eMagazine

GiadinhNet - Chẳng biết từ bao giờ người lao động Việt Nam coi việc đi xuất khẩu lao động như một ván bài mà thứ đem ra đánh cược là tuổi trẻ, gia đình, tiền bạc. Cũng có nhiều người chưa kịp hiểu quy luật đó đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 1.

(Nguồn: Vamas.com.vn)

Từ năm 2006 đến 2008, trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 83.000 lao động xuất khẩu sang nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong cả nước.

Năm 2011, tổng số lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài theo số liệu từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước là 81.475 người. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, con số này là 88.298 người. Riêng số lao động Việt Nam đang có mặt tại bốn thị trường lớn nhất là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là hơn 200.000 người (40% tổng số lao động Việt Nam tại nước ngoài).

Trong số người Việt xuất khẩu lao động ra nước ngoài thì lao động miền Trung chiếm đại đa số. Mẫu số chung để họ có cùng một quyết định là hoàn cảnh vất vả, trình độ học vấn thấp hoặc đôi khi cũng chỉ là việc mơ đến một giấc mơ đổi đời, một miền đất hứa trong những tưởng tượng thuần khiết nhất: "Ở đó, đèn điện được chôn dưới lòng đất!".

Đến năm 2014, con số xuất khẩu lao động tăng vọt lên trên 100.000 người. Theo số liệu mới cập nhật từ Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), 11 tháng năm 2018 có 131.075 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cũng trong khu vực Đông Bắc Á, Đài Loan tiếp tục là thị trường dẫn đầu về quy mô tiếp nhận lao động với 57.268 người, bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận gần 5.206 người. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với 61.004 người; Hàn Quốc với 6.020 người; Macao là 242 người; Trung Quốc với 34 người và Hồng Kông là 23 người.

Năm 2019, Việt Nam đặt kế hoạch đưa ra nước ngoài 120.000 lao động mới, với mục tiêu hướng đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Rumani, Bulgari.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 3.

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đặt chân đến xứ người họ có chung một mục đích. Đã chọn con đường xa nhà xa quê hương, ai cũng vẽ cho mình một tương lai tươi sáng với mong muốn khi trở về nước sẽ có một cuộc sống sung túc khá giả hơn.

Anh Trương Ngọc Quang, quê Nghệ An sinh ra trong gia đình có 4 người con, anh là em thứ 3 trong nhà. Anh trai cả cũng đang xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Học xong lớp 12 không theo con đường đại học, anh vào Nam làm việc được một năm thì về hẳn quê. Bố mẹ là người chủ động hướng anh sang Nhật đi du học. Nghe lời bố mẹ, anh khăn gói ra Hà Nội học tiếng.

Vài tháng sau, anh cũng được sang Nhật du học tại một ngôi trường ở thành phố Hirosima. Thời điểm anh Quang đi là năm 2012, lúc đó đồng yên Nhật Bản đang cao nhất. Chi phí lúc bấy giờ gia đình anh phải đóng cho môi giới là 370 triệu đồng. Cách đây 5 năm đó là một số tiền vô cùng lớn. Nhưng với giấc mơ về một cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn, bố mẹ vẫn cố gắng lo cho anh chu toàn và trọn vẹn nhất.

Tuy nhiên, với mức học phí và chi phí vô cùng đắt đỏ bên Nhật thì số tiền anh làm thêm không đủ sức chi trả. Theo quy định, anh cũng không thể làm quá 28 tiếng một tuần nếu không muốn bị trục xuất về nước.

Học được một năm rưỡi, với mục đích sẽ kiếm tiền gửi về cho gia đình trang trải và lo khoản nợ đã bỏ ra cho anh sang Nhật, anh kết thúc việc học và tự ý ra ngoài làm bất hợp pháp. Con đường học hành cũng vụt tắt từ đó…

Cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền, anh Mai Văn Thiệp (1991) đã chọn Đài Loan là "miền đất hứa" của mình. Anh sinh ra tại Đồng Trạ, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, một vùng núi đầy khó khăn. Anh kể: "Tôi chỉ làm nghề mộc, vợ tôi thì bán hàng vặt. Thu nhập của hai vợ chồng tôi thì không dư dả được mấy. Tôi có hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học cho nên phải chi tiêu nhiều. Với mong mỏi có một số vốn trang trải cuộc sống cho gia đình, nên tôi quyết định đi".

"Cuối năm 2017, tôi khăn gói lên Hà Nội để học tiếng Trung. Tôi học vỏn vẹn trong 1 tháng với mong muốn được đi nhanh. Khi học xong, có cô cùng làng giới thiệu chỗ làm bên đó nên tôi đi theo bằng hình thức ứng tuyển đơn", anh Thiệp chia sẻ.

Khác với anh Quang và anh Thiệp thì anh Thuận (SN 1990, Thanh Hóa) lại loay hoay mất một khoảng thời gian trước khi đến với con đường xuất khẩu lao động. Sau khi học xong đại học, với những kinh nghiệm tích lũy trên giảng đường, anh quyết định làm công nhân kỹ thuật của một công ty điện tử ở thành phố Đà Nẵng. Thu nhập hàng tháng ở mức trung bình, chỉ đủ ăn. Nhiều đêm nằm không ngủ được, anh đã suy nghĩ về tương lai cũng như mong muốn có một cuộc sống được cải thiện hơn, một phần cũng là vì giúp đỡ bố mẹ thoát cảnh đói nghèo thôn quê.

Đang giữa lúc bản thân vẫn chưa biết sự lựa chọn tiếp theo sẽ về đâu và làm gì thì anh được một bạn thân học cùng cấp 3 định hướng cho đi xuất khẩu lao động ở Nhật với mức thu nhập "khủng". Với ý chí và quyết tâm "đổi đời", anh Thuận đã xin nghỉ công việc công nhân điện tử sau 3 năm gắn bó với công ty và hy vọng đấy là sự lựa chọn đúng đắn.

Trước một tương lai tốt đẹp đang được chính anh vẽ ra với hy vọng mọi khởi đầu đều thuận lợi. Thế nhưng, chỉ sau một tuần nộp hồ sơ, anh hỏi bạn bè đang du học bên Nhật thì mới biết khi sang đấy anh phải tốn một khoản tiền là 200 triệu đồng. Sau đó, cứ mỗi kỳ học anh lại phải nộp tiền học phí và không có thời gian làm. Thế là anh Thuận lại chùn chân.

