Hoang mang khi biết 'thần dược' chữa đột quỵ nhiễm độc
Bố mẹ chồng đều bị cao huyết áp, chị Thảo từng biếu các cụ mấy hộp An cung ngưu hoàng hoàn để phòng nguy cơ tai biến. Tin sản phẩm nhiễm độc làm chị điện thoại về quê bảo ông bà ngừng uống.
Theo kết quả kiểm nghiệm mới đây của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng An cung ngưu Hoàng Hoàn do Triều Tiên sản xuất chứa hàm lượng chì, thủy ngân, asen vượt hàng nghìn lần ngưỡng an toàn cho phép. Đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, từng tiếp nhận thông tin về một trường hợp sử dụng sản phẩm này có biểu hiện ngộ độc kim loại nặng, thủy ngân… Thông tin trên đã khiến không ít người tiêu dùng hoang mang lo lắng vì họ từng coi An cung ngưu là một loại "thần dược" với người có nguy cơ hoặc đang bị tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Chị Thảo (khu đô thị nam Trung Yên) cho biết, bố mẹ chồng chị ở Nam Định, đều bị huyết áp cao, mỡ máu. Vợ chồng chị bận việc nên ít về, chỉ thường xuyên gọi điện nhắc ông bà ăn uống điều độ, quan tâm sức khỏe. Chưa yên tâm nên anh chị mua An cung ngưu hoàng hoàn cho các cụ uống vì được giới thiệu là có tác dụng ổn định huyết áp, phòng tai biến mạch máu não.
"Mỗi hộp có 2 viên. Mình được người bán khuyên nên cho ông bà dùng mỗi tuần 2 viên và liên tiếp 3-6 hộp. Giá cả chục triệu cho mấy hộp thuốc, ai ngờ nó lại nhiễm độc, may mà bố mẹ mình mới chỉ uống hết một hộp thôi", chị Thảo bày tỏ. Chị cho biết tại cơ quan chị có nhiều người mua An cung ngưu để biếu, tặng người thân.
Anh Thắng (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nửa năm trước mẹ anh bị tai biến, méo miệng, tay chân khó cử động, được một bác sĩ đông y giới thiệu dùng thuốc An cung ngưu. Sau khi dùng liên tục 5 viên, sức khỏe của mẹ anh khá dần lên. Anh mua thêm một hộp 10 viên của Hàn Quốc cho mẹ uống dần để nâng cao sức khỏe và phòng tai biến tái phát. Thấy thuốc tốt, anh giới thiệu cho nhiều bạn bè mua.
"Một số bạn tôi biết tin An cung ngưu nhiễm độc đã gọi điện hỏi có phải loại tôi giới thiệu mua không. Tôi quả thật hoang mang không biết như thế nào nữa, lỡ ai uống mà bị làm sao thì mình đúng là làm phúc phải tội", anh Thắng bối rối.
5 năm nay, trong nhà chị Tùng Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng có sẵn một viên thuốc An cung ngưu hoàng hoàn, phòng khi bố mẹ già bị tai biến. Hàng do chính tay chị xách từ Trung Quốc về, không phải của Triều Tiên - loại vừa bị cơ quan chức năng thu hồi vì chứa nhiều chất độc - nhưng chị Chi cũng có đôi chút lo lắng.
"Thuốc này mình mua tại Bắc Kinh vì được một người thân là bác sĩ giới thiệu, nói nếu bị tai biến cho dùng ngay rất hiệu quả. Thuốc đắt, tính ra đến 3 triệu đồng một viên nên mình chỉ mua một viên để dành, khi nào cần sẽ mua thêm, hiện vẫn chưa dùng đến". Một số bạn bè của chị Chi có bố mẹ già cao huyết áp, cũng luôn trữ sẵn thuốc này. Thuốc để quá lâu không được nên cứ hai năm họ lại cho người thân uống cho đỡ phí rồi mua viên khác thay thế trữ vào. Người thân của chị mỗi lần đi Trung Quốc hay Hàn Quốc đều mua An cung ngưu về làm quà cho cha mẹ, ông bà vì coi đó là "thần dược" với người già bị cao huyết áp.
