Thâm nhập cung đường buôn lậu nơi biên giới Việt - Trung (3): Chiêu thức lợi dụng chính sách miễn thuế để buôn lậu
GiadinhNet - Lợi dụng chính sách, cho cư dân vùng biên giới được miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng/người/ngày đối với hàng hóa mua bán, trao đổi… các đầu nậu đã thuê người dân địa phương bốc vác hàng thuê, sau đó thu gom lại để mang hàng vào nội địa tiêu thụ.
Mở đường mòn sau nhà dân, để tuồn hàng lậu
Chiều cuối năm 2015 Âm lịch, tại khu vực Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn), những đoàn xe máy chở hàng hóa phóng vun vút từ hướng Đồng Đăng lên và ngược lại. Nhiều tốp người đi bộ, khom lưng vác những bao tải lớn lầm lũi bước đi vào một ngõ nhỏ ở khu Dây thép, thị trấn Đồng Đăng rồi mất hút.
Thượng úy Đỗ Quang Huy, Phó trạm trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam cho biết: “Bất chấp lực lượng Hải quan và Bộ đội biên phòng tăng quân chốt chặn dọc biên giới, hàng lậu vẫn như “vòi bạch tuộc” theo nhiều cung đường và nhiều cách khác nhau để tràn vào Việt Nam. Các chủ hàng đa phần là người ở địa phương khác, chuyên chăn dắt đám cửu vạn là dân địa phương “cõng” hàng lậu qua biên giới rồi mang vào nội địa tiêu thụ”.
Được biết, hàng hóa buôn lậu qua biên giới chủ yếu là đồ điện, điện tử, quần áo, chăn màn, mỹ phẩm, giày dép. Ngoài ra còn có đồ chơi bạo lực, điện thoại di động, rượu, thuốc lá ngoại... và cả pháo nổ, tiền giả, ma túy. Do siêu lợi nhuận từ buôn hàng lậu nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, cánh vận chuyển hàng lậu đã chống đối quyết liệt.
Tại quốc lộ 1A từ TP Lạng Sơn lên biên giới hay dọc quốc lộ 4A (đoạn xuyên qua thị trấn Đồng Đăng) có hàng trăm chiếc xe Minsk, Dream, Wave... cùng rất nhiều ôtô “con cóc” 7 chỗ “cõng” hàng lậu chạy như “xé gió”. Hàng lậu sau khi ồ ạt vượt qua đường biên tại các khu vực cánh gà cửa khẩu sẽ được đưa về các kho tạm ở Đồng Đăng, Tân Thanh, các làng sát biên… rồi được gom lại đưa vào nội địa.
Theo quan sát của PV, có những đường mòn được dân buôn lậu mở ngay phía sau khu nhà dân. Dù dọc đường mòn 386 (gần Cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng), bên kia cột mốc là đất Trung Quốc đã lập hàng rào dây thép gai và nhiều chốt canh gác nhưng cánh buôn lậu vẫn chui qua.
Các chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam cũng cho hay, có những lúc phát hiện buôn lậu nhưng vì đó là người bản địa nên rất khó xử lý. Khi lực lượng chức năng giữ hàng thì cánh vận chuyển hàng lậu đã quay lại bao vây và gây sức ép. Đó là chưa kể, thấy lực lượng chức năng mỏng, những đối tượng buôn lậu sẽ vây quanh tạo áp lực và hò nhau lao vào giật lại hàng.
Kẽ hở từ chính sách miễn thuế
Dù các cấp, ngành đang quyết liệt chống buôn lậu, nhưng thủ đoạn lợi dụng cư dân biên giới vận chuyển hàng lậu vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, nhất là vào dịp cuối năm. Có mặt tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi chứng kiến rất đông người dân Việt Nam đi sang phía Trung Quốc vác hàng về bãi tập kết, rồi tiếp tục quay lại bên kia biên giới vác hàng về.
Tôi hỏi: “Buôn lậu ngay trước mặt, sao các anh không ngăn chặn?”. Một cán bộ Chi cục Hải quan Tân Thanh trả lời: “Đấy là những cư dân biên giới họ được nhà nước cho phép sang Trung Quốc mua hàng hóa mang về với trị giá tối đa 2 triệu đồng/người/ngày. Họ chỉ cần xuất trình giấy thông hành là hợp pháp”. Cũng tương tự, tại Cửa khẩu Cốc Nam, một số đông bộ phận cư dân biên giới đang là người vác hàng thuê về nội địa cho các chủ hàng lậu một cách công khai. Với chính sách nêu trên, cư dân biên giới đủ mọi lứa tuổi đã bị giới buôn lậu lợi dụng và biến họ trở thành “cửu vạn” khuân vác hàng lậu với giá rẻ, “tiếp tay” cho buôn lậu hoành hành.
