Mỹ vượt 100.000 ca nhiễm COVID-19 cao nhất toàn thế giới, Italy có một ngày sóng gió nhất lịch sử với số người tử vong chưa từng thấy
GiadinhNet - Đến hôm nay (28/3), số người nhiễm virus corona ở Mỹ vượt 100.000 ca, Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới vượt ngưỡng này. Italy ghi nhận gần 1.000 ca tử vong sau 24 giờ. Thuỵ Sĩ đang là quốc gia có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.
Mỹ vượt trên 100.000 người nhiễm bệnh, áp lực khủng khiếp của những nhân viên y tế tuyến đầu tại New York
Đến 7h40 sáng nay (28/3) theo giờ Việt Nam, tổng cộng Mỹ đã có 100.717 ca nhiễm với tâm điểm dịch lúc này là bang New York, nơi hiện chiếm hơn một nửa trường hợp nhiễm bệnh.
Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt qua ngưỡng 100.000 ca bệnh. Mỹ hiện nhiều hơn nước có số ca nhiễm nhiều thứ 2 là Italy khoảng 15.000 ca và hơn Trung Quốc, nơi dịch bùng phát từ tháng 12/2019, khoảng 20.000 ca.
Sau 24 giờ, tính đến 7h40 sáng nay, Mỹ có thêm 17.092 người nhiễm mới, 312 người tử vong do COVID-19. Tổng số trường hợp tử vong đã lên tới 1.604 người.
Tại các bệnh viện ở bang New York, hầu hết các nhân viên đều phải tăng ca và luôn trong trạng thái căng mắt tìm giường trống để tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện bang New York đang là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do dịch bệnh nguy hiểm này, với 385 người tử vong.
Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm bên ngoài bệnh viện Presbyterian ở Manhattan. (Ảnh: New York Times)
Theo một chuyên gia hô hấp tại thành phố New York, những ngày đầu tiên dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, các bệnh nhân chủ yếu là người già hoặc người có bệnh nền. Tuy nhiên cho đến nay, những nhóm tuổi 50, 40 hay thậm chí là 30 cũng trở thành nạn nhân của COVID-19. Nhiều bệnh nhân có sức khỏe bình thường, không hề có tiền sử bệnh lý, không hút thuốc hay uống rượu bia.
Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân dịch bùng phát là do người dân không lắng nghe các khuyến nghị về việc hạn chế ra ngoài, tự bảo vệ bản thân cũng như vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Chuyên gia này chia sẻ, khi chứng kiến một ai đó từ giã cuộc đời ở độ tuổi 30 với không một người thân bên cạnh mà chỉ có những âm thanh khô khốc phát ra từ máy trợ thở, bạn sẽ cảm thấy thật khó chấp nhận và thực sự áp lực.
Số ca tử vong tại New York tăng nhanh đến mức, một bệnh viện ở thành phố này đã phải sử dụng lều để lập ra một khu nhà xác dã chiến, bảo quản tạm thời các thi thể để chờ xử lý. Đây là lần đầu tiên New York phải thiết lập một nhà xác dã chiến kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Sau một đêm Italy có gần 1.000 người thiệt mạng, Thụy Sĩ có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới
Tính đến 7h40 sáng nay, thế giới có 594.489 người nhiễm, 27.255 người tử vong do COVID-19.
Mỹ, Trung Quốc và Italy theo thứ tự là ba nước có ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khi phân tích tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên đầu người thì bức tranh đại dịch lại khác hẳn.
Cảnh sát Ý kiểm tra tờ khai lịch sử đi lại của một hành khách tại nhà ga xe lửa ở Rome (Ảnh: Reuters)
Đất nước Italy chứng kiến ngày tang tóc nhất từ khi dịch COVID-19 bùng phát khi có gần 1.000 người thiệt mạng trong ngày 27/3, dù tốc độ lây lan của dịch có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.
969 bệnh nhân đã thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 tại Italy trong 24 giờ qua. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay trên thế giới từ khi đại dịch bùng phát và vượt xa con số thương vong cao nhất trước đó, cũng của Italy, là 793 người thiệt mạng hôm 21/3. Một tin đáng chú ý khác, đó là đã có thêm 5 bác sỹ Italy thiệt mạng, nâng tổng số y bác sỹ tại nước này hy sinh từ khi dịch COVID-19 bùng phát lên con số 46 người.
Các tổn thất này khiến Italy tiếp tục là nước có số nạn nhân tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với 9.134 người thiệt mạng từ đầu dịch. Số ca nhiễm bệnh tại Italy cũng đã chính thức vượt qua Trung Quốc, với 86.498 ca, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Điều an ủi duy nhất với Italy là tỷ lệ tăng ca nhiễm mới ở mức 7,4% (4.401ca), thấp nhất từ đầu dịch. Giám đốc Viện Y học cấp cao Italy, ông Silvio Brusafero khẳng định, bất chấp số ca tử vong tăng cao, đà suy giảm của dịch COVID-19 tại Italy đang ngày càng rõ rệt.
Tuy nhiên, ông Brusafero cảnh báo chính quyền và người dân nước này không được phép nới lỏng bất cứ hạn chế nào về phong toả trong một vài tuần tới vì dịch COVID-19 vẫn chưa đạt đỉnh tại Italy.
Đo thân nhiệt cho hành khách Thụy Sĩ tại sân bay Bogota. Ảnh: Swissinfo
Hiện Thụy Sĩ có trên 11.000 ca mắc COVID-19 và 194 ca tử vong. Dân số nước này là 8,6 triệu. Tính trên tổng số người dân, Thuỵ Sĩ đang là nước có tỉ lệ người tử vong cao nhất. Tiếp theo Thụy Sĩ là Tây Ban Nha và Italy.
Số ca nhiễm/đầu người ở Italy thuộc dạng cao nên đó là lý do hệ thống y tế ở đây quá tải nghiêm trọng. Nước này thiếu giường bệnh, nguồn lực y tế, nhân viên để tiếp nhận làn sóng bệnh nhân. Các bác sĩ Italy còn phải cân nhắc ưu tiên bệnh nhân khỏe hơn, trẻ hơn để chữa trị vì họ có tỷ lệ sống sót cao hơn.
Iran có 300 người thiệt mạng và hơn 1.000 tổn thương vì uống rượu ngăn ngừa COVID-19
Truyền thông Iran cho hay gần 300 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị tổn thương do uống cồn công nghiệp trên khắp đất nước, nơi việc uống rượu bị cấm và người ta phải nhờ cậy những tay buôn rượu lậu.
Thông tin được đưa ra giữa lúc những phương thức chữa COVID-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra, lan truyền khắp mạng xã hội Iran. Cùng lúc, người dân Iran hoài nghi chính phủ một cách sâu sắc vì giới chức đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong nhiều ngày trước khi nó bùng phát mạnh mẽ.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Iran (Ảnh: IRNA/TTXVN)
"Virus đang lây lan và người này đến người kia tử vong, tôi nghĩa họ thậm chí còn ít biết đến thực tế rằng còn có những nguy hiểm khác đang rình rập", bác sĩ Knut Erik Hovda, nhà nghiên cứu độc học lâm sàng tại Oslo, nói với AP.
Ông đã nghiên cứu về sự độc hại của cồn công nghiệp và lo sợ rằng dịch bệnh tại Iran có thể nghiêm trọng hơn những gì được công bố. "Khi họ cứ uống thứ đó, sẽ có thêm nhiều người nhiễm độc".
Bỉ kéo dài lệnh cách ly diện rộng, Pháp kéo dài thời gian phong tỏa
Bỉ tiếp tục đóng cửa trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, trong khi Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4 thay vì đến 31/3 như dự kiến.
Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cho biết những nỗ lực mới chỉ là bắt đầu và nếu sớm buông lỏng thì nguy cơ gây ra những hậu quả thảm khốc là rất cao.
Với quyết định mới, Bỉ tiếp tục đóng cửa trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện ở Vannes, Pháp. Ảnh chụp ngày 20/03/2020. (Ảnh: REUTERS)
Hoạt động thể thao cá nhân ngoài trời hay đi bộ nơi công cộng không bị cấm, nhưng chỉ được diễn ra theo nhóm nhỏ, ví dụ với một người bạn hoặc giữa các thành viên sống chung dưới một mái nhà; các trường hợp tụ tập vượt giới hạn quy định sẽ bị phạt nặng. Việc đi công tác có thể được nhưng phải có xác nhận của chủ doanh nghiệp.
Các siêu thị ở Bỉ vẫn được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo không gian tối thiểu 10m2/người và thời gian tối đa mỗi khách hàng được lưu lại bên trong là 30 phút.
Tại Pháp cũng đã có thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song cảnh báo rằng có thể tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.
Tính tới sáng 28/3, Tổng cục Y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người.
Trong số 15.732 bênh nhân phải nhập viện, 3.787 người đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Một phần ba số bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi, 42 người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi. Số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện là 5.700.
WHO cảnh báo các nước không điều trị virus bằng thuốc chưa chứng minh
"Chúng tôi kêu gọi tất cả cá nhân và quốc gia tránh sử dụng các phương pháp trị liệu chưa được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị COVID-19", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo hôm 27/3, theo SCMP.
"Lịch sử của y học đã có các ví dụ về các loại thuốc hiệu quả trên giấy, hoặc trong ống nghiệm, nhưng không hiệu quả ở người, hoặc thực sự có hại", ông nói."Ví dụ, trong dịch Ebola gần đây nhất, một số loại thuốc được cho là có hiệu quả đã được nhận thấy không hiệu quả như các loại thuốc khác, khi chúng được so sánh trong thử nghiệm lâm sàng. Chúng ta phải theo dõi bằng chứng. Không có đường tắt", ông nói.
Ông Tedros cũng cảnh báo rằng việc sử dụng thuốc ngoài công dụng được ghi - cách kê đơn các loại thuốc bị cấm cho các mục đích khác, không được chấp thuận - để điều trị COVID-19 có khả năng đe dọa sức khỏe của nhiều người không bị nhiễm bệnh mới.
"Chúng ta cần đảm bảo rằng việc sử dụng các loại thuốc chưa được chứng minh sẽ không tạo ra sự thiếu hụt các loại thuốc đó để điều trị các bệnh mà chúng đã được chứng minh là có hiệu quả", người đứng đầu cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu thúc đẩy sử dụng chloroquine - một loại thuốc trị sốt rét - như phương pháp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Ngay sau bình luận của ông Trump, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nói rằng chloroquine chưa được chấp thuận để điều trị COVID-19 và cần thêm các xét nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả của nó.
Minh Trang (th)
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn
Y tế - 3 giờ trướcDo mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 1 ngày trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 2 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 2 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 2 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.
Người phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm do thói quen nhiều người hay mắc phải
Y tếGĐXH - Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch.