu vào vai mà kể biết bao nỗi hờn tủi. Đón chồng về trong niềm vui ngập tràn, nhưng người vợ chẳng thể nào quên những ngày tháng bà đã lặng lẽ khóc, lặng lẽ ra đứng trên bờ cát mỗi chiều để ngóng về phương Nam nơi ông nói ông đã ở đó. Ngày ông về, bà chỉ biết ôm lấy ông mà khóc, trút hết bao hờn tủi đã chất chứa trong lòng hơn hai mươi năm qua.
 
Hành trình 20 năm lưu lạc và ngày đoàn viên đẫm nước mắt của một ngư dân rơi giữa biển khơi 1
Ông Thảo và bữa cơm đầu tiên với gia đình. (Ảnh TD).
 
"Ngày anh đi có hứa lúc trở về…"

Xóm Hòa Hải ngày đó là một làng biển nghèo, chỉ như một chấm nhỏ khắp dải đất miền Trung. Đàn ông chỉ biết đi biển, đàn bà chỉ biết ở nhà nuôi con chờ chồng và… thờ chồng. Cuộc sống vô cùng khốn khó, mỗi năm, vụ biển chỉ đi được từ tháng 2 đến tháng 8, còn lại các tàu phải nằm bờ vì biển động. Khoảng thời gian còn lại của năm, trai làng biển tứ tán vào phương Nam đi bạn cho các tàu khác. Hai mươi năm về trước, ngôi nhà của ông Tiêu Viết Thảo cũng như của người dân xóm biển Hòa Hải này chỉ là những túp lều tranh bốn phía gió lùa. Sau 5 năm tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K, có lẽ ông trời cũng thương nên những hòn tên mũi đạn cứ né qua ông, để cho ông nguyên vẹn trở về.

Rồi ông làm biển và lấy vợ - một cô gái cùng làng nền nã, mặn mòi. Sau bao tháng ngày vất vả, nghèo vẫn hoàn nghèo, ông Thảo bàn với vợ quyết đi vào Nam làm biển với chúng bạn. Ngày ông Thảo lên thuyền vào Phú Quốc, trong nhà có chưa nổi một ngàn đồng. Bà Lê Thị Thơm (vợ ông Thảo) phải chạy đi vay một chỉ vàng cho chồng phòng thân. Nhìn đàn con 4 đứa nheo nhóc, đứa lớn mới hơn 6 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi cứ nhìn ông với đôi mắt đầy nước, ông bảo vợ bán chỉ vàng được hơn 80 ngàn đồng, chỉ cầm đi một nửa, để lại cho vợ một nửa. Ông dặn vợ ở nhà cố gắng nuôi con, còn ông đi "đến khi nào có được 5 triệu thì mới về!". Vào những năm 1992, số tiền triệu là mơ ước của biết bao bà con làng biển này. Thế là buổi chiều đó ông đi.

Cuộc mưu sinh với biển cả chẳng dễ dàng như ông tưởng, quần quật làm lụng mà cũng chẳng dư dả được mấy đồng. Vì thế ông chẳng dám về nhà, chỉ thi thoảng chắt bóp lắm mới gửi cho vợ được ít tiền. Rồi một lần, ông nghe nhiều ngư dân đi bạn nói phải đi câu mực và phải làm cho tàu nước ngoài mới mong có tiền. Nghĩ rằng đã đi biển thì tàu nào cũng như nhau, ông Thảo cũng định xin đi làm cho một chiếc tàu của Campuchia hành nghề câu mực trên vịnh Thái Lan. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định đó thì trong một lần bão tố, ông không may rơi xuống giữa biển đêm. Sau tai nạn ấy, ông may mắn bám vào được một tấm ván thuyền và lênh đênh giữa biển mấy ngày trời trước khi được một tàu cá của Campuchia cứu. 

Kể đến đây, ông ngừng lại một chút, lấy tay đè lên ngực mình để ngăn cơn xúc động. Tôi hỏi vậy sao sau tai nạn ấy ông không đánh điện về nhà, không gửi tin tức gì để vợ con biết mà đỡ lo lắng? Ông chua chát bảo rằng con chim, con thú xa rừng còn biết nhớ cây nhớ cội, con người sao có thể đành đoạn với ruột thịt, quê hương được. Nhiều lần nỗi đau đáu về quê hương bừng lên trong ông, nhưng ông lại dùng dằng vì vẫn còn nhớ lời hứa "5 triệu" lúc đi với vợ con và hàng xóm nên không dám về, và cũng chẳng có tiền mà gọi điện về nhà nữa. Thế là ông hết lần này đến lần khác cứ trượt theo dòng suy nghĩ ấy. Ông "mất tích" thật sự.
 
