Những người xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân ung thư
GiadinhNet - Trong những giờ phút mệt mỏi, đau đớn khi phải hóa và xạ trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, sự chia sẻ, tận tâm, ân cần của các nhân viên Phòng Công tác xã hội đã giúp các bệnh nhân giảm bớt nỗi đau, mệt nhọc và ổn định tâm lý.
Bớt nóng tính vì bệnh nhân ung thư
Buổi sáng làm việc của Văng Thị Ngọc Bích, nhân viên Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu lúc 6 giờ. Cô đến sớm để chuẩn bị pha nước trà đào và cam sả, tiếp đó đẩy xe nước và bánh miễn phí lên lầu 9, khu D, Khoa Hóa trị của Trung tâm Ung bướu.
"Con mời cô, chú, các anh chị uống nước và ăn bánh ạ!", "Cô, bác, anh chị có cần giúp đỡ gì không ạ?"... Cứ thế, Bích đi đến tận ghế các bệnh nhân trao từng ly nước, gói bánh cho họ. Thấy bệnh nhân nào tỏ ra mệt, cô lại ân cần hỏi thăm, động viên.
Ngọc Bích đẩy xe nước giải khát phục vụ nước uống và bánh miễn phí cho các bệnh nhân bị ung thư truyền hóa chất mỗi ngày 2 lần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mắc ung thư buồng trứng đã 3 năm, cô T.T.N., quê Vĩnh Long cho biết, cô có hai người con. Con đầu của cô hiện định cư ở Canada, vướng dịch COVID-19 nên không về Việt Nam thăm mẹ được. Người con thứ hai hiện là sinh viên năm cuối ĐH Y dược Cần Thơ. Mỗi lần vào Bệnh viện Chợ Rẫy truyền hóa chất, cô đều được các nhân viên Phòng Công tác xã hội, trong đó có Bích, quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ tận tình. Do vậy, cô cảm thấy mình thoải mái và vui hơn.
"Hàng ngày, các bạn Phòng Công tác xã hội đến đây chăm lo cho chúng tôi từ miếng bánh đến ly nước uống, rất chu đáo và nhỏ nhẹ. Bị bệnh này, ngoài nỗi đau về thể xác, chúng tôi hiểu thời gian của chúng tôi không còn dài. Nhưng sau khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi thấy có một sự hy vọng về ngày mai tươi sáng. Ung thư không phải là dấu chấm hết" - cô N. chia sẻ.
Ngọc Bích tâm sự, những bệnh nhân ở khu D, Trung tâm Ung bướu luôn là những bệnh nhân khó tính nhất, nhiều người tỏ ra cáu kỉnh và khó chịu. "Các cô, bác bảo, vô phòng điều trị Khoa Hóa trị như là phòng đau khổ. Các cô, bác bị nhức tay, đau đớn và mệt mỏi. Khi phát nước, bánh, chúng em trò chuyện với họ thì các cô, bác đỡ buồn. Công việc cực nhưng em cảm thấy vui, hạnh phúc và ý nghĩa" - Bích rưng rưng nói.
Ngọc Bích xúc động khi nói về kỷ niệm gắn bó với các bệnh nhân ung thư hàng ngày cô phục vụ và tiếp xúc. Ảnh: Kim Vân
Có nhiều lần Bích bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gắt gỏng, thậm chí mắng chửi. Tuy nhiên, với cô nhân viên 29 tuổi, đã gắn bó ở đây hơn 3 năm, cô hiểu và thông cảm cho các bệnh nhân bởi họ vừa trải qua cú sốc tâm lý lại phải chịu những đau đớn về thể xác. "Giờ em thấy mình thay đổi nhiều. Trước đây em nóng tính lắm nhưng giờ tính nóng của em biến mất, khiến nhiều người thân quen vô cùng ngạc nhiên" - Bích tự nhận.
Ngoài công việc phục vụ nước và bánh, chăm sóc bệnh nhân ung thư, Bích còn phải làm công việc tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.
Bích nhớ một lần trong quá trình hướng dẫn quy trình làm thủ tục cho bệnh nhân, cô bị người nhà bệnh nhân mắng to: "Tôi là giáo viên, tôi biết hết quy trình. Cô đừng có ở đây mà sai tôi. Cô muốn làm cô đi mà tự in". Lúc đó Bích "đứng hình" vì nghĩ mình đã hướng dẫn đúng, cụ thể rồi tại sao họ lại khó chịu với mình như thế.
