Những việc làm quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số
GiadinhNet - Khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là những việc làm vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. “Tuy nhiên, người dân dù đã có khái niệm về những vấn đề đó song để hiểu đầy đủ và dám làm thì chưa có” - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến những thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số ở nước ta hiện nay, đặc biệt là việc các bạn trẻ chưa có thói quen đi khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như tỷ lệ thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn nhiều hạn chế.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là những việc làm vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: TL
Việc làm quan trọng nhưng chưa được quan tâm
Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi năm đơn vị này phát hiện ra gần 1.000 trường hợp bắt buộc phải đình chỉ thai nghén do dị tật bẩm sinh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như sàng lọc trước và sau khi em bé chào đời là những việc làm vô cùng quan trọng. Sàng lọc trước kết hôn để giúp các cặp vợ chồng biết họ có mang gene bệnh trong người hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ tư vấn cho các cặp đôi và đưa ra lời khuyên khi họ mang thai. Khi có thai, làm sàng lọc trước sinh sẽ giúp sàng lọc được các bào thai. Phát hiện có dị tật sẽ đình chỉ để hủy thai. Bước tiếp theo là khi em bé được sinh ra, việc lấy máu gót chân đưa đi xét nghiệm, thực hiện khám ban đầu cho bé sẽ giúp phát hiện xem bé có vấn đề gì không, liệu có bệnh lý gì không để có những can thiệp kịp thời, tránh hệ lụy nặng nề về sau.
Tuy nhiên, trên thực tế, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, hiện nay, người dân Việt Nam chưa có khái niệm nhiều về việc đi khám tiền hôn nhân vì chưa có truyền thông sâu rộng đến người dân. Trong khi đó, đây được coi là bước sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Đối với dự phòng bước 2, bước 3 (khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh), Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, người dân đã có khái niệm nhất định về sàng lọc nhưng để hiểu đầy đủ và dám làm hay không thì chưa có. Không những thế, hiện nay có tình trạng người dân đi soi trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm để xem là con trai hay gái. Đây là mặt trái của sàng lọc và đang là vấn đề khó khăn, chưa có cơ chế, cách thức nào để quản lý được đội ngũ y tế làm việc đó, tất cả vẫn dừng ở hình thức. Một khi dân trí còn nặng phải có con trai thì câu chuyện này vẫn luôn tồn tại.
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức người dân
Theo các chuyên gia, lý do mấu chốt dẫn đến tình trạng này là người dân chưa ý thức được lợi ích, ý nghĩa của khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Do đó, giải pháp then chốt là tăng cường truyền thông sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện các việc làm quan trọng này.
Về mặt chính sách, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay, nên bổ sung thêm việc khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân. Việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân dù mang lại nhiều lợi ích nhưng để đi khám được là rất khó khăn do còn rào cản về tâm lý. Do đó, chúng ta có thể miễn phí hoặc khuyến khích bằng tiền, vật chất cho những người đi đầu khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hoặc có thể đưa vào quy ước thôn xóm, bản làng là thanh niên trước khi kết hôn phải đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đưa vào những biện pháp dưới luật như vậy cũng là một biện pháp giúp các cặp đôi quan tâm đến việc đi khám sức khỏe trước khi cưới, giúp giảm thiểu tỷ lệ thai nhi bị dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Về vấn đề sàng lọc, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh mong muốn Chính phủ, Quốc hội coi việc sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản nên đưa vào nội dung bao phủ trong chương trình của bảo hiểm y tế để người dân thấy được quyền lợi mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, với những trường hợp lạm dụng sàng lọc để sàng lọc giới tính, sàng lọc về phôi thì cần đưa ra giải pháp, phải đưa vào Luật Dân số để khống chế việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến tuyến cơ sở để đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao. Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên đặc thù theo từng giai đoạn. Ngoài ra, cần hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn trọng điểm. Đào tạo về kỹ năng, kỹ thuật và chuyên môn cho các cán bộ dân số, y tế theo quy định; cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh tại y tế cơ sở, chú trọng phổ cập, đưa dịch vụ đến tuyến xã.
Đồng thời, mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh phù hợp với toàn quốc và từng địa phương. Tăng cường kết nối, hợp tác các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập để đạt hiệu quả một cách tốt nhất.
Vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi
Công tác DS-KHHGĐ hiện đang phải tiếp tục một chặng đường dài và không ít gian nan, thử thách phía trước. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng giống nòi, hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra là một trong những vấn đề được đặc biệt chú trọng để nâng cao chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, có 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã được Bộ Y tế triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trên cả nước có 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phục vụ nhu cầu của người dân gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Y Dược Huế, Trung tâm Sàng lọc Cần Thơ, Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An. Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm DS-KHHGĐ để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.
Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cần được duy trì và mở rộng nhằm giảm thiểu bệnh tật ở trẻ sơ sinh, góp phần xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi.
Các bước tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân
Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe:
- Kiểm tra sức khỏe chung: Mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng…
- Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Lậu, giang mai, hạ cam mềm, viên gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm…
- Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: Đã mắc các bệnh nào trước đây, đã có những phẫu thuật nào, tim mạch, mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích…
- Bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần: Người thân trong gia đình mắc những bệnh gì? Cao huyết áp, tim mạch…
- Bệnh di truyền như: Hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)…
- Bệnh truyền nhiễm: Bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…
Thời điểm tiến hành sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh
Sàng lọc trước sinh: Trong 3 tháng đầu thai kỳ: Siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào lúc tuổi thai từ 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ: Thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương…
Trong 3 tháng cuối thai kỳ: Không có chỉ định sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai cần siêu âm trong thai kỳ này để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và tiên lượng cho cuộc đẻ.
Sàng lọc sơ sinh: Lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện: Suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác.
Mai Thùy

