PGS Văn Như Cương: Có thể thành bất cứ ai, nhưng nhất thiết phải là người tử tế
GiadinhNet - Nhân dịp đầu xuân, PGS Văn Như Cương - người con đất học nổi tiếng Quỳnh Đôi (Nghệ An), Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, ngôi trường dân lập đầu tiên của cả nước - đã có những chia sẻ thân tình tâm huyết với nghề giáo về quan niệm sống.

Đạo thầy – trò
Facebook cá nhân của ông có hơn 100.000 người theo dõi, mỗi statust luôn thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Ông có thể chia sẻ lý do dùng mạng xã hội?
- Ban đầu, tôi không dùng Facebook. Về sau, tôi thấy đây là kênh tương tác rất tốt giữa thầy – trò. Nếu thấy học trò nói sai gì đó, hay để hiểu thêm tâm tư của các em, từ đó mình uốn nắn cho đúng hoặc tranh luận để tìm ra cái đúng. Đó là mục đích chính của tôi khi tham gia mạng xã hội.
Cũng có những sự việc các em giúp mình phải chuẩn hơn. Có lần, một học sinh viết cho tôi: “Hôm qua em thấy thầy ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm”. Tôi giật mình. Đúng là có hôm, tôi đang ở nhà sách Đông Tây thì người bạn mời sang đường uống nước. Ông bạn nói rằng, thầy lên xe đi. Tôi bảo, mình không có mũ bảo hiểm. Ông bạn bảo, có một đoạn, ở trong này không ai đội đâu. Thế là tôi ngồi lên xe… Tôi rất thú vị chuyện học sinh phát hiện và mạnh dạn phê bình thầy. Tôi liền viết lời xin lỗi em học sinh đó và hứa lần sau thầy không làm như thế nữa. Đó là khuyết điểm, là lỗi của thầy…
Trường Lương Thế Vinh có quy định nào cho học sinh khi tham gia mạng xã hội không?
- Nhà trường không cấm nhưng có hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội như thế nào. Có nhiều em viết không đúng về một sự việc, giận bố mẹ, hay viết về thầy vì cho điểm ít thế nào, bạn bè đối xử thế nào… Mình phải giáo dục, một là ngôn ngữ không thận trọng, hai là viết tắt, các ký hiệu, ảnh hưởng đến học tập.

PGS Văn Như Cương với thầy cô giáo và học trò Trường Lương Thế Vinh. ẢNh trong bài: TL
Mối quan hệ thầy - trò đã khác trước, gần gũi hơn, tự nhiên hơn, dân chủ hơn. Ông đánh giá sự thay đổi này như thế nào?
- Mối quan hệ thầy - trò trước kia là khác. Thầy nói gì là trò phải nghe. Trò gặp thầy từ xa phải đứng lại, phải khoanh tay chào. Khoảng cách giữa thầy và trò rất xa nhau. Không bao giờ có chuyện thầy - trò đứng nói chuyện với nhau. Hình ảnh người thầy nay cũng đã khác. Thầy ngồi vỉa hè uống cốc bia là chuyện bình thường, thầy cũng phải đi chợ, nấu ăn… Bây giờ chúng ta chuyển sang dân chủ, giữa thầy - trò khoảng cách thu hẹp lại. Trò có thể trao đổi với thầy. Học trò nói lên được suy nghĩ của mình. Đây là sự thay đổi có lợi cho sự nghiệp giáo dục. Chúng ta phải phát huy tính phản biện cho học trò hơn nữa.
Tôi lấy ví dụ, ở trường tôi có một học sinh lớp 6, trong giờ giảng bài lịch sử “Cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975”, khi cô giáo nói đến tên người lái xe húc đổ cổng, em đó đứng dậy phát biểu: “Thưa cô, không đúng ạ! Người húc đổ cổng Dinh Độc Lập là bố em ạ!”. Cô giáo phản ánh lại với nhà trường. Chúng tôi mới mở một cuộc tìm hiểu xem câu chuyện này như thế nào. Thế rồi, truyền thông vào cuộc và phát hiện ra tổ lái xe tăng trưa hôm đấy có bố em học sinh này. Tôi còn nhớ, truyền hình đã làm phóng sự rất hay những người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, người thì làm nghề cắt tóc, bố em này đi lái xe… Nếu không có sự phản biện của em này thì lịch sử đâu đã được hé lộ.