Lưu lạc xứ người, lòng đau đáu về xóm cũ

Chính từ khi xin được đi bạn trên chiếc tàu cá Campuchia đã cứu mình, cuộc đời ông Thảo đã rẽ sang một hướng khác đầy cay đắng. Đi được mấy chuyến biển thì cũng là lúc chiếc tàu này vi phạm vào vùng biển Thái Lan, ông đã bị bắt khi vừa lên đất liền để bán mực, còn chủ tàu chạy thoát. Chẳng nhớ đó là thời gian nào, ông cũng không nhớ mình đã bị bắt giữ tại Thái Lan bao lâu nữa. Bởi ông chẳng còn ý niệm gì về thời gian, về không gian. Ông chỉ nhớ rằng đó là quãng thời gian dài đằng đẵng, bị đưa qua rất nhiều địa phương. Mà với một người ngư dân ít học như ông, thì những tên gọi, những dòng chữ chỉ đơn giản như một "bức tranh trừu tượng" không hơn không kém.
 
Hành trình 20 năm lưu lạc và ngày đoàn viên đẫm nước mắt của một ngư dân rơi giữa biển khơi 2

Bà Thơm và mẹ chồng vẫn chưa tin đây là sự thật. (Ảnh TD).


"Lúc bị bắt, bạn tàu bỏ chạy tứ tán cả, một mình tôi đứng ú ớ giữa trời đất ngơ ngác chẳng biết mình bị bắt vì tội gì. Mãi sau này mới được thông báo rằng tàu Campuchia đã vi phạm vào hải phận và đánh bắt hải sản trái phép của nước bạn. Chỉ thấy người ta nói một tràng tiếng Thái, đưa ra một tờ giấy bắt ký vào, rồi đưa đi". Ông Thảo dừng lại, giọng bỗng trở nên xa xăm như trở về tự thủa nào của ký ức buồn ấy. Bởi đó chính là thời gian mà ông nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết. Ông không nhớ mình được đưa đi bao nhiêu nhà tạm giữ người nước ngoài của xứ xở này, chỉ biết ban đầu ở được vài ngày lại thấy người ta đến đưa ông đi. Rồi cuối cùng ông cũng được dừng lại tại khu tạm giữ ở một nơi mà ông nhớ mang máng theo cách gọi của người ta là Tadoong.

Đó là một trại tạm giữ được gọi là nhà tù với nhiều khu khác nhau. Nơi đó tập trung cả những thành phần tội phạm cao cấp như buôn lậu, buôn ma túy hay buôn vũ khí xuyên quốc gia và cả những người như ông. Vì phạm tội nhẹ nên ông được đưa xuống khu vực trại giam đông đúc với các bạn tù đủ các quốc tịch. Phòng giam chung của ông có tới gần 100 người, trong đó có 6 người Việt Nam, cũng đều là những ngư dân. Ông ngập ngừng: "Đó có lẽ là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của tôi. Ở tù trong nước thì còn có người nói chuyện, chứ ở đó chỉ một mình thui thủi suốt ngày vì chẳng biết nói chuyện với ai. Cũng có mấy người Việt Nam nhưng rất ít khi được tiếp xúc vì các "đại ca" trong buồng giam không cho phép!".

Nói là phòng giam, nhưng đó chỉ là những dãy nhà bị bỏ lại được gia cố thêm bằng song sắt để nhốt tù nhân. Gần một trăm con người trong phòng giam nóng bức, chật chội đến nỗi không đủ chỗ nằm, phải thay nhau ngủ nằm, ngủ ngồi la liệt, hay "xếp cá mòi" chặt cứng bằng cách nằm nghiêng, nếu ai gác chân lập tức bị đánh. Có người vì nằm ngủ vô tình gác chân lên một "đại ca" liền bị đánh gãy chân. Chuyện ăn uống cũng là một cực hình, ngày ba bữa với chỉ một bát cơm và một miếng cá, cùng một ít rau. Những người khác thi thoảng còn có người thân đến thăm, còn ông và mấy người Việt chỉ biết nhìn mà thèm thuồng. Cũng may, thi thoảng ông được người ta bố thí cho miếng bánh, hay một chút gì đó.

