Hà Nội
23°C / 22-25°C

Những cựu phóng viên y tế và chuyện “mọi nẻo đường đều dẫn tới... nhà thương”

Thứ năm, 19:00 20/06/2019 | Y tế

GiadinhNet - Dù đã không còn là phóng viên theo dõi y tế của Báo Gia đình & Xã hội nhiều năm, nhưng với các chị, quãng thời gian làm “Táo y tế”đã cho bản thân rất nhiều trải nghiệm…


Chị Nguyễn Thuý Nga (bên trái) trong một lần tác nghiệp phòng chống dịch cúm A/H5N1 năm 2009.

Chị Nguyễn Thuý Nga (bên trái) trong một lần tác nghiệp phòng chống dịch cúm A/H5N1 năm 2009.

Phóng viên ngày đêm “săn” virus lạ

Vừa qua Tết Quý Mùi 2003, thông tin bệnh nhân SARS đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam khiến truyền thông không chỉ trong mà ngoài nước dậy sóng. Báo chí thế giới liên tục cập nhật tin tức xấu về “căn bệnh kỳ lạ, chưa rõ nguyên nhân, lây từ người sang người, xuất phát từ châu Á”.

Đó là một doanh nhân người Mỹ gốc Á, trước khi đến Hà Nội đã qua Hong Kong và nhiễm SARS tại đó. Ông này có các triệu chứng giống cúm nhưng diễn tiến rất lạ, sốt, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ, y tá vẫn thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác. Ngày 26/2/2003, tức là sau 4 ngày phát hiện bệnh, doanh nhân này vào Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Tình trạng bệnh nhân xấu đi rất nhanh, gia đình ông đã thuê chuyên cơ đưa về nước, để lại sau lưng Bệnh viện Việt Pháp có hơn 5 y tá sốt với biểu hiện giống doanh nhân này. Cả thế giới bối rối, Bộ Y tế Việt Nam khi đó cũng bối rối. Vì SARS hoàn toàn là một căn bệnh lạ.

Phóng viên Nguyễn Thuý Nga khi đó mới 27 tuổi, phụ trách theo dõi ngành Y tế của Báo Gia đình & Xã hội, tờ báo mới 4 tuổi đời, lượng phát hành thuộc “hàng khủng” ở phía Bắc.

“Khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm bệnh, lúc đó phóng viên ít người hiểu hết về độ nguy hiểm của bệnh, vì vậy có người không đeo khẩu trang, không đồ bảo hộ. Chúng tôi vẫn còn trêu đùa nhau, trêu đùa bác sĩ. Chúng tôi chỉ biết đó là virus lạ, và người dân cần được biết thông tin tường tận về loại virus này, vậy là cứ lê la suốt ngày ở bệnh viện, chỉ để xem con virus đó như thế nào”, chị Nga nhớ lại ngày cách đây hơn 16 năm.

Sự “lê la” vì ham thông tin đó của chị Nga cũng như các nhà báo khác kéo dài tới hơn 2 tháng, song hành với nỗi lo của gia đình. Cậu con trai lớn của chị khi đó mới 2 tuổi, độ tuổi rất nhạy cảm vì sức đề kháng mới bằng… 0. Không chỉ chị mà rất nhiều phóng viên y tế khác cũng vậy, rất trẻ và con còn rất nhỏ.

Nữ phóng viên y tế kỳ cựu của Báo Gia đình & Xã hội vẫn nhớ khoảng đầu tháng 3/2003, 6 nhân viên y tế đầu tiên đã nhiễm SARS. Nghĩa là những người tiếp xúc với bệnh nhân gần nhất, đã nhiễm loại virus lạ siêu nguy hiểm này. Phóng viên cũng là người gần với bệnh nhân, gần như nhân viên y tế.

Cũng trong khoảng đầu tháng 3/2003, Bệnh viện Việt Pháp phát đi lệnh đóng cửa, toàn bộ nhân viên y tế ở lại viện. Tin người chết, người lây bệnh, tin dịch bùng nổ ra toàn cầu khiến mọi người lo sợ.

