Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang

Thứ ba, 11:17 22/06/2021 | Y tế

GiadinhNet - Đợt dịch COVID-19 lần này tại nước ta cũng là lần thứ tư nhóm phóng viên của Báo Gia đình & Xã hội có mặt tại các “điểm nóng” để thực hiện những tin bài chân thực về tình hình dịch bệnh và truyền tải những nỗ lực ngày đêm lực lượng y bác sĩ đang trực chiến nơi tuyến đầu...

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 1.

Nhóm phóng viên Báo Gia đình & Xã hội chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: PV

Tất cả vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh

Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Bắc Giang trở thành điểm nóng, anh Xuân Thắng là phóng viên đầu tiên của Báo Gia đình & Xã hội cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế về địa phương này. Công việc hàng ngày của anh là bám sát Tổ điều tra, giám sát dịch tễ và Tổ xét nghiệm để kịp thời truyền tải thông tin về các phương án xây dựng, tổ chức, hướng dẫn cán bộ địa bàn thực hiện phòng, chống dịch.

"Ngay những ngày đầu tiên đến vùng dịch, tôi cảm phục sự hy sinh của các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Có chị điều dưỡng chăm chồng tàn tật, nuôi 2 con nhỏ vẫn nhận nhiệm vụ đi chống dịch. Có cặp vợ chồng đều là bác sĩ vừa cưới nhau cũng xung phong đến Bắc Giang chống dịch. Các kíp làm việc nhiều khi xuyên đêm, kéo dài hàng chục giờ đồng hồ. Rồi những bữa ăn vội, những giấc ngủ chập chờn. Đâu đâu cũng là những chất liệu sống động cho bài viết với mồ hôi, gian khổ và hy sinh của những "chiến sĩ áo trắng", phóng viên Xuân Thắng kể.

Anh Xuân Thắng chia sẻ, dù dịch bệnh, nhưng đời sống của người dân, công nhân nơi vùng dịch Bắc Giang cơ bản vẫn được bảo đảm. Từ những mớ rau, củ quả, tới các loại thực phẩm tươi sống đều được chính quyền, người dân cả nước ủng hộ. Các mặt hàng này được tập trung tại các đầu mối địa phương và phân phát lại cho người dân để đảm bảo giãn cách, an toàn phòng dịch. Người dân vùng dịch ấm lòng và an tâm hợp tác với lực lượng chức năng trong cuộc chiến dập dịch đang diễn ra căng thẳng từng ngày.

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 2.

Khoảnh khắc vui tươi của nhân viên y tế chống dịch mà phóng viên Đức Duy ghi lại trong quá trình tác nghiệp.

"Tại Bắc Giang, lực lượng chống dịch ở địa phương và các đơn vị chi viện yêu thương nhau, hỗ trợ nhau như người một nhà. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết dân tộc trong hoạn nạn. Tất cả vì một mục tiêu chung lớn lao, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ đó, Bắc Giang là địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến nhanh nhất nước, có Trung tâm CIU điều trị bệnh nhân nặng lớn nhất nước, có lực lượng y tế chi viện lớn nhất nước...", nam phóng viên chia sẻ.

Anh Xuân Thắng cũng cho biết, vất vả nhất vẫn là lực lượng y bác sĩ trong các khu cách ly. Họ phải chạy đua với thời gian, họ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm. Họ phải làm cả những công việc đơn giản nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm như vận chuyển rác thải từ trong khu cách ly ra ngoài …

Đối với phóng viên Xuân Thắng, đây là chuyến công tác dài ngày nhất kể từ khi theo nghiệp báo. Anh Thắng có 2 con nhỏ(bé gái 4 tuổi và bé trai 7 tháng tuổi). "Nhiều hôm đi tác nghiệp về muộn, gọi điện về nhà thì các con đã ngủ, tôi động viên vợ cố gắng, bao giờ Bắc Giang khống chế được dịch bệnh sẽ về nhà", anh tâm sự.

Phóng viên Xuân Thắng cho hay, dù tác nghiệp nơi tâm dịch nhiều khó khăn nhưng anh em phóng viên ai cũng cố gắng và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trong tháng 5 và tháng 6/2021 ở Bắc Giang, phóng viên Xuân Thắng đã thực hiện hàng trăm tin bài, chùm ảnh về cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Chia tay vợ mới cưới để vào tâm dịch

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 3.

Phóng viên Trần Đức Duy chuẩn bị máy quay để tác nghiệp tại khu cách ly ở Bắc Giang.

Tối 24/5, Đức Duy cùng vợ đang ăn tối kỷ niệm 2 tháng ngày cưới thì nhận được điện thoại của Tòa soạn cử "nằm vùng" tại tâm dịch Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên đi tác nghiệp dài ngày nên Duy có chút hồi hộp.