Vẫn mang trong mình giấc mơ "đổi đời" mang tên xuất khẩu lao động. Một lần nữa, anh Thuận được một người thân hiện đang làm ở Đài Loan tư vấn sang đó, nếu tăng ca nhiều thì lương sẽ rất cao. Vì là người thân giới thiệu nên anh đã quyết tâm nộp hồ sơ và học tiếng ngoài Hà Nội để đi xuất khẩu lao động. Sau hơn 4 tháng học và đợi đơn hàng, anh mới trúng đơn hàng làm tiện CNC của một công ty gia công cơ khí ở huyện Nghi Lan thuộc địa phận Đài Bắc. Vậy là, một bản hợp đồng xuất khẩu lao động 3 năm được ký kết trong niềm vui mừng khôn tả của một người được coi là "lận đận đường xuất ngoại".

Ở một miền đất khác, tại xứ sở của hoa anh đào, Tạ Đức Huy (21 tuổi, Như Thanh, Thanh Hóa) cũng đã đặt bao nhiêu kì vọng vào miền đất hứa. Là trai trưởng trong gia đình thuần nông nghèo có 3 anh chị em ở một huyện miền núi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huy làm máy xay gạo, thu nhập vài chục nghìn một ngày. Công việc không kiếm được thu nhập cao, gia đình lại có khoản nợ ngân hàng vì làm nhà, Huy kể có người hàng xóm vỗ vai bảo rằng: "Thanh niên trai tráng thế này đi nước ngoài mà kiếm tiền làm giàu. Ở nhà làm gì cho cuồng tay, cuồng chân". Có vỏn vẹn một câu nói cộng với cái máu chiến của tuổi trẻ mà chàng trai đã quyết chí ra đi.

Những năm trở lại đây, làn sóng xuất khẩu lao động ở miền Trung mạnh mẽ đến nỗi người ta vạch định sẵn rằng con cái nếu không học đại học thì sẽ cho đi xuất khẩu lao động. Bị cuốn vào làn sóng đó, Huy tạm gạt đi những băn khoăn về nỗi nhớ gia đình và sự lạc lõng nơi đất khách để bay đến vùng trời mơ ước. Xoay sở vay ngân hàng và người thân bạn bè quen biết, gia đình Huy chuẩn bị đủ 200 triệu để hiện thực hóa ước mơ làm giàu nơi đất khách. Và thế là anh đi, mang theo một niềm tin với cơ hội đổi đời ngay trước mắt.

Khác với những nhân vật chúng tôi vừa kể, anh Nguyễn Văn Long (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại có một hướng đi khác. Anh từng là lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Trở về nước, vì không quen với môi trường làm việc tại quê nhà, anh khăn gói sang Angola với giấc mộng mới rồi vỡ mộng. Anh lại tiếp tục một hành trình tìm kiếm mọi thứ đã mất ở Rumani bằng một cuộc vượt ngục sang Đức đầy ngoạn mục.

Từ nhiều vùng quê, nhiều độ tuổi, nhiều trình độ…, ở giữa ranh giới của những giấc mơ đổi đời, họ đều đã đặt chân đến những "miền đất hứa" của mình…

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 4.

Giấc mơ của những người lao động ra đi với mong muốn đổi đời bằng sức lao động chân chính là một giấc mơ giản dị và đáng trân trọng. Tuy nhiên, khi đặt chân đến được "miền đất hứa" của mình thì giấc mộng đó cũng tan biến.

Trước khi đi xuất khẩu lao động, mỗi một người sẽ nhận được một bản hợp đồng, trong đó sẽ có khoảng thời gian và công việc mình làm. Anh Tạ Đức Huy giãi bày: "Theo hợp đồng đã ký trước đó thì giờ làm việc mỗi ngày là 8 tiếng. Nhưng thực tế, hầu như ngày nào công ty của tôi cũng ép buộc công nhân tăng ca. Nếu tăng ca dưới 30 phút thì không được tính thêm tiền. Tăng ca quá 30 phút thì mới tính vào lương nhưng cũng chỉ bằng lương đã quy định chứ không có phụ cấp làm ngoài giờ".

"Hôm nào tăng ca đến 21 giờ thì làm liên tục 6 tiếng không được nghỉ giải lao. Trừ những hôm tăng ca quá 21 giờ thì bọn mình mới được cho nghỉ khoảng 15 phút, kịp ăn 2 nắm cơm cho đỡ đói rồi vào làm tiếp. Có hôm tăng ca đến tận 0h, rồi 5h sáng hôm sau đã phải dậy chuẩn bị đi làm tiếp thì thật sự là mệt không thở nổi", Huy kể lại.

Huy thều thào tỏ vẻ bất lực: "Công ty môi giới Việt Nam lúc đầu luôn miệng nói có chuyện gì không ổn bên Nhật thì họ sẽ đứng ra giải quyết cho, nhưng thật ra khi đưa được người sang Nhật thì họ không còn có trách nhiệm gì nữa. Đành ngậm ngùi như kiểu cố đấm ăn xôi". Nghe mà xót xa với cách làm "qua cầu rút ván", "đem con bỏ chợ" của những trung tâm môi giới xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Hoàn cảnh của Huy bây giờ như bị mắc kẹt ở xứ người với cái hợp đồng việc làm quá sức trong thời hạn 3 năm.

Cùng chung cảnh ngộ với Huy, anh Thuận (Thanh Hoá) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì hợp đồng đã kí. Anh kể: "Theo như trong hợp đồng thì công việc của tôi" là đứng máy tiện tự động CNC, nhưng trong lúc làm việc lại không có một chiếc máy tự động nào mà phải làm hoàn toàn bằng tay."

"Nhiều đêm đi làm về, hai bàn tay của anh Thuận đỏ ửng và sưng lên. Không chỉ công việc sai ở trong hợp đồng, mà còn sai về số tiền khi tăng ca và lương. Trong khoảng thời gian làm việc, tôi đã không được nhận số tiền khi tăng ca mà chỉ nhận được số tiền lương cơ bản là 8 triệu đồng/tháng", anh Thuận kể tiếp.