Chỉ cần gõ “An cung ngưu hoàng hoàn” trên trang tìm kiếm sẽ thấy có hàng trăm sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên với đủ hình thức hộp giấy - hộp gỗ; đựng một, 2, 3, thậm chí là 6 viên, với đủ loại giá, từ vài trăm tới vài triệu đồng.
Dược điển Trung Quốc 2010 viết, An cung ngưu hoàng hoàn có thành phần công thức cho viên hoàn 3 g gồm ngưu hoàng; thủy ngưu giác; xạ hương hoặc xạ hương nhân tạo, trân châu, chu sa, hùng hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, chi tử, uất kim, băng phiến và mật ong tinh luyện.
An cung ngưu xuất hiện trên thị trường Việt Nam nhiều năm nay. Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay thuốc An cung ngưu hoàng hoàn lưu hành ở Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... được nhập khẩu qua đường phi mậu dịch hoặc qua đường chính thức. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 loại An cung ngưu hoàng hoàn đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký nhưng có loại được đăng ký là thuốc, có loại là thực phẩm chức năng.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội dược liệu TP HCM, cho biết, An cung hoàng hoàn là bài thuốc cổ truyền do danh y Ngô Đường (1758 - 1836), tự Cúc Thông, người đời Thanh (Trung Quốc), sáng chế. Bài thuốc chuyên trị ôn nhiệt bệnh, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng bế tâm khiếu dẫn đến sốt cao phiền táo, hôn mê, rối loạn ngôn ngữ, hoặc lưỡi rụt, tay chân giá lạnh, trúng phong khiếu bế, tiểu nhi kinh quyết thuộc đàm nhiệt nội bế.
Trong bài thuốc này, vị Ngưu hoàng có tác dụng thanh tâm giải độc, hóa đờm, khai khiếu, an thần là chủ dược. Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử tả tâm hỏa, thanh nhiệt độc. Hùng hoàng cùng với Ngưu hoàng khu đàm giải độc. Uất kim, Băng phiến phương hương hóa trọc thông khiếu khai bế. Chu sa, Trân châu trấn kinh an thần. Các vị thuốc hợp lại thành bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khu đàm khai khiếu, trấn kinh an thần. Tuy nhiên vấn đề là những thành phần nguyên liệu của các loại An cung ngưu hiện nay có đúng là dược liệu trong bài thuốc cổ truyền.
Một bác sĩ y học cổ truyền tại Hà Nội cho biết, ông từng sử dụng loại thuốc này (được mua trực tiếp từ Trung Quốc về) cấp cứu cho một số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và cho kết quả tốt. Ông thừa nhận, thuốc được dùng theo kinh nghiệm, thấy có tác dụng tốt thì tiếp tục, chứ chưa có nghiên cứu cụ thể. Đây là loại thuốc tốt nhưng trên thị trường có nhiều loại thuốc thật giả lẫn lộn.
Rất nhiều gia đình trữ loại sản phẩm này trong nhà với mục đích dùng cứu người thân khi bị tai biến mạch máu não. Một bác sĩ tại Viện tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông thường xuyên nhận được bệnh nhân hỏi ý kiến về việc có nên dùng An cung ngưu hoàng hoàn hay không, dùng như thế nào. "Câu trả lời của tôi luôn là: Tôi không biết gì về thuốc này, cũng chưa có nghiên cứu chính thức về nó nên không biết tốt, xấu, tác dụng thế nào, nên chẳng thể nói gì", bác sĩ chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cũng cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân được người nhà cho uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn khi thấy có các dấu hiệu của đột quỵ.
Hiện An cung ngưu hoàng hoàn không được các tổ chức thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ của các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh lý đột quỵ (kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước sản xuất thuốc này). Trên nguyên tắc y học chứng cứ, các loại thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, để chắc chắn sản phẩm đảm bảo được hiệu quả chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê… Do vậy, khi cho uống (nước hoặc thuốc) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, “khi sử dụng, vì tin tưởng vào hiệu quả của thuốc nên người nhà thường chờ đợi thuốc có tác dụng thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, bỏ qua thời điểm vàng điều trị đột quỵ là trong 3 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng", bác sĩ Thắng nhấn mạnh. Việc cấp cứu chậm trễ do đó dễ dẫn đến những di chứng nặng nề và có thể nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi phát hiện người thân có các triệu chứng đột quỵ nên lập tức đưa ngay đến bệnh viện và không nên cho bệnh nhân sử dụng bất kỳ thuốc gì trước khi có ý kiến của thầy thuốc.
Theo VnExpress
Bất ngờ loại rau xuất hiện ở chợ Việt tốt cho đường huyết, người bệnh tiểu đường nên ăn để kéo dài tuổi thọ
Bệnh thường gặp - 1 giờ trướcGĐXH - Rau xà lách rocket vô cùng giàu dưỡng chất, có tác dụng ngăn ngừa và hạn chế sự tiến triển của bệnh tiểu đường loại 2.
Ai dễ bị thiếu máu não?
Sống khỏe - 5 giờ trướcThiếu máu não là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị giảm, dẫn đến thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não. Đây được xem là bệnh lý “tiền” đột quỵ, dễ gây tai biến và tử vong.
Người đàn ông 49 tuổi ở Phú Thọ nhập viện gấp, tăng nguy cơ suy thận do sỏi bàng quang gây tắc nghẽn đường tiểu
Bệnh thường gặp - 5 giờ trướcGĐXH - Người đàn ông 49 tuổi đến viện trong tình trạng đau tức vùng bụng dưới, tiểu khó, nước tiểu thường xuyên lẫn máu.
Bệnh thủy đậu ở người lớn, điều trị như thế nào?
Sống khỏe - 6 giờ trướcBệnh thủy đậu không chỉ gây ra triệu chứng khó chịu mà còn để lại nhiều biến chứng. Đặc biệt, bệnh thủy đậu ở người lớn thường ảnh hưởng nặng hơn trẻ em.
Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
Sống khỏe - 7 giờ trướcTheo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 ca tử vong. Một số trường hợp khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
4 loại đồ uống làm giảm mỡ máu một cách tự nhiên
Bệnh thường gặp - 9 giờ trướcViệc thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc hạ thấp mỡ máu xấu (cholesterol LDL) trong cơ thể.
Loại củ rẻ tiền đầy chợ Việt giúp ổn định đường huyết cực tốt, người bệnh tiểu đường nên ăn sẽ thấy cơ thể thay đổi tích cực
Bệnh thường gặp - 21 giờ trướcGĐXH - Nghệ là gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Việt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất curcumin ở trong nghệ có tác dụng chống viêm hiệu quả và giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Bé gái hơn 1 tuổi ở Phú Thọ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân rất hay gặp trong mùa lạnh
Sống khỏe - 22 giờ trướcGĐXH – Theo các bác sĩ, vào mùa nào, trẻ cũng có thể bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa, tình trạng này gia tăng nhiều hơn.
3 loại thực phẩm giàu protein, người sau 55 tuổi nên bổ sung
Bệnh thường gặp - 1 ngày trướcProtein cần thiết cho sức khỏe con người, góp phần kéo dài tuổi thọ, người già thường nằm trong nhóm thiếu protein.
Một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong do kháng kháng sinh
Sống khỏe - 1 ngày trướcTheo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho, hay chỉ một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong.
Người phụ nữ 29 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện gấp sau khi được tư vấn, uống thuốc hạ sốt tại nhà, bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân
Bệnh thường gặpGĐXH - Người phụ nữ bị phản vệ thuốc là có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen nhưng nhân viên bán thuốc nói rằng Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt rất ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.