Sự thay đổi trong mối quan hệ thầy - trò có mặt trái nào không, thưa ông?
- Tôi không thấy có mặt trái nào. Trái lại, tương tác đó rất có lợi cho sự nghiệp giáo dục. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh có nhiều cơ hội trao đổi, tìm hiểu, học tập. Người thầy phải luôn luôn đổi mới, không ngừng tiếp nhận những kiến thức mới để đáp ứng với thực tế. Nhưng dù thay đổi thế nào thì xã hội ta vẫn giữ được sự tôn sư trọng đạo. Tôi không thấy mất đi sự kính trọng của học trò đối với người thầy.
Cuộc đời làm nghề giáo, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm về tình thầy - trò, điều gì đọng lại sau cùng với ông?
- Ông cụ thân sinh tôi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Ngọc (Quảng Xương, Thanh Hóa) chỉ khoảng 2 - 3 năm. Chuyện đó đã lâu, tưởng đi vào dĩ vãng. Rồi một hôm, tôi đang ngồi làm việc thì có tiếng gọi cửa. Một Đại tá quân đội, một cán bộ xuất hiện và nói: “Thầy có phải là con của thầy Văn Đức Bích không?”. Tôi bảo đúng, nhưng ông cụ thân sinh của tôi mất lâu rồi. Họ nói, nghe tên thầy Văn Như Cương lại ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An nên đến hỏi thăm. Họ là cựu học sinh của trường, hiện ở trong Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Quảng Ngọc. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập và trường khánh thành cơ ngơi mới, cụ Bích mất rồi, tôi là con cụ và cũng là nhà giáo dục nên họ mời tôi về dự. Tôi cảm động lắm. Ông hiệu trưởng mất rồi, họ còn nhớ đến và tri ân con ông hiệu trưởng. Đó là kỷ niệm đẹp gắn với ông cụ, trong đó có phần mình.
Đối với bản thân tôi, gặp ai, họ cũng gọi mình bằng thầy. Nhiều lần đi dự Hội đồng Quốc gia Giáo dục, gặp toàn ông tai to mặt lớn cũng gọi tôi bằng thầy. Rồi tôi ra sân bay, đi ăn sáng… người ta vẫn đến “chào thầy”. Đó là vinh dự, là tự hào, là động lực phấn đấu sống tốt để khi người ta gọi mình bằng thầy, mình không hổ thẹn, mình không ngượng, mình cảm thấy xứng đáng với từ thầy. Đạo học còn vượng lắm!
Sự tử tế

Thưa ông, hiện nay người ta dùng nhiều, nói nhiều về cụm từ “sự tử tế”. Phải chăng, đó là sự cảnh báo về dấu hiệu đạo đức đi xuống của một bộ phận xã hội?
- Đúng quá! Đó là cảnh báo cho sự không bình thường. Chúng ta vẫn nghe, thấy đâu đấy quan chức tham nhũng hối lộ, án mạng dã man xuất hiện ngày càng nhiều. Trong trường học, học sinh đánh nhau. Người người đối xử với nhau không được như trước kia. Đó là dấu hiệu đi xuống của đạo đức xã hội và việc người ta nói nhiều đến việc tử tế, người tử tế… vừa để cảnh báo, vừa nhân rộng những điều tốt đẹp trong xã hội.
Lời căn dặn của ông đối với học sinh nhân ngày khai trường về làm người tử tế, lời căn dặn đó đã được đưa vào đề thi nghị luận môn văn của một trường cấp 3. Ông có thể nói thêm về điều này?
- Tôi nói với học sinh của mình rằng, các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lao động xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng nhất thiết phải làm người tử tế. Làm bất cứ công việc gì, nếu không phải là người tử tế thì xã hội sẽ loạn.
Bản thân tôi thấy rất thú vị. Sau khi căn dặn học trò những điều trên trong lễ khai giảng, không lâu sau đó, trên vô tuyến xuất hiện chương trình có tên “Việc tử tế”, không biết người ta có lấy câu này của mình hay không? Nhưng chương trình đó, tôi rất thích. Những tấm gương người tử tế phải được nhân rộng trong xã hội này.
Làm thế nào để thay đổi nền giáo dục ứng thí?

Ông có đánh giá thế nào về nền giáo dục hiện nay?
- Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta đang gặp vấn đề lớn. Nền giáo dục chúng ta không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của xã hội. Đào tạo của chúng ta không đáp ứng được đòi hỏi của lao động thời đại mới. Chúng ta đặt câu hỏi “Học để làm gì?”. Hiện chúng ta đang trả lời: “Học để đi thi”. Đó là câu trả lời chưa đúng!
Học để làm việc chứ không phải học để đi thi. Hiện học cấp 1 để thi lên cấp 2, cấp 2 để thi cấp 3, cấp 3 thi vào đại học. Đại học lại thi lên nữa. Một nền giáo dục ứng thí.
Nếu câu trả lời cho câu hỏi đó là: “Học để làm việc” thì dễ dàng trả lời được câu hỏi “học cái gì?”. Hiện nay, học sinh đang học nhiều cái rất vô bổ, không để làm gì cả. Ví dụ, người khác làm mảng xã hội… cần gì phải biết tích phân, đạo hàm. Tại sao lại phải học đại trà kỹ thế? Tại sao không để những thứ đó ở bậc học đại học và cao hơn, tức là sau khi các em xác định được ngành nghề để rồi tập trung nghiên cứu chuyên sâu?
- Chương trình của chúng ta phải bỏ bớt đi những “râu ria” không cần thiết. Cuối cùng sẽ trả lời được câu hỏi “Học như thế nào?”. Không chỉ cắp sách đến trường, người học phải đi vào cuộc sống, phải trải nghiệm, phải làm thí nghiệm… Đó là vấn đề chúng ta chưa giải quyết được. Hiện nay, chúng ta đang rất lúng túng, chưa trả lời đúng.
Trường Lương Thế Vinh đã trả lời đúng câu hỏi đó chưa, thưa ông?
- Thực tế là chưa được. Mong muốn của tôi là phải thay đổi nhiều, nhưng khi thực hiện vào nhà trường thì chỉ được thay đổi trong phạm vi cho phép. Ví dụ, thay đổi chương trình là không được, thay đổi mô hình là không được. Thay vào đó, nhà trường chỉ cải tiến môi trường và phương pháp dạy - học. Học sinh Trường Lương Thế Vinh không cần phải học thêm, học sinh tự nghiên cứu, học sinh phải tự lực cánh sinh, học sinh không xin điểm, xin thành tích. Phương châm của nhà trường là dạy thật và học thật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Với tôi, cùng với việc trau dồi cho mình kiến thức khoa học, trước tiên phải trau dồi cho các em trở thành công dân mẫu mực, có tấm lòng nhân ái. Ngay trong môi trường học đường, các em phải là người tử tế, đi ra xã hội mới tử tế được”.
PGS Văn Như Cương
“Tôi còn sức khỏe, còn làm việc. Với tôi đó là đam mê và niềm vui. Với người thầy, đến tuổi hưu có nhiều cách cống hiến. Còn sức khỏe, còn nhiệt huyết thì còn tiếp tục cống hiến cho đời. Trường tôi có nhiều thầy cô chỉ kém tôi ít tuổi thôi, vẫn còn sức khỏe, còn mê say với nghề nghiệp, vẫn lên bục giảng. Nhưng nếu thấy mệt mỏi thì nên nghỉ hưu vì đã cống hiến cả quãng đường dài, không cản đường giáo viên trẻ, những người được đào tạo mới, sáng tạo, nhạy bén”.
PGS Văn Như Cương
Nguyễn Quang Thành (thực hiện)

Cận cảnh trận địa 10.500 drone tái hiện khoảnh khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập
Thời sự - 1 giờ trước10.500 drone sẽ tái hiện những khoảnh khắc lịch sử quan trọng của dân tộc như: hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại...