Điều kiện sống thực tế mà một số người đi xuất khẩu lao động đang trải qua. (Ảnh của các nhân vật cung cấp)

Anh Thiệp, người cũng chịu chung số phận như anh Thuận, chia sẻ: "Nghỉ 1 hôm sẽ bị trừ 2.500 tiền đài tức là khoảng gần 2 triệu đồng tiền Việt". Công việc nơi xứ người không chỉ vất vả, mệt nhọc, đổ bao nhiêu mồ hôi công sức mà còn rất nguy hiểm để kiếm những đồng tiền". 

Với anh Quang (Nghệ An), việc anh làm sau khi trốn ra ngoài bất hợp pháp là đốt rác: "Công việc độc hại, tôi phải tiếp xúc với khí độc thường xuyên nhưng không được trang bị bất cứ đồ bảo hộ nào cả. Công việc vất vả làm từ 6 giờ sáng đến tận 6, 7 giờ tối, bắt buộc làm cả tuần và không có ngày nghỉ. Nhưng khi làm được 2 tháng thì có người báo cho công an đến, tôi phải "bỏ của chạy lấy người", trốn lên rừng để không bị bắt". Anh Quang cũng cho biết thêm, nơi anh sống là một chiếc conterner nhỏ lợp mái, chỉ đủ cho 4 người ngủ.

Trường hợp của anh Lê Đức Huy cũng không phải là ngoại lệ. Anh Huy làm ở ngành xây dựng với công việc chuyên về sắt thép. Anh Huy kể: "Cả ngày uốn bẻ thép rồi khuân vào xưởng, tôi lúc nào cũng đau toàn thân. Mấy ngày đầu học việc, tối về nhà mình thấy lưng khọm lại, vai buốt lên". Vừa nói, tay anh Huy vừa xoa bóp hai vai chừng như cũng đau và mỏi lắm. 

Anh Huy kể lại: "Trong xưởng tôi làm, không ở đâu là không có bụi sắt. Những hạt bụi kim loại đen sì phủ đầy sàn, một số thì bay lửng lơ trên không trung tạo thành thứ không khí ô nhiễm lởn vởn quanh người. Dù đã đeo mấy lớp khẩu trang, bụi sắt vẫn bám kịt trong mũi và cổ họng. Lần nào đi làm về, tôi cũng chỉ muốn lao ngay vào nhà tắm vì cả người bám đầy bụi sắt, nhất là mũi và họng khạc nhổ ra đen sì thứ kim loại óng ánh".

Chúng tôi tìm về con đường xứ Thanh để gặp gỡ anh Thiệp, người đã trở về sau 7 tháng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh Thiệp buông miếng gỗ đang cắt dang dở xuống, rồi kể: "Ngày ấy sang Đài tôi làm 2 tháng về ổ khóa thì đột nhiên bị điều sang bộ phận làm bình ắc quy và chì. Tiếp xúc với axit nhiều, độc hại nhưng vì đồng tiền mà tôi vẫn chấp nhận.

Tôi làm được ba tháng thì thấy trong người mệt mỏi, đi kiểm tra sức khỏe vài lần thì lần nào cũng huyết áp cao. Sức khỏe yếu đi, chán ăn, kèm theo đó là những biểu hiện như da tay bị khô bong tróc và bị vàng đi rất nhiều do tiếp xúc với axit khi làm chì. Đặc biệt có lần tôi tụt tới 10 cân". 

Chìa bàn tay cho tôi xem, anh Thiệp thở dài: "Tôi về được 7 tháng rồi mà da tay vẫn chưa hết vàng".

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Đức Huy nhớ lại: "Kí túc xá công nhân cách công ty khoảng 1 giờ đi ô tô. Kí túc xá nhỏ, 3 người ở cùng trong căn phòng khoảng 15 m2. Có khu nhà bếp riêng gồm 4 bếp nhưng số công nhân ở khoảng 20 người nên thường phải xếp hàng chờ nấu ăn. Điều khiến tôi khó chịu nhất là việc nước sinh hoạt bẩn vì là nguồn nước là giếng khoan chứ không phải nước máy. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải đóng tiền nước. Đã nhiều lần chúng tôi khiếu nại lên công ty về điều kiện ăn ở sinh hoạt kém tại kí túc xá nhưng công ty mặc kệ không giải quyết".

Vì mục đích kiếm tiền nên anh Huy ăn tiêu tiết kiệm nhất có thể. Anh kể: "Lương 30 triệu/tháng, trừ phí thuế và bảo hiểm khoảng 5 triệu, tiền nhà và tiền điện nước khoảng 6 triệu, tiền ăn và chi phí khác 5 triệu. Công ty phát cho 1 năm 2 bộ quần áo lao động nhưng ngành xây dựng thường quần áo rất nhanh cũ và hỏng nên anh lại phải tự bỏ tiền ra mua quần áo, giày lao động. Những người dân Việt Nam sang Đài Loan xuất khẩu lao động không những phải đối mặt với những công việc khổ sở và nguy hiểm mà còn bị bắt trả nhiều loại hóa đơn, chi phí.

Cùng hoàn cảnh đó, anh Thiệp chia sẻ: "Tháng đầu tiên, vừa làm vừa tăng ca thì được hơn 18 triệu. Nhưng sang tháng thứ 2, nhiều chi phí phát sinh như chi phí môi giới hơn 1 triệu, tiền khám sức khỏe 6 triệu, tiền vay nặng lãi…"

"Ngày đi, tôi vay 34 triệu ở công ty môi giới Việt Nam, họ cắt trực tiếp 2 triệu nên tôi chỉ còn 32 triệu. Mỗi tháng tôi phải trả 5 triệu, phải trả cả lãi lẫn gốc trong vòng 10 tháng. Từ 34 triệu đến khi trả xong cả lãi lẫn gốc là gần 60 triệu. Tính ra phải lãi 7 phẩy, 8 phẩy (tương đương 6,2- 7,2%/năm). Lãi suất vay tiền của công ty môi giới thật là kinh khủng, ngang với tín dụng đen. Nó chèn ép con người đến mức đáng sợ", anh Thiệp bức xúc.

Nếu ai đã từng sang nước ngoài hay có người thân đi xuất khẩu chắc cũng biết được khi ốm đau, bệnh tật vất vả đến thế nào. Vì không có hiệu thuốc hay các phòng khám tư như Việt Nam, dù có bị hắt hơi sổ mũi gì cũng phải vào bệnh viện. Lúc đó, một khoản chi phí khá lớn lại đội lên đầu.

Với trường hợp của anh L. (Hà Tĩnh) đi Angola, một đất nước có trình độ dân số thấp, pháp luật hạn chế, thì ấn tượng của anh về "miền đất hứa" phần nhiều vẫn là những đêm bị cướp đến ám ảnh. Anh L. kể: "Chúng tôi đang nằm ngủ thì nhóm người da đen ập đến, tay cầm súng, thế là bao nhiêu tiền của lại ra đi. Người Việt sang đây chết oan cũng không ít đâu. Chỉ biết, mất của mà giữ được mạng sống là quá may mắn. Chưa hết, ác mộng lớn nhất của người Việt tại Angola có lẽ là sốt rét. Chúng tôi bị sốt rét như ở nhà bị cảm ấy. Bị nhiều quá nên anh em cũng tự học cách bắt ven, tiêm truyền dịch cho nhanh lành, nhanh khỏe".

Trong hành trình gian nan, vất vả, khổ sở và nguy hiểm, những số phận đã thức tỉnh sau một "giấc mơ" dài. Có người kiên trì đến những ngày cuối cùng, nhưng cũng có những người gục ngã để rồi họ tự tìm cho mình một lối thoát sau cùng. Quy luật là vậy, tức nước vỡ bờ, khổ quá người ta chán, mệt quá người ta bỏ. Ở đó có những cuộc vượt ngục mà cái chết chỉ cách con người trong gang tấc.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 6.

Người lao động xuất khẩu, khi đã vỡ mộng thì thân cũng chẳng được yên. Sau khi chấp nhận liều mình trốn ra ngoài làm lao động bất hợp pháp, có lẽ không ngày nào những con người khốn khổ này có được một giấc ngủ ngon. Song hành cùng nỗi lo chắt chiu từng miếng cơm manh áo nơi đất khách, họ còn nơm nớp một nỗi lo sợ bị bắt vì lao động trái phép. Người may mắn thì lao động chui trót lọt, kẻ khổ hạnh thì trải qua đủ mọi tủi hờn của mùi vị nhà tù đất khách.

Dù đã 5 năm trôi qua nhưng khi ngồi lại kể cho chúng tôi nghe toàn bộ câu chuyện bị tạm giam để điều tra tại Nhật Bản, anh Trương Ngọc Quang vẫn không thể giấu nổi vẻ xót xa trên gương mặt. Anh Quang nói, đã cùng mang kiếp lao động xuất khẩu ở Nhật, ai cũng đặt tiền lên trên hết. Cứ việc gì kiếm được nhiều tiền thì người ta làm, bất chấp cả tình người.

Ở Nhật Bản có quy định người nào tố giác lao động bất hợp pháp sẽ được hưởng mức hoa hồng mấy chục triệu đồng. Anh bảo có nhiều người chỉ trực chờ cơ hội để tố giác những lao động bất hợp pháp như anh. Vậy nên để tránh bị ngay chính người làm cùng phát hiện, từ khi ra ngoài làm chui, cứ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng là Quang lại phải đổi việc. Mỗi lần như vậy lại là một cuộc chạy trốn với riêng anh. Hàng tá những thứ phải lo cho một cuộc sống mới. Nào là chi phí môi giới, thời gian tìm nhà ở, tiền tàu xe đi lại…

Người Việt lao động chui ở nước ngoài bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện

Có những lúc đang làm việc, công an đến mà có người báo trước, anh liền nhanh chóng bỏ việc chạy lên rừng trốn. Suốt khoảng thời gian mệt mỏi đó, điều khiến anh nghĩ đến nhiều nhất là gia đình. Có những lúc muốn buông xuôi, hình ảnh bố mẹ và mơ ước về ngày đoàn tụ lại hiện lên trong đầu anh. Quang xốc lại tinh thần, tiếp tục hành trình chưa biết trước ngày mai.

May mắn đã không mỉm cười với anh, trong một lần ra ga tàu anh bị cảnh sát hỏi giấy tờ và phát hiện đó là giấy tờ giả. Anh Quang đã bị cảnh sát bắt. Trên chiếc xe bị áp giải về nhà tạm giam, anh vẫn bàng hoàng không tin vào điều đang xảy ra. Mãi đến khi anh đứng sau song sắt lạnh lẽo – thứ cách biệt rõ rệt nhất với thế giới bên ngoài, anh mới cảm thấy một nỗi nghẹn ứ nới cổ họng. 

"Tôi phải ở đây bao lâu?" là câu nói anh dùng hết sự tỉnh táo của mình để hỏi. Và câu trả lời anh nhận lại được không thể mông lung hơn: "Anh bị tạm giam ở đây cho đến khi hết thời gian điều tra". Thời gian đó kéo dài tới 4 tháng, quãng thời gian đủ để một người vốn đang được tự do cảm nhận hết những tủi cực ở nhà giam lạnh lẽo.

Hít một hơi dài, nét mặt Quang như trầm lại: "Đêm đầu tiên ở trại tạm giam, tôi đã thức trắng". Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu làm việc ở Nhật, anh không hề có cảm giác thèm ngủ. Trong đầu anh lúc đó là bao nhiêu suy nghĩ đan xen, tâm trạng rối bời. Ngồi co một góc trân trân nhìn bốn bức tường lạnh lẽo, anh tự hỏi tại sao anh lại phải trải qua sự thật kinh khủng này. Những tưởng rằng sang Nhật Bản để đổi đời, vậy mà điều anh phải đối mặt là sự cô đơn tủi phận ở nhà tù của một đất nước khác. Cũng là lần đầu tiên anh thấy đêm ở Nhật Bản thật sự dài và lạnh đến vậy. Không phải gồng mình đến chai sạn chân tay, nhưng đó là kí ức ám ảnh nhất về Nhật Bản trong anh.