Sáng hôm sau, vợ Duy xin nghỉ làm để ở nhà chuẩn bị quần áo, khẩu trang, nước sát khuẩn cho chồng. Ban đầu dự kiến 15h chiều đoàn xuất phát, nhưng buổi trưa, khi Duy vừa cắt tóc xong, còn chưa kịp gội đầu thì cơ quan báo lên đường ngay. Vậy là anh vội qua nhà để lấy những vật dụng cần thiết. Khi ấy vợ Duy đã nấu xong cơm, nhưng anh cũng không kịp ăn, đành nói lời tạm biệt rồi lên xe cho kịp hành trình. Người vợ trẻ tiễn chồng ra tận cửa, bịn rịn không nói nên lời.

Thời điểm ấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính tăng nhanh nên Duy cùng các phóng viên vừa đến Bắc Giang đã nhanh chóng vào việc. Hôm đó là cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về các phương án dập dịch. Theo lời nam phóng viên, không khí cuộc họp khá "căng", anh phải "tốc ký" để không ghi sót các thông tin.

Cũng như các cán bộ tham gia chống dịch, Duy và các đồng nghiệp trong Tổ Truyền thông của Bộ Y tế luôn làm kín lịch. Tất cả đều chạy đua với thời gian. Duy kể, từ ngày về Bắc Giang, anh em phóng viên ở đây gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Sáng nào cũng đi, tối về dựng bài, xong xuôi thì cũng đến khuya mới được nghỉ. Tối chỉ cần tắt máy, đặt lưng xuống giường là ngủ luôn. Lúc nào cũng cảm giác thèm ngủ. Nhiều hôm, do cường độ công việc lớn, anh chị em ở đây quên mất hôm nay là thứ mấy.

Bản thân Đức Duy là một phóng viên trẻ nên những ngày đầu đối mặt với áp lực công việc lớn khiến anh rất căng thẳng. "Cũng may được lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang, Ban Biên tập báo và các anh chị trong đoàn động viên, hướng dẫn nên dần dần mình cũng quen với cường độ công việc cao, có thể đi tác nghiệp độc lập. Một số anh chị em trong cơ quan còn gửi cả đồ bảo hộ, khẩu trang và nước sát khuẩn lên tiếp tế khiến mình rất vui", Đức Duy tâm sự.

Tuần đầu tiên xa nhà, anh chỉ có thể tranh thủ gọi điện cho bố mẹ và vợ những lúc đêm đi làm về. Vợ Duy lần nào cũng khóc nên cuộc nói chuyện cũng chẳng thể kéo dài. Anh động viên vợ cố gắng và chia sẻ rằng ở đây điều kiện sinh hoạt rất tốt. Quá trình đi tác nghiệp được trang bị các dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn, được xét đầy đủ. Rồi anh chụp tờ giấy xét nghiệm âm tính gửi cho vợ, để cô an tâm.

Phóng viên Đức Duy kể về đợt đi cùng đoàn của Bộ Y tế kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch huyện Việt Yên, Bắc Giang. Đó là những ngày nắng gắt, các bàn lấy mẫu được bố trí ở những nơi có bóng râm nhưng ở ngoài trời nên cũng không mát hơn là mấy. Các nhân viên y tế lấy mẫu, đều là các bạn sinh viên từ các tỉnh đến hỗ trợ Bắc Giang. Giữa thời tiết oi bức, các bạn phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, nhưng không có ai than vãn nửa lời. Mỗi người lấy một túi đá để kẹp vào người cho đỡ nóng, đùa với nhau như đó là một "phát minh mang tính đột phá"…

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 4.

Bé trai 10 tuổi xúc động trong ngày được khỏi bệnh xuất viện. Mẹ em cũng dương tính với SARS-CoV-2 và vẫn đang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Giang.

Một lần, Đức Duy có dịp được đến khu nhà ở của đoàn công tác Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương ở tỉnh Bắc Giang chống dịch. Ở đó có rất nhiều sinh viên, hầu hết là nữ, đều còn rất trẻ. Thật sự cảm phục tinh thần của các bạn.

Ở tâm dịch, Duy được gặp rất nhiều đoàn y bác sĩ từ các tỉnh đến hỗ trợ Bắc Giang. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, nhưng đều chung một mục tiêu "vì Bắc Giang mà đến", nên tự nhiên ai cũng thành người quen.

Đức Duy chia sẻ, mặc dù khó khăn, vất vả nhưng được đồng hành cùng Bắc Giang chống dịch thật sự là vinh dự và ấn tượng khó quên trong đời. Những lúc mệt mỏi, chứng kiến sự vất vả của các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu thì lại cảm thấy mình vẫn chưa "thấm" vào đâu, nên lại có động lực để tiếp tục công việc.

Niềm vui không chỉ của bản thân Duy mà tất cả mọi người ở đây: Đó là khi nghe tin số ca mắc giảm, hay số bệnh nhân điều trị khỏi ra viện tăng lên; đó là những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát và dần bị đẩy lùi; đó cũng là tín hiệu của "ngày về đang đến gần"…

Nhiều lần phải kìm nước mắt khi phỏng vấn

Tâm sự của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 5.

PV Ngọc Mai phỏng vấn trưởng đoàn Bệnh viên Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí sau khi họ vừa đi lấy mẫu xét nghiệm từ cơ sở về.