"Lúc bấy giờ tôi mới thấm thía cái cảnh xa quê, cảnh lao tù như thế nào! Không đêm nào tôi ngủ được vì cứ nghĩ đến quê nhà, nghĩ đến vợ con. Tôi lại ao ước giá như mình đừng lạc bước đến chốn này thì có lẽ đã không phải chịu những cảnh ấy. Mấy bạn tù người Việt cũng vậy, chỉ biết ngồi nhìn nhau, thi thoảng hỏi thăm nhau đôi ba câu để nhớ tiếng mẹ đẻ, để còn thấy được chút quê hương. Nhưng rồi lại buồn và mong ngày được trở về. Tôi cũng chỉ dám mong thế thôi, chứ chẳng biết đến khi nào mình mới về được, bởi ở đây xa quê hương, không nói được tiếng của họ thì làm sao biết tự thanh minh cho mình!".

Một sự tình cờ, và có lẽ là sự may mắn nhất đời của ông khi chính quyền Thái Lan thông báo về việc đang giam giữ những người Việt vi phạm luật pháp Thái Lan và trao trả về nước. Cuối tháng 11/2013, Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi nhận được thông báo về việc trao trả ngư dân về nước, trong đó có ông Tiêu Viết Thảo. Nhờ thông báo về địa phương mà người dân xóm biển Hòa Hải mới ngớ ra là ông vẫn còn sống. Ngày trở về của ông như một giấc mơ. Nhưng đó là một giấc mơ có thật. Ông không biết rằng, vì ngóng trông đến tuyệt vọng, ở quê nhà, mọi người đã lặng lẽ làm đám tang cho ông, lặng lẽ tổ chức ngày giỗ hằng năm và 4 đứa con trai đã đeo tang bố.
 
Nỗi đau thầm lặng của người vợ hiền

Ngày ông đi, nhà quá nghèo nên chẳng có được một tấm hình nào của ông, bốn đứa con cách nhau năm một cứ lít nhít bám theo mẹ. Bà Thơm biết chồng đi cũng chỉ mong có tiền quay về, lời hứa "5 triệu" với bà cũng chẳng là gì. Bà biết tiền có bao nhiêu cũng hết, chỉ mong trong nhà có người đàn ông. Nhưng một chiều cuối năm 1996, bà như chết lặng người khi một người quen từ Phú Quốc "đánh điện" về cho bà báo một hung tin rằng ông Thảo đã bị rơi xuống biển, chết mất xác ngoài khơi. Bà lặng lẽ làm đám tang cho chồng, lặng lẽ chít lên đầu mấy đứa con vành khăn tang trắng được xé vội ra từ chiếc khăn xô duy nhất trong nhà, lấy ngày ông đi làm ngày giỗ hằng năm. Chiều chiều, bà lại dắt mấy đứa con ra phía biển để ngóng tin chồng. Người dân làng chài này đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ thường ngồi trên bến vắng nhìn về mịt mùng biển thẳm.
 
Hành trình 20 năm lưu lạc và ngày đoàn viên đẫm nước mắt của một ngư dân rơi giữa biển khơi 3

Giấy tờ của ông Thảo được cấp khi trở về. (Ảnh TD).


Rồi một ngày tin mừng chợt đến, một người khác lại báo về cho bà biết là ông Thảo chưa chết, đang đi bạn trên một chiếc tàu khác. Nhận được tin ấy, bà chạy khắp làng thông báo cho mọi người biết, rồi tháo khăn tang cho con, bỏ bàn thờ chồng. Ngày ngày bà vẫn thay chồng đi biển nuôi con, chấp nhận không biết bao tủi hờn của phận đàn bà vắng chồng làng biển, chỉ mong chồng sớm trở về. Ngậm ngùi, bà Thơm bộc bạch: "Biết tin chồng vẫn còn sống, tôi mừng như được sinh ra lần nữa. Cái nghề biển này cực lắm. Nếu nhận được tin chồng chết rồi mà sống lại là phải làm lễ lớn, để cầu mong thần biển che chở vượt qua phong ba bão táp. Tôi làm lễ rồi cứ mong ngóng chồng về. Nào ngờ, một lần nữa lại nhận được tin báo là ông bị bắt ngoài biển không biết đi về đâu nữa". "Ông đi biền biệt nhưng chưa bao giờ mẹ con tôi lại hết hy vọng vào ngày ông ấy trở về. Nào ngờ đó lại là sự thật!", bà Thơm không ngừng được nước mắt khi kể lại quãng thời gian ấy.