“Cả thành phố ngộp thở vì dịch. Ra đường ai cũng đeo khẩu trang. Con phố Phương Mai (Hà Nội) ngày thường đông bệnh nhân vì tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đến thế, có virus lạ, phố vắng tanh. Quán xá bên đường đóng cửa im lìm, tưởng như họ sợ chỉ hé cửa là virus “bay” vào nhà. Thời điểm đó, nói đến Bệnh viện Việt Pháp là ai cũng sợ”. Nhưng phóng viên y tế vẫn “lang thang” tại đó. Cứ bảnh mắt là đã thấy mặt các phóng viên…”, chị Nga nhớ lại. Từ khi chưa có phác đồ điều trị, đến lúc ban hành chính thức phác đồ điều trị căn bệnh chết người nguy hiểm này, các phóng viên trẻ như chị Nga hồi đó, lại tiếp xúc nhanh chóng với bác sĩ, chuyên gia để thông tin kịp thời cho người dân cách phòng tránh, bình tĩnh trước dịch bệnh…

Lịch sử y tế Việt Nam đến nay ghi rất rõ: Ngày 8/4/2003, bệnh nhân SARS cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam. Cuối tháng 4/2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận khống chế thành công dịch SARS. Tổng cộng đã có 63 người nhiễm SARS ở Việt Nam, 37 người nhiễm bệnh là nhân viên y tế.

Bà Lương Thị Thuỷ - mẹ chị Thuý Nga, nay đã 73 tuổi vẫn nhớ như in chuyện một thời con gái bà “ăn dầm ở dề” trong bệnh viện. Bà nói, biết con gái theo lĩnh vực y tế, ra vào viện thường xuyên, nhưng nỗi lòng người mẹ có bao giờ không lo cho con.

Bà Thuỷ nhớ lại: “Hồi đó, cháu ngoại mới 2 tuổi, thấy con gái lăn lộn cũng xót ruột. Nhiều lúc tôi sốt ruột quá, gọi điện hỏi “con về chưa?”, chỉ vui khi con bảo “con sắp về đây”. Còn mỗi lần con nói vội “chưa đâu mẹ ạ” là tôi sợ lắm, dặn dò thêm ít câu, nhắc thêm câu nhớ đeo khẩu trang thôi mà cũng vội!”.

Cảm phục, chia sẻ với tâm tư nhân viên y tế


Chị Nguyễn Phượng Hoàng, nguyên PV Báo Gia đình & Xã hội, nay là cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trao 5 giác mạc cho Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh chụp tháng 6/2019. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Chị Nguyễn Phượng Hoàng, nguyên PV Báo Gia đình & Xã hội, nay là cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trao 5 giác mạc cho Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh chụp tháng 6/2019. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Là PV Báo Gia đình & Xã hội theo dõi Y tế từ năm 2013-2015, chị Nguyễn Phượng Hoàng chia sẻ, quãng thời gian chị làm “Táo y tế” dù không dài, nhưng cũng kịp để chia sẻ hơn với tâm tư của các nhân viên y tế.

“Nhập sân” y tế không lâu, nữ phóng viên Phượng Hoàng, bút danh Hoàng Phương có loạt bài “Những bác sỹ có tinh thần “thép”, ghi chép về những câu chuyện khó tin trong các… bệnh viện tâm thần, ngay trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2014.

Khác với Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương tập trung các bệnh nhân là tội phạm của những vụ án. Các bác sỹ ở đây thực sự là những người có tinh thần “thép”.

Những phóng viên như chị Hoàng đã có trọn vẹn một ngày chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc ở nơi này. Khác với tội phạm thông thường, loại tội phạm tâm thần thường có những hành vi không tính toán, đầy bất ngờ.

“Vào bệnh viện đó, thật sự chúng tôi không giấu được sự lo sợ. Đi một bước phải có bác sĩ, công an đi cùng”, chị Hoàng nhớ lại.

Không chỉ chứng kiến, phóng viên được các bác sĩ kể lại nhiều câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong… phim bởi tính ly kỳ, cười ra nước mắt ở đó. Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, chuyện bác sĩ hay y tá, điều dưỡng bị bệnh nhân đuổi đánh, tấn công vì bệnh nhân tưởng là hổ, quỷ dữ, kẻ thù… là không lạ.

Sau loạt bài gây chú ý về những bác sĩ ở bệnh viện tâm thần, điều khiến nữ nhà báo theo dõi ngành Y tế một thời này trăn trở mãi, là những bệnh nhân tâm thần sau khi kết thúc điều trị, trở về địa phương, họ sẽ được quản lý ra sao để không gây hại cho cộng đồng? “Đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn về những nhân vật trong bài viết của mình, liệu họ có tái phát bệnh không khi trở về địa phương, không được kiểm soát chặt chẽ”, chị Hoàng tâm sự.

Chị chia sẻ: “Có trải nghiệm những câu chuyện như vậy, cùng những lần tác nghiệp sau đó mới thấy, nghề y đúng là nghề nguy hiểm, đặc biệt ở bệnh viện tâm thần, ở khoa cấp cứu, sản, nhi… nguy cơ gặp nguy hiểm của nhân viên y tế càng cao hơn.

Mỗi khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc ở nơi này nơi kia, có bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung, thật sự người từng làm phóng viên y tế như tôi cảm thấy rất bất bình. Ai cũng mong được làm việc trong môi trường an toàn, cả phóng viên, bác sĩ càng phải như vậy”, chị chia sẻ.