Trong 4 tháng tạm giam, anh Quang bị chuyển đến 2, 3 nơi khác nhau, chuyển cục điều tra liên tục. Bạn tù của anh khi đó có cả tội phạm tội giết người. Anh vốn đã thu mình lại càng thu mình hơn. Căn phòng giam vốn đã yên tĩnh nay lại càng tĩnh mịch hơn đến nỗi khó nghe thấy rõ những tiếng thở dài. Đến lúc bị khởi tố ra tòa, anh phải chuyển vào một phòng rất bé và lạnh, ở một mình. Căn phòng tối thui, không được bật đèn. Một mình trong phòng lạnh cô đơn, không có người trút nỗi tâm sự, anh cảm thấy nhớ nhà. Mắt anh rơm rớm khi nhớ lại thời gian ấy, điều anh lo lắng nhất vẫn là tin tức với gia đình. Anh sợ bố mẹ lo lắng khi biết rằng anh bị tạm giam.

Anh luôn tự viết sẵn những bức thư tay bằng tiếng Nhật, chờ cơ hội gửi ra bên ngoài. Cách liên lạc duy nhất của anh với mọi người là gửi thư bằng tiếng Nhật cho bạn nhờ họ nhắn về cho bố mẹ. Mỗi lần gửi đi một lá thư, những ngày sau đó anh đều mang tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Anh đếm từng ngày để đến thời gian gặp bạn bè để nắm bắt tình hình. Nhận được tin bố mẹ đã biết chuyện và ít lo lắng hơn, anh thấy yên tâm hơn.

Trong số những người lao động trốn ra ngoài, không phải ai cũng được may mắn như anh Thuận, tìm được một công việc phù hợp, ông chủ tốt, không bị công an phát hiện. Với anh Thuận: "Từ khi ra ngoài làm công việc bất hợp pháp, tôi lại cảm thấy thoải mái hơn vì được ông, bà chủ tốt bụng giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần".

Trước đó, khi sang Đài Loan lần đầu, vì công việc không phù hợp, anh Thuận đã xin công ty môi giới bên Đài để quay về nước và đợi đơn hàng khác với hy vọng tốt hơn. Bên công ty cũng đã đồng ý, hứa hẹn sẽ tìm công việc có tăng ca và sau 1 tháng, anh Thuận sẽ được quay trở lại.

Đúng như lời hứa hẹn, vào đầu tháng 12, anh Thuận nhận được tin quay trở lại Đài Loan để tiếp tục làm việc sau 1 tháng nghỉ ngơi. Nhưng lần này, anh phải mất thêm 1.000 USD cho công ty môi giới mới để có công việc mới ở công ty khác. Không còn cách khác, gia đình anh đành phải bán nốt con trâu duy nhất của nhà để cho anh có công việc ổn định và thu nhập tốt hơn.

Ngày quay trở lại Đài Loan, anh Thuận không nghĩ mình lại không có duyên với nước bạn. Ngay hôm đầu tiên đến công ty, anh đã nhìn ra có 4 người Việt Nam đang làm ở đây. Một công ty sản xuất bột đá đầy bụi bặm, ô nhiễm môi trường với nguy cơ hủy hại sức khỏe lớn. Độc hại là thế, vậy mà công ty không trang bị cho công nhân những vật bảo hộ như găng tay, khẩu trang, ủng, mũ,… mà tất cả đồ bảo hộ đều là do công nhân tự trang bị. Ngay tối hôm đầu tiên quay trở lại, trong căn phòng nhỏ trong thùng xe container lụp xụp chỉ có một ít đồ dùng và giường, anh Thuận cùng 4 anh bạn người Việt trong công ty ngồi ăn cơm với nhau. Ai cũng lắc đầu chán nản vì tăng ca cũng ít, kể cả những người giỏi giao tiếp tiếng Trung cũng chỉ thỉnh thoảng được tăng ca một ngày hai tiếng.

Thời gian trôi qua, anh Thuận đã chịu đựng vất vả, độc hại với công việc trong vòng 1 năm rưỡi. Trong thời gian đó, anh cố gắng tiết kiệm, dành dụm mỗi tháng được hơn 8 triệu đồng gửi về cho gia đình trả nợ. Nhưng với lương tháng được ít như vậy, công việc lại rất độc hại, không biết anh sẽ trụ được đến bao giờ. Trong khi, đã có rất nhiều nạn nhân bị nhiễm độc, tai nạn lao động, thậm chí là mất cả tính mạng.

Khi chúng tôi hỏi về lý do biết độc hại và lương thấp như vậy mà sao anh không về nước để làm thì anh Thuận chỉ mỉm cười và đáp: "Không lẽ mình sang đến lần 2 rồi mà vẫn phải quay về thì không thể đối diện với người khác được. Hơn cả là sợ bố mẹ ở nhà lại lo lắng hơn, nên tôi đành chịu khó, chịu khổ ở lại làm việc."

Mỗi tháng anh Thuận mua hết 200.000 - 300.000 đồng tiền điện thoại để gọi về cho gia đình. Nhưng những khó khăn, vất vả của anh, anh luôn giữ kín trong lòng. Anh luôn nói với bố mẹ những điều tốt đẹp diễn ra hằng ngày và mong bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe.

Anh nghĩ đã đến lúc anh cần giải thoát công việc độc hại này và phải kiếm được nhiều tiền hơn để trả nợ cho bố mẹ. Trong một buổi tối, khi mọi người đã say giấc, anh quyết định trèo tường trốn ra ngoài. Bức tường cao hơn anh khá nhiều, anh phải lấy đà từ xa để nhảy và bám lên mặt tường. Trong cơn sợ hãi sẽ bị bắt, nhưng với lòng quyết tâm phải ra ngoài bằng được, anh đã trốn thoát khỏi công ty sau vài tiếng đồng hồ.

Để tránh bị phát hiện và nhanh chóng chạy khỏi công ty, anh đã không mang theo đồ dùng cá nhân nào bên người. Ngày hôm sau, anh phải liên hệ với bạn cùng phòng trọ giúp anh mang đồ ra ngoài.

Trước khi trốn ra ngoài, anh đã liên hệ trước với một chị bán đồ cho người Việt vì nhiều lần mua đồ, anh kể về hoàn cảnh của mình nên chị đã hiểu, thông cảm và giúp đỡ anh tìm công việc mới bên ngoài mà không cần qua môi giới.

Không như những người Việt khác ngày ngày lo lắng bị công an bắt khi phát hiện làm công việc bất hợp pháp hay khi ốm đau không thể mua thuốc, đi khám. Anh thuận may mắn được chị bán hàng người Việt giới thiệu cho vào làm ở một trang trại nuôi hải sản, cách xa khu dân cư cho nên rất an toàn. Không chỉ vậy, may mắn bây giờ mới đến với anh, anh làm việc chăm chỉ, thật thà nên chỉ sau 1 năm làm việc, anh đã được ông bà chủ tin tưởng, quý mến giao cho quản lý 2 trang trại và 4 người công nhân ở đấy.

Sau một thời gian khá dài, anh mới nói cho bố mẹ biết rằng, anh đã trốn ra ngoài và làm công việc chui. Gia đình anh lo sợ vì có thể một ngày anh bị công an bắt vì lao động hợp pháp. Nhưng sau khi giải thích và nói về chỗ ở, chỗ làm, ông bà chủ của mình thì gia đình anh đã yên tâm hơn.

Mặc dù không được ra bên ngoài nhưng anh Thuận vẫn rất vui khi được làm công việc này và ở trong trang trại. Mỗi khi ốm, đau, vẫn được ông bà chủ mua thuốc giúp và chăm sóc tận tình. Với mức thu nhập cao hơn gấp 2, 3 lần ở công ty cũ, anh đã có thể gửi về cho bố mẹ đủ trả nợ và chi tiêu.

Trong tất cả các cuộc chạy trốn thì có lẽ cuộc chạy trốn của anh L. là ly kỳ hơn cả. Vì cuộc sống tại Rumani khiến anh không thể trả hết nợ nần nên anh đành thực hiện một cuộc vượt biên trái phép để tìm kiếm vận may sang Đức. Vì theo luật nếu muốn xuất khẩu tại Đức thì anh phải chồng đến hơn một tỷ đồng. Còn nếu vượt biên trái phép có người bảo lãnh thì chỉ mất hơn 200 triệu. Thế là người đàn ông nhỏ bé cùng với máu liều của kẻ cùng đường đã thực hiện cuộc vượt biên đầy kinh hoàng. Sang đến biên giới, đúng như dự đoán anh bị bắt, được người thân bảo lãnh. Thế nhưng, đã 4 tháng từ cuộc chạy trốn đó anh vẫn chưa thể kiếm được một công việc ổn định. Vì, tại Đức, muốn được tuyển tại các công ty thì phải có giấy tờ hợp pháp. Và nợ lại chồng thêm nợ. Nghèo lại hoàn nghèo hơn, giấc mơ vẫn là mơ ước.

Đời người lao động là thế, họ chẳng có quyền quyết định gì, may rủi là yếu tố kiên quyết để có thể chiến thắng ván bài mà chính họ đánh cược. Nhưng trên hết, họ vẫn là những người may mắn. Bởi trong những cuộc chạy trốn giấc mơ của chính mình, họ còn bảo toàn được tính mạng. Rất nhiều những người Việt khác, trên hành trình chạy trốn đôi lúc đã bỏ mạng vì xe cán, ngã tường rào hay cũng có thể vì bệnh tật khi chẳng thể chữa trị.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 8.

Dù ra đi với bất kì lý do nào, những người lao động xuất khẩu tại nước ngoài luôn hướng tới một tương lai tươi sáng hơn từ số tiền kiếm được nhờ thành quả lao động của mình, và hơn cả vẫn là ngày trở về trong vòng tay mong mỏi, thân thương của gia đình và bạn bè.

Con đường trở về nước sau khi xuất khẩu lao động hẳn cũng không hoàn toàn bằng phẳng với tất cả mọi người. Đối với trường hợp của anh Trương Ngọc Quang, khoảng thời gian đầy ám ảnh trong phòng giam tại Nhật Bản trước khi về nước có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí anh.

Anh kể, anh nhớ lắm bữa cơm gia đình sum vầy, nhớ lắm sự quan tâm ân cần, ấm áp của cha mẹ anh mệt mỏi, chán chường.

Kết thúc 4 tháng tạm giam, anh Quang được phán vô tội và được cấp phép trở về nước sau 5 năm lưu lạc nơi xứ người. Ngồi trên máy bay, tay anh vẫn còn run run vì không nghĩ mình vẫn còn ngày trở về Việt Nam, trở về với cha mẹ. Mấy tiếng đồng hồ trên máy bay đối với anh sao mà dài quá đỗi, anh càng mong thời gian trôi nhanh thì dường như mỗi giây phút càng trôi qua chậm hơn.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 9.

Trở về sau 4 tháng tạm giam nơi xứ người, anh Trương Ngọc Quang bật khóc khi gặp lại người thân.

Để đến khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, anh vẫn còn cảm giác lâng lâng không tin nổi đây là sự thật. Dáo dác tìm trong đám đông đang chờ người thân tại sảnh sân bay, anh nhận ra 2 bóng dáng gầy yếu và nhỏ nhắn của bố mẹ mình. 5 năm trôi qua, bố mẹ anh già và gầy đi nhiều quá, đôi mắt ông bà thoáng qua còn đỏ hoe và mỏi mệt vì thương nhớ cậu con trai lưu lạc nơi xứ người.

Nhìn thấy bố mẹ tới sân bay ra đón mình, anh Quang không cách nào ngăn nổi những những giọt nước mắt chua xót cứ thế tuôn trào. Giọt nước mắt đắng cay vì chứng kiến cha mẹ ngày một già đi, giọt nước mắt hạnh phúc vì đã được trở về với quê hương mà mấy chục năm qua đã gắn bó, quen thuộc.

Ngày trở về của anh Quang tràn ngập trong những giọt nước mắt của đủ mọi cung bậc cảm xúc, nhưng anh vẫn cảm thấy mình may mắn vì đã có thể trở về. Anh bảo đối với anh ở Việt Nam vẫn là sướng nhất, được gần gia đình, tự do tự tại, cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều.

Cay đắng chẳng kém hoàn cảnh của anh Quang là số phận của anh Mai Văn Thiệp sau khi bị hủy hợp đồng và phải trở về nước với một khoản nợ không hề nhỏ. Anh chia sẻ: "Đi Đài Loan với hi vọng tích cóp được một số vốn để về nước làm ăn, nay vốn chẳng thấy đâu, lại phải gánh một đống nợ hủy hợp đồng. Nghèo lại hoàn nghèo". Người ta đón chồng đi Tây trở về thì hào nhoáng lắm, nhưng những người vợ của những người đi xuất khẩu lao động đón chồng về chắc có lẽ cũng chỉ có thể ngậm cay đắng vào trong. 

Chị Lê Thị Thủy, vợ anh Thiệp tâm sự: "117 triệu là số tiền vay lãi để cho chồng tôi đi xuất khẩu lao động và tiền ăn, tiền học, tiền hộ chiếu. Số tiền ấy đã chả lấy lại được tí nào đâu. Lãi suất mỗi tháng phải trả là gấp 1,5 lần. Bên cạnh đó, hai con tôi còn nhỏ nên khá là tốn kém. Tôi bán online mĩ phẩm cũng chỉ được ít. Thế là nghèo lại hoàn nghèo hơn".

Số phận thật khéo trêu ngươi, khi người lao động chính của gia đình là anh Thiệp lại gặp phải tai nạn: "Hai tháng trước thì chồng tôi bị tai nạn xe máy. Đầu thì bị va đập chảy hết máu tai, máu mũi. May mắn chỉ bị ảnh hưởng bên ngoài vỏ não. Lúc ấy kinh tế của nhà tôi thật sự lao đao", chị Thủy vừa nói vừa chỉ vào vết thâm vẫn còn trên thái dương bên trái của anh Thiệp.

Lau vội đi vài giọt nước đọng nơi khóe mắt, anh Thiệp tâm sự: "Bây giờ tôi quay lại làm nghề mộc và cố gắng trả dần hết nợ để ổn định kinh tế gia đình. Chỉ mong mau chóng trả hết nợ, còn nợ là còn cơ cực, khổ hạnh. Biết đi xuất khẩu lao động không như mình tưởng lúc bạn đầu thì cứ ở nhà chăm chỉ làm ăn sẽ no bụng, ấm thân, không đến nỗi phải đày đọa nơi xứ người".

Trốn đi làm thêm hẳn là một chuyện không quá hiếm lạ trong cộng đồng những người đi xuất khẩu lao động. Vì đồng lương không đủ chi trả cho những hóa đơn đắt đỏ hoặc là vì muốn gửi thêm tiền về cho người thân mà họ chấp nhận mạo hiểm bị bắt giữ, có khi là bị trục xuất khỏi đất nước đang di trú.

Sau 3 năm làm việc chính thức cũng như đi làm thêm bất hợp pháp tại Đài Loan, anh Thuận đã quyết định đi đầu thú về hành động làm thêm bất hợp pháp của mình để cầu xin sự khoan hồng từ pháp luật. Nhờ quyết định đúng đắn này của mình, mọi giấy tờ cũng như thủ tục xuất cảnh của anh Thuận đã được xử lý hết sức nhanh chóng và an toàn.

Với số tiền tích cóp được, anh Thuận đã trả được hết số nợ đi xuất khẩu lao động, đồng thời để ra được một số tiền nho nhỏ lấy vốn làm ăn. Ngày bước xuống khỏi máy bay, gặp lại bạn bè, người thân, anh Thuận cũng chẳng kiềm được những giọt nước mắt hạnh phúc, vui sướng.

Sau khi trở về nước, hiện tại, anh đang làm kinh doanh bất động sản tại Bắc Ninh với mức lương thu nhập ổn định.

Trở về sau khi hết hạn hợp đồng, là một trường hợp may mắn khác, chị Thùy và chồng hiện tại của mình - anh Nguyễn Văn Hiển đã quyết định đi tới hôn nhân. Anh Hiển vốn là đồng nghiệp của chị Thùy khi còn làm việc tại Đài Loan, hoàn cảnh khó khăn, sự thông cảm, sẻ chia của những người cùng hoàn cảnh nơi đất khách quê người đã khiến hai người xích lại gần nhau hơn.

Chị Thùy kể, sau khi đi rửa bát thuê trở về kí túc xá, tay chị bị phồng rộp và bong tróc rất nhiều. Anh Hiển lo lắng lắm, thường xuyên mắng chị tham công tiếc việc. Miệng thì mắng đấy nhưng tay anh thì vẫn nhẹ nhàng bôi thuốc cho chị bớt đau. Sự quan tâm ấm áp của anh đối với chị Thùy còn quý giá hơn cả tiền bạc hay vật chất tầm thường. Anh chị đến với nhau một cách chậm rãi, bền chặt, không vụ lợi. Tình cảm họ dành cho nhau không chỉ là tình yêu, đó còn là tình thương, sự thấu hiểu, gắn bó, chẳng thể tách rời.

Cuộc sống tân hôn kết thúc, hai anh chị lại phải lao vào vòng xoáy mưu sinh gian truân, vất vả. Thời gian đầu, chị làm công việc bán hàng ăn ở chợ, anh thì đi lái máy xúc thuê cho một công ty tư nhân. Thu nhập tuy chẳng dư dả gì nhiều nhưng vợ chồng chị vẫn luôn bảo ban, khuyên nhủ nhau làm ăn, tin về một ngày mai khấm khá hơn. Vận may thực sự đã đến với chị, người quen giới thiệu chị cho một công việc phiên dịch tại xưởng sản xuất do người Trung Quốc làm chủ. Với vốn tiếng Trung tích lũy được trong thời gian đi làm thêm, chị đã chính thức nhận được công việc này. Thu nhập của phiên dịch cao hơn nhiều so với việc buôn bán ở chợ, công việc cũng nhàn hạ, bớt vất vả hơn.

Đời sống gia đình chị Thùy được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, anh chị đã có hai con (một trai, một gái). Hai con là động lực thúc đẩy anh chị tu chí làm ăn, để cho các con có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc hơn. Chị Thùy chia sẻ, có hai lần rơi nước mắt đáng nhớ trong đời. Đó là khi kết hôn với người đàn ông đã cùng chị trải qua bao biến cố nơi đất khách quê người và khi hạ sinh đứa con của anh chị.

Với chị Thùy, hạnh phúc sau những tháng ngày bươn chải ở xứ lạ chẳng phải tiền bạc chất đầy nhà hay có được quyền lực cao sang. Hạnh phúc chỉ đơn giản là được ở bên những người mình yêu thương, sống một đời bình an, hạnh phúc.