Điểm danh 8 loại vắc xin quan trọng người 50 - 70 tuổi cần tiêm, rất nhiều người không biết
Dân số và phát triển - 14 giờ trướcRất nhiều người cho rằng sau tuổi 50 thì không cần tiêm vắc xin nữa, nhưng sự thật thì ngược lại!

Cẩm nang "chuyện yêu": Tất tần tật ưu nhược điểm của các biện pháp tránh thai hiện đại
Dân số và phát triển - 1 ngày trước"Chuyện yêu" sẽ càng thăng hoa, thoát khỏi lo lắng về "trái thanh" khi bạn gái cập nhật sớm những biện pháp tránh thai hiện đại, bao gồm mức độ hiệu quả cùng tác dụng phụ, và chọn được cách bảo vệ bản thân tốt nhất đấy.

Khắc phục bất lợi của thuốc tránh thai
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcThuốc tránh thai là một phương pháp tin cậy giúp phòng ngừa thai nghén. Hầu hết phụ nữ đều dung nạp tốt loại hormone này. Tuy nhiên, thuốc có thể gây bất lợi ở một số người. Vậy cách khắc phục như thế nào?

"Giải oan" 4 tin đồn về thuốc tránh thai hàng ngày, cho nàng yên tâm
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcDù có nhiều lợi ích đã được khẳng định, thuốc tránh thai hàng ngày vẫn bị hàm oan bởi nhiều tin đồn thất thiệt, khiến không ít bạn nữ e ngại khi sử dụng.

Thực phẩm nào giúp kiểm soát axit uric cao?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcTăng axit uric máu hay nồng độ axit uric cao trong cơ thể thường do chế độ ăn uống không hợp lý. Nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới bệnh gout và nhiều vấn đề sức khỏe liên quan…

5 bài tập yoga giảm axit uric tự nhiên rất dễ thực hiện
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcAxit uric cao hay tăng axit uric máu là tình trạng khi có quá nhiều axit uric trong máu, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như bệnh gout, sỏi thận và bệnh tim...

Sau đột quỵ, người bệnh bắt buộc phải uống những loại thuốc nào?
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcĐối với những người đã bị đột quỵ một lần, một số sẽ có khả năng bị đột quỵ lần thứ hai... Vậy những trường hợp này cần dùng thuốc nào để giảm nguy cơ đột quỵ tiếp theo?

Hội chứng tiền kinh nguyệt: Thực phẩm nên ăn và nên tránh
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcHội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ là một tình trạng phức tạp với nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thay đổi nội tiết tố, yếu tố di truyền... Chế độ ăn cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ giai đoạn này.

Phụ nữ bị rối loạn phụ khoa dễ có nguy cơ mắc bệnh tim
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcCác rối loạn phụ khoa không chỉ gây khó chịu, đau đớn cho phụ nữ mà nguy hiểm hơn, những vấn đề về sức khỏe sinh sản này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Những lý do rụng tóc thời kỳ mãn kinh và cách cải thiện
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcThời kỳ mãn kinh là giai đoạn đáng sợ mà phụ nữ thường trải qua với những triệu chứng như bốc hỏa, tăng cân, mất ngủ, khô da và rụng tóc. Vậy cách nào giúp giảm những triệu chứng khó chịu này?

Giao lưu trực tuyến: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tầm quan trọng của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn
Dân số và phát triểnGĐXH - Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.