“Nếu nghĩ nhiều đến bất trắc, chúng tôi đã không lao vào”

“Bác sĩ trực bệnh viện thì phóng viên cũng trực tin. Nhiều khi không đến viện là sốt ruột. Khẩu trang mà chúng tôi tự sắm cho mình cũng xoàng xĩnh, tạm bợ, có lúc thấy bất tiện quá vì không thể nói mãi, phỏng vấn mãi với bác sĩ, bệnh nhân cứ qua làn khẩu trang, chúng tôi vô thức “tụt khẩu trang”, nói vo với đối tượng phỏng vấn. Chắc… “Trời thương”, chúng tôi cứ… “băng băng” qua dịch. May nhất là không mang virus bệnh về cho người thân, đồng nghiệp khác tại báo…”, chị Hoài Nam - người theo dõi mảng y tế Báo Gia đình & Xã hội từ năm 2008-2015 nhớ lại.

“Là phóng viên y tế, nghĩa là mọi nẻo đường của chúng tôi đều dẫn đến… “nhà thương” – tức là bệnh viện”, chị Nam nói tiếp. Những cựu phóng viên theo dõi mảng Y tế của Báo Gia đình & Xã hội lý giải cho việc lao vào các điểm nóng là do tuổi trẻ, tình yêu nghề, cạnh tranh thông tin, lòng tự trọng nghề nghiệp và sự tin tưởng của Toà soạn.

“Nếu nghĩ nhiều, chắc không đi làm như thế! Chúng tôi chỉ băn khoăn một điều, sao báo này báo kia người ta vào được, tìm được thông tin, còn mình thì không? Vậy thôi…”, chị Nga nhớ lại.

Những năm 2000, báo in thịnh hành, đồng nghĩa với áp lực giờ đi in báo rất cần kíp. Khi đó, các báo phải xếp lốt trong nhà in, chỉ cần chậm một nhịp là lỡ cả số báo.

Dù đã chuyển công tác vài năm nay, nhưng những phóng viên y tế như chị Thuý Nga, chị Hoài Nam hay chị Phượng Hoàng vẫn rất nhớ mỗi lần tác nghiệp dịch nóng, không thể thiếu sự đồng hành của toà soạn. Chị Nga nói, mỗi đợt đó, toà soạn rất ưu tiên chờ đợi những dòng thông tin cuối cùng phóng viên chuyển về. Đã có không ít lần, cả toà soạn chỉ chờ đợi duy nhất bản tin thời sự về dịch bệnh.

Chị Thúy Nga kể: “Phóng viên ngay lúc có tin cuối cùng là phi như bay về toà soạn gõ vội vì không phải ai cũng có máy tính xách tay, mạng internet sẵn có như ngày nay. Để sáng hôm sau, thông tin trên Báo Gia đình & Xã hội “hiên ngang” sánh cùng các báo khác trên sạp báo. Nếu nhỡ tin như đã có phác đồ điều trị, hay có thêm người nhiễm, người tử vong mà mình bỏ lọt, thì nguyên cả ngày phóng viên chỉ ân hận, day dứt…”

Với hơn 10 năm theo dõi lĩnh vực y tế, phóng viên thế hệ tôi đã chứng kiến nhiều kỳ tích của ngành Y, từ những ca ghép tim đầu tiên, nối chi, mạch đứt rời... Chúng tôi cũng được tham gia các cuộc phẫu thuật cùng các chuyên gia hàng đầu. Quả thật, chúng tôi ngưỡng mộ những thành tựu y tế Việt Nam”.

Chị Nguyễn Thuý Nga

Làm việc trong môi trường nhiều nhân viên y tế, tôi càng cảm nhận rõ, tự hào hơn về những thành tựu của y tế Việt Nam. Chúng ta được cả thế giới tôn trọng. Nhưng có những giai đoạn,công tác truyền thông chưa tốt khiến người dân chưa hiểu hết về ngành Y, về sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ y tế...”.

Chị Nguyễn Phượng Hoàng

Ra vào bệnh viện thường xuyên, chúng tôi gặp rất nhiều cảnh đời éo le. Để giúp đỡ họ, chúng tôi viết bài thêm cho mảng Vòng tay nhân ái của báo. Mỗi trường hợp đăng báo, có bạn đọc giúp đỡ, chúng tôi vui lắm, vui như đó là người thân của mình, nhưng cũng có những lúc nuối tiếc vô cùng khi bài chưa kịp lên trang mà bệnh nhân đã qua đời vì bệnh quá nặng”.

Chị Nguyễn Hoài Nam

Quỳnh An

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn

Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn

Y tế - 2 giờ trước

Do mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 2 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Top