Cuối tháng 11/2013, khi chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thông báo về địa phương biết ông Tiêu Viết Thảo vẫn còn sống, đang lưu lạc ở Thái Lan, người dân trong làng ngỡ ngàng vì tưởng ông đã chết vì mấy chục năm rồi không có tin tức gì. Ngày ông Thơm được trở về Việt Nam, cả gia đình và họ hàng ai cũng "xung phong" đi đón ông vì muốn là người đầu tiên được gặp ông sau bấy nhiêu năm xa cách.

Ngày trở về đẫm nước mắt

Ông Tiêu Viết Hiếu (58 tuổi, người anh đầu của ông Thảo) vừa ôm chầm lấy người em, vừa khóc nức lên. Ông Hiếu kể: "Ngày nó đi chiến trường K về tặng tôi một chiếc áo bộ đội, và một con sáo nhỏ. Nó đi biển dặn ở nhà nhớ nuôi con sáo. Được một thời gian sau khi nó đi, con sáo sổ lồng rồi bay mất. Nó cũng giống con sáo, đi biển rồi biền biệt, gần 20 năm sau mới trở về quê cũ…". Ông Hiếu khóc, mọi người có mặt ai cũng sụt sùi vì nỗi vui mừng.

Lúc được nhận tấm giấy thông hành và hộ chiếu, ông Thảo chỉ mong ngóng từng giờ từng phút được lên máy bay để trở về. Càng gần đến ngày được trở về quê hương, ông lại càng thao thức, không dám ngủ vì chỉ sợ rằng nếu bất chợt ngủ quên sẽ lỡ mất ngày về. Ông cứ thức, đến tận khi lên được máy bay rồi vẫn còn không dám tin là sự thật. "Tôi sợ nhiều thứ, sợ mình không còn có ngày được trở về quê hương. Sợ cả khi lên máy bay mà lỡ đâu máy bay đi lạc mất. Chỉ đến khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, gặp được mọi người rồi tôi mới dám tin đây là sự thật!", ông Thảo bùi ngùi kể.

Còn chị Tiêu Thị Liên (48 tuổi, em gái út của ông Thảo) không khỏi bồi hồi cho biết, lúc nhận được tin giờ đó, ngày đó chuyến bay mang số hiệu đó sẽ đưa anh trai mình trở về, cả nhà ai cũng náo nức muốn được đi vào sân bay để đón ông Thảo. Nhưng vì điều kiện nên chỉ có 2 người được đi là anh Tiêu Viết Khôi (28 tuổi, con trai đầu của ông Thảo) và chị Liên mà thôi. Chuyến bay bị chậm mất gần 2 giờ đồng hồ khiến ai nấy đều nóng ruột, bà Thơm ở nhà cứ điện thoại hỏi liên tục. Chỉ đến khi đón được ông Thảo và bấm số điện thoại gọi về cho bà Thơm thì tất cả mọi người đang chờ ở nhà mới vỡ òa trong nước mắt.

Lúc ông đi, mấy đứa con mới được vài tuổi. Lúc ông về, con cái ông đã trưởng thành cả. Đón ông ở sân bay, anh Tiêu Viết Khôi chẳng nhớ được cha mình như thế nào nữa. Chỉ đến khi thấy cô ruột chạy ào ra anh mới chạy theo, vừa chạy vừa khóc, vừa gọi: "Cha ơi!" khiến ai cũng phải đứng lại nhìn. Chặng đường về nhà, vì đã đi xa lâu ngày nên nhìn gì ông Thảo cũng thấy lạ. Lúc ông đi, quê hương còn nghèo xơ xác. Lúc ông trở về mọi thứ đã đổi thay, khang trang hiện đại ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả căn nhà ông cũng không dám bước vào chỉ vì nó "lớn quá", không phải là căn lều rách ngày xưa. Đó là thành quả của vợ con ông trong hơn hai mươi năm qua.

Lúc bước xuống từ chiếc xe thồ, người dân xóm chài Hòa Hải đã ra đón ông từ đầu ngõ. Trong trí nhớ của mọi người, ông vẫn là một người đàn ông khỏe mạnh, cao lớn. Thế nhưng giờ đây, ông gầy guộc, tóc đốm bạc, bước thấp bước cao đi giữa đoàn người. Người lớn tuổi thì xuýt xoa: "Già và ốm đi chứ đâu có gì khác. Nhưng là thằng Thảo thiệt đây mà!". Còn những người bạn đồng lứa với ông năm xưa thì hớn hở ra dắt tay ông vào nhà. Bên bậc cửa, bà Lê Thị Thơm trào nước mắt khi nhìn thấy chồng. Bà đứng không vững phải dựa vào tường vì vẫn chưa tin đó là chồng mình bằng xương bằng thịt. Thấy vợ, ông Thảo chỉ biết ôm bà mà miệng luôn nói chỉ một câu: "Xin lỗi!". Xin lỗi vì ông đã để bà chờ đợi tới hơn 20 năm, xin lỗi vì ông đã làm đau lòng người vợ tảo tần đến thế.

Cả làng chạy tới và dúi từng người một ra trước mặt ông Thảo, la to: "Biết đây là ai không, ông đây tên là gì?". Chỉ có số ít người được ông Thảo gật đầu, còn lại là lắc đầu không biết. Khi điểm danh đến ông già Lê Tấn Đức, cả làng cười nghiêng ngả khi thấy ông Thảo tiếp tục lắc đầu và tròn xoe mắt ra hiệu "không biết". Mọi người không nhịn được cười, vì ông Đức là cha vợ ông Thảo, sau 20 năm đã trở thành một ông lão râu tóc bạc trắng. Mấy người con, ông Thảo cũng không nhớ mặt, chỉ nhớ tên. Ông nhớ tên từng đứa vì đêm nào ông cũng thủ thỉ nói chuyện với chúng trong giấc mơ. Ngày ông đi, con ông mới được 5-7 tuổi đầu. Ngày ông về, cháu nội của ông cũng đã lớn tới chừng ấy.

Ngồi ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình, ông Thảo nghẹn ngào: "Chẳng thể ngờ tôi đã đi từng ấy năm, quê nhà thay đổi nhiều quá. Con cái cũng đã lớn và lập gia đình. Ngày xưa thì trẻ, giờ già cả rồi, mỗi lúc ngồi gần nhau cũng thấy xấu hổ… Dù khó khăn, cách trở nhưng không hạnh phúc nào bằng khi gia đình được đoàn tụ và giờ vợ chồng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới. Tôi đi lâu quá rồi!". Niềm vui đoàn tụ của gia đình ông như được nhân lên gấp bội khi một người dân chia sẻ là cả xóm đã vận động để mở một cuộc vui nhỏ đón mừng ngày ông trở về. Bởi đây là điều kỳ diệu đầu tiên xảy ra ở làng biển này. Một niềm vui nữa đến với ông Thảo, khi tới đây ông sẽ đứng ra tổ chức lễ cưới cho người con trai đầu của mình.             
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Công, chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: "Khi nhận được thông tin ngư dân Tiêu Viết Thảo vẫn còn sống và lưu lạc ở nước ngoài, chúng tôi đã đến gia đình xác minh và thông báo tình hình. Ông Thảo được cho là đã mất tích hơn 20 năm trước nên khi nhận được thông tin này gia đình ông Thảo rất vui mừng. Sau khi trở về địa phương, chính quyền đã mời ông Thảo lên để xác nhận một số thông tin và hủy bỏ một số giấy tờ liên quan như giấy khai tử để khôi phục quyền lợi công dân cho ông. Đây cũng là một sự kiện hy hữu đáng mừng của người dân không chỉ thôn Thanh Thủy mà của nhiều ngư dân khác!".
 Tiêu Dao
tuancuoituan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Vỉa hè đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm); vỉa hè ngõ 78, 86, 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đang được cải tạo, lát đá mới. Một số chỗ vừa mới lát xong đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô tô.

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Bằng thủ đoạn làm giả giấy mời của Chi cục thuế TP Huế, đồng thời giả cán bộ thuế gọi điện, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn nộp quyết toán thuế, các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Xã hội - 8 giờ trước

Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Năm ngày 25/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè về "rèn kỹ năng, tăng trải nghiệm" cho con một phụ huynh ở Thanh Xuân, Hà Nội bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Đời sống - 10 giờ trước

GĐXH - Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu đến công chúng.

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Đời sống - 10 giờ trước

GĐXH - Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ùn tắc, sự cố... trên cao tốc sẽ chính thức hoạt động từ 26/4.

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 11 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Đời sống - 12 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Top