Tuy nhiên, một lúc lâu sau khi gặp lại người đàn ông trên, Bích hỏi: "Chú ơi, giấy của chú đã làm xong hết chưa" thì người đàn ông đó giọng nhẹ nhàng: "Cô ơi, hồi nãy tôi sai, tôi xin lỗi cô nha". Theo Bích, nghe câu nói đó cô như thấy mình như được tiếp thêm năng lượng và không còn chút xíu giận nào nữa.
Ngọc Bích phục vụ nước uống và thăm hỏi bệnh nhân bị ung thư đang điều trị tại Khu Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Kim Vân
Bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Ung bướu tái khám thường xuyên, có những người 3 ngày, có những người 1 tuần, 10 ngày, 20 ngày. Có nhiều bệnh nhân Bích thuộc tên luôn. Nhiều cô bác gặp Bích nhận ra và hỏi: "Bữa nay cô không đi xe nước nữa hả?". Có cô bác lại bảo: "Bữa trước tôi thấy cô trên tivi đấy, đài VTV gì đó"... Thậm chí, có bệnh nhân người Sóc Trăng cứ muốn gả con trai của ông cho Bích khiến cô xúc động.
Khi phóng viên hỏi "Công việc vất vả, áp lực như thế này, có lúc nào em nghĩ em sẽ chuyển sang công việc khác không?", Bích thành thật nói, lúc đầu bắt đầu công việc này cô nghĩ mình ráng làm 10 năm rồi nghỉ. Nhưng rồi qua thời gian, giống như ngủ một giấc rồi thức dậy, cô lại bắt đầu ngày mới tràn đây năng lượng. Và giờ đây, dù được lựa chọn công việc lại cô vẫn xin được làm công tác xã hội. Cô gái sinh năm 1991 cho biết, cô hy vọng sẽ đủ sức khỏe để chạy suốt hành trình dài với các bệnh nhân ung thư.
Điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo
Tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày tiếp đón khoảng 500-600 người bệnh đến khám và điều trị. Việc bị chẩn đoán mắc ung thư khiến nhiều người hoang mang, lo lắng . Họ gần như phải chiến đấu từng ngày, từng giờ để níu giữ sự sống đi kèm với nỗi lo về gia đình và chi phí điều trị.
Hiểu được nỗi khổ của người bệnh ung thư, không những phải trải qua những cơn đau dai dẳng về thể xác mà còn phải đối diện với cả sự khủng hoảng về mặt tâm lý, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đặc biệt quan tâm đến những bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu. Và Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nhiều hoạt động mới tại Khoa Hóa trị.
ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội cho hay, được sự ủng hộ của Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Thức, tháng 3/2019, Phòng Công tác xã hội đã đưa vào khai trương khu đọc sách cho những bệnh nhân bị ung thư vú ở lầu 7. Tủ sách ở đây ngoài những cuốn về chuyên môn còn có những cuốn của GS Nguyễn Chấn Hùng, thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Minh Niệm ... để cô bác lấy lại niềm vui, lạc quan sẽ khỏi bệnh và thêm gắn bó với gia đình.
Tủ sách để người bệnh có thể chọn lựa cho mình những cuốn sách yêu thích. Ảnh: Hoàng Lan
Ngoài ra, tại đây còn có một tủ nón và tóc giả để các bệnh nhân ung thư có thể sử dụng, đem lại sự tự tin cho các chị em. Thậm chí, tại Đơn vị tuyến vú còn có tủ áo ngực để cho các nữ bệnh nhân đoạn nhũ yên tâm, tự tin. Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội cũng tổ chức được những buổi đọc sách, chia sẻ những nỗi niềm của các bệnh nhân...
Gần đây, tháng 9/2020, Phòng Công tác xã hội triển khai hoạt động tại Khoa Hóa trị lầu 9. Theo đó, khu điều trị 1 và 2 luôn mở nhạc nhẹ hòa tấu giúp người bệnh thư giãn, có các kệ báo để người bệnh cập nhật tin tức mỗi ngày. Bên cạnh đó, trong lúc chờ khám và truyền dịch thuốc, người bệnh có thể xem các chương trình giải trí trên tivi LCD, có thể kết nối wifi để truy cập web, trò chuyện cùng người thân.