Hoàng Văn Hương (28 tuổi, một người dân bản địa) kể với chúng tôi, do có người quen giới thiệu nên Hương theo các đầu nậu bốc vác hàng thuê từ Trung Quốc về Việt Nam. Mỗi ngày anh nhận số lượng hàng hóa trị giá khoảng 2 triệu đồng từ bãi tập kết, rồi vác qua biên giới để mang đến nhà chủ hàng. Mỗi lần như vậy anh được trả công 30.000 đồng. Vác hàng hóa trên vai nhưng anh không biết đó là hàng gì, chỉ biết nếu mất hàng thì phải đền tiền. Buổi tối, anh tranh thủ vác hàng thuê qua lối mòn giáp ranh biên giới để tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra. Với số lượng hàng hóa nặng 100kg, Hương được nhận số tiền 100.000 đồng/lần.
Theo tìm hiểu, sau vài ngày gom hàng, kho chứa đã chật, bấy giờ chủ hàng mới cho xe lên bốc để chở về xuôi. Thế nên, chiêu “lách luật” dễ dàng này đã được những “đầu nậu” sử dụng nhiều năm nay, khiến lực lượng chức năng dù biết mười mươi là hàng lậu biến tướng, nhưng cũng gặp khó trong việc xử lý.
Chính sách miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cư dân biên giới trao đổi tiêu thụ sản phẩm do chính mình sản xuất ra. Thế nhưng, chính sách đúng đắn này đã và đang bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng để trốn một khoản thuế không nhỏ. Bởi theo quy định này, trong một tháng, một cư dân biên giới có quyền qua Trung Quốc mua hàng hóa trị giá tới 60 triệu đồng mà không phải chịu thuế.
Vẫn khó ngăn hàng lậu
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, năm 2015 các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hơn 2.000 vụ hàng cấm, hàng lậu. Trong đó thu giữ 1,2 tấn pháo nổ, gần 8kg heroin, 21kg ma túy tổng hợp, hơn 300 triệu tiền giả, 7 khẩu súng, 61 viên đạn cùng rất nhiều hàng hóa lậu. Như vậy có thể thấy, tình hình chống buôn lậu qua biên giới Việt – Trung vẫn còn nhiều gian nan.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Ngụy Văn Cầu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn) thừa nhận những thông tin như báo chí đã phản ánh. “Chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều nên tình trạng buôn lậu hiện nay đã giảm. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng người dân dùng những lối tắt, đường mòn vận chuyển hàng qua biên giới. Chủ yếu họ bị các đầu nậu lôi kéo, thuê vác hàng nên khi xử lý họ bảo mua về dùng. Đây cũng là kẽ hở để các đầu nậu thuê người dân mang hàng qua cửa khẩu nhằm tránh thuế”.
“Trước đây, hàng tiêu dùng có thuế nhập khẩu lên đến 40-50% thì theo chính sách mới, từ năm 2016 sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, thậm chí với một số mặt hàng sẽ giảm thuế còn 0%. Như vậy, người buôn bán chỉ phải trả 10% thuế giá trị gia tăng. Nếu như mọi người hiểu rõ điều này thì có thể an tâm nhập khẩu hàng hóa bằng con đường chính ngạch chứ không phải đi buôn lậu nữa”, ông Cầu chia sẻ.
Còn theo Cục Hải quan Lạng Sơn, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiếp tay cho buôn lậu trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực. Tính riêng Cửa khẩu Cốc Nam, lượng hàng hóa buôn lậu đã giảm còn một phần ba. Theo lộ trình giảm thuế một số mặt hàng có mức thuế suất ưu đãi đặc biệt bằng 0%, vì vậy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma, Tân Thanh có dấu hiệu không tăng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Để khắc phục khó khăn này, nhiều cán bộ tại các Chi cục Hải quan kiến nghị, cơ quan chức năng trang bị máy soi container để rút ngắn thời gian kiểm tra hàng hóa, thông quan hàng hóa nhanh chóng, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Siết chặt quy định miễn thuế với cư dân biên giới
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới
Đáng chú ý, trong quyết định này, chính sách miễn thuế nhập khẩu cho cư dân vùng biên có thay đổi so với tại Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới được ban hành trước đó.
Nếu như quyết định trước đây, riêng hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày thì nay được quy định chặt hơn: “Cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành”.
Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 31 phút trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 32 phút trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 34 phút trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 1 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 1 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường
Thời sự - 2 giờ trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.
Tin sáng 22/11: Thông tin mới nhất vụ 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích ở Huế; 3 nữ sinh đánh gãy đốt sống cổ bạn cùng trường bị đình chỉ học
Xã hội - 2 giờ trướcGĐXH - Xe chở rác rơi xuống sông được trục vớt thành công. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vẫn chưa có kết quả; hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số học sinh liên quan tới vụ nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng, gãy đốt sống cổ.
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 2 giờ trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng
Thời sự - 13 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.
Tin tối 21/11: 3 người trong 1 gia đình rơi xuống vùng nước sâu may mắn được cứu sống; bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm ăn lẩu nhiều người yêu thích
Xã hội - 13 giờ trướcGĐXH - Cơ quan chức năng huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa kịp thời cứu một gia đình bị rơi xuống vùng nước ngập sâu; Tổng khối lượng thực phẩm bị bắt giữ là 982kg, tất cả số hàng hóa này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.