Mở đầu câu chuyện, phóng viên Ngọc Mai bảo, hôm cơ quan lên danh sách cử phóng viên tham gia đoàn công tác tại vùng dịch Bắc Giang, chị đã xung phong lên đường. Ngọc Mai hiện là nữ phóng viên duy nhất của Báo Gia đình & Xã hội tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang. Chị cho biết, công việc hàng ngày của mình là đi cùng tổ công tác điều trị của Bộ phận Thường trực Bộ Y tế đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, hoặc các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19.

"Đi với đoàn hôm nào cũng từ sáng sớm đến đêm muộn mới về. Mình thường lấy điện thoại ghi âm những đoạn phỏng vấn nhanh, về nhà khách sẽ nghe lại và viết bài gửi về Tòa soạn. Nhiều đêm muộn, mắt díu lại, cơn buồn ngủ ập về nhưng vẫn phải cố viết xong bài để đưa thông tin đến bạn đọc nhanh nhất có thể", Ngọc Mai chia sẻ.

Theo nữ phóng viên, tại vùng dịch, những hình ảnh về sự tận tụy, hy sinh của các y bác sĩ luôn đọng lại trong chị mỗi đêm sau khi đã gập máy tính. Đó là đôi mắt thâm quầng, rơm rớm của một bác sĩ lúc chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân, hay hình ảnh chị điều dưỡng dỗ dành con qua màn hình điện thoại khi con khóc đòi mẹ...

Phóng viên Ngọc Mai kể, hôm Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bắc Giang chi viện, chị phải chờ rất lâu mới gặp được BS Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu. Qua câu chuyện, BS Linh cho biết, đợt dịch ở Đà Nẵng năm ngoái, những ca bệnh nặng đều cao tuổi và có bệnh nền, không có ca trẻ (bệnh nhân trẻ nhất cũng hơn 40 tuổi - PV). Đợt đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi, hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này tại Bắc Giang, chỉ mấy ngày sau chụp X-quang là thấy phổi trắng xóa. Bệnh nhân tử vong ở Bắc Giang quá trẻ, con mới 6 tuổi…

Theo BS Linh, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh, nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. Vì thế, đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, tích cực hơn hồi ở Đà Nẵng. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng tại Bắc Giang. BS Linh tự tin bảo rằng, Bắc Giang sẽ sớm dập được dịch cũng như cứu chữa cho những ca mắc COVID-19.

Ngày 31/5 tại Bệnh viện Dã chiến số 1, 29 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Bắc Giang được điều trị khỏi và ra viện. Trong số các bệnh nhân được xuất viện, có một bé trai rất đáng yêu, nhưng suốt cả buổi lễ xuất viện, thấy em ngơ ngác, lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Ngọc Mai đến hỏi thì em nhỏ bật khóc. Thì ra mẹ và em đều bị nhiễm SARS-COVI-2 và được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1, nhưng chỉ có em được ra viện, còn mẹ vẫn phải ở lại điều trị. Em không muốn xa mẹ nên khóc đòi ở lại. Câu chuyện ấy khiến những ai có mặt đều vô cùng thương cảm.

Hay như lần đi tác nghiệp tại khu công nghiệp, Ngọc Mai gặp một nữ bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Nói về gia đình, đôi mắt nữ bác sĩ đỏ hoe, chực trào nước mắt. Những cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang vất vả từ đầu đợt dịch thứ tư. Nhà cách 2km mà chị ấy đi ròng rã cả tháng chưa được về. "Lúc ấy em cũng nhớ nhà, muốn khóc theo chị ấy", Ngọc Mai kể.

Ngọc Mai tâm sự, do đi làm cả ngày, đêm về lại viết bài nên cũng không có nhiều thời gian nói chuyện với bố mẹ và người thân. Ngủ ít nên cảm giác lúc nào cũng thèm ngủ. Nhiều hôm lịch 7h xuất phát nhưng Ngọc Mai cố ngủ thêm 15 phút và chấp nhận bỏ bữa ăn sáng…

"Phóng viên chạy như ngựa ấy, đội nắng đi khắp nơi. Cuốn theo công việc nên nhiều khi không biết đến thời gian nữa. Có hôm đi từ sáng đến quá trưa, có người trong đoàn nhắc cuối tuần vẫn có lịch họp khẩn thì mới biết hôm đó là Chủ nhật. Ở vùng dịch, ai cũng tự nhủ phải cố gắng chứ chưa biết bao giờ mới về mà đếm ngược thời gian", Ngọc Mai chia sẻ.

Do chưa có gia đình nên mọi người trong đoàn hay đùa mục đích đưa Mai vào tổ điều trị để gặp các bác sĩ trẻ, có hy vọng "vừa chống dịch, vừa chống ế". "Thế nhưng lúc nào gặp các anh ấy cũng bơ phờ từ phòng bệnh ra, hoặc đang căng thẳng vì số lượng bệnh nhân. Công việc áp lực lắm nên mọi người chẳng có thời gian mà nghĩ đến việc riêng nữa", Ngọc Mai chia sẻ thêm.

Ghi chép của CAO TUÂN

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 1 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 1 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Y tế - 4 ngày trước

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Top