Giá vé máy bay tàu hỏa tăng cao, xe khách giữ nguyên dịp lễ 30/4-1/5
Đời sống - 1 giờ trướcGhi nhận ngày 28/4, giá cước tàu hỏa, máy bay đi từ Hà Nội đi các tỉnh, thành tăng từ 10 đến 30%, trong khi đó giá vé xe khách không có biến động và vẫn giữ nguyên mức giá như ngày thường.

Vụ sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả: Khởi tố thêm 4 bị can về tội 'lừa đảo, đưa và môi giới hối lộ'
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Ngày 28/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 04 bị can về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Tội đưa hối lộ” và “Tội môi giới hối lộ” liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả.

3,41 triệu người hưởng cơ bản đã nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5
Xã hội - 2 giờ trướcTính đến 15 giờ ngày 28/4, toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành chi trả đối với 3,41 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, bảo đảm nhanh gọn, thuận lợi, an toàn, đúng quy định.

Bắt quả tang nữ giáo viên ở Điện Biên đi 'ship' ma tuý
Pháp luật - 3 giờ trướcVới vỏ bọc là giáo viên, Lò Thị Phương dùng nhiều biện pháp nhằm đối phó, che mắt lực lượng chức năng để cung cấp ma túy cho các điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn.

Uống bia rồi đạp xe ra đường, người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ bị giữ xe 1 tuần
Đời sống - 4 giờ trướcĐạp xe ra đường sau khi uống bia trong bữa trưa, ông P.M.H. (64 tuổi, trú TP Hà Nội) bị CSGT phạt số tiền 350 nghìn đồng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày.

Chưa có chủ trương dừng hoạt động của cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố
Thời sự - 5 giờ trướcTheo Bộ Nội vụ, chủ trương hiện nay chỉ kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, còn ở thôn và tổ dân phố thì giữ nguyên, chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc dừng sử dụng đối tượng này.

Nổ súng bắn người rồi tự sát ở Vĩnh Long, danh tính thủ phạm khiến nhiều người bất ngờ
Pháp luật - 6 giờ trướcGĐXH - Sau khi dùng súng tự chế bắn gục người đàn ông 33 tuổi ngay tại sân nhà ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), đối tượng Nguyễn Vĩnh Phúc (SN 1983) bỏ chạy một đoạn rồi tự bắn mình tự sát...

Thanh Hóa thay đổi tên gọi các xã, phường gắn với lịch sử và văn hóa
Xã hội - 7 giờ trướcGĐXH – Thay vì đặt tên các xã, phường theo số thứ tự, nhiều địa phương đã tổ chức lấy ý kiến người dân và chọn các tên gọi gắn liền với lịch sử và văn hóa.

Tiếp vụ loạt sân pickleball 'mọc' trên đất hợp tác xã Láng Thượng ở Hà Nội: Cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thời sự - 7 giờ trướcGĐXH - Trên khu đất từng thuộc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), loạt sân pickleball được xây dựng và đang hoạt động rầm rộ giữa khu dân cư đông đúc tiềm ẩn cháy nổ từ thiết bị điện, ô nhiễm tiếng ồn, những mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe cộng đồng.

Tứ đại con giáp thịnh vượng nhất tháng 5
Đời sốngGĐXH - Tháng 5, mùa hè đã đến gần, tiết trời rực rỡ không chỉ mang đến nắng vàng ấm áp mà còn đem theo may mắn, tài lộc cho nhiều con giáp.