Phía sau những đồng đô-la trắng - Ảnh 11.

Mỗi nhân vật xuất hiện trong "Đằng sau những đồng Đôla trắng" đều mang trong mình những câu chuyện riêng về ngày trở về. Dù ngày trở về của họ là những giọt nước mắt đắng cay hay những những giọt nước mắt của hạnh phúc thì được trở về quê hương sau bao tháng ngày xa cách vẫn luôn là một niềm may mắn của họ.

Guồng quay cuộc sống vẫn cứ vô tình dịch chuyển mà không chờ đợi riêng ai, dù trở về trong tâm thế nào đi chăng nữa, những nhân vật của chúng tôi vẫn đang không ngừng cố gắng hàng ngày, hàng giờ để mưu sinh. Những khó khăn, vấp ngã ấy có thể làm họ chùn bước, nhưng chẳng thể dập tắt đi của họ tương lai về một ngày mai tươi sáng hơn.

Trong cuộc sống hiện tại, những người lao động đang vật lộn để hòa nhập. Hòa nhập lại với chính cuộc sống vốn có của mình, để thoát khỏi hào nhoáng của một người đi xuất khẩu lao động trở về. Anh Thiệp vẫn đang hì hục trong xưởng gỗ để lo số tiền lãi lớn; chị Thùy, anh Huy cũng đang cật lực cho những công việc của chính mình ở quê nhà.

Vì mong muốn, khát vọng đó họ đã có những ngày thức trắng đêm, những lần đánh cược mạng sống, đánh đổi tự do... nhưng rồi rất nhiều người trong số họ đã trở về với con số không tròn trĩnh, khoảng trống, khoảng trắng không thể vùi lấp. Những đồng đô la nhuốm màu khát vọng cũng biến thành màu trắng hư ảo, tan biến trong chuỗi hành trình với mong muốn đổi đời.

Những người ôm giấc mơ đổi đời nơi những miền đất hứa, dù vẻ vang hay tủi nhục, dù thành công hay nợ nần, dù hạnh phúc hay ốm đau, nhưng họ đã tự kể ra câu chuyện của mình. Câu chuyện xoay quanh những tờ đô la màu "TRẮNG"!

Nguyễn Huy Hoàng                                            
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ký ức người lính lái xe chở tướng Nguyễn Quốc Thước tiến vào Dinh Độc Lập

Ký ức người lính lái xe chở tướng Nguyễn Quốc Thước tiến vào Dinh Độc Lập

Xã hội - 1 giờ trước

"Khi súng ngừng bắn ở Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975, tôi biết cũng là lúc quân ta toàn thắng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất", ông Nguyễn Bá Mẽ nghẹn ngào nhớ lại.

Mối tình đôi bờ vĩ tuyến và đám cưới đặc biệt qua cây cầu 'thống nhất'

Mối tình đôi bờ vĩ tuyến và đám cưới đặc biệt qua cây cầu 'thống nhất'

Xã hội - 1 giờ trước

Mỗi lần kể về chuyện tình của mình, ông Nghi và bà Hoa lại rưng rưng nước mắt, bởi họ là những người đầu tiên làm lễ rước dâu qua cầu Hiền Lương lịch sử, sau ngày hòa bình lặp lại.

Người phụ nữ bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng đã trình diện Công an

Người phụ nữ bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng đã trình diện Công an

Xã hội - 1 giờ trước

Người phụ nữ bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng cho 2 nữ du khách nước ngoài đã đến trình diện Công an.

Giỏi ngành này có thể kiếm trên 60 triệu đồng/ tháng

Giỏi ngành này có thể kiếm trên 60 triệu đồng/ tháng

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhiều nước trên thế giới, lập trình Game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0, mang lại mức lương hấp dẫn hàng triệu người mơ ước.

Tin sáng 30/4: Tiết lộ 10 tỉnh thành có thu nhập bình quân cao nhất cả nước mới nhất; lý do không lưu ảnh CCCD trong điện thoại

Tin sáng 30/4: Tiết lộ 10 tỉnh thành có thu nhập bình quân cao nhất cả nước mới nhất; lý do không lưu ảnh CCCD trong điện thoại

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 cho thấy Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; tuyệt đối không lưu trữ trên điện thoại ảnh chụp CMTND/CCCD/hộ chiếu cá nhân, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng. Chỉ cài đặt các ứng dụng chính thức trên Appstore và CH Play... để tránh mất sạch tiền trong tài khoản.

Điểm danh những khu vực nắng nóng cao độ vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Điểm danh những khu vực nắng nóng cao độ vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Thời sự - 3 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, do chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía Tây nên dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhiều khu vực trên cả nước nắng nóng. Nhiều khu vực nắng nóng trên 40 độ C.

Hình ảnh vui nhộn gần trăm người dân ở Hải Dương đội nắng thi pháo đất cổ truyền

Hình ảnh vui nhộn gần trăm người dân ở Hải Dương đội nắng thi pháo đất cổ truyền

Xã hội - 11 giờ trước

GĐXH - Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng hàng nghìn người dân làng Đông Cao đủ mọi lứa tuổi đã đến xem, cổ vũ cho gần 100 pháo thủ khiến cho không khí nơi đây vui tươi như mở hội...

 Rủ nhau tắm sông, 2 trẻ nhỏ ở Quảng Ninh đuối nước

Rủ nhau tắm sông, 2 trẻ nhỏ ở Quảng Ninh đuối nước

Xã hội - 14 giờ trước

GĐXH - Một nhóm trẻ rủ nhau đi tắm sông tại khu vực chân cầu Hiệp Thành, (phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) không may 2 trẻ bị đuối nước thương tâm.

Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại

Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại

Pháp luật - 14 giờ trước

Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...

Gần 1 năm mở luồng, kênh đào 'Panama Nam Định' hiện ra sao?

Gần 1 năm mở luồng, kênh đào 'Panama Nam Định' hiện ra sao?

Đời sống - 14 giờ trước

GĐXH - Sau gần 1 năm mở luồng, kênh đào dài 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ ở địa phận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định mỗi ngày có hàng chục lượt tàu chở hàng, sà lan đi qua rút ngắn thời gian đi lại từ 8 tiếng xuống còn 20 - 30 phút.

Top