Miền Bắc mưa rét kỷ lục: Người đến khám giảm, bệnh nhân nhập viện tăng mạnh
GiadinhNet - Miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Khảo sát tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, PV Báo GĐ&XH ghi nhận, lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan khi trời rét đột ngột tăng mạnh, hầu hết đều vào viện chỉ khi bệnh trở nặng.
Khám bệnh giảm, nhập viện tăng
Khảo sát trong các ngày 25 - 26/1 tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Nhi Trung ương… đại diện các bệnh viện cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kỷ lục, số lượng bệnh nhân đến khám không ghi nhận dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện trên tổng số khám tăng mạnh.
Bên hành lang Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), hàng dài các em bé được phụ huynh bế ẵm trên tay, nhiều em bé khác được bố mẹ ủ ấm trong những tấm chăn, áo phao, khăn bông to sụ, mặt đỏ lựng lên vì những cơn ho như rút ruột, da nứt nẻ, ánh mắt mệt mỏi. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Hoàng Thị Ngân (ở Gia Lâm, Hà Nội) vừa bế nựng con, vừa chia sẻ, cách đây mấy ngày, con chị bị sốt, ho, nhưng do trời “siêu rét”, chị ngại cho bé đi khám, sợ ốm thêm nên chỉ cho bé ở nhà và chỉ uống thuốc ho thông thường. Tình trạng bé không đỡ mà còn nặng hơn. Bồng bế nhau đi khám, bác sỹ cho biết bé bị viêm phổi cấp và nhập viện gấp.
BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, trời chuyển lạnh đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho hai nhóm bệnh hô hấp và bệnh virus phát triển. Bệnh nhân nhập viện thời điểm này chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trong 4 ngày (từ 23 - 26/1), Khoa Nhi tổng hợp luôn rơi vào tình trạng quá tải. Theo BS Nguyễn Văn Thường, bình thường lượng bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 10 - 15% số vào khám thì trời rét đậm, số nhập viện lại chiếm tới 50 - 60% số bệnh nhân tới khám.
Còn BS Lê Bá Tuấn, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây khoảng từ 2.500 - 3.000 bệnh nhân/ngày. Các bệnh chủ yếu liên quan tới đường hô hấp, tim mạch, tiêu chảy, cúm… Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi, đặc biệt đông hơn cả là bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi. BS Lê Bá Tuấn cho hay, dù số lượng bệnh nhân đến khám không tăng, song số bệnh nhân nặng trong tình trạng suy hô hấp lại tăng cao.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều khoa, phòng rơi vào tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu vận hết sức mình để phục vụ công tác cấp cứu vì liên tục có bệnh nhân chuyển đến. Theo các bác sĩ, nhóm người dễ bị tác động nhất trong thời tiết rét đậm là người cao tuổi, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính.
Khoa Hô hấp của Bệnh viện E Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân cấp cứu, chủ yếu là người già tới khám, điều trị bệnh do giá rét gây ra (hen, hô hấp, tim mạch, đột quỵ, tai biến...). Tại Khoa Nội hô hấp của bệnh viện này, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó. Bệnh nhân đông, máy thở không đủ phục vụ, nhân viên y tế phải dùng tay bóp bóng giúp bệnh nhân thở được dễ dàng.
Sẵn sàng phương án chống rét
Lý giải về việc bệnh nhân, đặc biệt số bệnh nhi tới khám giảm, trong khi số nhập viện điều trị lại tăng mạnh, các bác sĩ cho rằng, khi thời tiết giá rét đột ngột, người dân chưa quen với việc chuẩn bị giữ ấm cho trẻ, cộng thêm đó biểu hiện ban đầu của trẻ khá mơ hồ nên nhiều cha mẹ bỏ qua triệu chứng của viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, khi đưa trẻ tới viện tình trạng bệnh đã nặng. Có nhiều trường hợp, bác sỹ phải tiến hành hồi sức cấp cứu, hồi sức tuần hoàn, thở máy. Ngoài ra, thời tiết “siêu rét” cũng khiến các bậc phụ huynh ngại đưa con đến khám hơn, chỉ khi bệnh chuyển nặng thì họ mới đưa con đi khám và phải nhập viện.
Trong khi đó, theo BS Nguyễn Văn Thường, để đảm bảo cho trẻ được giữ ấm trong giá rét, cha mẹ không chỉ phải mặc quần áo ấm cho con mà phải giữ ấm đường thở, cho trẻ đeo khẩu trang... Theo dõi trẻ khi thấy trẻ co giật, ngủ li bì khó đánh thức, nôn trớ bỏ ăn, uống… Đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng đầu tiên, phải đưa con đi viện gấp.
Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ tính trong ba ngày rét đậm, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... do bị lạnh đột ngột, trong đó có cả những người trẻ tuổi. Ông Dương Đức Hùng cảnh báo: “Nhiệt độ xuống thấp khiến các mạch máu co lại, huyết áp tăng, kèm thêm các yếu tố thuận lợi khác như ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi vệ sinh... Tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Khi đó, với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ bị đột quỵ cũng cao hơn”. Do đó, theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, với những người có “nguy cơ cao” trong thời tiết này như người già, người mắc bệnh tim mạch, hoạt động thể lực là cần thiết nhưng khi trời rét đậm chỉ nên tập trong nhà, có thể đi lại ở hành lang. Nếu muốn ra ngoài tập, không nên đi tập thể dục trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi tập phải đặc biệt chú ý giai đoạn khởi động và kết thúc bài tập để điều hòa cơ thể. Trước khi ra khỏi nhà tập thể dục, nên mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì mặc 1-2 áo dày để đảm bảo đủ ấm và dễ cởi ra khi nóng. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân.
Để chủ động lên phương án chống rét cho người bệnh, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày qua, tất cả các khoa, phòng đều tăng cường thiết bị sưởi ấm, chăn đắp để bảo đảm giữ ấm cho người bệnh. Hệ thống nước nóng, điều hòa được duy trì tại các khoa, phòng. Bệnh viện lưu ý đặc biệt đảm bảo giữ ấm ở các khoa: nhi, phòng đẻ, phòng mổ, các khu vực cấp cứu. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, trong những ngày lạnh, điện năng sử dụng cho chống rét tăng khoảng 30%, lượng dầu đốt lò hơi để cung cấp nước nóng và giặt sấy cũng tăng mạnh. Ngoài ra, máu, dịch truyền và một số chế phẩm cũng được làm ấm tương đương với nhiệt độ cơ thể bằng thiết bị chuyên dụng trước khi truyền cho người bệnh…
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện cũng khắc phục giá rét bằng cách che chắn khu vực khám và điều trị chống rét cho người bệnh, bố trí đầy đủ máy sưởi, quạt sưởi, điều hòa ấm hai chiều tại Khoa Hồi sức cấp cứu và buồng bệnh để phục vụ tốt cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết, đơn vị đã bố trí đầy đủ trang thiết bị điều hòa ấm hai chiều, máy sưởi, quạt sưởi, đệm và chăn ấm cho các sản phụ và trẻ sơ sinh. Trước tình hình thời tiết rét đậm, tại hành lang của bệnh viện cũng bố trí thêm các quạt nóng để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế và các sản phụ.
Rét hại, chỉ nên tắm 2-3 lần/tuần cho trẻ sơ sinh
Theo tư vấn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai), trong thời tiết rét đậm, rét hại như những ngày gần đây, trẻ sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày, bởi tắm hàng ngày sẽ khiến bé viêm phổi vì bị nhiễm lạnh.
Theo đó, bình thường, trẻ sơ sinh nên cách ngày tắm một lần. Còn với thời tiết rét ẩm như hiện nay, có thể ba ngày mới tắm một lần. Khi tắm cho trẻ, cần lưu ý đóng kín cửa phòng không để gió lùa. Nếu có điều kiện, bật điều hòa hai chiều để phòng ấm, hoặc dùng máy sưởi đặt trước chậu nước tắm. Lấy nước đủ để làm ngập toàn thân trẻ, tuyệt đối không tắm “khô”, lau người từng phần như quan niệm truyền thống của nhiều người, vì khi cơ thể ngập trong nước ấm, trẻ sẽ được giữ ấm, còn “hở” phần da nào lên trên mặt nước, trẻ sẽ bị lạnh. Cha mẹ cũng cần từ bỏ thói quen tắm, lau từng phần người trẻ, mạnh dạn thả trẻ ngập người trong nước ấm. Tắm nhanh, trẻ sẽ không bị lạnh.
Khi tắm nước ấm xong, sẽ có hiện tượng giãn mạch dưới da nên khi lên khỏi mặt nước, trẻ sẽ rất lạnh (cũng như người lớn nổi da gà sau khi tắm nước ấm xong). Khi đưa trẻ lên khỏi chậu tắm, cần nhanh chóng ủ ấm bằng khăn đã làm ấm (hơ qua trên quạt sưởi) và mặc đồ nhanh chóng cho trẻ, theo nguyên tắc mặc áo trước, mặc quần sau. Sau đó đóng bỉm, đeo găng…
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcSữa giả không chỉ đơn giản là không có giá trị dinh dưỡng mà nó còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Các triệu chứng chính của bệnh Chlamydia ở phụ nữ
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcChlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Phụ nữ chủ yếu nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với chồng/ đối tác bị nhiễm trùng.

5 câu hỏi thường gặp về hội chứng tiền kinh nguyệt
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcHội chứng tiền kinh nguyệt là một tập hợp các triệu chứng về thể chất, tâm lý và cảm xúc mà nhiều phụ nữ gặp phải trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt.

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcGĐXH – Theo các chuyên gia, với những trường hợp lạm dụng sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong một thời gian quá dài, không có thời gian "nghỉ" là không đúng với hướng dẫn chuyên môn của viên uống tránh thai đường uống, có nguy cơ gây hệ lụy.

Chế độ ăn cho người bị cường kinh
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcChế độ ăn uống khoa học, vận động thể chất đều đặn là những yếu tố quan trọng giúp chị em có sức khỏe tốt và chu kỳ kinh nguyệt ổn định.

Mẹ bầu tiếp xúc với phthalate trong mỹ phẩm, con có thể bị ảnh hưởng thần kinh
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcMặc dù được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm gia đình nhưng phthalate không tốt cho sức khỏe. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sự phát triển não bộ trẻ sơ sinh.

Cục Dân số giám sát công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp biện pháp tránh thai ở Quảng Ninh
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcGĐXH - Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận một số khó khăn, vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai tuyên truyền, tư vấn và cung cấp biện pháp tránh thai của những người làm dân số tỉnh Quảng Ninh.

7 nguyên tắc sống khỏe và trường thọ
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcViệc áp dụng các nguyên tắc dưới đây có thể mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, sống lâu hơn và trọn vẹn hơn…

Nhận biết 5 dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcBệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến đường sinh dục nhưng cũng có thể lây nhiễm vào cổ họng, trực tràng và mắt.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn táo thường xuyên?
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcĂn táo bằng nhiều cách, có thể nấu chín, dùng làm nước ép hay ăn trực tiếp... đều có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp ngăn ngừa một số tình trạng bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, đái tháo đường.

Giao lưu trực tuyến: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tầm quan trọng của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn
Dân số và phát triểnGĐXH - Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.