Đặc biệt, thấu cảm rằng thời gian mà các bệnh nhân phải ngồi ở khu hóa trị kéo dài từ 4-5 giờ khi phải truyền dịch thuốc trước khi truyền hóa chất, bệnh nhân sẽ đói bụng, khát nước. Mỗi ngày, Phòng Công tác xã hội đều phục vụ bệnh nhân nước uống và bánh miễn phí vào các khung giờ 8 giờ 30 và 15 giờ. Những loại nước và bánh này đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp các chương trình giải trí trên tivi LCD, wifi để người bệnh truy cập web, trò chuyện cùng người thân. Ảnh: Kim Vân
"Trên tinh thần chỉ đạo của giám đốc, những ly nước và miếng bánh đó, giá trị nó không lớn nhưng thể hiện sự tận tâm. Đó không phải là ly nước, cái bánh thông thường mà là sự quan tâm của cán bộ viên chức, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tới người bệnh. Giám đốc giao nhiệm vụ cho chúng tôi phục vụ những cô bác đang ngồi hóa trị lầu 9 trên tinh thần rằng: "Các cô bác đang được ngồi trên máy bay hạng thương gia". Chỉ một câu nói đó của giám đốc thôi đã thôi thúc anh chị em cán bộ Phòng Công tác xã hội nghĩ ngày nghĩ đêm với một sự đoàn kết, tận tụy" - anh Lê Minh Hiển cho biết.
Cũng theo anh Hiển, gần đây, một nhân viên Phòng Công tác xã hội thường xuyên làm việc ở Khu Hóa trị thông tin với anh rằng: "Anh Hiển ơi, cô bác đi toilet rất là cực vì phải mang theo chai dịch truyền, có cách nào làm được cho họ cái móc".
Khi biết thông tin đó, anh Hiển cùng đồng nghiệp đã phải vào tận nhà vệ sinh nam và nữ đo kích thước, đưa ra kiểu mẫu, thậm chí có viết 1 câu trong đó để thông báo cái móc đó để làm gì. Và khi anh Hiển trình ý kiến này với Giám đốc Nguyễn Tri Thức, anh Thức rất ủng hộ, thậm chí thay vì chỉ làm 1 cái móc như anh Hiển đề nghị thì Giám đốc phê duyệt làm 3 móc để cô bác còn treo giỏ. Việc làm này nhỏ nhưng thể hiện sự tận tụy, tinh tế và thấu hiểu của cả giám đốc và tập thể Phòng Công tác xã hội đối với bệnh nhân ung thư, khiến nhiều bệnh nhân xúc động.
Móc treo trong nhà vệ sinh giúp bệnh nhân ung thư khi đi vệ sinh treo được dịch truyền và giỏ lên.
"Khi tôi đi truyền hóa chất lần đầu, vừa cắm kim chưa được 5 phút là muốn đi vệ sinh, nhưng ngặt cái là một tay cầm bịch truyền, phải giơ cao không thì hoá chất không chạy, một tay kéo quần, rồi rửa ráy, rồi còn phải ra rửa tay bên ngoài nữa. Hôm truyền lần đầu bị tụt bạch cầu mà tui không biết, cứ chưa đầy 5 phút lại phải đi vệ sinh. Ôi chao là khổ, là mệt, tủi thân gì đâu. Giờ thấy Bệnh viện Chợ Rẫy có sản phẩm thiết thực và nhân văn đến vậy (móc treo - PV), lo cả việc bé mà không bé cho bệnh nhân thế này thật không biết diễn tả thế nào, chỉ biết cảm ơn, cảm ơn thôi" - chị V.T.K.O, bệnh nhân ở Khoa Hóa trị xúc động bày tỏ.
Dịp 20/10 vừa qua, Phòng Công tác xã hội đã tổ chức tặng quà gồm sữa và nón đội đầu cho các bệnh nhân nữ, mong họ được khỏe mạnh, tiếp tục các chu kỳ sau.
ThS. Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy là người gắn bó và đồng hành nhiều năm với bệnh nhân ung thư, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Kim Vân
Thực tế cho thấy, ngoài lực lượng y bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì Phòng Công tác xã hội như là một cánh tay nương tựa cho bệnh nhân khó khăn. Anh Lê Minh Hiển hy vọng đồng nghiệp ở Phòng Công tác xã hội sẽ là một kênh tiếp nhận thông tin của các bệnh nhân, là nơi để bệnh nhân cô bác tìm đến và sẽ nhớ về với nhiều kỷ niệm yêu thương và lòng nhân ái.
Kim Vân
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 14 giờ trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 16 giờ trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 1 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 1 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 1 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết
Y tế - 3 ngày trướcGĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.
Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore
Y tế - 3 ngày trướcSốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.
Người phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm do thói quen nhiều người hay mắc phải
Y tếGĐXH - Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch.